Hà Lan ngàn đời chống ngập bằng vắt nước lấy đất
TTO - Chúng ta không đơn lẻ trong cuộc chiến chống ngập lụt. Nhiều nước như Hà Lan, Ý, Nhật, Singpore... rồi gần chúng ta là Thái Lan cũng cam go chống ngập và quan trọng hơn, họ đã ít nhiều thành công.
Kè chắn biển Oosterscheldekering (kè chắn bão đông Schelde) dài hơn 3km, nối liền hai đảo nhỏ tại Hà Lan - Ảnh: readesl |
Hiện tại, 27% diện tích của Hà Lan thấp hơn mực nước biển và 60% số dân của họ mong manh trước các cơn lũ.
Xây kè chắn biển
Tại Hà Lan, có tất cả khoảng bảy loại đê, kè chuyên dụng cho biển, sông, hồ, kênh đào, hay loại đê khẩn cấp, đê chống bão… được xây dựng phù hợp tùy vào tính năng sử dụng.
Hà Lan có hệ thống đê chắn ở Biển Bắc mang tên công trình bảo vệ Biển Bắc - vốn vẫn được gọi là kỳ quan thứ 8 - gồm hai phần: một mang tên công trình Zuiderzee và một mang tên công trình châu thổ.
Công trình Zuiderzee được khởi công năm 1923 vì sau trận bão kinh hoàng năm 1916, Chính phủ Hà Lan phải nghĩ đến việc xây dựng một con đập chắn ở vịnh Zuiderzee - vốn là một cảng nước cạn dài 100km, rộng 50km nhưng chỉ sâu 5m.
Bình thường Zuiderzee có nhiều cá và hiền hòa nhưng khi có bão, nó trở nên hung hãn khiến nhiều con đê bên trong bị vỡ.
Phần chính của công trình Zuiderzee mang tên đập kín dài 32km, rộng 100m và cao gần 8m, chắn, không cho nước từ Biển Bắc đi vào Zuiderzee và dần biến nơi này thành một hồ nước ngọt, đặt tên là Ijsselmeer.
Không chỉ giải quyết vấn đề chắn nước từ Biển Bắc, công trình Zuiderzee còn giúp người Hà Lan có được hơn 1.500km2 đất trong khu vực Ijsselmeer để xây dựng các thành phố phát triển, hiện đại ngày nay.
Cận cảnh kè Oosterscheldekering - Ảnh: 7wonders.org |
Trong khi đó, công trình châu thổ phải đến năm 1987 mới hoàn thành, trị giá 7 tỉ USD. Công trình này bao gồm 13 đê, kè lớn nhỏ khác nhau, trong đó Oosterscheldekering (kè chắn bão đông Schelde) là công trình lớn nhất.
Phần chính của Oosterscheldekering dài hơn 3km bao gồm 62 cánh cửa thép, mỗi cửa rộng 42m, nặng từ 300-500 tấn, được chống đỡ bằng 65 cột bêtông - mỗi cột cao 35-38,7m và nặng trung bình 18.000 tấn.
Bên trên những cánh cửa này là đường bêtông để xe chạy nối liền hai hòn đảo nhỏ. Bình thường những cánh cửa này để mở nhưng khi nước biển dâng cao khi có bão, người ta sẽ đóng các cánh cửa thép này lại.
Sở dĩ người Hà Lan cho xây dựng Oosterscheldekering là vì trận bão rất lớn năm 1953 làm 1.800 người thiệt mạng, 72.000 người phải di tản và 10.000 nhà cửa hư hỏng. Khu vực tây nam chưa được bảo vệ của đất nước Hà Lan bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Kè chắn di động lớn nhất thế giới tại Hà Lan - Ảnh: rotterdamexperience |
Từ hơn 1.000 năm nay, dân tộc Hà Lan luôn phải đối phó với nước để giữ cho diện tích ít ỏi của mình đủ khô ráo để canh tác. Họ phải làm đồng thời hai công việc, xây đê chắn nước biển và xây kè chắn lũ từ sông.
Ngoài ra, trong hệ thống đê - kè của công trình châu thổ, còn phải kể đến kè chắn bão Maeslant, thành phần mới nhất bổ sung vào công trình châu thổ nằm tại Rotterdam. Công trình bao gồm hai cổng, mỗi cổng cao 22m, dài 210m, nặng 6.800 tấn, có thể mở được. Đây cũng là kè chắn di động lớn nhất thế giới.
Sống chung với lũ
Không chỉ phải đối phó với nước từ Biển Bắc tràn vào, người Hà Lan còn phải đối phó với nước lũ dâng cao do nằm ở châu thổ của ba con sông Rhine, Schelde và Meuse cùng nhiều phụ lưu khác. Tất cả những sông này đổ ra Biển Bắc.
Trong suốt nhiều thế kỷ 20, người Hà Lan miệt mài xây kè dọc bờ sông để ngăn nước lũ. Năm 1977, đã có nhiều cảnh báo về sự yếu kém trong hệ thống kè nhưng khi đó chính quyền không thay đổi tư duy bởi vì giải pháp đòi hỏi phải giải tỏa rất nhiều nhà. Và người Hà Lan đã phải gánh chịu hậu quả khi hai trận lụt năm 1993 và 1995 khiến 200.000 dân di tản.
Điều này buộc Hà Lan tính tới giải pháp mang tên Lấy chỗ cho nước - Room for the river, tiêu tốn 2,3 tỉ USD, cải tạo 30 điểm “nóng” trên khắp đất nước Hà Lan.
Mô hình một công trình thuộc dự án Room for River, trong đó người ta đào con kênh song song dòng sông, biến doi đất trở thành một hòn đảo - Ảnh: roomforriver |
Có nhiều giải pháp trong chương trình Lấy chỗ cho nước và các chuyên gia sẽ linh động sử dụng giải pháp nào cho từng địa điểm cụ thể nhưng chung quy đều là tạo thêm không gian cho nước lũ chảy nhanh ra biển.
Các giải pháp này bao gồm: nạo vét lòng sông, nạo vét bờ sông, dời đê ra xa bờ sông, mở thêm đường kênh song song sông, gỡ bỏ những vật cản nước chảy, tăng hoặc giảm chiều cao đê, gia cố đê, đặt trạm bơm…
Đơn cử công trình tại sông Bersche Maas bao gồm xây tám khu vực đất gò cao, cào đi 500.000m khối đất để giảm chiều cao của 6km đê bên một bờ sông, nạo vét 5,5ha cát đã giúp mực nước tại đây giảm 27cm.
Còn tại thành phố Nijmegen và Lent, người ta đã đào một con kênh ở doi đất nhô ra sông, biến vùng đất này thành một hòn đảo. Tổng cộng, người ta phải nạo vét và di dời 5 triệu m3 cát, đất sét để tạo thêm một dòng chảy phụ cho sông Waal. Kết quả mực nước khi có lũ giảm 35cm.
Tương tự, các công trình khác đều giúp mực nước sông giảm từ 30-70cm khi có lũ.
Mô hình này của Hà Lan được đánh giá rất cao và truyền thông Anh, Mỹ, Singapore… kêu gọi chính phủ hãy nhìn vào tấm gương thành công của chương trình này. |
Venice không để nước xóa sổ với hệ thống đê chìm nổi
TTO - Thành phố nổi tiếng Venice của Ý có nguy cơ bị xóa sổ bởi nước biển nếu như không có biện pháp đúng đắn. Và nước Ý phải chi ra 7 tỉ USD để bảo vệ thành phố 60.000 người dân này.
Trong quá khứ, mỗi khi có lụt, người dân Venice di chuyển khắp thành phố bằng sàn đi di động - Ảnh: Guardian |
Venice là thành phố nằm trong một phá, gồm 124 hòn đảo. Đây từng là một trung tâm kinh tế của thế giới trong thời Trung cổ với 250.000 dân.
Mỗi năm Venice lún xuống 0,4mm - hậu quả do việc khai thác nước ngầm quá mức trong giai đoạn thập niên 1970. Đồng thời, nước biển lại tăng 1,4mm. Tổng cộng, mỗi năm Venice bị chìm xuống dưới mực nước 2mm. Tổng cộng trong thế kỷ 20, Venice bị lún xuống 23cm khiến nhiều người gọi nơi này là "thành phố đang chìm".
Việc nhiều nhà cửa bị hư hại và tình trạng ngập lụt thường xuyên, nhiều người đã bỏ Venice ra đi, khiến nơi này hiện nay chỉ còn 60.000 dân.
Theo địa hình, nước từ biển Adriatic đi vào phá theo ba cửa là Lido, Malamoco và Chioggia. Ngập lụt là tình trạng bình thường tại Venice nhưng tình trạng ngày càng tồi tệ hơn. Năm 1966 đánh dấu trận lụt lịch sử tại đây khi nước dâng cao lên đến 1,94m - cao hơn mực nước biển thông thường 1,5m. Và chỉ tính riêng trong năm 1997, Venice phải hứng chịu tổng cộng 100 cơn lụt lớn nhỏ. Với những con lụt nhỏ, người dân Venice di chuyển bằng sàn đi di động được lắp tạm thời.
Để tránh việc Venice bị phá hủy, Chính phủ Ý đã phải mất rất nhiều thời gian xét duyệt và chi 8 tỉ USD để khởi công Mose - một đê chắn sóng biển nổi - trong năm 2003 tại ba vị trí cửa Lido, Malamoco và Chioggia. Đến năm 2015, công trình gần như hoàn tất.
Cửa Lido, một trong ba cửa để nước từ biển Adriatic đi vào phá - Ảnh: Wiki |
Vị trí ba cửa Lido, Malamoco và Chioggia, nơi 79 cánh cổng của công trình Mose được lắp đặt để chặn nước từ biển Adriatic đi vào phá - Ảnh: Daily Mail |
Tổng cộng có 79 cánh cổng được đặt tại Lido, Malamoco và Chioggia. Mỗi cánh cổng rỗng ruột này dài 30m, rộng 20m và cao từ 4-5m. Cửa Lido là cửa lớn nhất nên cần đến 41 cổng và ở giữa phải xây một hòn đảo nhân tạo.
Công trình bắt đầu bằng việc xây móng, gồm những thanh bêtông cốt thép dài 38m, đường kính 0,5m, rộng 20m, chôn vào lòng biển. Sau đó, những cánh cổng được đặt nằm lên đáy biển, một đầu bắt cố định vào móng bằng hệ thống bản lề khổng lồ. Mỗi bản lề đều có camera quan sát để các kỹ sư có thể điều chỉnh chính xác nhất.
Bình thường, nước được bơm đầy vào cánh cổng khiến nó nằm sát xuống đáy biển. Nhưng khi có dự báo ngập lụt trên 1,1m, các kỹ sư dùng máy bơm đẩy hết nước ra ngoài và thay vào bên trong từng cánh cổng không khí nén. Trong vòng 30 phút, không khí nhẹ khiến cánh cổng nổi lên, tạo thành đê chắn góc 45 độ với mặt biển. Mỗi cánh cổng có thể hoạt động độc lập với nhau nên đê chắn này rất linh hoạt.
Công trình có thể hoạt động trong 100 năm, chống lại những con sóng cao đến 3m để bảo vệ thành phố Venice.
Ảnh minh họa sơ đồ hoạt động của công trình Mose, vẽ quá trình các cánh cổng được bơm khí "bật dậy" từ đáy biển - Ảnh: watertechnology |
Công trình Mose nhô lên khỏi mặt biển để chặn nước từ biển Adriatic vào trong phá - Ảnh: Daily Mail |
Các cánh cổng hoạt động độc lập với nhau nên có thể được thả nổi linh hoạt - Ảnh:Daily Mail |
Không chỉ vậy, con đê nổi linh động này là giải pháp giúp bảo vệ môi trường biển tại Venice, đồng thời giúp khôi phục những ngành nghề truyền thống của thành phố.
Việc đê nổi chỉ được sử dụng vài giờ khi nước biển dâng cao giúp nước vẫn lưu thông bình thường giữa đầm và biển Adriatic nên hệ sinh thái tại đây gần như không bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, việc giữ cho Venice luôn khô ráo giúp họ có thể trồng nho trở lại. Matteo Bisol, giám đốc vườn nho Venissa trên đảo Mazzorbo, nói: "Trong thế kỷ 19, có rất nhiều xưởng rượu trong phá nhưng vào năm 2002, khi chúng tôi quyết định khôi phục lại nghề này, gần như không còn xưởng nào. Trong vài năm qua, nhiều trận lụt lớn đã đến Venissa nhưng tất cả nho đều sống".
Đồng thời với hệ thống đê nổi, thành phố Venice cũng tăng cường các biện pháp phụ để tránh ngập lụt như lát đá lại một số vị trí, gia cố bờ biển... |
Tokyo đẩy nước xuống “Điện Pantheon dưới đất”, hồ lượn dưới sông
TTO - Thủ đô Tokyo có 107 sông lớn nhỏ khác nhau, với tổng chiều dài 858km. Mùa tuyết tan, lưu lượng nước những con sông này tăng cao, đổ vào vịnh Tokyo. Nếu kèm theo cuồng phong gây mưa lớn, Tokyo sẽ ngập nặng.
Bồn chứa khổng lồ của dự án G-Can - Ảnh: insidejapan |
“Điện Pantheon” dưới lòng đất
Trong nhiều thế hệ, ba con sông Tone, Are và Edo luôn là nỗi khiếp sợ của người dân Tokyo mỗi khi mùa mưa lũ tới. Khu vực này được gọi là châu thổ Nakagawa, nằm dưới mực nước sông Endo và nhiều con sông nhỏ khác.
Khu vực này vốn nổi danh là vùng ngập lụt của nước Nhật bởi nó thường xuyên bị tác động bởi lượng nước do tuyết tan ở các nơi khác đổ về cũng như mưa lớn của các trận cuồng phong.
Từ năm 1960, Tokyo bắt đầu mở rộng về hướng này và đến những năm 1980, toàn bộ diện tích nông nghiệp tại đây được thay thế bằng nhà kiên cố, nhà máy công nghiệp, tạo ra cơn sốt đất. Nhưng nhà chức trách đã không để ý đúng mức đến việc chống ngập lụt tại đây.
Năm 1991, cơn bão Mireilles mạnh nhất trong vòng 30 năm khiến 52.000 hộ dân trong diện tích 100km2 tại khu vực này chìm trong biển nước. 52 người thiệt mạng.
Năm 1993, Chính phủ Nhật quyết định xây kênh thoát nước ngầm ngoại vi đô thị, hay còn gọi là dự án G. Mất 13 năm để Nhật hoàn thành dự án này với kinh phí 3 tỉ USD. Giờ đây, nhiều người trên thế giới gọi đây là “Điện Pantheon dưới lòng đất” do hệ thống cột chống khiến công trình thoạt nhìn như một ngôi đền khổng lồ.
Một phần trụ chứa có kích thước 75x32m của dự án G-Can - Ảnh: insidejapan |
Hệ thống công trình này bao gồm 5 trụ chứa, mỗi ống cao 75m, đường kính 32m - vừa kích cỡ để chứa một tàu vũ trụ, chôn dưới lòng đất và được nối với nhau bởi một đường ống dài 6,3km, đường kính 10m, nằm sâu dưới mặt đất 50m.
Đường ống này dẫn nước đến một bồn chứa khổng lồ cao 25m, dài 177m, rộng 78m - rộng hơn một sân đá banh. Trần của bồn chứa được chống đỡ bởi 59 cột bêtông, mỗi cột nặng 500 tấn.
Mỗi khi mưa lớn hay có cuồng phong, hệ thống kênh dẫn nước vào 5 trụ chứa. Từ đây nước được đưa vào bồn chứa khổng lồ. Khi bồn này đầy, người ta dùng 4 động cơ của máy bay Boeing 737 đẩy nước ra sông Endo, ở vị trí không bị lũ lụt, đi ra vịnh Tokyo. Công suất của bốn máy bơm là 200m3/giây, tức rút cạn một hồ bơi chuẩn Olympic trong vòng khoảng 10 giây.
Trong năm 2008, khu vực này hứng chịu một đợt mưa rất lớn và dự án G đã hoạt động tốt, bơm thành công 12 triệu m3 nước ra sông Endo, tránh ngập lụt trong khu vực.
Takashi Komiyama, người đứng đầu trạm bơm tại bồn chứa khổng lồ, cho biết kể từ khi đưa vào sử dụng đến nay, dự án G đã được sử dụng tổng cộng 70 lần, giảm được 2/3 số nhà cửa và diện tích bị ngập lụt.
Ngoài thời gian hoạt động chống lũ, trong thời gian nghỉ ngơi, “Điện Pantheon dưới lòng đất” trở thành địa chỉ tham quan du lịch. Dĩ nhiên khách du lịch chỉ được đi vào một số nơi nhất định. Mỗi tuần chỉ có 9 tour tham quan, mỗi tour 25 khách do đó muốn có chỗ, khách phải đặt trước hơn 1 tháng.
Sơ đồ dự án G-Can - Đồ họa: Việt Thái |
Xây hồ chứa điều tiết ngầm dưới sông
Ngoài “Điện Pantheon”, người Nhật còn rất nhiều công trình khác dưới lòng đất để chống ngập. Trong năm 2016, hồ chứa điều tiết ngầm sông Furukawa được hoàn thành. Hồ dài 3,3km có đường kính 7,5m, chứa được 135.000m3 nước.
Đoạn hồ chứa dài 3,3km này nằm bên dưới sông Furukawa và uốn lượn theo đúng hình dáng của sông.
Khi sông Furukawa tràn bờ do mưa lớn, nước sẽ theo đường xả, chảy theo một đường ống thẳng đứng cao 52m vào lòng đất, đi vào hồ chứa. Khi mưa ngớt, lượng nước sông Furukawa giảm, nước trong hồ chứa được bơm trở ngược vào sông, xuống phần hạ lưu cách đó 2km.
Dự án này được khởi công vào năm 2008 sau một loạt cơn bão và cuồng phong trong năm 2004 làm ngập trạm tàu điện ngầm Azabu Juban khiến người dân yêu cầu chính quyền phải có biện pháp đối phó tình trạng này.
Hồ chứa điều tiết ngầm tại sông Furukawa không phải công trình dạng này đầu tiên tại Nhật. Trước đó năm 2008, sau 11 năm xây dựng, hồ chứa điều tiết ngầm Kandagawa được hoàn thành.
Thậm chí hồ chứa này còn lớn hơn tại Furukawa, dài 4,5km, đường kính 12,5m, dùng để chứa nước tràn từ các sông Kandagawa, Zenpukujigawa và Myoshojigawa. Sức chứa tối đa 540.000m3 của hồ được sử dụng 100% khi khu vực này bị mưa bão vào tháng 9-2013 và được sử dụng 5 lần trong năm 2013.
Đến cuối năm 2013, tại Nhật 11 hồ chứa điều tiết ngầm đã hoàn tất, với sức chứa 2 triệu m3. Ngoài ra, Nhật cũng đang xây dựng thêm năm hồ chứa điều tiết ngầm ở năm con sông khác. Đồng thời, kế hoạch xây đường ống nối hồ chứa điều tiết ngầm của sông Kandagawa với sông Shirakogawa cũng đang được thực hiện.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật cũng xây mới thêm 12km đường kênh nhằm giảm áp lực thoát nước ở 5 con sông chính và nạo vét, tu bổ 324km đường kênh ở 46 con sông khác. |
Singapore chống ngập bằng cách giữ lại từng giọt nước để xài
TTO - Cách chống ngập của quốc gia diện tích nhỏ bé và thiếu nghiêm trọng nguồn nước ngọt này rất thông minh: nước ngập do mưa và sông ngòi được chuyển vô đập - hồ chứa Marina cùng 17 hồ chứa để xài dần.
Đập Marina dài 350 với 9 cổng thoát nước - Ảnh: sharesing |
Singapore chỉ rộng 700km2 với 6 triệu dân. Đất nước này chống ngập bằng cách tái sử dụng nước và chứa nước mưa.
Thông qua hệ thống sông, cống và kênh, nước mưa ở 2/3 diện tích Singapore được đưa vào 17 hồ chứa để xử lý trước khi đưa vào sử dụng.
Theo số liệu của Cơ quan Nước quốc gia Singapore, kể từ năm 2011 đến nay, sau khi hoàn tất thêm ba hồ chứa gồm Marina, Punggol và Serangoon, diện tích hồ trữ nước đã tăng diện tích đáng kể tại Singapore.
Trong số này, công trình phức hợp đập - hồ chứa Marina là quan trọng nhất và được thế giới đánh giá rất cao. Đây là công trình mới nhất trong chiến lược hơn 20 năm của Singapore trong vấn đề giải quyết nguồn nước và chống ngập.
Vị trí Đập Marina trên bản đồ Singapore - Ảnh: Google Map |
Tháng 12-1978, Singapore hứng chịu đợt lũ lụt lớn khi mưa trút 512mm nước chỉ trong một ngày.
Nước ngập tới ngực, hàng ngàn người phải di tản, heo gà chết... Ngay khi đó, chính quyền non trẻ của Singapore phải đứng trước thách thức xử lý lâu dài vấn nạn ngập lụt.
Công việc đầu tiên là phải làm sạch sẽ, nạo vét lòng sông, di dời nhà máy, nhà dân ở hai bờ những con sông chính tại Singapore, đáng kể nhất là sông Singapore.
Tầm nhìn dài hạn về vấn đề sử dụng nguồn nước và tránh ngập lụt tại Singapore có dấu mốc lớn vào năm 2005 với việc khởi công đập - hồ chứa Marina.
Mất ba năm xây dựng với kinh phí 135 triệu USD, đập - hồ chứa Marina hoàn thành trong năm 2008. Công trình xây một con đập chắn ngang eo Marina dài 350m, tạo thành một hồ chứa nước ngọt, cung cấp khoảng 10% nước ngọt dành cho người dân ở đảo quốc sư tử.
Hiện nay, chỉ khoảng 40ha đất tại Singapore có nguy cơ bị nước nhấn chìm, so với con số 3.178ha trong năm 1970.
|
Đập Marina vừa có tác dụng ngăn không cho nước biển tràn vào đảo nhờ 10 cổng thoát nước ra biển. Nếu mưa lớn, hồ chứa sắp tràn, với điều kiện thủy triều thấp, 10 cổng thoát này được mở để nước đi ra biển.
Nếu gặp thủy triều cao, hệ thống bơm được sử dụng, đạt công suất 40m3/giây, tương đương bơm hết một hồ bơi tiêu chuẩn Olympic trong vòng hơn 1 phút.
Và cùng với những hồ chứa khác đã giúp diện tích đất có khả năng bị ngập lụt tại Singapore giảm đáng kể.
Bangkok giăng 1.682 kênh mương và 25 khu trữ lũ chống ngập
TTO - Gần gũi với Việt Nam, đặc biệt với TP.HCM: một thành phố sông nước. Không hoành tráng như người Nhật nhưng người Thái Lan chọn kênh mương làm kế chống ngập muôn đời tự nhiên.
Bangkok có hệ thống 1.682 kênh mương lớn nhỏ khác nhau với tổng chiều dài 2.604km - Ảnh: Cơ quan Quản lý đô thị Bangkok |
Thành phố Bangkok nằm ở châu thổ sông Chao Phraya, cao hơn mực nước biển 1-2m. Nền đất tại Bangkok đã bị sụt lún nghiêm trọng do hậu quả của việc lấy nước ngầm sinh hoạt.
Đây là một phần khiến thủ đô Bangkok ngày một phải đối mặt với tình hình ngập lụt nghiêm trọng. Phần khác đó là do việc sử dụng đất không hợp lý, quá trình độ thị hóa quá nhanh chóng. Nhiều công trình xây dựng lớn hơn, cao hơn, rộng hơn khiến nước không còn chỗ thoát.
Hơn nữa, tốc độ xây dựng lại vượt quá tốc độ xây dựng hệ thống phòng chống ngập. Thậm chí nhiều công trình còn làm tổn hại đến các con kênh, mương vốn là một phần trong hệ thống thoát nước vào sông Chao Phraya.
Số liệu từ Cơ quan Quản lý đô thị Bangkok (BMA), thành phố có hệ thống 1.682 kênh mương lớn nhỏ khác nhau với tổng chiều dài 2.604km. Nhiều con kênh được xây dựng kè hai bên để ngăn lũ với tổng chiều dài 77km.
Hệ thống thoát nước công cộng với tổng chiều dài đường ống là 6.188km và 158 trạm bơm với tổng công suất đạt 1.636m3/giây.. Rải rác khắp Bangkok còn có 25 khu vực trữ nước lũ với tổng lượng nước chứa được là 1,2 triệu m3.
Một hồ chứa chống ngập ở Bangkok - Ảnh: Cơ quan Quản lý đô thị Bangkok |
Ngoài hệ thống kênh, mương thoát nước, thủ đô Bangkok còn có hệ thống kiểm soát lũ gồm những đường ống có đường kính 5m, đi trong lòng thành phố ở độ sâu từ 15-22m và dùng máy bơm cao áp để bơm nước ra sông.
Trong trung tâm, Bangkok có hệ thống ống thoát nước ngầm dài 5km đã hoàn thành và thêm 6km tương tự đang xây dựng. Bên cạnh đó, Bangkok cũng đang có kế hoạch xây dựng thêm hai hệ thống ống thoát, lần lượt dài 13,5km và 9,5km.
Nguyên nhân của trận lũ kinh hoàng tại Bangkok năm 2011 được xác định do thiếu đồng bộ quản lý ở một số hồ nước trong khu vực trong việc chứa và xả nước cho nông nghiệp; liên tiếp mưa lớn kết hợp bão trong vài ngày; nhiều cửa cống dọc sông Chao Phraya không hoạt động; lượng nước khổng lồ từ các tỉnh lân cận đổ về Bangkok.
Sau trận ngập lụt lịch sử năm 2011, thành phố Bangkok đã có nhiều hội thảo, kế hoạch để thực hiện việc chống lũ hiệu quả hơn.
Để chống ngập lụt, thành phố Bankgok gia cố, xây cao thêm các kè hai bên kênh mương và ở một số đoạn của sông Chao Phraya; nâng cao năng suất thoát nước của các con kênh; xây dựng mới thêm ba hệ thống thoát nước vào vịnh Thái Lan; xây thêm hồ chứa nước lũ.
Đ.K.L
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét