VOV.VN -Người Mông Cổ hiếu khách đến nỗi quan niệm rằng nhà nào không có đồ ăn, thức uống đễ sẵn cho khách đường xa thì đó là nhà vô phúc, kém cỏi.
Từng lỗi hẹn với miền thảo nguyên một lần vào năm 2009, cho nên tôi háo hức lên đường, cho dù biết rõ mùa này Mông Cổ - miền thảo nguyên không còn ngút ngàn cỏ biếc. Tuyết đã rơi. Mùa “tủ lạnh” đã sập xuống rồi…
Ngựa quý hơn vợ
Ấy vậy mà vẫn cứ tiếc hùi hụi khi mà vượt cả dặm dài đến đây mà không có cơ hội ở nhà lều, rong ruổi trên bạt ngàn thảo nguyên xanh, hay chí ít ra là ngắm vó ngựa tung trời... May mà còn được gặp gỡ những con người thú vị. Lối kể chuyện cực duyên của đại sứ Phan Đăng Đương trong bữa tiếp đoàn công tác ở đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ một chiều nhiều gió đã găm ngay vào tâm trí tôi chuyện người Mông Cổ trước đây thường không ăn thịt ngựa. Nếu cùng đường, bất đắc dĩ phải ăn thịt ngựa trong trường hợp không còn gì ăn, để cứu đói, thì bao giờ người ta cũng chừa lại cái đầu và cất công mang lên đỉnh núi cao nhất để thờ!
Ở nông thôn, trẻ em 3 tuổi đã được cha, anh dạy cưỡi ngựa. Chục tuổi, chúng đã phi ngựa như bay. Ảnh: Internet
Dẫn chúng tôi dạo quanh phố sá thủ đô Ulaanbaatar, bà Lkhagvasuren Badamdorj, Trưởng ban Hợp tác Quốc tế – Đài PTTH Mông Cổ, chuyện cứ nở như ngô rang. Bà khác hẳn hình dung của tôi về phụ nữ Mông Cổ mắt nhỏ, da rám nắng mà có nét hao hao như Natasa nào đó của nước Nga hàng xóm, với làn da trắng, mắt to, mặt như trái táo chín khá là quyến rũ. Bà đố vui rằng, “Với người đàn ông Mông Cổ, thứ gì là qúy nhất”? Chả ai đoán đúng. “ Đó là ngựa. Vợ con không phải là thứ nhất mà là ngựa! ” – Lời giải đố của Lkhagvasuren Badamdorj bung ra trong tiếng cười giòn tan.
Mông Cổ có 30 loài động vật có vú. Nhưng dân xứ này chỉ tính 5 loại phổ biến, đó là ngựa, dê, cừu, bò, lạc đà với tổng đàn 60 triệu con, trong đó ngựa có khoảng trên 2,5 triệu con. Cuộc đời du mục nơi thảo nguyên bao la, rộng lớn, đi cả ngày trời chả thấy bóng người, nên chỉ có thể trông cậy vào người bạn đường là ngựa. Ngựa là thứ qúy nhất với người Mông Cổ, kể cũng không có gì lạ. Ngựa chở người, thồ hàng, ngựa chăn cừu, đi săn, trước đây, nó chinh chiến cực dẻo dai. Về giải trí thì môn đua ngựa cũng được dân Mông Cổ ưa chuộng nhất, rồi mới đến bắn cung, đấu vật. Với người Mông Cổ, ngựa tượng trưng cho sức mạnh, sự trung thành, sức sống mãnh liệt và may mắn. Ở nông thôn, trẻ em 3 tuổi đã được cha, anh dạy cưỡi ngựa. Chục tuổi, chúng đã phi ngựa như bay.
Giờ thì tôi đã lờ mờ cắt nghĩa được vì sao mà dạo quanh phố phường Ulaanbaatar, bắt gặp nhiều tượng người cưỡi ngựa đến vậy! Rất nhiều tư thế khác nhau. Ngựa tung vó kiêu hùng phi nước đại, đầu ngẩng cao, hai vó trước như bay lên. Ngựa cong người, chúc đầu khi bị ghìm cương. Ngựa thung thung đi bước một...Tất cả đều vô cùng sống động. Không kịp có 1 khảo sát nào, nhưng để ý thấy tượng người cưỡi ngựa phi nước đại, tung vó lao về phía trước vẫn nhiều hơn cả, gợi nhớ hình ảnh người hùng trên lưng ngựa chiến, chinh phục khát vọng bá chủ thế giới, tung hoành khắp 2 châu lục Á - Âu một thời.
Trong khi hệ thống tượng ở Ulaanbaatar chả để lại ấn tượng gì đáng kể vì nét thô vụng thì tượng ngựa lại cuốn hút tôi ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Đẹp bất ngờ. Đẹp đến từng chi tiết nhỏ, ăm ắp thần thái. Hiển hiện nơi thành phố đang phát triển với tốc độ xây dựng chóng mặt một nền văn hóa du mục lâu đời với cuộc sống trên lưng ngựa, làm nên nét riêng quyến rũ cho Ulaanbaatar chen chật ô tô, bụi khói, thiếu vắng cỏ hoa và cây xanh trong tiết đông xám xịt. Đó còn là tình yêu, là sự quyến luyến truyền thống du mục của người Mông Cổ chốn đô thành!
Tượng người cưỡi ngựa lớn nhất Mông Cổ
Bức tượng người cưỡi ngựa lớn nhất Mông Cổ đến thời điểm này là tượng Thành Cát Tư Hãn, được hoàn thành vào năm 2008, tại khu tượng đài mang tên Thành Cát Tư Hãn, ở tỉnh Tuv, miền Trung Mông Cổ, cách Ulaanbaatar khoảng 55 km. Khu du lịch này đang xây dựng, hiện mới xong phần toà tháp, trên cùng đặt bức tượng Thành Cát Tư Hãn cưỡi trên lưng ngựa chiến bằng thép sáng loáng, cao 40m, nặng 250 tấn. Nơi đây, tương truyền, Thành Cát Tư Hãn đã vứt roi vàng, giã từ đời chinh phạt. Bởi thế, tượng vị hoàng đế oai phong, tay cầm roi vàng được tạc trong thế cưỡi ngựa, nhưng là ngựa dừng chân, cúi đầu suy tư...Dựng tượng Thành Cát Tư Hãn tại nơi này, trong tư thế này là cách người Mông Cổ thêm 1 lần tôn vinh vị anh hùng vĩ đại của dân tộc mình.
Bức tượng người cưỡi ngựa lớn nhất Mông Cổ đến thời điểm này là tượng Thành Cát Tư Hãn, được hoàn thành vào năm 2008
Trong toà tháp có bảo tàng tư nhân của ông Tsojnin Boldog, trưng bày hơn 1 nghìn hiện vật bằng đồng liên quan đến đế chế Mông Cổ hùng mạnh thế kỷ 13, đặc biệt là vũ khí, áo giáp và đồ đồng chạm khắc vô cùng tinh xảo. Những hiện vật này, chủ nhân của nó sưu tầm trong 20 năm trên khắp đất nước Mông Cổ.
Gây ấn tượng mạnh còn là chiếc giầy truyền thống của Mông Cổ cao 9m, dài 6 m, nặng tới 3 tấn làm từ 225 mảnh da bò ghép lại được trưng bầy ngay tầng 1 của toà tháp. Giầy của Thành Cát Tư Hãn cũng được thiết kế giống y chang vậy. Quần thể tượng đài đang tiếp tục được xây dựng đến năm 2015 trên một khuôn viên rộng 100 ha. Có rất nhiều tượng kỵ sĩ cưỡi ngựa. Slongo, cô bạn đồng nghiệp ở Đài PTTH Mông Cổ nói với tôi “nếu muốn, chỉ cần bỏ ra 10 nghìn đô la, thì gương mặt kị sỹ cưỡi ngựa kia sẽ là gương mặt của bạn”. Quả là một hình thức “xã hội hoá”, thu hút vốn xây dựng khu du lịch khá độc đáo!
Làm sẵn bánh, thịt để thết khách không mời…
Muốn xem người ấy yêu mảnh đất mình đang sinh sống đến độ nào, chỉ cần nghe họ nói về xứ đó. Chuyện về Mông Cổ, có cảm tưởng rằng, khó có ai kể hay hơn đại sứ Phan Đăng Đương. Bởi ông là người yêu Mông Cổ đến từng hơi thở. Người nghe vừa có được thông tin, lại vừa được truyền cảm hứng yêu say 1 vùng đất lần đầu đặt chân. Nghe để rồi tiếc. Giá như được 1 lần “ba cùng” với đời du mục. Cái cảm giác đã mơ ngày trở lại dù chưa dời gót cứ xâm chiếm lấy tôi khi nghe ông kể về cuộc sống tự do, phóng khoáng nơi miền thảo nguyên kỳ thú. Chồn chân, mỏi gối thì đã có những ngôi nhà lều như dấu chấm rơi trên đồng cỏ xanh! Cửa không khoá bao giờ. Gia chủ đi vắng cũng chỉ có móc cài đơn sơ. Ngạn ngữ Mông Cổ có câu: “Hạnh phúc là người thường xuyên có khách đến chơi, hân hoan là luôn có ngựa của khách cột trước cửa nhà”. Về độ quý khách mà nói, chắc người Mông Cổ hiếu khách nhất thế giới! Ngôi nhà ấy, khách đường xa, bất kỳ ai cũng có thể mở cửa mà vào tự nhiên, dù chủ nhà đi vắng! Và đã bày sẵn trên bàn bánh mì, bánh gối, thịt luộc (cừu, bò) cùng dao, dĩa. Một chảo sữa lăn tăn sôi trên than củi. Để làm gì? Để khách lỡ độ đường, ghé vào có cái ăn. Người Mông Cổ quan niệm, nếu nhà nào không có đồ ăn, thức uống đễ sẵn như vậy cho khách đường xa thì đó là nhà vô phúc, kém cỏi.
Người Mông Cổ bày sẵn trên bàn bánh mì, bánh gối, thịt luộc (cừu, bò) cùng dao, dĩa, một chảo sữa lăn tăn sôi trên than củi để khách lỡ độ đường, ghé vào có cái ăn
Khách đến, đói cứ ăn. Khát cứ uống. No say thì thôi. Vô tư. Không phải khách sáo, so đo gì. Ăn xong, nếu có tiền, có thể để lại một ít tiền, mang tính chất tượng trưng. Để báo cho chủ nhà rằng, chúng tôi đã ghé thăm, đã ăn, uống, chúng tôi cám ơn ông bà. Không có tiền thì thôi, chả sao cả. Chỉ cần để lại 1 cái gì đó chứng tỏ rằng, “chúng tôi đã đến đây, đã thưởng thức món ăn”.
Nếu gia chủ có nhà, có thứ gì ngon, người ta mang ra hết thết khách với một niềm yêu chân thành. Truyền thống hiếu khách ấy của người Mông Cổ đến nay, vẫn vậy. Đãi khách, cừu nướng nguyên cả con. Rượu sữa ngựa cả chum, uống bằng bát. Thuở trước, ở vùng nông thôn, khách là đàn ông đến nhà, nếu có ý quyến luyến cô con gái chủ nhà, và nếu nàng cũng tỏ niềm yêu thích thì bố mẹ cô sẵn lòng “bố trí” cho ngủ chung.
Nếu gia chủ có nhà, có thứ gì ngon, người ta mang ra hết thết khách với một niềm yêu chân thành
Ngày thứ bảy, ông Batbayar Yondonsambuu, Phó Tổng giám đốc Đài PTTH Mông Cổ mời chúng tôi đến nhà dùng bữa trưa. Ai cũng vui, ngỡ ngàng. Khía cạnh ngoại giao, sự vụ thì chủ - khách đã đãi đằng nhau ở nhà hàng sang trọng rồi! Phải quý mến nhau lắm mới mời đến nhà ăn cơm! Bà vợ trẻ bưng ra đĩa bánh hấp bốc khói thơm ngậy, bánh buuz, làm bằng bột mì, cỡ bằng quả quýt, nhân thịt cừu, ướp hành, tỏi, tiêu, túm xoắn lại trên đỉnh thành hình bông hoa. Có khách quý, người Mông Cổ mới làm món bánh truyền thống này.
Các nhà báo VOV làm khách mời tại nhà riêng của Phó Tổng giám đốc Đài PTTH Mông Cổ
Bánh buuz cũng không thể thiếu trong ngày Tết Tsagaan Sar của họ như thể món bánh chưng dịp tết Nguyên đán của ta vậy. Vừa khen bánh thơm ngon, bà Lkhagvasuren Badamdorj Trưởng ban Hợp tác Quốc tế – Đài PTTH Mông Cổ vừa than bằng 1 giọng điệu hài hước: “Ngày Tết, tôi không khác gì một con robot, đứng chồn chân làm khoảng 1.500 bánh này để đãi khách”. Bánh hấp lên, hoặc rán giòn. Hình thù cũng đủ loại, hình bông hoa, hình mặt trăng...tùy vào đôi tay khéo của những người phụ nữ.
Được làm khách quý quả là hạnh phúc âm ỉ của kẻ tha hương./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét