Pháo đài Oudayas của thủ đô Rabat (Maroc) không chỉ gối đầu lên Đại Tây Dương, nó còn nằm ngay bên cửa sông Bou Regreg, có lẽ là một vị trí chiến lược đắc địa từ thế kỷ XII, kể từ khi các Sultan ra lệnh đổ móng cho công trình quân sự này.
Đi theo lối khác vào pháo đài, qua những bậc thang dích dắc, sẽ bắt gặp một quán cà phê tuyệt vời. Cụm từ “Moorish Café” (Quán cà phê kiểu Maroc) được bắt gặp ở bất cứ đâu trong các chỉ dẫn du lịch về Maroc.
Nghĩa là người ta mặc định, đã đến Maroc là phải đi cà phê, bởi quán xá ở đây rất đặc biệt với những ghế băng hẹp kê sát tường, nệm ngồi luôn được dệt hoa văn rực rỡ. Quán cà phê Maroc trong khu vực pháo đài Oudayas có lẽ là nổi tiếng nhất nước vì nó có tầm nhìn ra sông Bou Regreg.
Quán nằm ngoài trời với những dãy ghế chạy dài trên hàng hiên đua ra mặt sông. Ghế không có nệm mà ốp đá, nhưng cũng là đá hoa văn, màu sắc chủ đạo là lam, tím than, nâu vàng và lục thẫm. Các hình chữ nhật li ti kết vào nhau thành một trang trí khổng lồ hoa mắt như kính vạn hoa.
Từ góc quán bên này đi sang góc bên kia, người ta phải vòng vo qua mấy con hẻm rộng có nửa mét, rõ ràng là một phần của thành cổ được cải tạo lại thành quán xá, mà thuở xưa có lẽ nó chỉ được dùng để hóng mát.
Vừa ngồi xuống ghế, người ta đã tíu tít mời chúng tôi đủ ba món điển hình: Trà bạc hà, bánh ngọt truyền thống và hình săm. Săm hình tạm thời bằng cách vẽ mực màu trên mu bàn tay là một dịch vụ phổ biến ở Maroc và các quốc gia tồn tại đạo Hồi như Singapore, Malaysia, Indonesia...
Nhưng người phụ nữ Maroc ấy mãi chả mời được ai bởi tất cả còn mải tíu tít với khay bánh ngọt đẹp mắt trên tay người đàn ông đội mũ lưỡi trai. Trên chiếc khay tròn cũng nạm hoa văn ấy, anh ta bày tám loại bánh khác nhau với những lớp bánh giòn rụm trên rắc bột li ti bắt mắt. Ai nấy đều muốn thử, riêng tôi thì nhất định không.
Hồi còn ở nhà, mấy lần đại sứ quán Maroc mời dự tiệc nên tôi thấu hiểu rồi. Khổ nhất là giữa tiệc sang trọng, ta cắn miếng bánh rõ to, rồi nhè ra thì không thể, mà nuốt vào thì mãi không trôi, đã thế các bác chủ nhà còn háo hức hỏi: Cô thấy ngon không? - Ngon lắm ạ.
Tôi lúng búng bảo thế, bụng nghĩ không rõ đây có phải là thực phẩm không nữa. Của đáng tội trong tám loại bánh ấy tôi mới từng được thử có hai, nhưng thế là quá đủ, tôi nhất định không muốn bất cứ thứ gì trên khay kia, mặc cho anh chàng bán hàng nở mãi nụ cười quyến rũ Phi châu.
Tuy nhiên đây cũng là một cơ hội đối với những người ham hiểu biết mà muốn thử một cái, vì chỉ vào dịp Ramadan người Maroc mới sản xuất những loại bánh đặc biệt này. Nó cũng tương tự bánh nướng, bánh dẻo, bánh chưng của mình vậy. Còn về trà bạc hà thì quả là thức uống lừng danh của người Maroc.
Trong tuần lễ phim Maroc công chiếu ở L’éspace, Hà Nội hồi tháng 3.2017, đại sứ quán Maroc cũng chuẩn bị một bữa tiệc nhẹ cho khách với bánh snack và trà bạc hà. Bộ đồ uống trà quả là điển hình. Đó là một khay nạm bạc trổ hoa văn với một chiếc ấm cũng nhuốm màu “Nghìn lẻ một đêm” như thế, và bộ ly thủy tinh bốn màu loại 100ml.
Rồi những cô gái Maroc xinh đẹp từ tốn rót trà từ chiếc ấm bạc một cách quý hóa. Trà lấp lánh như hổ phách chảy vào những ly cốc lóng lánh màu lá cây, lam ngọc, đỏ booc đô và vàng cam. Trong ấy có mấy lá bạc hà quyến rũ. Nhìn đã thấy chết thèm.
Các tạp chí du lịch best-seller cũng hay quảng cáo những khoảnh khắc uống trà bạc hà kỳ ảo dưới ánh hoàng hôn trên sa mạc Sahara, trước cửa lều của người Berber. Trên mạng người ta cũng dạy cách pha trà bạc hà Maroc với đủ 12 bước dài vài trang giấy. Nhưng kỳ thực, đấy đơn giản là loại trà xanh mà ta vẫn uống, bỏ thêm mấy lá bạc hà và pha đường vào là xong. Ai pha cũng được.
Người Maroc ưa ngọt, nên trà bạc hà nổi tiếng là ngọt khé cổ, thêm vài cái bánh ngọt tẩm bột trên khay đưa đẩy nữa là ăn uống xong muốn đi test thử tiểu đường. Tuy nhiên, uống trà bạc hà nó hay ở cái tinh thần. Chả phải ăn uống lúc nào cũng phải có “tinh thần” mới ngon đấy hay sao.
Trà ấy phải uống bằng đúng ly tách óng ánh ấy, trong quán cà phê đầy hoa văn và thảm dệt đỏ sậm ấy với ánh sáng luôn lờ mờ, và trong tiếng nhạc dập dồn, réo rắt của người Ả rập, mà vừa vặn to volume thì bất chợt ai cũng muốn đứng lên oặn ẹo trong vũ điệu Bellydance, trước khi kịp nhận ra bụng mình thực quá khổ, thế mới thực là đúng “tinh thần”.
Bằng không thì cũng phải như chúng tôi lúc này, khi gối đã chồn, chân đã mỏi, ngồi trên băng ghế nạm đá vạn hoa kiểu người Moor mà hưởng chút hiu hiu gió mát từ cửa sông Bou Regreg trong một buổi trưa nắng gắt, bên tiếng rì rầm trò chuyện của những người bản địa, rồi nhâm nhi chút trà tươi vị bạc hà, thấy cuộc đời này mới tươi vui, ngọt ngào và đáng sống làm sao.
Bằng không, bạn mà pha trà cho ông chồng khề khà sau bữa tối, rồi nhân tiện cũng rót ra một ly sứ, thả vài lá bạc hà lẫn trong túi rau sống lúc chiều ăn bún chả còn sót lại dưới khay tủ lạnh, và nguấy thêm ít đường kính, đoạn ngồi trên salon vừa xem “Sống chung với mẹ chồng” vừa xì xụp, thì mươi kiếp nữa cũng chả thấy đâu cái phong vị mỹ miều mà mấy tờ tạp chí “Destinations” và “Travel and Leisure” vẫn miêu tả. Rồi thì lại bảo sao nó chán thế này.
Nhìn các bạn cùng đoàn hứng khởi ăn bánh, uống trà xì xụp lại thấy thương cho mấy chàng phục vụ Maroc. Rõ khổ, khay bánh trên tay, trà thì thơm nức mũi mà lại nhịn đói nhịn khát chẳng được ăn uống, vậy mà vẫn phải bưng bê phục vụ thực khách. Quả là một màn ăn kiêng vĩ đại, thể hiện rõ năm trụ cột của kinh Coran và tinh thần đức Tiên tri Mohamed.
Lúc ấy tôi cho rằng tất cả những phụ nữ Việt Nam luôn vật vã vì ăn kiêng và giảm cân nên đến Maroc để học tập tinh thần của họ, là khi đồ ăn trước mặt, và chứng kiến người nhai nhồm nhoàm cũng chẳng thèm động lòng. Dẫu sao, tôi cũng nhớ mãi vị trà bạc hà trong quán cà phê Maroc bên bờ Đại Tây Dương và cửa sông Bou Regreg, nó khác hẳn những ly trà lần đầu tiên tôi thưởng thức ở Trung tâm văn hóa Pháp L’espace.
Các nước Hồi giáo nổi tiếng là những xứ sở uống trà, vì thế người Maroc không chỉ uống trà bạc hà mà còn chế thêm nhiều loại lá thơm khác vào trà như húng tây, ngải tây, xô thơm, cỏ roi ngựa, lá phong lữ. Lúc viết những dòng này mới thấy tiếc: Biết thế lúc ấy vào chợ cổ, tôi mua luôn một bộ bình trà, về nhà tôi tắt bớt điện cho mờ ảo rồi bật bản “Night at the Casbah” lên. Thế nào cũng ra chút không khí của “trà đạo” Maroc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét