Đồ ăn Maroc là cả một câu chuyện thú vị. Cũng vì sang đúng tháng Ramadan nên đến tận ngày thứ tư trên đất nước Maroc, chúng tôi cũng chưa được bữa cơm nào ngoài chén mỳ gói mang theo. Bí quá mới hỏi gã lái xe đi từ Casablanca xem anh ta có biết quán ăn nào dành cho khách du lịch mà lại bán đồ Maroc không. Anh ta bảo biết chứ và chở cả nhóm tới một nhà hàng nằm trong con hẻm nhỏ. Chiếc cầu thang hẹp dẫn lên một sảnh dài trải thảm đỏ, mái vòm, tranh tường, vách ốp đá hoa văn Maroc, rèm voan khiến tôi choáng ngợp.
Tôi tụt dép ra ngồi sẵn lên tấm thảm đỏ làm mẫu và bảo chắc chúng ta ngồi đây ăn, bên châu Phi họ ăn dưới đất thế này. Người phục vụ kêu lên rằng không, nhà ăn trong này, đây là... hành lang. Ôi Trời, hành lang mà như sảnh hoàng gia thế. Phòng khách đương nhiên còn lộng lẫy hơn nữa, với thảm dệt, kính màu, nệm thêu, đèn chùm và hoa văn trang trí. Cứ như chúng tôi là vua ấy. Mỗi tội nhà hàng này hình như có mỗi đoàn tôi là khách. Căn phòng hơi thiếu sáng theo cách sống của người Hồi và người Ấn, cả thiếu không khí nữa. Mùi bí bít của nó tố cáo rằng có lẽ cả tháng nay nhà bếp chưa nổi lửa. Chúng tôi ngồi ăn gần hai tiếng đồng hồ cũng không thấy khách vào. Giá trên thực đơn quả là cắt cổ, đắt gấp năm lần bên ngoài. Cứ như thể cái cung điện này được dựng lên chỉ để rình rập đám khách Việt ngơ ngác vậy. Đặc sản của nhà hàng chủ yếu là Couscous và Tajine, hai món ăn mà những hôm về sau chúng tôi sẽ nhìn thấy ở khắp mọi nơi, in như cơm và phở luôn là đi kèm vậy. Đến Maroc là phải ăn Couscous, đương nhiên là thế rồi, đó là món cơm hàng ngày của người Berber, kể từ năm 238 trước Công nguyên. Những nhà khảo cổ còn tìm thấy một nồi cơm nấu Couscous trong mộ phần của vua Massinissa, hoàng đế người Berber của vương quốc cổ Numidia. Không chỉ người Maroc mới ăn Couscous mà nhiều dân tộc châu Phi khác như Tunisia, Libya, Algeria, Ai Cập, các nước Trung Đông và châu Âu ven bờ Địa Trung Hải như Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp đều thích món này. Thoạt ăn ai cũng tưởng nó là cơm nhưng thực chất Couscous được làm từ bột mì semolina rồi tán nhỏ thành những viên khô li ti như gạo. Khi ăn người ta đồ nó lên rồi sắp vào một đĩa gỗ lớn, bên trên có các thức hầm như khoai tây, cà rốt, thịt cừu hoặc gà. Đây là một món không ngon, dù chẳng đến nỗi khó ăn. Các thành viên đoàn bắt đầu nhìn tôi bằng ánh mắt trách móc, rằng thì là ngon thế này, làm gì đến nỗi mà bắt họ phải è cổ khuân theo hàng vali gạo, mì và ruốc đi nửa vòng Trái đất. Tôi mỉm cười bí ẩn. Cứ chờ xem thế nào. Tôi đã thưởng thức Couscous chán chê trong những kỳ chiêu đãi ngoại giao của nhiều đại sứ quán có truyền thống ăn Couscous và ngấm lắm rồi.
Lát sau Tajine xuất hiện. Và những cái bụng đói meo xuýt xoa vì hương vị của nó. Một cái liễn đất đựng món thịt băm viên cừu, bò và gà bốc khói hầm trong nước sốt có nắp đậy như cái nón cũng bằng đất. Những viên thịt thơm nức mùi gừng, nghệ tây, quế, thì là Ai Cập và ớt bột cựa gà. Khoai tây và cà rốt tiếp tục được sử dụng cho món ăn phổ biến thứ hai này. Người ta đun Tajine bằng chiếc liễn đất này rồi ăn luôn với chính nó mà không cần bát đĩa. Tajine trong tiếng Ba Tư nghĩa là “cái nồi lớn”. Món ăn này cũng huyền thoại chẳng kém Couscous. Ai mà đọc “Nghìn lẻ một đêm”, những câu chuyện tận thế kỷ IX, thì sẽ thấy Tajine đã được nhắc đến long trọng. Những người du mục Bedouin và cư dân của bán đảo Ả rập ăn quanh năm món này. Và kể từ cái bữa Maroc đầu tiên đầy háo hức ấy, chúng tôi cũng tiếp tục trường kỳ Couscous và Tajine trong suốt những ngày còn lại. Đến độ những kẻ kém chịu đựng trong đoàn đã bắt đầu rên rỉ kể từ khi được “thưởng thức” món Couscous trộn thịt lạc đà hầm trên sa mạc: “Không Couscous, Tajine nữa đâu nhé”. Nhưng làm gì còn lựa chọn nào khác. Hoặc là mỳ tôm hoặc Couscous. Chọn đi nào. Couscous và Tajine chưa bao giờ được lọt vào top 50 món ăn ngon nhất thế giới cũng như bất cứ bình chọn nào, nhưng người Maroc đầy tự hào về chúng. Khi chúng tôi đi bộ dọc con phố cổ cạnh quảng trường El Fna, nhan nhản những gã cò mồi tay cầm thực đơn chào mời vào các nhà hàng dành cho khách du lịch:
- Mademoiselle, mời quý cô vào ăn Couscous và Tajine ạ.
Nói đoạn các chàng xòe thực đơn khoe tôi hình mấy liễn thịt hầm. Nghe đến Couscous, Tajine ai nấy đều sợ chết khiếp. “Thôi thôi, ăn rồi ăn rồi”.
Cho tới bữa cắm trại giữa sa mạc Sahara, chúng tôi vẫn phải thưởng thức Tajine. Bị đói meo đến tận 9 rưỡi tối, đến lúc hết chịu nổi vì món “mầm đá” thì một cậu chàng quần chùng áo dài có khuôn mặt xinh trai mới xách vào lều chiếc xô nhôm tráng men cũ kỹ, trong đựng một thứ súp đậu lõng bõng. Cậu ta múc vào từng bát cho khách. Thôi thì đói quá rồi, bất cứ thứ gì có thể dùng làm thực phẩm đều tốt. Chúng tôi ăn hết sạch bát súp trong một nốt nhạc, và trệu trạo nhai nốt miếng bánh mì. Bánh mì Maroc bèn bẹt và tròn xoe, to bằng chiếc đĩa tây lớn, người ta cắt nó ra làm bốn, nhưng nó không ròn, cũng chẳng mềm mà dai nhách. Cậu xinh trai đặt thêm cái bát tô to bằng cái chậu, trong đựng một hỗn hợp hổ lốn khoai tây, cà rốt và thịt chặt miếng to. Cũng là một loại Tajine. Xương của nó, vị của nó, thớ của nó không phải gà, không phải bò, cũng chẳng là lợn. Tôi hỏi cậu xinh trai là thịt con gì đây. Cậu ta ngơ ngác cười. Tôi bảo đằng đấy vẽ con vật ấy ra đây cũng được. Cậu ta vẫn không hiểu. Thôi cứ đoán đại là thịt lạc đà đi. Ở đây chắc chỉ có lạc đà mà ăn thôi. Thà cậu ta không hiểu câu hỏi cũng được, chứ nhỡ đâu lại vẽ ra một con gì đó khiến tôi ngất xỉu, mà đằng nào thì bữa cũng đã xong rồi. Thịt gì cũng đã nằm trọn trong bụng rồi. Đám Tây ngoài sân trại ăn luôn bữa tối dưới trăng sao, tiếng cười vang khắp cồn cát, khiến bóng đêm sa mạc trở nên vui mừng và rộn rã. Bữa ấy là sinh nhật tôi. Những người bạn đồng hành chúc mừng và đồng thanh hát bài “Happy birthday”, cả đám Tây bên cạnh nữa, thấy thế cũng vui vẻ Happy birthday theo rồi vỗ tay chúc mừng. Nhiều người cố gắng định nghĩa hạnh phúc là gì, và đưa ra những khái niệm rất cầu kỳ. Tôi định nghĩa hạnh phúc bằng một bữa tiệc thịt lạc đà với bánh mì dai nhách trong căn lều vàng quạch ánh điện chạy bằng máy phát, giữa những tiếng chúc mừng và chạm ly... trà bạc hà của những người bạn thân thiết và cả những người khác màu da chưa từng gặp trong đời ở góc lều bên cạnh, và cả từ “Tajine” luôn được nhắc đến mỗi khi chụp ảnh. Người Maroc thân thương với Tajine đến nỗi hễ lần nào tôi nhờ dân bản địa bấm giùm kiểu ảnh là họ nói:
- Cười lên nào, hãy nói “Tajine”.
Cái âm cuối của từ “Tajine” bình thường sẽ tự động khiến người ta kéo dài hai khóe miệng thành một nụ cười, nhưng chúng tôi cười như mếu. Hai tháng sau, đúng vào lễ kỷ niệm 18 năm ngày quốc vương Maroc lên ngai vàng (31.7.2017), đại sứ quán Maroc cũng chiêu đãi một bữa tiệc buffet cho khách mời. Couscous và Tajine tiếp tục xuất hiện đầy kiêu hãnh trong những chiếc nồi bọc bạc tuyệt đẹp của khách sạn Melia. Cả trà bạc hà nữa. Tôi mỉm cười, lúc ấy nhớ quá những ngày nắng chan hòa ở xứ sở rừng cọ. Món ăn, nhiều khi chẳng phải ngon hay không, mà nó là hồn cốt, là những khoảnh khắc tuyệt đẹp đọng lại trong ký ức mà mỗi khi nhón lại một một chút thịt hầm ngào thì là Ai Cập và nghệ tây, cả bầu trời đêm đầy sao trên sa mạc lại dội về, lộng gió, dịu dàng và kỳ vĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét