Turkmenistan, quốc gia vùng Trung Á, từng là một nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết trước đây. Từ khi trở thành quốc gia độc lập vào năm 1991, Turkmenistan chủ trương hạn chế người nước ngoài đến tham quan, du lịch. Đất nước giàu khí đốt này tồn tại và phát triển gần như khép kín với thế giới bên ngoài.
Nền kinh tế Turkmenistan chủ yếu dựa trên canh tác bông vải và khai thác, xuất khẩu khí đốt. Turkmenistan có trữ lượng khí đốt đứng hàng thứ tư trên thế giới. Người dân Turkmenistan chủ yếu theo đạo Hồi.
Giáo dục phổ thông được thực hiện theo hệ 9 năm và đại học - chỉ 2 năm. Turkmenistan chỉ cử sinh viên ra nước ngoài du học ở những lĩnh vực đặc biệt quan trọng, với số lượng rất hạn chế, và cũng không nhận đào tạo sinh viên nước ngoài.
Ashgabad, thủ đô của Turkmenistan, được đánh giá là một trong những thành phố đẹp và sạch nhất thế giới. |
Điểm đặc biệt dễ nhận thấy nhất là mặt ngoài của các tòa nhà và những công trình xây dựng khác đều được ốp bằng đá cẩm thạch trắng khiến thành phố luôn trắng sáng tinh khôi. Sách kỷ lục thế giới Guinness đã ghi nhận Ashgabad có đến 4,5 triệu mét vuông bề mặt đá cẩm thạch trắng. |
Một điểm đặc biệt nữa là thành phố có rất nhiều tượng đài được dát vàng rực rỡ, trong đó chủ yếu là tượng Saparmurat Niyazov, tổng thống đầu tiên của Turkmenistan (tại vị 1991-2006). |
Ở ngoại ô thành phố, trên địa hình đồi núi, tổng thống Niyazov đã cho xây dựng một con đường đi bộ bằng bê tông dài 36 km với lối đi là những bậc tam cấp, dành cho người dân thủ đô đi bộ thể dục hằng ngày. Con đường này được xây dựng hoàn tất năm 2000 và được đặt tên “Con đường sức khỏe”. Theo yêu cầu của tổng thống Niyazov, hôm khánh thành đường, toàn bộ thành viên chính phủ Turkmenistan phải tham gia chuyến đi bộ trên con đường này từ điểm xuất phát (ở vị trí thấp nhất) đến điểm cuối nằm trên đỉnh một ngọn núi khá cao. |
Ashgabad còn có một điểm nhấn khá đặc biệt là Cung hôn lễ, được xây dựng hoành tráng với một quảng trường thoáng đãng xung quanh. Người Turkmenistan rất coi trọng hôn nhân và chính quyền cũng mong muốn phát triển dân số, vì với diện tích rộng lớn (488.100 km2) nhưng Turkmenistan chỉ có 5,6 triệu dân, trong đó 1,1 triệu người sinh sống ở thủ đô Ashgabad. |
Nói đến Turkmenistan, không thể không nhắc tới “lối vào hỏa ngục” – theo cách gọi của người dân địa phương dành cho hố lửa Darvaza, hình thành từ năm 1971 sau một hoạt động khoan thăm dò dầu khí không thành công. Để đảm bảo an toàn môi trường, người ta quyết định đốt bỏ khí mêtan thoát lên từ lòng hố, với tính toán sẽ cháy hết sau vài ngày. Không ngờ, lửa vẫn cháy từ đó cho đến tận ngày nay và chưa biết đến khi nào mới hết.
|
Bá Thủy
Theo RT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét