TT - Chuyến xe dài 12 giờ từ thành phố Surabaya cuối cùng cũng đưa chúng tôi tới khu vực núi lửa Ijen, phía đông đảo Java (Indonesia), nơi có hồ Kawah Ijen - hồ axit lớn nhất thế giới.
Khói lưu huỳnh bốc lên từ mặt hồ - Ảnh: H.HUY
|
Trong cái lạnh gần 4OC, chúng tôi bị đánh thức lúc 3g sáng để lên xe jeep di chuyển đến chân núi, leo lên miệng núi lửa và kịp nhìn thấy bình minh buổi sáng.
Có nhiều cách để tiếp cận núi lửa Ijen, từ hướng đông hoặc hướng tây, đi bộ hoặc xe jeep. Tôi chọn cách phổ biến hơn là leo núi khoảng một giờ rưỡi, đây là hướng tiếp cận dễ nhất và được nhiều khách du lịch lựa chọn để đảm bảo sự an toàn. Nhiệt độ lúc 4g sáng tại địa điểm xuất phát chỉ 5OC. Chúng tôi, dù Tây hay ta đều cảm thấy rất lạnh và mặc cho mình những trang phục giữ ấm nhất có thể.
Núi lửa Ijen nằm trên cao nguyên Banyuwangi với độ cao 2.148m so với mực nước biển, rộng hơn 20km kéo dài qua nhiều khu vực miền núi phía tây nam. Điểm thu hút ở Ijen chính là miệng hồ núi lửa lớn nhất trong khu vực đảo Java. Hồ có bán kính 360m, sâu khoảng 200m và chứa khoảng 36 triệu m3 nước hấp thụ axit, hằng năm thu hút hàng chục ngàn du khách đến khám phá, cũng như sáng tác những bức ảnh ấn tượng từ sự kỳ diệu của thiên nhiên.
|
Trời gần sáng, không khí có vẻ mát mẻ và dễ chịu hơn. Hết đồi này đến đồi khác, nhiều người đã bắt đầu say mê với thiên nhiên hoang dã và quên hết mọi mệt mỏi. Trên đường đi, thỉnh thoảng lại gặp các công nhân khai thác mỏ lưu huỳnh. Họ nhiệt tình động viên: cố lên, miệng hồ rất đẹp, các anh nhất định phải lên đó để tận mắt chứng kiến!
Hơn 2km đường dốc rồi cũng kết thúc và thêm 1km đường trên đỉnh núi khá bằng phẳng, mặt hồ rồi cũng hiện ra trước mắt mọi người với màu xanh ngọc quyến rũ. Người hướng dẫn cho biết hồ dẫn ra một con đập được người Hà Lan xây dựng từ thời thuộc địa, cung cấp nước khoáng nóng cho nhu cầu nghỉ dưỡng.
Từ trên miệng hồ, phải lần theo con đường cặp vách núi để đi xuống và chiêm ngưỡng mặt hồ rõ hơn. Vách núi dựng đứng, mọi người theo lối mòn những công nhân thường đi, tay bám chặt vào những khối đá. Càng xuống sâu, những đám khói lưu huỳnh từ mặt hồ bốc lên càng dày. Mùi khí lưu huỳnh, có cảm giác như mùi trứng thối hay mùi amoniac, phủ trùm không gian rất khó chịu.
Không có thành vịn, cũng không đồ bảo hộ, vừa bám vách đá đi xuống chúng tôi vừa háo hức, vừa lo sợ. Nhưng khi đã đứng trên một tảng đá lớn, nhìn thẳng xuống mặt hồ xanh biếc, phóng hết tầm mắt, thiên nhiên hiện ra đầy cảnh sắc tuyệt vời. Ai cũng cố gắng chụp thật nhiều ảnh như để thu lại hết sự kỳ vĩ của thiên nhiên.
Ngay tại bờ hồ là một mỏ lưu huỳnh lớn. Hơi nóng của núi lửa thoát ra bởi một hệ thống ống dẫn bằng gốm khiến sulphur bị nóng chảy đông đặc lại. Lưu huỳnh đổ ra trên mặt đất khi nóng có màu đỏ và chuyển sang màu vàng nhạt khi nguội.
Công nhân khai thác lưu huỳnh bên hồ - Ảnh: H.H.
|
Hằng ngày từ những khu vực xung quanh, hơn 200 công nhân đến hồ rất sớm để kiếm sống bằng những mảng lưu huỳnh tại hồ. Họ tách những mảng lưu huỳnh bằng một thanh sắt, cho vào giỏ và gánh về. Mỗi giỏ lưu huỳnh nặng khoảng 70kg được bán lại cho những nhà máy thu mua gần đó. Lưu huỳnh thường được sử dụng nhiều cho việc làm trắng đường, trong công nghiệp mỹ phẩm, phân bón hay thuốc súng. Hầu hết những người công nhân đều không có quần áo bảo hộ dù công việc rất có hại cho sức khỏe. Một người khỏe mạnh thường đi hai lần một ngày, kiếm được gần 10 USD/ngày.
Tôi như bị mê mẩn bởi màu xanh của hồ Ijen, cũng như khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên xung quanh. Khi nghĩ đến Indonesia, người ta thường nhắc đến thiên đường du lịch Bali với biển và những hòn đảo hấp dẫn. Nhưng đối với tôi, miệng núi lửa Ijen lại là một điểm đến vô cùng thú vị...
HOÀNG HUY
Địa ngục kỳ ảo ở Indonesia
Giống như hố tử thần với khí
lưu huỳnh đặc quánh nhưng Kawah ljen vẫn vô cùng ấn tượng với những đốm
lửa xanh huyền ảo và màu vàng kết tinh đẹp mắt.
Kawah ljen là ngọn núi lửa nằm ở phía đông Java, Indonesia, cao 2.600
m, với hõm chảo rộng và hồ sâu 200 m chứa nhiều axít sunfuric. Hình
thành từ khoảng 3.500 năm trước và hiện vẫn còn đang hoạt động, nơi đây
chứa đầy lưu huỳnh nóng chảy.
Khu vực núi lửa Kawah ljen, nằm ở phía đông Java, Indonesia
|
Sau khi phun lên từ những khe nứt có nhiệt độ tới 200 độ C, lưu huỳnh
nguội đi và kết tinh thành những vỉa màu vàng đẹp mắt. Nhưng tuyệt nhất
là lúc lưu huỳnh bốc cháy, sẽ xuất hiện những ngọn lửa màu xanh khiến
cho cảnh tượng nơi đây hết sức kỳ ảo, nhất là vào ban đêm. Không ít
khách du lịch và nhiếp ảnh gia đã mạo hiểm đến Kawah ljen để tham quan
và sáng tác những bức ảnh đẹp mắt và kỳ lạ.
Khu vực này còn là nơi kiếm sống hàng ngày của khoảng 200 người thợ
khai thác lưu huỳnh. Họ leo lên hơn 2.000 m mỗi ngày trước khi xuống hõm
chảo, dùng búa đập những mảng lưu huỳnh kết tinh. Sau đó người thợ phải
vận chuyển những giỏ lưu huỳnh màu vàng cứng có trọng lượng từ 70 đến
90 kg trên những con đường dốc, đá xung quanh sườn núi lửa 10 lần một
ngày.
Màu xanh kỳ ảo khi lưu huỳnh bốc cháy.
|
Không khí độc hại và khói có thể gây tử vong khi hít quá nhiều
trong thời gian dài, nhưng vì mưu sinh, những người thợ vẫn phải khai
thác để cung cấp cho các nhà máy sản xuất hóa chất. Mỗi ngày họ khai
thác được chừng 14 tấn trong điều kiện khắc nghiệt, nguy hiểm mà chỉ
được trang bị những trang thiết bị rất thô sơ, không an toàn. Một số đeo
mặt nạ xiêu vẹo, còn phần lớn những người khác chỉ quấn khăn choàng hay
áo sơ mi quanh mặt.
Mặc dù liều mạng sống của mình bằng cách khai thác trực tiếp lưu huỳnh
độc hại từ bên trong ngọn núi lửa, nhưng những người đàn ông này chỉ
được trả 3 bảng/ ngày (khoảng 100.000 đồng). Họ khó có thể sống qua tuổi
30 khi làm việc tới 12 tiếng mỗi ngày tại đó, nơi chỉ cách hồ chứa đầy
axít vài mét.
Họ leo lên hơn 2000 m mỗi ngày trước khi xuống hõm chảo rộng để làm việc kiếm sống.
|
Khu vực này không chỉ nguy hiểm đến tính mạng về mức độ độc hại
mà nó còn khiến mọi người lo sợ bởi tai nạn bất ngờ vì núi lửa vẫn còn
hoạt động và có thể phun trào bất cứ lúc nào.
Dù công việc ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe, giảm tuổi thọ và nguy
hiểm đến tính mạng nhưng những người thợ này vẫn chấp nhận làm vì nó
giúp nuôi sống cả gia đình và bản thân trong thời gian vắng khách du
lịch. Và các tay săn ảnh cũng vậy, đến và săn cho được những bức ảnh kỳ
ảo trên "miệng tử thần" mới chịu ra về.
Thảo Nguyên (theo Boston.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét