Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

TỨ XUYÊN DU KÝ

Đường lên “xứ Tạng”

 

Rời Thành Đô, bỏ lại sau lưng vùng đất Thục của anh em nhà Lưu-Quan-Trương thời Tam Quốc, chúng tôi lên đường đi Cửu Trại Câu. Do nơi ấy có 9 ngôi làng của người Tạng nên được gọi là Cửu Trại. Đường xa, xe chạy mất một ngày mới tới nơi, nhưng đường lên “xứ Tạng” với những điều kỳ thú ở dọc đường khiến chúng tôi quên đi mệt nhọc.
5955.zip
Nhà người Tạng ở Vấn Xuyên bị bỏ hoang sau trận động đất năm 2008.
Ngoài Cửu Trại Câu thuộc huyện Cửu Trại, người Tạng sống rải rác ở các huyện Mậu , Vấn Xuyên, Kim Xuyên, Tùng Phan…thuộc châu tự trị A Bá, tỉnh Tứ Xuyên. Theo thống kê mới nhất, có khoảng 86 ngàn người Tạng sinh sống trên cao nguyên này.
Qua cửa kính, chúng tôi nhìn thấy những ngôi làng Tạng với nét đặc trưng: nhà ở hầu hết có hình khối lập phương, được xây dựng bằng đá vững chãi trên cao nguyên Cửu Trại, Hồng Nguyên, Hoàng Long hoặc dọc bờ Mân giang- nơi quanh năm bao phủ bởi tuyết trắng, mây trời. Không ít nhà xây theo kiểu tứ hợp viện, bốn phía là nhà, có chung cổng và một sân trong lớn. Đi ngang huyện Vấn Xuyên, tâm chấn của trận động đất ngày 12-5-2008, làm gần 80 ngàn người dân Tứ Xuyên bị thiệt mạng, trong đó có 20 ngàn người ở Vấn Xuyên, chúng tôi bắt gặp những ngôi nhà Tạng hoang vu ẩn mình dưới chân núi nhưng không một bóng người. Hỏi ra mới biết, những ngôi nhà đó bị nứt, lún do ảnh hưởng của trận động đất, nên người dân không ở nữa. Nhưng người ta vẫn giữ chúng lại để ghi nhớ một thảm họa thiên nhiên tồi tệ, kinh hoàng nhất Trung Quốc trong hơn ba thập kỷ qua.
Người Tạng định cư ở vùng núi cao Tứ Xuyên từ bao đời qua với những phong tục, văn hóa , tín ngưỡng độc đáo, riêng biệt, đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn với không chỉ du khách mà ngay cả với người Hán. Chẳng hạn, trên nóc nhà người Tạng dựng bốn cột cao khoảng một mét và treo vào đó những phướn cầu nguyện nhiều màu. Những ngày kế tiếp, trên con đường lữ hành ở dãy núi phía Tây của tỉnh Tứ Xuyên, chúng tôi nhận thấy không chỉ có nhà dân mà ở các nơi tôn nghiêm như đền, chùa, thậm chí ở đỉnh núi, lưng đèo cũng có những cột thật cao và treo đầy những phướn cầu nguyện như thế. Những tấm lụa nhiều màu ấy in chi chít kinh Phật, bằng chữ Tạng. Chúng bay phần phật trong gió và tung rải trong không gian những lời nguyện cầu thầm kín: lụa xanh lá tượng trưng cho cỏ; lụa xanh dương tượng trưng cho bầu trời, cầu tình duyên, hôn nhân;lụa trắng tượng trưng cho mây, cầu bình an; lụa vàng tượng trưng cho đất, cầu tài lộc;lụa đỏ tượng trưng cho lửa, cầu mạnh khỏe.
5955.zip
Một tiết mục ca múa của người Tạng.
Người Tạng ở châu tự trị A Bá gắn bó với một loài vật không có ở đồng bằng: bò lùn Yak-một loài vật có lông dài và rậm bờm xờm để giúp chúng sống ở độ cao 3. 500 mét mà không bị lạnh. Người Tạng nuôi bò lùn Yak không chỉ để lấy sữa, lông, thịt mà còn dùng làm phương tiện chuyên chở hàng hóa đi khắp các đèo núi. Còn phân bò yak phơi khô là chất đốt giúp họ chống rét trong những ngày đông lạnh giá.
Nhờ nuôi bò lùn Yak mà người Tạng có nguồn thu nhập đáng kể. Người ta nói rằng do bò lùn Yak ăn địa y, trong đó có đông trùng hạ thảo  nên thịt nó mềm, thơm ngon và có…vị thuốc. Thực hư thế nào không biết nhưng trong một siêu thị, chúng tôi thấy hàng chục mặt hàng được chế biến từ thịt bò lùn Yak treo giá rất cao. Một gói thịt bò khô (khoảng 1 lạng) tẩm gia vị giá khoảng 210 ngàn đồng Việt Nam. Một bộ “Ngưu tiên” khô (dương vật và tinh hoàn của giống bò lùn Yak) có giá hơn 2 triệu đồng Việt Nam.
Giã từ những ngôi làng người Tạng ở vùng cao Tứ Xuyên, chúng tôi mang theo hình ảnh những đàn bò yak gậm cỏ bên triền núi thanh bình và những người Tạng đã gặp trên đường, trên tay xoay liên tục bánh xe luân hồi, miệng rì rầm đọc kinh ê a với niềm thành kính. Hình ảnh đó theo chúng tôi đến bây giờ cùng với những kỷ niệm về chuyến đi chưa kịp phủ bụi thời gian.

Sắc màu Cửu Trại Câu

 

Cửu Trại Câu ở độ cao 2.500m so với mực nước biển, diện tích hơn 60.000ha. Vùng đất này mang một vẻ đẹp như trong truyện cổ tích: hồ nước xanh biếc soi bóng đỉnh núi tuyết huyền ảo, lung linh, những thác nước, cây cỏ đan xen, hòa quyện vào nhau. Tất cả tạo nên một “sắc màu Cửu Trại Câu” độc đáo giữa chốn trần gian.
5956.zip
Một thác nước hùng vĩ ở Cửu Trại Câu.
Người ta bảo Cửu Trại Câu đẹp nhất vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi  “9 ngôi làng của người Tạng” khoác một sắc màu lộng lẫy. Trên các đỉnh núi tuyết trắng phủ đầy, các hồ nước đầy hơn và xanh biếc hơn, còn trên bờ, lá cây rừng đã chuyển sang màu vàng và đỏ thắm, tạo nên một bức tranh thiên nhiêu tuyệt mỹ. Thật ra, mỗi mùa Cửu Trại Câu mang một vẻ đẹp riêng. Chẳng hạn vào giữa tháng 5, Cửu Trại Câu đã khiến chúng tôi phải sững sở trước vẻ đẹp tĩnh lặng, nhẹ nhàng tựa như một bức tranh thủy mặc.
Ở cổng vào khu du lịch, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe buýt liên tục lăn bánh, chở du khách tận các thác, hồ. Bản đồ Cửu Trại Câu cũng được phát không đến tận tay để du khách nắm rõ các điểm đón, trả khách. Trên mỗi xe có màn hình tivi và hướng dẫn viên du lịch người Tạng giới thiệu với du khách (bằng tiếng Trung) truyền thuyết hình thành nên Cửu Trại Câu, về các hồ thác nước sắp sửa đi qua. Từ đầu ngày, du khách có thể lên xe buýt chạy từ cửa lên hết một nhánh (trái hoặc phải), sau đó đi bộ từ trên xuống, muốn thăm thác, hồ nào thì kêu ngừng xe xuống đó. Trưa, nếu đã thấy mỏi chân, có thể bắt xe đến khu trung tâm để ăn trưa. Một bữa buffet với nhiều món ăn ngon, lạ miệng giúp du khách lấy lại sức để buổi chiều lên xe tham quan các thác, hồ ở nhánh còn lại. Truyền thuyết hình thành nên Cửu Trại Câu thật lãng mạn, được hướng dẫn viên Việt Nam tóm tắt như sau: Nam thần Đạt Qua (Dage) yêu say đắm nữ thần Yêu Lạc Sắc Mô (Woluo Semo). Một lần nam thần dùng gió và trăng tạo nên một tấm bảo gương đem tặng nữ thần, không ngờ bị ma quỷ quấy phá, nữ thần không cẩn thận đã làm vỡ tấm bảo gương và rơi xuống nhân gian rồi biến thành 108 mặt biển hồ long lanh. Từ đó nhân gian mới có chốn tiên cảnh Cửu Trại Câu.
5956.zip
Hàng ngàn du khách chiêm ngưỡng nét đẹp xanh trong, nhìn thấy đáy của hồ nước ở Cửu Trại Câu.
Cửu Trại Câu chia làm ba thung lũng chính: Nhật Tắc Câu ở nhánh trái, Tắc Tra Oa Câu ở nhánh phải, hợp lưu tại trung tâm là Thụ Chính Câu. Cửu Trại Câu có gần 20 thác nước, hơn một trăm hồ lớn nhỏ. Hùng Miêu Hải, Ngũ Hoa Hải, Tiễn Trúc Hải, Thiên Nga Hải, Gấu Trúc Hải, Trần Châu Than, Thụ Chính, Nhược Nhật Một… những tên hồ, thác nước hiện ra qua cửa kính khi xe chầm chậm đi qua. Hồ nào cũng đẹp, cũng “long lanh đáy nước in trời”. Đạo diễn của  những bộ phim Tây du ký, Thần điêu đại hiệp, Anh hùng quả có cặp mắt tinh đời khi chọn nơi đây làm cảnh quay cho các siêu phẩm của mình.
Trời lạnh, khoác áo ấm thả bộ trên những con đường lát gỗ chạy quanh co bên hồ, ngắm nhìn mặt hồ xanh biếc, phản chiếu đỉnh núi tuyết xa xa, gần hơn là cánh rừng lá thấp với hoa dại nở đầy, những con suối nhỏ chảy qua, những cánh chim chao nghiêng trên mặt hồ… quả là một cái thú. Hồ nào cũng ôm trong lòng những trầm tích vôi hóa ngàn năm khiến nước trong hồ trong xanh kỳ lạ, ở đó du khách có thể thấy rõ những đàn cá nhỏ bơi lội tung tăng và cả những cành cây khô dường như đã hóa thạch dưới đáy hồ. Và du khách còn nhìn thấy những đám mây trắng bay lững lờ... trong nước, đúng như câu nói của người Tạng ở Cửu Trại Câu “mây trôi trong nước, chim bay trong hồ”. Với tôi đẹp nhất, ấn tượng nhất vẫn là Ngũ Sắc Trì. Đó  là một hồ nhỏ, cạn nước nhưng vào buổi trưa, nước trong hồ bỗng chuyển hóa thành năm màu lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời tuyệt đẹp.
Giá vé vào tham quan Cửu Trại Câu khá đắt: 220 tệ/người, tương đương 700 ngàn đồng Việt Nam. Thế nhưng mỗi ngày khu bảo tồn thiên nhiên này vẫn thu hút hơn 20.000 khách tham quan. Mùa cao điểm, đón 60 ngàn khách. Không phải là quá lời khi báo Mỹ New York Times xếp Cửu Trại Câu trong danh sách “1.000 nơi phải đến trước khi chết”.

Cổ trấn Hoàng Long

 

Không có xe ô tô, xe gắn máy và cả xe đạp trên đường. Chỉ có những khu phố cổ, những ngôi nhà cổ, những lồng đèn đỏ treo cao, chỉ có dòng suối nhỏ chảy róc rách giữa hai hàng cây liễu và ngô đồng. Trong không gian đậm chất cổ xưa ấy, rất nhiều du khách nhộp nhịp đi lại, mua sắm, chụp hình. Đó là những gì chúng tôi bắt gặp ở cổ trấn Hoàng long.
5957.zip
Nhà ở mang kiến trúc Minh Thanh ở cổ trấn Hoàng Long.
Cổ trấn Hoàng Long thuộc huyện Song Lưu, cách Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên 40 km về phía đông nam. Đó là một điểm nhấn trong chặng hành trình Thành Đô-Cổ trấn Hoàng Long, Cửu Trại Câu-Lạc Sơn Đại Phật và Nga Mi Sơn của các đoàn du lịch. Tuy không được xếp vào top 10 cổ trấn đẹp nhất của Trung Quốc nhưng nó vẫn là một thị trấn cổ có phong cách xây dựng độc đáo, điển hình cho kiến trúc cổ đại Trung Hoa.
Được xây dựng vào năm 216 thời Tam Quốc, Cổ trấn Hoàng Long đã sớm trở thành một trung tâm thương mại-quân sự quan trọng của Lưu Huyền Đức (nhà Thục) do ở cạnh một nhánh của con sông Tấn Giang chảy qua. Khổng Minh Gia Cát Lượng-quân sư của Lưu Bị, có lúc đã đóng quân ở cổ trấn này và sử dụng bến sông để vận chuyển lương thảo về Thành Đô. Cổ trấn Hoàng Long càng trở nên thịnh vượng hơn trong các triều đại nhà Đường, Tống, Nguyên…
Đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, cổ trấn Hoàng Long được du khách trong và ngoài nước biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn do sở hữu nhiều ngôi đền cổ, những ngôi nhà cổ mang kiến trúc Minh-Thanh độc đáo và cảnh sông nước hữu tình. Ở đó còn có 7 cây cổ thụ hơn 800 năm, trong đó có cây ngân hạnh “già” 1500 năm tuổi. Cổ trấn Hoàng Long còn là nơi được các đạo diễn chọn làm cảnh quay cho hơn một trăm bộ phim cổ trang và kịch truyền hình. Người Hoàng Long tự hào vì quê hương họ đã sản sinh ra những nhân vật nổi tiếng như Trác Văn Quân, Tư Mã Tương Như…
5957.zip
Một quán trà ở cổ trấn Hoàng Long.
Thả bước dạo chơi ở cổ trấn có tuổi đời 1. 700 năm, du khách có cảm giác như mình đi lạc vào câu chuyện cổ xưa. Đường phố, nhà cửa, lầu các, đền đài, cây cỏ… tất cả đều cất lên tiếng nói của thời gian. Đường phố ở đây nhỏ hẹp, được lát gạch và đá tấm, phần lớn đã mòn nhẵn dưới bước chân của khách lữ hành. Và điều thú vị là các nắp hố ga đường cống thoát nước được chạm hình đồng tiền xinh xắn. Những ngôi nhà cổ hình ống hoặc hai tầng được lắp ráp bằng gỗ, chạm khắc tinh xảo, nhưng vẫn vững chãi, bề thế qua thời gian. Ngày xưa, đó là nhà ở của những thị dân vùng “biên địa Tứ Xuyên”, nay là cửa hàng kinh doanh mua bán phục vụ du lịch. Phố cổ chỉ dành cho người đi bộ, không ồn ã, không cò cưa níu kéo khách. Trên phố bán đủ thứ mặt hàng cho người dân và du khách: kẹo, bánh, mứt, trái cây và vô số hàng lưu niệm. Có cửa hàng bán hàng lưu niệm giá chỉ 3 tệ một món.
Đang nhàn nhã trên phố, khách chợt nghe thoang thoảng trong gió hương thơm của trà, của bánh kẹo vừa “ mới ra lò”. Ở phía mé sông có những quán trà thanh nhã ẩn mình bên khóm trúc. Ghé vào đấy, ngồi trong không gian nhà cổ có lồng đền đỏ treo cao, thưởng thức vị đăng đắng mà ngòn ngọt của trà Tạng vùng Tứ Xuyên, ngắm những chiếc ca nô đưa khách du lịch dạo chơi trên sông thật thú vị. Rời quán trà, du khách có thể tạt vào một cửa hàng bánh, nếm thử những đặc sản Hoàng Long như bánh mè, bánh hướng dương ngào đường mà không sợ người bán… nguýt lườm dù bạn không mua.
Ngay lối vào cổ trấn có những chiếc xe kéo màu sắc trang nhã chờ khách. Nếu không thích thả bộ, bạn có thể ngồi lên đó để người kéo xe đưa qua những con đường, để có cảm giác mình đang sống dưới triều Minh Thanh, vì đường phố đó, những mái ngói cong, những bức tường lát gạch thẫm màu sẽ cho bạn cái liên tưởng thú vị kia.
Một buổi lang thang trong cổ trấn Hoàng Long quả là ngắn ngủi đối với khách phương xa. Nhưng, chính cái cảm giác “thiếu hụt” đó khiến cho cuộc dạo chơi thêm phần ý nghĩa và chúng tôi tự nhủ rằng nếu có dịp sẽ trở lại nơi này.

Lên núi Nga My

 

Nga Mi Sơn là điểm đến cuối cùng trong hành trình Tứ Xuyên du ký của chúng tôi. Đây là đạo tràng của Phổ Hiền bồ tát, một trong bốn ngọn núi thiêng của Phật giáo Trung Quốc và được Kim Dung đưa vào tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long ký nổi tiếng của ông.
5958.zip
Đường lên núi Nga Mi.
Sáng sớm, chúng tôi khởi hành đi núi Nga Mi, cách thành phố Nga Mi Sơn khoảng hai giờ xe chạy về phía tây nam. Đường lên núi quanh co hiểm trở, liên tục gấp khúc khiến ai nấy phải bấu mạnh tay vào thành ghế để khỏi đầu váng mắt hoa. Mặc cho hành khách xanh mặt vì sợ hãi, “sư phụ” người Tứ Xuyên do đã quen đường, thản nhiên nhấn ga cho xe lao vun vút qua những vách núi chập chùng cao như dựng ngược. Cũng may qua cửa kính, cảnh đẹp của núi rừng với những cây cổ thụ, rừng trúc, rừng thông, những ngọn suối róc rách đổ từ núi cao xuống, sương mù bảng lãng vây quanh đã làm cho chúng tôi say nhìn quên đi nỗi sợ.
Để lên được ngọn núi thiêng Nga Mi, chúng tôi phải mua vé bổ sung 1,6 triệu đồng Việt Nam/người vì trong tour, người ta chỉ đưa khách tới chân núi mà thôi. Bụng bảo dạ “ăn chơi sợ gì mưa rơi”, chúng tôi quyết định mua vé để đi tiếp. Đã đến được đất Thục của Lưu Bị, chả lẽ lại không dám lên đỉnh Nga Mi viếng Phổ Hiền bồ tát một phen.
Khỉ ở núi Nga Mi to con và táo tợn hơn khỉ ở rừng Sác Cần Giờ. Chúng chặn đường du khách đòi… “quà mãi lộ”. Chỉ cần du khách sơ hở một chút là chúng giựt túi xách ngay. Nếu bạn phản ứng, chúng sẽ cắn không chút nể nang. Cũng may, chúng chỉ lục tìm đồ ăn, thức uống, còn ví, điện thoại, lap top, chúng quẳng xuống đường cho khách nhặt lại.
Tạm biệt đám con cháu Tôn Ngộ Không không mời mà đến, chúng tôi đến nhà ga cáp treo, vào đứng chen chúc trong một cabin lớn có sức chứa khoảng 100 người để lên đỉnh núi. Hành trình mất 7 phút. Tiếc là hôm ấy sương mùa phủ trắng núi đồi nên không thấy được cảnh “vạn dặm biển mây”, hoa cỏ xanh tươi như bao người đã xưng tụng.
5958.zip
Tượng Phổ hiền bồ tát cạnh tòa nhà Kim Đỉnh trên Đỉnh Vạn Phật.
Đỉnh Vạn Phật là ngọn núi chính của Nga Mi ở độ cao 3079,3m  so với mặt biển. Không may cho chúng tôi, hôm ấy trời âm u, mây mù phủ đầy Kim Đỉnh nên chẳng thưởng thức được bốn phong cảnh tuyệt đẹp: “Nhật xuất” (mặt trời mọc), “vân hải” (biển và mây), “Phật quang” (hào quang của Phật) và “Thánh đăng” (đèn Thánh). Cũng may có mấy giây phút hiếm hoi, nắng hửng lên chiếu rọi vào tượng vị bồ tát bảo trợ của Nga Mi sơn là Samantabhadra mà người Việt gọi là Phổ Hiền bồ tát, để mọi người chụp hình. Pho tượng đồng Phổ Hiền cưỡi voi trắng sáu ngà cao 7,85m đúc vào đời Tống, với 10 đầu chia thành ba tầng nhìn ra tất cả các hướng, có lẽ là điểm nhấn ở Đỉnh Vạn Phật bên cạnh tòa nhà Kim Đỉnh dát vàng rực rỡ. Dưới chân tượng Phổ Hiền, hàng trăm ngọn nến cháy tỏa ánh sáng vàng ấm áp. Đến trưa, trời sáng trong hơn, chúng tôi mới có dịp nhìn ngắm vẻ đẹp của Nga Mi sơn với những suối, thác nước, cây cổ thụ, đường mòn… hợp thành một cảnh quang hùng vĩ, núi non mây trời hòa quyện. Đặc biệt là trong một khoảnh khắc hiếm hoi, chúng tôi đã nhìn thấy ánh sáng mặt trời chiếu rọi lên vạn vật, cỏ cây một nét đẹp rực rỡ óng ánh tựa sắc vàng.
Đưa mắt nhìn quanh, chúng tôi chợt nhớ tới những vị chưởng môn Quách Tương, Chu Chỉ Nhược trong Ỷ Thiên Đồ Long ký. Đây là “đại bản doanh” của những bậc nữ lưu anh kiệt ấy, nhưng không biết họ đang phiêu bạt phương nào? Kim Dung đã khéo xây dựng nên những nhân vật huyền thoại Quách Tương, Chu Chỉ Nhược của phái Nga Mi, đến mức nhiều người tin rằng họ có thật và đã lặn lội lên lên đây với mong ước được diện kiến họ một lần.
“Nga Mi cao xuất Tây cực thiên/ La phù trực dữ thanh minh tế” (Ngọn Nga Mi cao quá trời Tây phương cực lạc/Bao la cây cỏ khoảng trời xanh). Ngày trước, đại thi nhân thời Đường, Lý Bạch đã viết như vậy sau khi leo lên Nga Mi để ngắm trăng và nghe Thục Tăng Tuấn gãy đàn cầm. Ngày nay lên Nga Mi, chúng tôi đồng cảm với nhận và hiểu được vì sao Lý Bạch lại viết nên những câu thơ tuyệt vời như thế mà còn được đắm mình trong không gian văn hóa tôn giáo đậm đà, cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú với khói mù lan tỏa mênh mang.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỆU HẢI
;

Cửu Trại Câu: sắc màu thiên đường giữa chốn nhân gian

Những sắc màu dường như chỉ có trong trí tưởng tượng của các họa sĩ, những con đường hiện ra từ cổ tích… dường như, không có chiếc máy ảnh nào có thể chụp lại vẻ đẹp của Cửu Trại Câu.
Bạn đang xem bài phóng sự ảnh. Nhấn vào đây để xem dưới dạng trình chiếu ("slideshow")
Với mảnh đất thiên đường này, chiếc máy ảnh hoàn hảo nhất, có lẽ chính là đôi mắt và trái tim của những người được tận mắt nhìn thấy khung cảnh này.
Hình ảnh, dù có đẹp đến mấy, cũng khó có thể khắc họa hết nét đẹp thiên nhiên nơi đây. Dù vậy, đến và đi, đã một lần lưu lại dấu chân mình nơi Cửu Trại Câu, thì ai cũng muốn lưu lại cho mình những hình ảnh đẹp nhất có thể của thiên đường nơi hạ giới. 
Vừa bước qua cổng của công viên quốc gia Cửu Trại Câu, du khách được những chuyến xe bus đưa đi trên những con đường hiện đại như thế này.
Cửu Trại Câu chia thành 2 nhánh dạng chữ Y. Hồ Trường Hải nằm ở điểm trên cùng của nhánh bên trái, gây ấn tượng với du khách bởi mặt hồ trải dài mênh mang cùng màu xanh biêng biếc.
Một góc hồ Trường Hải trong nắng sớm.
Sau khi tham quan hồ Trường Hải, du khách có thể ghé thăm hồ Ngũ Sắc, một điểm không thể bỏ qua tại Cửu Trại Câu. Đây là hồ nhỏ nhất, nông nhất, nhưng cũng là hồ quyến rũ nhất tại đây.
Thác Nặc Nhật - vốn được khán giả quen gọi là thác Tây du kí, bởi thác này từng xuất hiện trong phim Tây du kí phiên bản 1986.
Màu xanh biêng biếc của hồ Thiên Nga trong sắc vàng, xanh, đỏ của lá cây.
Ở Cửu Trại Câu, bên cạnh những con đường hiện đại được đổ nhựa dành cho xe bus đi lại, có khoảng 70 km đường gỗ dành cho du khách thích đi bộ và khám phá...
Cây lá làm duyên bên hồ với sắc vàng rực rỡ.
Hồ Ngũ Hoa với cảnh sắc thiên thần.
Vào Cửu Trại Câu, du khách có thể ghé thăm những khu nhà của người Tạng và tự tay xoay những chiếc xa luân thế này, để cầu mong những điều may mắn.
Hồ Bamboo với sắc xanh của rong rêu.
Một góc khác của hồ Bamboo.
Toàn cảnh hồ Panda (gấu trúc).
Lá vàng làm duyên trên nền nước xanh.
Hồ Panda trong nắng vàng.
Cận cảnh rong, rêu dưới nước hồ trong suốt.
Lá vàng và nước quyện vào nhau như bức tranh sơn dầu.
Nước trong vắt nhìn rõ những cành cây mục dưới hồ.
Hồ Thiên Nga.
Hồ Tê Giác với sắc nước sẫm hơn các hồ khác.
Lá vàng đua chen.
Những con đường gỗ đầy lãng mạn.
Du khách mặc sức khám phá.
Thả hồn mình trên những con đường mộng mơ ngập lá vàng đỏ.
Hồ Giác Long, gồm 3 hồ nhỏ ngăn cách với nhau bởi những thảm thực vật phong phú.
Khu nhà của người Tạng.
Hồ lau sậy với sắc xanh của nước và sắc trắng ngà của lau.
Theo Tri Thức

Ngắm mây, đạp gió trên đỉnh Nga My

Nga My Sơn là một điểm đến không thể bỏ qua với những du khách đến với Thành Đô (Trung Quốc).

Đây là một trong tứ đại Phật giáo danh sơn (bao gồm Ngũ Đài Sơn, Cửu Hoa sơn, Phổ Đà sơn và Nga My sơn), gắn liền với Phổ Hiền Bồ tát, bởi trên đỉnh Nga My là bức tượng Phổ Hiền Bồ tát khổng lồ được xây dựng từ nghìn năm về trước.
Để lên đến Kim Đỉnh của Nga My, du khách sẽ phải đi xe bus đến lưng chừng núi, rồi đi bộ 1,5 km để lên đến trạm trung chuyển. Nếu muốn thưởng ngoạn những khung cảnh tuyệt vời của núi rừng, bạn có thể chọn cách leo bộ, còn nếu không, chỉ chưa đầy 15 phút đi cáp treo, Kim Đỉnh đã hiện ra trước mắt với mênh mang mây trắng.
Thông thường, du khách sẽ lưu lại trên Kim Đỉnh một đêm để ngắm bình minh trên đỉnh núi, ngắm mặt trời dần ló lên trên đường chân trời, ở độ cao 3.099 m, trước mắt là không gian trập trùng núi đồi và mây trắng, phía sau là những ngôi chùa lớn và tượng Phật sừng sững, là một trải nghiệm đặc biệt với mỗi một du khách đã đặt chân đến Nga My – di sản văn hóa của thế giới.
Đường lên Nga My được xây dựng hiện đại với khoảng 100 khúc cua
Sau chặng đường bằng xe bus lên đến trạm trung chuyển, du khách có thể leo bộ khoảng 7,5 km đường bậc thang để lên đến Kim Đỉnh - đỉnh cao nhất của Nga My với độ cao là 3.099 m
Những ngọn núi trập trùng liên tiếp rực rỡ sắc màu
Đường bậc thang quanh co, tay vịn tạc từ gỗ tạo cảm giác thư thái, hương xưa
Nga My ngày thu, lá đỏ đua chen
Cảnh sắc thay đổi dần khi chiều xuống
Đứng ở Kim Đỉnh, đỉnh của Nga My, là đã đứng trên mây, đạp trên gió
Biển mây vờn quanh đỉnh núi
Cây cầu khóa và hàng nghìn cặp khóa mà các đôi tình nhân đã lưu lại
Khách sạn, nhà hàng trên Kim Đỉnh phục vụ những du khách muốn lưu lại nơi này để ngắm hoàng hôn và bình minh
Từ 5h sáng, du khách có thể chuẩn bị sẵn sàng để đón bình minh trên đỉnh Nga My
Khoảnh khắc những tia sáng đầu tiên ló rạng
Đường chân trời mịt mùng tách ra làm 2 cho mặt trời xuất hiện
Từng chút, từng chút một, mặt trời xuất hiện để đất trời chia thành 2 khoảng: phía trên rạng rỡ ánh sáng và phía dưới vẫn chìm trong bóng tối
Mặt trời dần lên cao
Một không gian rộng lớn, hùng vỹ thay đổi từng khoảnh khắc trước ánh mặt trời
Tượng bồ tát Phổ Hiền sáng dần trong ánh bình minh
Nếu may mắn có cơ duyên, bạn có thể nhìn thấy Phật Quang - là thứ ánh sáng như bảy sắc cầu vồng, tỏa ra từ tượng phật khi ánh mặt trời chiếu vào
Tượng Phật rạng ngời trong nắng sớm. Du khách bắt đầu thắp hương và viễn cảnh chùa
Những ngọn nến cháy đem ngày không tắt...
Theo Tri Thức

Không có nhận xét nào: