Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Thế giới biển hơn 100 tuổi ở Monaco


Lạc vào xứ sở hương thơm Grasse

Ảnh: Shutterstock
Từ thế kỷ thứ 17, làng Grasse đã được mệnh danh là thủ đô của thế giới về nước hoa và tinh dầu.
Những sản phẩm tinh túy ở đây đã làm say mê và chinh phục biết bao con tim những người yêu mùi hương hàng thế kỷ qua.
Cách thành phố Nice khoảng 40 km, Grasse được thừa hưởng khí hậu thiên nhiên vô cùng ưu đãi, lượng mưa hằng năm khá thấp giúp cho các loài hoa ở đây có thể sinh trưởng, phát triển tốt và tạo ra nhiều tinh dầu với chất lượng cao.
Dường như tách biệt với thế giới bên ngoài, trung tâm thị trấn nằm trên một ngọn đồi nhỏ thanh bình và nên thơ. Không ồn ào nhộn nhịp như Nice hay Cannes, Grasse khoác lên mình một vẻ đẹp dịu dàng e ấp như những cô gái trẻ mới vào xuân mang trên mình hương thơm quyến rũ. Những ngôi nhà ở đây khá nhỏ nhắn và đáng yêu, luôn biết tự trang trí cho mình bằng những mảng màu tươi mát của cây xanh hay những chậu hoa rực rỡ sắc màu.
Grasse còn được xếp 3 sao về thành phố hoa hằng năm của Pháp. Khách du lịch đến đây đa phần là muốn khám phá về thế giới nước hoa đầy bí ẩn và quyến rũ. Thị trấn tuy nhỏ nhưng có tới 3 thương hiệu nước hoa lâu đời cùng tồn tại: Fragonard, Molinard và Galimard. Ngày nay với mục tiêu vì lợi nhuận, khi những lọ nước hoa nhân tạo tràn ngập thị trường thì những thương hiệu nước hoa ở Grasse luôn giữ bản chất thuần khiết từ các loại tinh dầu thiên nhiên.
Cả ba thương hiệu lớn ở đầy đều mở cửa tham quan miễn phí đối với du khách muốn tìm hiểu về quy trình sản xuất nước hoa. Do vị trí gần với khu quận cổ nên tôi chọn dạo quanh nhà xưởng sản xuất của Fragonard. Và rồi trong vòng khoảng 30 phút, bức màn bí mật của thế giới nước hoa dần được mở ra trước sự tò mò của tôi.
Lạc vào xứ sở hương thơm Grasse 1
Đây là một công ty gia đình nhưng thương hiệu Fragonard lại được đặt theo tên một họa sĩ nổi tiếng người Grasse: Jean-Honoré Fragonard (1732 - 1806). Ngày nay, xưởng sản xuất phải rời xa thành phố và công xưởng cũ đã trở thành nơi tham quan cho khách du lịch. Vừa bước vào nhà xưởng, tôi thật bất ngờ với hương thơm phảng phất đầy sảng khoái xóa tan sự uể oải sau một chuyến đi dài ngồi trên ô tô.
Kỳ diệu thay, vào nhiều thế kỷ trước con người đã biết lưu giữ mùi hương của hoa cỏ bằng phương pháp chưng cất để lấy tinh dầu. Thế nhưng không phải tất cả các loài hoa đều bị khuất phục ở nhà máy này. Những loài hoa như lilac, linh lan, đậu ngọt hay mẫu đơn luôn đỏng đảnh và keo kiệt với những giọt tinh dầu của mình.
Đến đây mới biết có khá nhiều cách tách chiết tinh dầu, chẳng hạn: chưng cất hơi nước, chiết xuất bằng dung môi, ướp, ép cơ học. Tùy vào từng loại nguyên liệu mà sẽ có những phương pháp tách chiết tương ứng. Sau khi thu được tinh dầu sẽ đến công đoạn pha chế nước hoa. Đây là công đoạn đòi hỏi nhiều tài năng và sự sáng tạo của những nhà chế tạo nước hoa.
Trong tiếng Pháp, những nhà chế tạo nước hoa còn được gọi là “le nez” nghĩa là cái mũi. Thật vậy, để trở thành một le nez họ phải có khứu giác thật nhạy bén, khả năng nhớ và phân biệt được khoảng hơn 5.000 mùi. Các chuyên gia nước hoa đã chia ra 7 “gia đình nước hoa” chính dựa trên tính chất đặc biệt của mùi hương đối với khứu giác của con người.
Trong từng gia đình nước hoa lại được chia ra nhỏ hơn nữa. Ngoài ra, phụ thuộc vào hàm lượng chất thơm trong nước hoa từ thấp đến cao mà người ta chia nước hoa thành: Eaux légères, Eaux de toilette, Eaux de Parfum, Extrait de Parfum. Trong đó loại nước hoa thơm lâu nhất có thể chứa đến 40% hương liệu.
Lạc vào xứ sở hương thơm Grasse 2
Ảnh: Kiều Linh
Sau một vòng tìm hiểu về nước hoa, du khách có thể tự do mua sắm những lọ nước hoa, những lọ tinh dầu, nến thơm hay xà phòng thơm của thương hiệu này. Đa phần nước hoa ở đây đều được đựng trong những chai nhôm để giúp bảo quản được lâu hơn.
Nếu muốn bạn cũng có thể đăng ký một buổi học ngắn khoảng 1 tiếng rưỡi với các chuyên gia ở đây với giá khoảng 65 euro để tự tạo cho mình một lọ nước hoa mang dấu ấn cá nhân. Trong khuôn viên nhà máy còn có bộ sưu tập về các những chai lọ đựng nước qua các thời kỳ.
Trong đó phải kể đến những chai nước hoa độc đáo và tinh xảo của nghệ nhân Pháp nổi tiếng René Jules Lalique. Nếu thời gian còn dư dả, bạn có thể đến thăm các bảo tàng khác ở gần đó như Bảo tàng Fragonard trưng bày các tác phẩm tranh của người họa sĩ này, bảo tàng về quần áo và trang sức của vùng Provence hay bảo tàng về nước hoa.
Chuyến đi lần này làm tôi chợt nhớ về bộ phim nổi tiếng của Đức Das Parfum: Die Geschichte eines Mörders (tựa tiếng Việt là Nước hoa: Câu chuyện của kẻ sát nhân) được quay ở nơi đây. Quả thật nếu có một loại nước hoa khiến con người ta điên đảo như thế thì nó chỉ có thể được sinh ra từ chính vùng đất này.
Grasse luôn mở cửa chào đón du khách quanh năm, tuy nhiên vào đầu mùa hè khoảng từ tháng 5 đến tháng 10 là đông khách nhất. Nếu may mắn có thể đến vào tháng 5, bạn sẽ có dịp tham dự lễ hội hoa hồng nổi tiếng ở đây với nhiều loại hoa hồng phong phú và đa dạng hay tham quan quy trình thu hoạch cánh đồng hoa hồng tháng 5 “rose de mai”.
Đây là loại hoa hồng nổi tiếng chỉ có ở Grasse với hương thơm đặc trưng, tinh dầu chiết xuất ra chất lượng rất cao và chỉ phục vụ cho Hãng Dior. Còn tháng 8 là mùa lễ hội hoa nhài với nhiều hoạt động đặc sắc.
Từ xa xưa, loài người luôn bị hấp dẫn bởi cái đẹp, của mùi hương, bởi thế không chỉ tôi mà hàng ngàn du khách khác đến với Grasse là vì chính vẻ đẹp cũng như hương thơm lan tỏa của nó.
Kiều Linh

Givenchy & khu vườn của danh họa Monet

Givenchy & khu vườn của danh họa Monet

Tohoku một Nhật Bản khác lạ...

Cánh đồng tulip 
trên đường đi Akita
Cánh đồng tulip trên đường đi Akita
Nếu các bạn còn nhớ đến thảm họa sóng thần ở Fukushima vào năm 2011, ắt hẳn các bạn đã biết về Tohoku rồi đó. Fukushima là một phần của vùng Tohoku.
Người Nhật ắt hẳn có lý khi chọn biểu tượng cho vùng Tohoku là hình ảnh chú phượng hoàng, một loài chim đẹp đẽ chỉ có trong huyền thoại, kết thúc cuộc đời mình bằng cách bùng cháy hóa thành một nhúm tro tàn, rồi từ nhúm tro đó, lại biến mình thành một tạo vật lộng lẫy của thế giới thần tiên. Tohoku cũng trong trường hợp tương tự, và sự trở lại không kém phần hoành tráng
Vùng đất có 4 mùa cùng lúc
Ishii-san, cậu bạn người Nhật mà tôi quen trong một chuyến đi ngắn lên mạn Tây Bắc VN từ 3 năm trước, vẫn thường xuyên thư từ cho nhau, đề nghị tôi nên đến thăm Tohoku vào mùa hè.
Đầu mùa hạ, tiết trời mát mẻ dễ chịu, cơn mưa đầu mùa tan biến, để lại bầu trời quang đãng với những vầng mây vàng óng, quấn quanh những ngọn núi tuyết vĩnh cửu. Đường sá thoáng đãng, chiếc ô tô bon bon lướt nhanh qua những cánh rừng xanh mướt, những làng mạc nhỏ xinh, những cánh đồng hoa tulip nhiều màu, rực rỡ trong ánh nắng chiều óng ả.
Tohoku nằm ở vĩ độ khá xa về phía bắc, mặc dù không lạnh như Hokkaido nhưng vẫn đủ để níu kéo mùa xuân đến tận trung tuần tháng 5 bằng những ruộng hoa muôn màu, những hàng cây anh đào vẫn đang nở rộ, và những vườn táo đang tung tóe những hoa là hoa thơm ngát. Đến tầm này tháng 6 bắt đầu có lavender (oải hương) tím ngắt các triền đồi... Ở giữa mùa hè và chúng tôi được hòa mình vào thiên nhiên tươi mới của mùa xuân, thật kỳ lạ!
Sự độc đáo về khí hậu và địa lý ở Tohoku không dừng lại đó, tôi được anh bạn nhiệt tình đưa đến một vùng núi tên gọi là Hachimantai. Ở đây vẫn còn hoàn toàn mùa đông, hai bên đường tuyết phủ trắng xóa những cánh rừng thông thâm u, có những đoạn tuyết phủ dày lên quá đầu người.
Chúng tôi như lạc vào miền đất của bà Chúa tuyết trong cổ tích, một vùng quanh năm băng giá. Tôi thực sự không nghĩ rằng, giữa tháng 5 hôm tôi vừa đến lại có thể đùa giỡn với những cụm băng tuyết như đang vào mùa đông thế này. Tohoku dường như sở hữu thời tiết của 4 mùa trong cùng một khoảng thời gian, thật không thể tin nổi!
Tohoku một Nhật Bản khác lạ... - ảnh 2
Hồ nước đẹp như tranh vẽ mùa thu
Đời sống văn hóa với nhiều tầng lớp
Ishii-san là một thanh niên trẻ rất nhiệt tình, cậu tình nguyện dẫn tôi đi khắp Tohoku với điều kiện, cứ mỗi tối khi kết thúc một ngày du ngoạn, cậu lại buộc tôi trả lời một số câu hỏi về chất lượng dịch vụ, thường là dạng câu hỏi: 3 điểm bạn thích nhất và không thích nhất trong ngày hôm nay...
Một dạng khảo sát thông tin. Duy chỉ có câu hỏi: 3 món ăn nào mà bạn cảm thấy không thích nhất?, câu này tôi hoàn toàn không thể trả lời. Vì sự thật là tôi hoàn toàn yêu thích các món ăn Nhật Bản, bất kể vùng miền, bất kể trong nhà hàng sang trọng hay quán ăn lề đường nhộn nhịp. Tôi hoàn toàn thỏa mãn vị giác của mình ở mức độ cao nhất.
Nhìn chung, người Nhật coi trọng bề ngoài, tính cách đó được họ đưa vào ẩm thực một cách hoàn hảo. Chúng tôi được thử rất nhiều món, từ sushi cá sống cho đến tempura rau củ, từ món lẩu truyền thống của thành phố Akita cho đến các loại bánh tráng miệng được trang trí cầu kỳ đến mức, có loại bánh mocha được cho cả một cánh hoa đào vẫn còn tươi lên phía trên mặt bánh. Không chỉ thỏa mãn vị giác, thực khách hoàn toàn hài lòng với cả thị giác của mình.
Tohoku một Nhật Bản khác lạ... - ảnh 3
Maiko biểu diễn ca múaẢNH: P.N
Tôi đến thăm Nhật Bản 4 lần, duy chỉ có lần này là được một người Nhật đi cùng. Nên, luôn có những sự mới mẻ, nhất là về phương diện văn hóa. Văn hóa hàng nghìn năm của người Nhật tầng tầng lớp lớp, và nhờ có bạn, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ thấp lên đến bậc cao, và đỉnh điểm của mọi sự thú vị chính là bữa ăn tối cuối cùng trong chuyến đi, ở thành phố Akita, có thể được xem là một trong những thành phố quan trọng nhất vùng Tohoku xinh đẹp này.
Akita không phải là một đại đô thị hoành tráng như Tokyo hay Osaka, cũng không tầng tầng lớp lớp những tinh hoa hàng nghìn năm như cố đô Kyoto, Akita đơn giản là mang trong mình những đặc trưng rất thú vị của vùng Tohoku. Bữa ăn được tổ chức một cách trang trọng trong một nhà hàng nổi tiếng bậc nhất địa phương, hoạt động qua 5 thế hệ và có tuổi đời 130 năm. Trong một căn phòng truyền thống Nhật Bản, lót chiếu tatami, trang trí nhã nhặn và có cả một buổi biểu diễn ca múa của các maiko-san.
Thật không thể tin được, toàn thành phố Akita hiện nay chỉ có 3 nàng maiko, mà hôm đó quán mời đến được 2 trong số đó nhờ sự có mặt của một số quan chức cao cấp tiếp đoàn.
Trước phần biểu diễn, các bạn Nhật giải thích rõ: ở Akita không có bất kỳ một geisha (người Nhật còn gọi là geiko, theo cách hiểu nghĩa đen là "con người của nghệ thuật" - là nghệ sĩ vừa có tài ca múa nhạc lại vừa có khả năng trò chuyện) nào cả. Dựa trên những tiêu chuẩn nghề nghiệp khắt khe của một geisha, cũng dễ hiểu rằng ở xã hội Nhật Bản hiện đại, rất khó tìm được một người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, nhất là ở một đô thị nhỏ như Akita.
Vậy, maiko là gì? Và một maiko với một geisha khác nhau như thế nào? Tôi may mắn được đặt câu hỏi với chính một nàng maiko trong buổi biểu diễn hôm ấy. Maiko, hiểu đơn giản là một geisha tập sự. Một maiko có thể múa, nhưng để được chứng nhận trở thành một geisha, điều kiện tiên quyết là phải biết hát và biết đàn shamisen (một loại đàn truyền thống lâu đời của Nhật Bản). Tất nhiên, còn rất nhiều những tiêu chuẩn khắt khe phức tạp khác nữa mà các cô phải được truyền thụ từ chính một geisha trưởng thành.
Vấn đề là ở Akita hiện nay lại không có bất cứ một geisha nào như đã nói, nên các maiko-san nếu muốn học nghệ để tiếp tục con đường phục vụ nghệ thuật của mình, phải di chuyển đến một thành phố khác (như Kyoto chẳng hạn), để tiếp tục được huấn luyện. Hoặc nếu đến lúc quá tuổi quy định, các maiko-san phải giải nghệ hoặc chuyển về một trong những trung tâm bảo tồn nghệ thuật geisha để làm việc. Điều đó thật không phải dễ dàng.
Nhìn chung, thế giới của các nàng geisha và maiko vẫn là một trong những điều bí ẩn nhất trong nền văn hóa đa tầng của nước Nhật. Ngay một người Nhật Bản thực thụ, cũng khó mà biết được một thế giới huyễn hoặc, được giấu kỹ giống như bộ mặt thật của các nàng geisha vẫn được giấu sau lớp phấn trang điểm rất dày, dày đến không còn thấy được biểu hiện thực tế của cảm xúc trên các khuôn mặt đó...
Tuy nhiên, có một điều cần phải hiểu rằng, đây là một nghề chân chính, cao quý và có một đẳng cấp nhất định trong xã hội Nhật vốn dĩ rất khắt khe. Hoạt động nghệ thuật của các geisha bao gồm ca, múa, đàn, hầu chuyện và tiếp rượu với khách, tất nhiên toàn bộ các hoạt động đó phải dựa trên những nguyên tắc khắt khe và mẫu mực, được truyền lại hàng nghìn năm, song hành cùng nền văn hóa vô cùng sâu rộng của một nước Nhật kỳ vĩ và huyền bí, cho đến tận ngày nay.
Thế nên có lẽ không quá lời khi nói: đối với nước Nhật, bây giờ dễ dàng để thực hiện một chuyến đi, nhưng sẽ rất khó để thấu hiểu những vẻ đẹp tinh thần ẩn giấu đằng sau các lớp bình phong diễm lệ.
Rượu sake
Một buổi chiều nọ khi được nếm món rượu sake thơm nồng nàn, tôi kể cho bạn mình nghe một câu chuyện vui nhộn, rằng rất nhiều người VN hay lầm tưởng rằng rượu sake được cất từ quả của cây sake, một loại quả bề ngoài khá giống quả mít, tất nhiên là nó không có múi như múi mít. Thoạt đầu thì bạn tôi không hiểu quả sake là quả gì, tôi phải lấy điện thoại tìm ra một cái ảnh... Bạn tôi cười phá lên. Ngay hôm sau, cậu dẫn tôi đến một xưởng chưng cất rượu sake địa phương rất nổi tiếng của vùng Tohoku, để khẳng định rằng không có quả sake nào có thể làm thành những loại rượu sake, là món quốc hồn quốc túy của nước Nhật. Rượu sake (người Nhật còn gọi là Nihonshu) dĩ nhiên là được ủ từ một loại nguyên liệu duy nhất, đó là gạo! Còn vì sao gọi là sake thì chỉ đơn giản: nghĩa của từ sake trong tiếng Nhật là “nước có cồn”.
Phương Nguyễn

Người Việt đặt chân đến phố cổ, làng rèn kiếm Nhật Bản

Làng di sản thế giới Shirakawa-go   /// Ảnh: Chí Nhân
Làng di sản thế giới Shirakawa-goẢNH: CHÍ NHÂN
Chúng tôi đến các tỉnh miền Trung nước Nhật vào những ngày giữa tháng 11, và thật thú vị khi chỉ trong 4 ngày ngắn ngủi có thể thưởng lãm phong cảnh 3 mùa.
Đó là sắc vàng, đỏ rực rỡ của mùa thu ở thung lũng Korankei; con đường tuyết - Tateyama Kurobe Alpine và còn có cả mùa hoa anh đào (shikizakura) ở làng Obara.
Những ngôi nhà 300 năm
Làng Shirakawa-go nằm trên một thung lũng nhỏ khoảng 45 ha dưới chân núi Haku-san, tỉnh Gifu. Làng có 110 ngôi nhà cổ với mái lợp bằng lá gassho (nhà tranh). Hiện có 19 ngôi nhà được người Nhật công nhận là “bảo vật”. Những ngôi nhà cổ nhất đã tồn tại trên 300 năm. Năm 1995, UNESCO công nhận ngôi làng này là di sản thế giới.
Trước đây, giao thông chưa phát triển, ngôi làng tương đối tách biệt với bên ngoài. Nhưng giờ thì việc đi lại hết sức thuận tiện. Khi chúng tôi đến làng, những bông tuyết đầu tiên bắt đầu rơi. Dọc theo các triền núi, sắc vàng, đỏ vẫn còn vương vấn mùa thu. Những mái nhà phủ đầy rêu xanh nằm lẫn trong cái lạnh gần 0 độ C. Xung quanh là các mảnh ruộng nho nhỏ trồng lúa nước mới thu hoạch xong. Người dân ở đây trồng lúa mùa vào tháng 4, thu hoạch khoảng tháng 10. Khung cảnh làng quê ở đây khiến người Việt có thể liên tưởng đến làng quê Bắc bộ.
Wada House, ngôi nhà của dòng họ Wada là cổ nhất và to nhất làng, được xây dựng theo phong cách Gassho-zukuri. Gassho là một loại cỏ như cỏ tranh ở VN, còn zukuri là hình dáng mái nhà dạng tháp. Người Nhật giải thích đó là “đôi bàn tay chắp lại để cầu nguyện” sự bình an cho gia chủ. Mái của ngôi nhà Wada phủ đầy rêu do được lợp cách đây khoảng 20 năm. Mỗi mái nhà có bề dày khoảng nửa mét với tuổi thọ lên đến 40 năm. Về mặt tự nhiên, vùng này rất nhiều tuyết vào mùa đông nên cần phải làm mái có độ dốc cao để giảm trọng lực của tuyết. Sự độc đáo của mái nhà còn ở chỗ giảm thiểu sức cản của gió, kiểm soát lượng ánh sáng mặt trời. Chính vì vậy, nó mang lại sự mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông cho những người sống trong nhà.
Người Việt đặt chân đến phố cổ, làng rèn kiếm Nhật Bản - ảnh 2
Các sản phẩm của làng nghề rèn kiếm
Bước vào trong nhà, chúng ta sẽ bắt gặp một cái bếp ở cạnh cầu thang luôn đỏ lửa. Mục đích chính không phải để nấu ăn hay sưởi ấm mà để xông khói cho toàn bộ ngôi nhà, tránh sâu bọ, mối mọt. Mỗi hộ gia đình ở đây sở hữu vài ba quả đồi trồng cây thông đỏ. Đây cũng là vật liệu chính để cất nhà. Theo thời gian, những thân gỗ thông đỏ bị khói bám vào chuyển sang màu đen láy. Cột kèo được cột lại với nhau bằng dây. Khi cột như vậy, toàn bộ hệ thống khung nhà có độ đàn hồi tốt hơn và tuổi thọ ngôi nhà cũng cao hơn. Đây cũng là một nét độc đáo của nhà mang phong cách Gassho-zukuri. Trên tầng 2 là nơi nuôi tằm và dệt lụa.
“Cái độc đáo nhất ở ngôi làng này chính là việc người Nhật đã bảo tồn được toàn bộ cảnh quan, văn hóa, nếp sống của người dân nơi đây chứ không chỉ riêng những ngôi nhà cổ. Đó mới chính là lý do vì sao UNESCO công nhận nơi đây là di sản thế giới và thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước Nhật đến thăm”, anh Thụ Nhân, một hướng dẫn viên có nhiều kinh nghiệm thuộc Công ty du lịch Vietravel, giới thiệu trong chuyến đi do Vietravel phối hợp với Hãng hàng không quốc gia VN (VNA) tổ chức.
Phố cổ Mino, làng rèn kiếm Seki
Ở tỉnh Gifu có phố cổ Mino rất nổi tiếng, được hình thành từ thời Edo (thế kỷ 17 - 19). Ngày nay, những nét đẹp trong kiến trúc thời đó vẫn còn lưu giữ tại đây. Đó là những căn nhà gỗ 2 tầng, mái ngói nằm san sát nhau. Trước mỗi ngôi nhà đều được trang trí vài chậu hoa kiểng hay bon sai.
Tuy nhiên, điểm thú vị của phố cổ này chính là những tác phẩm nghệ thuật bằng giấy mino washi dọc hai bên đường. Đây là một loại giấy thủ công của người Nhật. Nghề làm giấy này có tuổi đời trên 1.300 năm và là niềm tự hào của người Nhật. Mỏng và mềm như vải là đặc trưng của giấy mino washi. Chính vì vậy, người Nhật sử dụng nó làm nguyên liệu cho nhiều ngành thủ công truyền thống khác như làm dù, lồng đèn và ngày nay là cả băng keo (băng dính) trang trí. Tháng 10 hằng năm, chính quyền địa phương tổ chức cuộc thi sáng tác lồng đèn bằng loại giấy này. Các tác phẩm đoạt giải sẽ được trưng bày dọc con phố. Vào ban đêm, người ta sẽ thắp đèn lồng khiến phố cổ Mino càng thêm lung linh, mờ ảo. Nếu không có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp đó vào ban đêm, du khách có thể vào bảo tàng ngay trên con phố này để tham quan những tác phẩm nghệ thuật làm bằng giấy mino washi. Đó là nghệ thuật của sự kết hợp giữa giấy và ánh sáng.
Người Việt đặt chân đến phố cổ, làng rèn kiếm Nhật Bản - ảnh 4
Ông Yoshida Kazuhiro biểu diễn kiếm Nhật
Thành phố Seki, tỉnh Gifu nổi tiếng về nghề rèn kiếm với tuổi đời gần 700 năm, là nơi sản sinh những thanh kiếm Nhật nổi tiếng sắc bén nhất thế giới. Chúng tôi đến cơ sở Hamono-ya của ông Yoshida Kazuhiro, thế hệ thứ 3 của gia đình làm nghề này. Nghề rèn kiếm không còn thịnh như xưa nên bên cạnh việc rèn kiếm chủ yếu để bán cho người sưu tầm, những người thợ nơi đây đã chuyển sang sản xuất các dụng cụ phục vụ cuộc sống hằng ngày như dao, kéo, vật phẩm lưu niệm.
Ngày nay, để sử dụng một thanh kiếm Nhật thật sự (lưỡi bén) phải đăng ký và được cấp giấy phép. Thay vào việc chạm tay vào những thanh kiếm Nhật thật sự, ông Yoshida Kazuhiro sẽ biểu diễn phục vụ du khách màn thử kiếm, chém cành tre. Khi chúng tôi đến, lò rèn đang được sửa chữa nên không thể tận mắt xem cách người Nhật rèn kiếm. Để làm ra một thanh kiếm chất lượng, người thợ mất thời gian trung bình 2 năm. Kỹ thuật rèn kiếm chủ yếu là nung nóng sắt nguyên liệu, tán mỏng rồi gập lại. Công đoạn này được lặp đi lặp lại cả ngàn lần để ra một thanh kiếm thành phẩm. Giá trị của một thanh kiếm tùy vào trình độ và kỹ thuật của người rèn ra nó. Ở Nhật, cũng như các nghề khác, rèn kiếm là một nghệ thuật gia truyền.

Chí Nhân

Đến Gifu thưởng thức thịt bò Hida

Đến Gifu thưởng thức thịt bò Hida

Bún Laksa có bí mật hấp dẫn gì mà lại phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á đến vậy

ĐOAN TRANG, THEO TRÍ THỨC TRẺ 

Đi du lịch 4 nước này mà quên khuấy bún Laksa là một thiếu sót vô cùng to lớn.

Laksa thực chất là một món bún nước và có thời gian ra đời cách đây khá lâu, khoảng hơn 1.000 năm. Đây là món bún có nguồn gốc từ người Peranakan (nhóm người Hoa định cư dọc eo biển Malacca). Và dần về sau này, món bún Laksa bắt đầu phổ biến và gắn liền với văn hóa ẩm thực của rất nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.

Bún Laksa có rất nhiều phiên bản khác nhau

Thành phần chính của bún Laksa thường bao gồm các nguyên liệu cơ bản như: bún sợi to (loại giống như bún bò Huế ở Việt Nam), đậu phụ, chả cá, trứng, thịt gà, tôm, sò huyết, giá đỗ... cùng với phần nước dùng vừa sấp mặt bún.
Bún Laksa có bí mật hấp dẫn gì mà lại phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á đến vậy - Ảnh 1.
Bún Laksa có bí mật hấp dẫn gì mà lại phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á đến vậy - Ảnh 1.
Tuy có thành phần nguyên liệu chính như vậy nhưng bún Laksa có khá nhiều loại với đủ hương vị đặc trưng riêng tùy theo từng vùng sản sinh ra nó. Có thể tạm chia bún Laksa ra làm các loại chính sau:
- Curry laksa: phần nước dùng được nấu từ nước cốt dừa và bột cà ri nên có màu vàng đặc trưng cùng vị béo ngậy.
- Asam laksa: ngược lại với vị béo ngậy của curry laksa, asam laksa có vị chua và cay khác hẳn bởi nguyên liệu chính nấu nước dùng của asam laksa vốn là me chua.
Bún Laksa có bí mật hấp dẫn gì mà lại phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á đến vậy - Ảnh 2.
Bún Laksa có bí mật hấp dẫn gì mà lại phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á đến vậy - Ảnh 2.
- Sarawak laksa: phần nước dùng là sự pha trộn giữa nước cốt dừa béo ngậy và nước nấu từ cá tạo vị ngọt thanh, đặc biệt hoàn toàn không sử dụng bột cà ri nên phần nước thường trong hơn và không có màu vàng.
- Nyonya laksa (hay còn gọi là Laksa lemak): nước dùng được chế biến từ nước cốt dừa nấu với xương gà và tôm nên có vị béo ngọt đậm đà.
Như vậy, cùng là món bún Laksa nhưng lại có 4 phiên bản khác nhau phù hợp với nhiều khẩu vị đa dạng của mọi người. Curry laksa thì có vị béo ngậy và mùi thơm của cà ri, Asam laksa thì có vị chua cay, Sarawak laksa thì có mùi thơm của cá, Nyonya laksa lại có vị ngọt đậm đà từ xương. Với nhiều vị đa dạng như thế nên bún Laksa rất dễ làm hài lòng một lượng lớn "fan hâm mộ", từ người bản xứ đến các du khách nước ngoài.
Bún Laksa có bí mật hấp dẫn gì mà lại phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á đến vậy - Ảnh 3.

Có thể tìm món bún Laksa ở đâu?

Như đã nói ở trên, Laksa là món bún phổ biến ở rất nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á mà điển hình là 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Bún Laksa có bí mật hấp dẫn gì mà lại phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á đến vậy - Ảnh 4.
Bún Laksa có bí mật hấp dẫn gì mà lại phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á đến vậy - Ảnh 4.
Bún Laksa có bí mật hấp dẫn gì mà lại phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á đến vậy - Ảnh 4.
Nếu đến Singapore, bạn có thể dễ dàng tìm ăn Laksa ở Katong, còn ở Indonesia thì Laksa lại phổ biến nhiều ở thành phố Bogor (Tây Java). Ở Malaysia, bún Laksa lại phổ biến ở  tiểu bang Malacca, Johor hoặc Penang và ở Thái Lan thì Laksa thường phổ biến ở vùng dọc bờ biển phía Nam Thái Lan. Đó là lý do vì sao đôi khi Laksa được gọi theo tên khu vực mà nó phổ biến, ví dụ như Katong laksa, Penang laksa, Bogor laksa và Siamese laksa.
Như vậy, càng phổ biến ở nhiều nước thì cơ hội cho nhiều người thưởng thức món bún ngon này lại càng dễ dàng hơn. Và nếu có đi du lịch 1 trong 4 nước này thì bạn nhớ đừng quên món bún Laksa nhiều hương vị đặc sắc này nhé.
Nguồn: Theculturetrip