Người mê truyện chưởng, hẳn ai cũng biết “Thiên long Bát bộ” của nhà văn Kim Dung. Để quay bộ phim chuyển thể từ ấn phẩm trên dài 41 tập, người ta đã xây một phim trường chi phí gần 2 triệu USD. Sau thành công vang dội của bộ phim, nơi đây trở thành điểm tham quan hút khách thập phương.
Cổng phim trường được phục dựng đúng như cổng cổ thành Đại Lý, đá xanh, rêu phủ, tường thành cắm cờ chi chít (ảnh). Gác cổng là những người lính mặc giáp sắt, tay cầm giáo dài - họ cũng là người soát vé.
Vượt qua “cửa ải” đầu tiên, chúng tôi bước vào vương quốc Đại Lý. Những con đường lát đá phẳng phiu, hai bên là lầu son, gác tía bày lụa là và đồ lưu niệm. Kế đến là những ngôi nhà bình dân với guồng quay tơ, những quán rượu đơn sơ, cổ kính.
Bên trong là khu vực hoàng cung, bốn con voi tạc bằng đá trắng trấn giữ. Cách không xa là một chiếc xe tù đóng bằng những thanh gỗ to, dán hai dải băng bắt chéo viết đầy chữ...
Nơi hoàng đế thiết triều không xa hoa, tráng lệ như ta hình dung. Du khách có thể thuê trang phục để hoá thân thành một ông vua hay hoàng hậu, công chúa. Đang quan sát hai người bạn đồng hành đánh cờ (bàn cờ bày ngoài sảnh, hoa và cờ vốn là thú chơi tao nhã của giới quý tộc Đại Lý), chúng tôi nghe thấy tiếng nhạc réo rắt vang lên từ giữa sân rồng.
Dàn nhạc cung đình thu nhỏ đang tấu những khúc nhã nhạc cổ. Rồi một diễn viên tuồng xuất hiện, xoay như chong chóng, trong chốc lát đã thay đổi gương mặt của mình tới mấy lần. Những võ sinh lao vun vút, múa kiếm, đánh võ, diễn lại cảnh trong phim “Thiên long Bát bộ”... Có cảm giác “tiểu vương gia” Đoàn Dự đang ríu rít cùng các cô nương xinh đẹp võ công cao cường đang ở đâu đó rất gần mình.
Trời nắng chang chang, quán rượu ngày xưa bây giờ người ta bán... kem và nước giải khát. Nơi nào có thể “móc túi” được du khách thì những người làm du lịch ở đây đều biết tận dụng rất tự nhiên. Nhiều người từ xa đến thích thăm thành Đại Lý “phục dựng” này hơn cả thành Đại Lý thật! Chợt chạnh lòng khi nghĩ tới cảnh đeo bám khách nước ngoài bán bưu thiếp và các dịch vụ sơ sài ở bên ta, chỉ gây cảm giác thương hại, chứ không phải lòng mến khách.
Một địa danh nữa rất đẹp gắn liền với bộ phim “Thiên long Bát bộ” là núi Thương Sơn, trong tiểu thuyết là “Vô lượng sơn” - nơi công tử Đoàn Dự lạc vào. Từ con đường bên hồ Nhĩ Hải, chúng tôi đi cáp treo lên núi. Mây ùa vào trong cabin.
Sau khi vượt qua rừng hoa vàng, hoa tím tuyệt đẹp, tới cửa hang đá vừa một người đi. Nước từ vòm hang rỏ xuống tí tách. Giữa hang có tượng mỹ nhân bằng đá, to bằng người thật, một tay cầm kiếm, một tay bắt quyết. Đó là nhân vật “thần tiên nương tử” đã ban cho Đoàn Dự bí kíp võ công thượng thừa.
Kỳ lạ là, khi viết tiểu thuyết “Thiên long Bát bộ”, nhà văn Kim Dung sống ở Đài Loan và chưa hề đặt chân đến Đại Lý, nhưng bằng văn tài của mình ông đã tưởng tượng ra những tình tiết mà ngay cả người Trung Hoa lục địa cũng phải bái phục. Bên ngoài cửa hang có hàng ngàn chiếc khoá tình yêu, người đến đây khoá xong ném chìa xuống vực sâu để không ai có thể mở khoá ra được nữa.
Đại Lý có nhiều nơi đẹp, thành cổ, chùa Thiên Long, Tam Tháp, hồ Nhĩ Hải, núi Điểm Thương...
Khám phá Đại Lý cùng nhà văn Kim Dung theo cách của chúng tôi cũng thật thú vị. Vùng đất này đã được nhà văn tặng cho một thiên diễm tình tuyệt đẹp, khiến cảnh sắc, thiên nhiên, hòa quyện với con người, trở nên lung linh, cổ tích hơn. Thật may là người ta đã biết khai thác nó, để đem đến những xúc cảm và ấn tượng mới cho du khách trong những chuyến đi xa.
Xuân Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét