Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Trải nghiệm khác lạ ở Israel

(iHay) Biển Chết (Dead Sea) được nhiều sách du lịch uy tín đưa vào danh sách 100 địa điểm phải đến trước khi chết. Nên không lý gì có mặt ở Israel mà không đến đây một lần.


Một góc sân chơi trẻ em
Một góc sân chơi trẻ em

Đường đến Biển Chết rất ngoạn mục. Hai bên đường đi, sa mạc trải dài mênh mông, thấp thoáng một vài khu lều trại du mục của người Bedouin. Nhưng thật kỳ lạ, thỉnh thoảng giữa cát sỏi và nắng nóng cằn khô ấy vẫn thấy mọc lên những khu dân cư với màu cát vàng của sa mạc và những dải chà là xanh mát mắt.

Quán bar thấp nhất thế giới
Từ Jerusalem nằm ở độ cao 800 m so với mực nước biển thì đến Biển Chết, bạn sẽ ở vị trí âm 400 m so với mực nước biển. Việc thay đổi độ cao như thế khiến tai ù đi, giống khi lên đèo hay lên núi. Dọc hai bên đường, người ta dựng những tấm biển báo cho biết độ cao đang giảm dần ở mức nào. Tôi tiếc xe không dừng lại được ở biển báo 0 m so với mực nước biển để chụp một tấm ảnh kỷ niệm. Nhưng trên bờ Biển Chết, tôi chụp được tấm biển trước một quán ăn uống, khoe rằng đây là quán bar ở vị trí thấp nhất thế giới.
Nước Biển Chết màu xanh đục. Đáy biển toàn bùn và gập ghềnh, lồi lõm do bị cả thế giới đua nhau đổ về móc bùn trong suốt nhiều thế kỷ qua. Trước khi đến đây, chúng tôi đã được khuyến cáo cách tắm biển là phải tháo bỏ hết đồ nữ trang và chỉ được ngâm mình trong nước không quá 5 phút, rồi móc bùn lên trét khắp người để tốt cho da. Sau đó, lên bờ nằm nghỉ chờ cho bùn khô lại để thấm vào da rồi mới xuống tắm tiếp. Do độ mặn quá lớn nên nếu ngâm quá lâu, nước biển sẽ gây hại cho da. Đặc biệt, nên ngửa mặt cho người thả nổi bồng bềnh trên mặt nước để nước biển không văng vào mắt vì nếu bị, sẽ rất cay và không tốt cho mắt.
Một số bạn trong đoàn bảo nhau sao không ai nhớ cầm theo quyển sách để mang xuống biển nằm ngửa trên mặt nước giả bộ đang đọc sách, giống mấy tấm hình hay giới thiệu về Biển Chết thường thấy. Thực tế, nếu muốn dàn dựng vụ này một mình cũng khó, bởi lúc lội xuống, đáy biển toàn bùn trơn trượt, lại lồi lõm cao thấp, phải bấm chân xuống mà dò dẫm đi, thỉnh thoảng lại "vồ ếch" bì bõm. Nên nếu có quyển sách nào ở đây chắc cũng làm rớt xuống biển rồi chứ đừng mơ cầm được mà nằm ngửa lên đọc, trông thong dong như mấy người trong quảng cáo!
Sống trong Kibbutz giàu có
Có một điều chắc không nhiều người biết: Hiện nay ở Israel vẫn tồn tại một hình thái kinh tế - xã hội giống như hợp tác xã nông nghiệp ở các nước XHCN trước đây, đó là các khu định cư người Do Thái (kibbutz). Mô hình này do những người Do Thái đến từ Nga và các nước Đông Âu mang về Israel và phát triển mạnh kể từ năm 1948.
Ban đầu, các kibbutz chỉ là mô hình những trang trại cộng đồng, nghĩa là các xã viên cùng làm việc và phân chia thu nhập theo nguyên tắc bình quân. Vào những năm 50 - 60 của thế kỷ 20, khi Israel bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, các kibbutz đã bắt nhịp được với tốc độ phát triển và nhanh chóng chuyển đổi thế mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp. Thời kỳ này, sản phẩm từ các kibbutz chiếm tới 80% sản lượng công nghiệp (chủ yếu là công nghệ thực phẩm, máy móc, thiết bị) và khoảng 20% sản lượng nông nghiệp toàn quốc gia. Trên thực tế, trong suốt nhiều thập niên của thế kỷ trước, mức sống của xã viên trong các kibbutz cao hơn rất nhiều so với mức sống trung bình của người dân Israel.
Một căn nhà của xã viên với sân vườn rộng lớn
Một căn nhà của xã viên với sân vườn rộng lớn
Hiện nay, mặc dù nhà nước Israel không hề ngăn cản và vẫn công nhận vai trò của các kibbutz trong nền kinh tế, nhưng mô hình này đang thu hẹp dần. Ngày nay, chỉ còn khoảng 270 kibbutz hoạt động rải rác khắp Israel với khoảng 130.000 dân, chiếm 2,5% dân số cả nước. Một số kibbutz rất giàu có do thành công trong kinh doanh địa ốc và chuyển giao sản phẩm nông nghiệp - công nghiệp kỹ thuật cao.
Chúng tôi có dịp đến thăm một kibbutz ở thành phố cổ Jerusalem. Được nghe giới thiệu đây là một trong những kibbutz giàu mạnh nhất Israel. Gặp một cụ bà sống trong kibbutz từ năm 1979, bà bảo rất hài lòng về cuộc sống ở đây. Tất cả mọi người cùng sống chung với nhau, cùng được chia sẻ các dịch vụ, nhà cửa được cấp (mỗi nhà đều to đẹp như một biệt thự). Có những người làm nhiệm vụ giặt đồ, những người khác lo nấu ăn tại nhà ăn tập thể phục vụ cho tất cả mọi người. Xe ô tô cũng được cung cấp sử dụng chung. Khi nào cần dùng xe, chỉ cần vào trang web của kibbutz để đăng ký và chọn xe. Nếu muốn dùng xe lớn hơn, có thể yêu cầu kibbutz đi thuê bên ngoài cho mình và không phải trả tiền.
Một lối đi nhỏ trong nội khu kibbutz
Một lối đi nhỏ trong nội khu kibbutz
Tất cả tiền điện, nước, chi phí cho trẻ con đi học và mọi sinh hoạt phí khác đều được ngân sách của kibbutz chi trả. Trong khu định cư cũng có siêu thị, trạm xăng, garage... nhưng vào đó mua đồ dùng, thực phẩm, đổ xăng hay sửa chữa xe thì không phải trả tiền mà chỉ cần cho biết số nhà.
Mỗi khu định cư có nhiều hội đồng phụ trách các vấn đề khác nhau như: hội đồng y tế - sức khỏe, hội đồng kinh tế, hội đồng văn hóa... Khi cần quyết định một vấn đề quan trọng phải có sự đồng thuận của người dân trong khu định cư, các hội đồng sẽ thực hiện bỏ phiếu và nếu tỷ lệ phiếu thuận trên 64% thì quyết định sẽ được thực hiện.
Bù lại, để đổi lấy cuộc sống lý tưởng như thế, các thành viên trong kibbutz không ai được sở hữu tài sản riêng. Mọi thứ đều phải được nhập chung vào để cùng nhau sử dụng. Nếu ai đi làm ở bên ngoài, có lương và các thu nhập thêm thì cũng phải mang về nộp hết cho kibbutz. Mọi người cùng nhau làm việc và cùng chia nhau hưởng thụ các dịch vụ theo một mặt bằng chung về mức sống cũng như các tiện ích do kibbutz mang lại.
Gìn giữ giá trị truyền thống
Tôi hỏi các bạn Israel rằng có nhiều người thích sống trong kibbutz không? Các bạn bảo thích lắm chứ, đó là một cuộc sống lý tưởng, vì "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" thì ai mà chả thích. Nhưng thực tế các kibbutz hiện nay tại Israel không những không phát triển thêm cả về quy mô lẫn số lượng mà càng ngày càng "teo tóp" dần. Nhiều kibbutz hoạt động không hiệu quả đã phải họp xã viên lại, cùng nhau quyết định chấm dứt hoạt động và chia đất cho nhau để “ai về nhà nấy”. Một số kibbutz đang hoạt động nhưng chỉ cố gắng duy trì truyền thống ăn chung hai bữa, còn bữa chiều thì phải cung cấp thực phẩm cho xã viên để họ nấu ăn tại nhà nhằm giúp các thành viên trong mỗi gia đình gắn kết với nhau hơn.
Nhà ăn tập thể trong một kibbutz nhìn từ bên ngoài - Ảnh: N.T.K.O
Nhà ăn tập thể trong một kibbutz nhìn từ bên ngoài - Ảnh: N.T.K.O
Nhìn chung, hầu hết các kibbutz hiện nay đã không còn tiếp nhận thêm thành viên mới từ bên ngoài mà chỉ tập trung việc chăm lo, phát triển đời sống cho cư dân hiện hữu để cố gắng gìn giữ những giá trị truyền thống còn lại của mô hình "làm chủ tập thể" này.
Kiến tạo một xã hội bình đẳng
Kibbutz (theo tiếng Hebrew có nghĩa "tổ hợp") là một cộng đồng nông thôn, hoạt động như một xã hội thu nhỏ với tính chất của một hệ thống kinh tế - xã hội, dựa trên nguyên tắc: sở hữu tài sản tập thể, bình đẳng và hợp tác về mọi mặt trong đời sống giữa các thành viên trong cộng đồng; kết hợp sản xuất, tiêu thụ với ý tưởng về một xã hội "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu".
Năm 1909, kibbutz đầu tiên mang tên Degania nằm ở phía tây nam biển Galilee. Vào những năm 1930 - 1940, hàng loạt các kibbutz đã mau chóng được thành lập bởi những người Do Thái trẻ từ Đông Âu và Nga, mang trong mình tư tưởng xã hội chủ nghĩa, trở về tham gia xây dựng đất nước với kỳ vọng kiến tạo một xã hội bình đẳng theo các nguyên tắc của chủ nghĩa Marx.
Nguyễn Thị Kiều Oanh

Không có nhận xét nào: