“Happy feet” (Những đôi chân vui vẻ) – bộ phim hoạt hình nổi tiếng chính là lý do thôi thúc chúng tôi đi một chặng đường dài đến Phillip Island để chứng kiến cuộc diễu hành của loài cánh cụt và chiêm ngưỡng những bước chân bé nhỏ từng khiến cả thế giới phải nhún nhảy theo.
Bài TRỌNG CHÍNH Ảnh TRỌNG CHÍNH
Dọc ngang “boardwalk” săn Koala
Vượt cây cầu West Gate lớn nhất Melbourne, chúng tôi đặt chân đến đảo Phillip. Cư dân của hòn đảo xinh đẹp này chỉ trên dưới 10.000 người, chủ yếu tập trung ở thị trấn Cowes, nhưng doanh thu từ du lịch của Phillip Island lại là khoản lợi lớn của Úc.
Cuộc diễu hành của chim cánh cụt thường diễn ra vào buổi chiều, nên chúng tôi có hẳn một ngày để tham quan xung quanh đảo. Phillip Island là một trong bốn hòn đảo nằm gần Nam cực nhất. Sở hữu một hệ sinh thái vô cùng độc đáo, Phillip Island là ngôi nhà của nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm.
Chúng tôi đến khu bảo tồn koala, loài thú nằm trong sách đỏ, có nguy cơ tuyệt chủng. Koala còn gọi là gấu túi, chúng chỉ ăn lá cây khuynh diệp, sống quanh quẩn trên cây, từ lúc ăn cho đến lúc ngủ.
Khác với những sở thú thường thấy, Trung tâm Bảo tồn Koala thiết kế những lối đi bằng ván, được gọi là “boardwalk”, cùng rất nhiều tấm bảng nhắc du khách giữ yên lặng, nhằm không làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của gấu túi trong rừng khuynh diệp.
Dọc ngang “boardwalk”, trước mắt chúng tôi là bạt ngàn màu xanh non của rừng khuynh diệp, ai cũng ngửa mặt trông lên các vòm cây để tìm koala. Số gấu túi sinh sống trong khu bảo tồn chỉ còn khoảng 50 con. Vì vậy, giữa rừng cây xanh tìm cho ra một chú koala thật không dễ chút nào. Và muốn chụp được hình koala thì đòi hỏi nhiều may mắn hơn nữa.
Chuyến săn gấu túi của chúng tôi cuối cùng cũng kết thúc trong hoan hỉ khi vài thành viên trong nhóm đã có được những tấm hình koala vô cùng quý giá.
Trung tâm Bảo tồn Koala với những lối đi bằng ván (boardwalk)
Cuộc diễu hành của binh đoàn bé nhỏ
Ra khỏi lãnh địa của koala, chúng tôi bước vào thế giới của chim cánh cụt trên bãi biển Summerlan. Có thể nói, chim cánh cụt về tổ sau hoàng hôn là một trong những cảnh đẹp thiên nhiên tiêu biểu nhất của Úc. Kể từ những năm 1920, khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đã đổ xô đến đảo Phillip chỉ để chiêm ngưỡng khoảnh khắc vô cùng đáng yêu này.
Là loại chim nhỏ (Little Penguin), chim cánh cụt trên đảo Phillip có bộ lông trắng đen, chiều cao khoảng 33 centimét và nặng chỉ một kilôgam, thuộc loại nhỏ nhất trong các loài chim cánh cụt trên thế giới. “Thợ lặn nhỏ tài giỏi” là tên gọi loài chim này trong tiếng Hy Lạp. Với cơ thể thon như quả ngư lôi, bộ lông mượt không thấm nước, và hai cánh như mái chèo, chúng có vẻ như đang bay trong làn nước.
Khi hoàng hôn buông dần, đàn chim cánh cụt sẽ trở về tổ sau một ngày kiếm ăn ngoài khơi. Chúng đứng chờ nhau trên bãi biển, đến khi đông đủ mới theo con đầu đàn trở về tổ. Tối hôm đó, chúng tôi ngồi trên bậc thềm xi măng của một khán đài đặc biệt, gần bãi biển để ngắm khoảnh khắc ấn tượng này. Theo yêu cầu, chúng tôi không được sự dụng camera, máy ảnh hay điện thoại ghi hình bởi các thiết bị điện tử đó có thể khiến lũ chim hoảng sợ. Đó là một khung cảnh hết sức ngộ nghĩnh và buồn cười. Chúng tôi ngồi im, nửa như là khán giả của một buổi biểu diễn, nửa như hóa vô hình để không phá vỡ khoảnh khắc tuyệt diệu này của tự nhiên. Trong ánh sáng le lói của buổi hoàng hôn, những chú chim lững thững bước lên bờ, sau những cú xô dạt của sóng biển, rồi đi thành hàng ngang qua qua bãi cát trước khán đài để về tổ. Màn trình diễn đặc biệt này khiến chúng tôi hoàn toàn bị mê hoặc.
Đêm ấy, trên biển Summerlan, cuộc diễu hành sống động của binh đoàn tí hon, chỉnh tề và kỷ luật, mãi là hình ảnh ấn tượng mà tôi chỉ có thể ghi lại bằng tâm trí của mình.
Một chú chim nước ở một trang trại trên đảo Phillip
– Vé vào cửa đảo Phillip là 58 đô la Úc/người
– Vé xem cuộc đi bộ của chim cánh cụt là 27,5 đô la Úc/người. Mỗi ngày chỉ có một số lượng vé nhất định, vì vậy bạn có thể đặt trước qua các dịch vụ du lịch của Úc. Giá vé này hỗ trợ công tác bảo tồn tự nhiên trên đảo, nghiên cứu các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với chim cánh cụt.
– Từ cuối thập niên 1990 tới đầu những năm 2000, vùng biển phía Nam của Úc đã chứng kiến nhiều vụ dầu tràn nghiêm trọng. Nghiêm trọng nhất là vụ tràn dầu năm 1995 với khoảng 325 tấn dầu loang trên biển, ước tính 10.000-25.000 chú chim cánh cụt đã chết sau tai nạn này. Khi lông dính bết, chim cánh cụt sẽ tìm cách rỉa lông để làm sạch – điều này khiến chúng nuốt phải dầu, dẫn tới tử vong. Trong số 17 loài chim cánh cụt sống ở Nam bán cầu, có lẽ chỉ riêng chim cánh cụt trên đảo Phillip là được khoác lên mình chiếc áo len độc đáo để bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của dầu tràn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét