Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Trung Quốc có cầu vượt biển “khủng” nhất thế giới

TT&VH) - Nhà chức trách Trung Quốc hôm 30/6 đã cắt băng khánh thành cây cầu vượt biển chạy qua vịnh Giao Châu được xem là dài nhất thế giới. Với mức giá ít nhất 1,5 tỷ USD, mất 4 năm xây dựng và khoảng 81 triệu m3 bê tông, cây cầu này có thể xem là một “con khủng long mới” trong lĩnh vực xây dựng, chế tạo.

Theo Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới, cây cầu bắc qua vịnh Giao Châu, có chiều dài tổng cộng 36,48 km. Nó sẽ nối hai thành phố cảng Thanh Đảo và Hoàng Đảo của Trung Quốc.
Dùng số thép đủ để dựng 65 tháp Eiffel
Kênh truyền hình CCTV nói rằng cây cầu với chiều rộng hơn 30 mét có chi phí xây dựng khoảng 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên theo Tân Hoa xã, chi phí thực lên tới 2,3 tỷ USD, trong khi tờ Telegraph đánh giá người Trung Quốc đã đổ vào nó hơn 8,8 tỷ USD.
CCTV cho biết cây cầu đã được cấp chứng chỉ đạt chất lượng hồi đầu tuần này và chính thức thông xe trong ngày 30/6. Cầu có 5.000 trụ và mất 4 năm để xây dựng. Tổ chức Kỷ lục Guinness nói rằng thành tích của cầu qua vịnh Giao Châu đã dễ dàng vượt qua kỷ lục của cầu vượt biển Đường hồ Pontchartrain ở Louisiana, Mỹ. Cụ thể, cây cầu của Trung Quốc dài hơn đối thủ ở Mỹ tới 4km.
Giới phân tích đánh giá cầu chạy qua vịnh Giao Châu có thể được xem là một công trình thể hiện năng lực xây dựng khá cao của Trung Quốc. Người Trung Quốc đã không còn cần phải phụ thuộc vào năng lực thiết kế và xây dựng cao của phương Tây để tạo nên một công trình phức tạp với 6 làn xe chạy như cây cầu trên. Nó là sản phẩm của Tập đoàn Shandong Gausu, một công ty xây dựng nội địa.
Ông Han Shouxin, Phó Giám đốc Ban quản lý giao thông thành phố Thanh Đảo cho biết cầu có thể chịu động đất, bão lớn và cú đâm của một con tàu có tải trọng 300.000 tấn. Nó sẽ rút ngắn quãng đường đi từ Thanh Đảo tới Hoàng Đảo xuống khoảng 28km, qua đó giảm thời gian di chuyển trung bình từ 40 phút xuống còn chừng 20 phút. Mỗi ngày sẽ có khoảng hơn 30.000 lượt xe chạy qua đây.
Để hoàn tất việc xây dựng cầu trong thời gian ngắn nhất, khoảng 10.000 công nhân đã được huy động và chia thành 2 nhóm làm việc 24/24 giờ. Tổng cộng có 450.000 tấn thép đã được sử dụng, đủ để dựng nên 65 tòa tháp Eiffel. Người ta cũng dùng tới 81 triệu m3 bê tông, đủ rót đầy 3.800 bể bơi Olympic.
Sự kiện thông cầu đã thu hút sự quan tâm của người dân trong vùng. “Tôi rất vui khi thấy cây cầu đã hoàn tất việc xây dựng. Con đường cũ nối Thanh Đảo và Hoàng Đảo rất đông, nhưng giờ tôi đã có thể đi lại thuận tiện hơn nhiều. Chúng tôi là một thành phố du lịch với những bãi biển đẹp. Vì thế việc có một tuyến giao thông thuận lợi là rất quan trọng” - một cư dân mạng nói trên trang sina.com.
Vung tiền vào những cây cầu “khủng”
Nhưng một số ý kiến khác đã chỉ trích sự lãng phí của Trung Quốc khi đổ một đống tiền vào cây cầu, trong khi nó chỉ rút ngắn khoảng cách rất nhỏ giữa 2 vùng. “Chi tiền tỉ chỉ tiết kiệm có 20 phút lái xe thật quá lãng phí tiền thuế của dân. Đây chỉ là một dự án khoe mẽ khác của chính quyền Sơn Đông” - một người khác viết trên sina.com.
Trước cây cầu trên, Trung Quốc cũng có nhiều dự án “khủng long” khác như cây cầu vịnh Hàng Châu dài 35,6 km, nối các vùng Ninh Ba và Gia Hưng. Nó bắt đầu được khởi công từ cuối năm 2003 và cơ bản hoàn thành vào tháng 6/2007 với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên ít nhất nó đã giúp rút ngắn 120 km đường bộ từ Thượng Hải tới Ninh Ba.
Tiếp đó là cây cầu Đông Hải nối Thượng Hải với cảng nước sâu Yangshan, vốn là một hòn đảo nằm giữa biển Đông Trung Quốc. Do Thượng Hải không có cảng nước sâu để các tàu chở container lớn cập bến nên giới chức Trung Quốc đã xây bến cảng giữa biển và làm thêm một cây cầu để nối cảng với đất liền. Trước khi cầu vịnh Hàng Châu ra đời, nó đã được xem là cây cầu dài nhất trên biển.
Trung Quốc hiện sở hữu 7 trong 10 cây cầu dài nhất thế giới, gồm cầu đường sắt Danyang-Kunshan dài hơn 160km. Và với việc Bắc Kinh vẫn tích cực bơm hàng tỷ USD khác vào các chương trình xây dựng khủng long, thành tích của cây cầu vượt qua vịnh Giao Châu có thể sẽ không giữ được lâu. Hồi tháng 9/2009, người Trung Quốc đã bắt đầu khởi công xây dựng một cây cầu dài 46km nối Chu Hải ở tỉnh Quảng Đông, với trung tâm tài chính Hong Kong. Bất chấp những sự chỉ trích lãng phí, sự phản đối từ các nhóm bảo vệ môi trường, dự án với số vốn dự kiến 10 tỷ USD này sẽ hoàn tất trong năm 2016.
Tường Linh
5 kỳ tích xây dựng của Trung Quốc
- Tuyến đường dây điện Đông Tây: Từ năm 2001 tới năm 2010, Trung Quốc đã bỏ vào khoản tiền trị giá hơn 76 tỷ USD để chuyển điện từ các nhà máy điện nằm ở trung tâm đất nước tới những thành phố nằm gần bờ biển và các trung tâm sản xuất.
- Dự án thủy lợi Bắc Nam: Khoảng 72 tỉ USD khác đã được Trung Quốc đổ vào dự án xây dựng tuyến thủy lợi trên, vốn kéo dài suốt 40 năm qua, nhằm chuyển một lượng lớn nước từ khu vực có nhiều mưa ở phía Tây và phía Nam đất nước tới các cánh đồng khô nẻ ở miền Bắc.
- Dự án đường quốc lộ: Từ năm 1991 tới 2008, Trung Quốc đã xây một loạt tuyến đường quốc lộ mới với tổng chiều dài gần 40.000km, nối tất cả các khu vực lớn của đất nước với nhau. Tổng chi phí cho chương trình trị giá 900 tỉ NDT và đã hoàn thành trước kế hoạch tới 13 năm.
- Đập Tam Hiệp: Có chi phí 180 tỉ NDT, Trung Quốc đã xây đập Tam Hiệp từ năm 1994, với tổng chi phí 180 tỷ NDT, và hoàn tất nó vào năm 2009. Để phục vụ việc xây đập, 1,3 triệu người đã phải di dời và môi trường xung quanh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đổi lại Trung Quốc có nhà máy điện khổng lồ với công suất 22.500MW.
- Đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải: Được xây dựng chỉ trong 3 năm với chi phí khoảng hơn 24 triệu USD cho mỗi km đường, tuyến đường sắt cao tốc trên vừa là niềm tự hào của Trung Quốc, vừa giúp giảm thời gian đi lại giữa 2 thành phố quan trọng nhất nước xuống còn dưới 5 giờ.
Hình ảnh hoành tráng của cầu vượt biển bắc qua vịnh Giao Châu

Không có nhận xét nào: