Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Sisaket – Ngôi chùa gần bảy nghìn tượng Phật

Wat Sisaket trong tiếng Lào có nghĩa là chùa Sisaket nằm ở đường Sethathirath, góc đại lộ Lane Xang, thủ đô Viêng Chăn. Sisaket được coi là ngôi chùa có nhiều tượng phật nhất nước Lào với 6.840 tượng Phật lớn nhỏ. Không rõ có ngôi chùa nào trên thế giới vượt qua được con số khổng lồ này không?

“Lời nhắc nhở” chiến tranh

Là một đất nước yêu chuộng hòa bình nhưng Lào vẫn phải hứng chịu nhiều cuộc xâm lăng. Có nhiều minh chứng cho những cuộc chiến đó nhưng những ngôi chùa ở Vientiane được coi là nơi để lại nhiều dấu tích nhất. Sisaket là 1 trong những nơi như vậy.


Đến Sisaket, bất kỳ ai cũng phải ghé thăm "kho tượng Phật" nằm gọn bên mé trái của chùa. Tấm cửa được đóng đơn giản với những tấm gỗ thưa, để lộ ra bên trong hàng trăm bức tượng Phật lớn bé. Có bức chỉ còn thân, có bức mất tay mất chân, có cái chỉ có đế. Nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là mất đầu.

Đầu là bộ phận quan trọng nhất trên cơ thể. Và tượng Phật cũng vậy, đầu là linh thiêng, là hồn của cả bức tượng. Chính vì vậy, khi tạc tượng, người thợ thả hồn và tâm trí vào phần đầu của bức tượng để làm sao khi nhìn vào đó người ta tìm thấy sự linh thiêng, kính trọng. Ngoài ra, thợ đúc, tạc tượng cũng thường gắn vào đầu của tượng những vật quý như vàng, ngọc, bạc và coi đó như cách nhập hồn cho tượng.

Chính vì giá trị cả về tâm linh lẫn vật chất như vậy mà cứ mỗi lần gặp chiến tranh, tất cả các ngôi chùa trên đất nước Lào đều bị tàn phá hoặc cướp bóc. Kẻ thù không chỉ muốn xóa bỏ đi tâm linh của người Lào mà còn muốn đem về những chiến lợi phẩm có giá trị cao. Để đảm bảo mang chiến lợi phẩm về gọn nhẹ nhất, họ thường chặt đầu tượng, đem nấu chảy rồi đúc thành thỏi mang đi.

Sau mỗi cuộc chiến tranh loạn lạc người Lào lại xây lại những ngôi chùa, đúc lại những bức tượng Phật đầy huyền bí của mình. Là những người yêu chuộng hòa bình, họ muốn nhắc nhở con cháu mình thông qua những gì còn sót lại sau những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Và căn phòng chứa những bức tượng đã bị hủy hoại sinh ra là để phục vụ cho mục đích này.

Quốc đạo

Đối với người Lào, Phật giáo là quốc đạo. Sisaket là một trong những biểu tượng của đạo Phật ở đất nước hiền hòa này. Bạn có thể gặp những ngôi chùa có ảnh hưởng của các tôn giáo khác nhưng theo thời gian, những đạo giáo này sẽ được biến đổi hướng dần về đạo Phật sao cho gần gũi với phong tục và lối sống của người Lào nhất.


Người Lào không có tục chôn người chết. Khi người thân mất đi họ hỏa táng sau đó gửi tro cốt vào chùa. Mọi việc cúng viếng, tưởng nhớ đều được các thầy chùa và người nhà thực hiện tại đó. Đó là một trong những lý do giải thích vì sao ở Lào một con phố có thể có đến cả chục ngôi chùa tọa lạc.

Cũng liên quan đến tín ngưỡng của người Lào, bất cứ người đàn ông nào khi đến tuổi trưởng thành đều ít nhất 1 lần phải vào chùa để tu. Họ có thể tu 1 lần, nhiều lần hoặc suốt đời tùy theo mong muốn của bản thân và gia đình. Ý nghĩa của việc đi tu này là nhằm báo hiếu cha mẹ, người thân. Và theo tục lệ, chỉ người đàn ông mới được đi tu và họ sẽ phải tu thay cho mẹ, chị em gái của mình.

Sisaket cũng như tất cả các ngôi chùa khác trên đất nước Triệu voi. Hàng ngày, các nhà sư sẽ vẫn phải đi hành khất. Việc xin ăn chỉ diễn ra trong buổi sáng và hoàn toàn có thể nhận không hạn chế đồ ăn mà người dân đưa cho. Số thực phẩm này ngoài việc để phục vụ 2 bữa ăn hàng ngày còn để phúng viếng những linh hồn được gửi trong chùa. Người dân phúng đồ ăn cho nhà chùa mỗi ngày cũng một phần mong muốn được gửi gắm đồ ăn cho người thân của mình ở thế giới bên kia.

Đến đất nước Triệu voi nếu bạn không ghé thăm những ngôi chùa cổ kính, không nghiêng mình trước sự huyền bí của những bức tượng Phật, coi như bạn đã bỏ qua nét văn hóa đặc trưng nhất của người Lào.


(Theo TT & VH)

Không có nhận xét nào: