Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Góc lặng Yangon trong ký ức

Nhiều người nhớ về Yangon với vẻ lộng lẫy, xa hoa và tráng lệ của Shwedagon, ngôi chùa Phật giáo quan trọng và linh thiêng bậc nhất Myanmar. Nhưng ở một góc lặng trong ký ức, tôi luôn nhớ về một Yangon khác.

Yangon từng là thủ đô của Myanmar từ năm 1885 khi bị người Anh xâm chiếm cho đến tháng 3-2006, chính quyền quân sự quyết định di dời thủ đô về Naypyidaw (Mandalay). Đây là thành phố có nhiều tòa nhà được lưu giữ từ thời thuộc địa nhất khu vực Đông Á, chính điều đó gây cho tôi cảm giác như đang bước lùi về quá khứ chừng hai ba thập kỷ.
Một tòa nhà kiểu thuộc địa trong thành phố - Ảnh M.I.T.

1. Cảm giác của sự cũ kỹ, cổ xưa, với một phần của nghèo nàn, lạc hậu đan xen khi chiếc taxi “chuồng gà” lọc xọc luồn lách trên từng con phố và dừng lại trên phố Botahtaung Pagoda.

Căn phòng chúng tôi ở nằm trên lầu 2 của một khách sạn thuộc một tòa nhà tập thể mà người ở tầng 5 thả một cái xô có dây kéo xuống tầng 1 để mua đồ của những người bán hàng rong. Một vài nhà ở tầng 1 làm cửa hàng kinh doanh buôn bán, từ tầng 2 trở lên trên là ban công dây leo, rào sắt chuồng cọp giống hệt các khu tập thể lâu đời đã được gia cố thêm qua năm tháng ở thủ đô Hà Nội.

Một cảm giác thân thuộc và phấn khích khá kỳ lạ, giống như người đang đi xa bỗng nhiên gặp một đồng hương, Yagon trở nên gần gũi như thể đang trở về nhà.

Trong một hành trình Myanmar vội vã, có lẽ ít người có thời gian để thả bộ dọc các con phố sầm uất và ồn ào náo nhiệt ở khu phố cổ của Yangon, nơi mà cuộc sống địa phương đậm nét hơn bao giờ hết trên từng góc phố, vỉa hè.

Những gánh xe hàng nghi ngút khói bốc lên từ nồi nước dùng, xe trisaw (xe đạp chở khách có hai ghế ngồi lệch một bên) với những người đàn ông gầy gò và đen sạm trong chiếc váy longyi truyền thống, đi loanh quanh từ góc phố này đến góc phố kia chỉ hết có 500 chạt (tương đương 10.000 đồng).
Góc phố Bogalayzay cũ kỹ - Ảnh: M.I.T.
Cánh chim của sự bình yên  - Ảnh: M.I.T.

2. Bất chấp thời tiết khá nóng bức của thủ đô Yangon, chúng tôi đi bộ dọc theo các con phố, đi theo tiếng ôtô khách ồn ào sầm sập lao đi trên đường, dừng trả đón khách không theo một quy tắc nào, chỉ có tiếng đập cửa xe ầm ầm và tiếng người lơ xe oang oang át cả tiếng máy nổ.

Nhưng lạ lùng thay, chim bồ câu bay đầy đường, đậu đầy trên dây điện, sà xuống đường ăn thóc, gạo và tíu tít bay lên khi chúng thích chứ không phải vì sợ người. Những cánh chim bồ câu mang lại cho tôi cảm giác của sự thân thiện và thanh bình dọc theo đường Maha Bandoola dẫn về phía chùa Sule danh tiếng, nơi mà du khách có thể đi dọc khắp các gian hàng để tìm mua cho mình các món đồ cổ xưa khá đặc biệt như máy ảnh phim loại cổ lỗ sĩ.

Chúng tôi bắt một cuốc taxi với giá 30.000 đồng (tiền VN) để đi chơi chợ Bogyoke AungSan, trung tâm đổi tiền và buôn bán đá quý sầm uất nhất Yangon. Sau khi khảo giá hơn một chục cửa hàng vàng bạc, đá quý và cả các tay đổi tiền tự do cứ đi loanh quanh chợ, gặp khách là chào mời, lôi kéo…

Lận lưng mỗi người một cọc tiền Kyat dày cộm, tương đương 2 triệu đồng, ai cũng khá yên tâm vì đồng USD có thể tiêu dễ dàng ở Myanmar với điều kiện tiền mới, không nhàu nát và dính mực.

Ghé một quán nước ở góc chợ, gọi ly nước uống cho hả cái nóng hầm hập trên mái nhà, mặt đường, chúng tôi quyết định ngó sang hàng ăn bên cạnh và gọi cơm ăn dù lúc này mới 3 giờ chiều. Bữa cơm chiều sớm với mấy quả trứng luộc khiến người chủ quán ăn cười khúc khích khi tôi xông vào bếp và tự trổ tài luộc trứng.
Quán ăn cột điện - Ảnh M.I.T.

Hiệu sách vỉa hè - Ảnh M.I.T.
Cầu nguyện trong chùa Botahtaung - Ảnh: M.I.T.

3. Chúng tôi cứ ngồi trong chợ Bogyoke như thế, ăn đậu phộng, bánh quẩy, quan sát cuộc sống của những người dân bán hàng hay đi chợ mua hàng, lâu lâu lại cầm cuốn sách về Myanmar lên đọc vài thông tin và trao đổi, nói chuyện với mấy thanh niên có thể giao tiếp bằng vốn tiếng Anh khá ít ỏi. Buổi chiều Yangon trôi qua lúc nào không nhận ra.

Thành phố lên đèn. Chúng tôi lang thang qua một nhà thờ Hồi giáo và đứng nói chuyện với mấy tu sĩ áo trắng. Khi hỏi có được phép vào thánh đường Hồi giáo tham quan không, nơi mà tiếng trẻ con đọc kinh đang vang ra lảnh lót, thì chúng tôi nhận được cái lắc đầu kèm một nụ cười tỏ ý đáng tiếc, rằng đó là điều không được phép.

Tối thứ bảy, những người dân địa phương đổ về chùa Botahtaung cầu nguyện và dạo chơi khá đông. Ngôi chùa này được cảnh sát canh chừng khá cẩn mật bởi trung tâm của tòa tháp là nơi lưu giữ rất nhiều hiện vật bằng vàng ròng.

Nếu những du khách đến tham quan, ai cũng muốn được chiêm ngưỡng các bức tượng Phật bằng vàng được cất trong hộc thờ và được bảo vệ bằng mấy lớp cửa sắt đặt bên trong lõi tháp, thì dân chúng quanh vùng thường vào làm lễ ở điện thờ bên cạnh rồi ngồi hóng gió, nói chuyện quanh sân chùa, kể cả các cặp tình nhân.

Cuộc sống bên ngoài ngôi chùa khá đông đúc, sầm uất, dòng người lại qua nườm nượp, xe trisaw hoạt động khắp nơi, phương tiện di chuyển này rất cơ động và chi phí có lẽ cũng rẻ, khác hẳn bên trong chùa Botahtaung, ai nấy đều khá trầm mặc và nhẹ nhàng.

Rời chùa Botahtaung, chúng tôi đi bộ dọc đường Strand, con đường nổi tiếng nằm bên bờ sông Yangon và quyết định tìm hiểu cuộc sống về đêm của Yangon bằng cách ghé quán bar Hải Cảng với khá nhiều ánh đèn màu lấp lánh và tiếng nhạc rộn ràng trên con phố này.

Bất ngờ và dịu dàng hơn chúng tôi tưởng, khi một chương trình ca nhạc và thời trang khá hiện đại diễn ra dưới sự cổ vũ mộc mạc và khá ấn tượng của khán giả. Quán bar có một vị trí ngay sát sân khấu bày rất nhiều dây màu để khán giả quàng lên vai ca sĩ, diễn viên mà mình yêu thích để bày tỏ sự cảm ơn và lòng hâm mộ. Ai được quàng càng nhiều dây màu chứng tỏ người đó càng thành công.
Ngọn tháp lưu giữ rất nhiều hiện vật bằng vàng ròng của chùa Botahtaung - Ảnh M.I.T.

Một quán bar về đêm tưởng sôi động và náo nhiệt lại giản dị và mộc mạc đến nao lòng.
Buổi trình diễn thời trang - Ảnh: M.I.T.

Tôi rời quán bar Hải Cảng bước ra đường. Ánh đèn vàng hắt trên phố vắng, những tòa nhà kiểu thuộc địa đứng im lìm. Có thể nào quên, một Yangon đời thường thân thương và gần gũi đến vậy không? Khi tiếng hát của Queen tha thiết và day dứt đến thế trong chiều trên bến cảng Yangon, bài I was born to love you…

Theo Tuổi trẻ

Đến Yangon viếng chùa, đi chợ


(Sắc màu thế giới) - Yangon là nơi hội tụ của những ngôi chùa cổ kính, thiêng liêng nhất của quốc gia Phật giáo này, đặc biệt là ba ngôi chùa Shwedagon, Botataung và Sule niên đại khoảng 2.500 năm.


Trên chiếc xe lăn bánh qua phố phường Yangon - từng là thủ đô của Myanmar, du khách có cảm giác thân thuộc như quê nhà Việt Nam. Bên dưới những tòa tháp rực rỡ trong ánh mặt trời nhiệt đới, là những dãy phố lụp xụp, những con người hiền hòa, ngơ ngác khi gặp khách phương xa.
Yangon là nơi hội tụ của những ngôi chùa cổ kính, thiêng liêng nhất của quốc gia Phật giáo này, đặc biệt là ba ngôi chùa Shwedagon, Botataung và Sule niên đại khoảng 2.500 năm. Trong đó, chùa Shwedagon có nhiều điều lý thú như bảo tháp chính cao 99m (cao thứ hai trên thế giới) được phủ vàng, trên đỉnh đính kim cương phản chiếu ánh nắng chói lòa. Nằm trên ngọn đồi khá đẹp, khung cảnh chùa rất huyền ảo vào lúc hoàng hôn. Hình ảnh những nhà sư mặc áo cà sa, những ni sư vận áo choàng hồng càng làm không gian chùa thêm nhẹ nhàng, thanh tịnh.
Đến chùa Shwedagon, bạn đừng quên cầu nguyện cho mình bằng cách tra ngày sinh ứng với thứ mấy trong tuần. Theo đó, hai linh vật đại diện cho thứ Bảy và Chủ nhật là rồng và chim thần Garuda. Thứ Hai là hổ, thứ Ba là sư tử.
Den Yangon vieng chua, di cho
Thứ Tư đặc biệt hơn khi có hai linh vật đại diện cho hai khung thời gian: voi ngà dài với những người sinh trước buổi trưa và voi không ngà cho người sinh vào buổi chiều. Thứ Năm và thứ Sáu với hai linh vật chuột nhắt và chuột lang. Mỗi góc chùa đều có tượng Phật để cầu nguyện, khi khấn múc nước đổ lên tượng Phật lấy may.
Chùa ở Yangon có nhiều thùng công quả với nhiều mục đích. Một vị sư ở chùa Chauk Htat Gyi nổi tiếng với bức tượng Phật nằm khổng lồ, cho biết phật tử hay khách phương xa làm công đức theo nhiều hình thức như xây dựng lại chùa, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, thay áo mới cho Phật… Nhà chùa luôn công bố cho phật tử biết về việc thực hiện các hạng mục một cách công khai, minh bạch.
Đến Yangon, bạn sẽ hào hứng với đồ lưu niệm bằng gỗ tếch, tranh đá, tranh cát, đồ đồng, tác phẩm đá quý đẹp và rẻ. Chợ Bogyoke Aung San nằm ở khu trung tâm có hơn 2.000 gian bán đủ loại hàng như đồ thủ công mỹ nghệ, trang sức, lụa, quần áo, gia vị, thực phẩm… Mua hàng ở chợ, bạn phải trả giá vì có gian hàng nói thách đến 30%. Có nhiều loại vải để bạn chọn mua làm quà.
Người Myanmar cả nam lẫn nữ đều mặc longyis - một mảnh vải rộng khoảng 80cm, dài khoảng 2m quấn quanh eo. Longyis của phụ nữ được trang trí cầu kỳ lấp lánh, longyis dành cho nam bằng vải cotton trơn hoặc họa tiết ca rô, kẻ sọc, giá từ 200.000 đến 500.000đ tùy chất liệu, kích cỡ, hoa văn.
Dép lê cũng là “đặc sản” của xứ này vì người dân chủ yếu mang dép kẹp bằng nhung, giá từ 90.000đ-120.000đ/đôi. Ấn tượng nhất là các mặt hàng ngọc bích, ruby, sapphire, đồ kim hoàn bày bán la liệt tại các cửa hàng, giá từ vài USD tới hàng nghìn USD.
Yangon có rất nhiều chợ lề đường buôn bán “y chang” ở Việt Nam, với những mâm hàng rong dọc phố, những món ăn vặt xiên que, những gánh chè dạo… Phía ngoài chợ Bogyoke Aung San luôn tấp nập hàng rong, xe đẩy với đủ món ăn địa phương. Thực khách ngồi ăn trên những chiếc ghế nhựa thấp giữa phố.
Myanmar có hơn 135 dân tộc anh em, với đường biên giới giáp Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh, nên có nền ẩm thực rất đa dạng. Đến đây, bạn hãy thử dùng món mohinga rất lạ - sợi mì trong suốt hầm với cá, bột đậu xanh, kèm bột nghệ, hạt tiêu và sả; món laphet thohk (salad lá trà xanh) với lá trà ngâm chua, cùng hạt đậu và tỏi chiên…

Ngọc Lâm 

Không có nhận xét nào: