Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Ngôi làng quanh đền Phật giáo lớn nhất thế giới

Du khách không chỉ ghé thăm ngôi đền Borobudur (Java, Indonesia) nổi tiếng, mà còn có cơ hội trải nghiệm đời sống người dân địa phương tại ngôi làng Wanurejo hiền hòa.

Wanurejo là một ngôi làng nhỏ nằm ở Magelang, một trong những thành phố lớn của huyện Magelang ở miền Trung Java (Indonesia). Do nằm bao quanh ngôi đền Borobudur - kỳ quan Phật giáo lớn nhất thế giới, nên nơi đây thu hút đông đảo khách du lịch khắp nơi ghé thăm. Tuy vậy, ngôi làng vẫn giữ được sự yên bình và nét hoang sơ vốn có.
 
Wanurejo được màu xanh trù phú phủ khắp các ngóc ngách khiến du khách có cảm giác gần gũi và như hòa mình vào thiên nhiên.
 
Các con đường trong làng hầu như vắng bóng người qua lại trừ khi có đoàn khách đông ghé qua. Đặc biệt, các con đường này đều thông với nhau nên bạn dễ bị lạc nếu không nhớ rõ đường đi.
 
Người dân ở đây quanh năm gắn với công việc đồng áng như trồng lúa, ngô, khoai, sắn và đặc biệt là đu đủ.
 
Người nông dân ra đồng cùng chú trâu không khác gì hình ảnh làng quê Việt Nam nhưng bạn vẫn cảm nhận được điều khác lạ giữa hai đất nước. Người vùng này chuộng cách làm truyền thống hơn công cụ hiện đại. Do đó, đến giờ người dân vẫn sử dụng con trâu để cày thay vì máy cày.
 
Người dân trong làng phần đông là lớn tuổi. Họ thích ra đồng làm việc hơn là ở nhà nghỉ ngơi. Ngoài ra, nếu biết tiếng Indonesia bạn sẽ có cơ hội trò chuyện với họ, tiếp cận được nhiều thông tin hơn về lịch sử ngôi làng.
 
Trẻ con vô tư chơi đùa trong làng.
 
Đặc biệt, nếu đã đến làng bạn không nên bỏ qua điệu múa truyền thống của làng Wanurejo. Điểm thú vị ở điệu múa này là âm thanh từ những chiếc chuông nặng hơn 10 kg ở đôi chân người vũ công, họ phải có một sức khỏe tốt và thật khéo léo để phối hợp cùng nhau trong mỗi phần trình diễn.
 
Ngoài ra, những thanh niên trong làng còn biết phát triển kinh tế bằng cách tạo ra những hoạt động du lịch để du khách có cơ hội trải nghiệm như hình thức homestay, làm gốm truyền thống, học cách làm những món ăn địa phương, bắt cá dưới mương hay hành trình leo núi Watu Kendil.
 
Sống vài ngày ở đây bạn sẽ thấy tâm hồn mình thật nhẹ nhõm.
 
Phong Vinh

Ngôi làng thấy tiếng nhưng không thấy người ở Trung Quốc

Du khách khi đến những ngôi làng vô hình ở thành phố Tam Môn Hiệp đều cảm thấy kỳ lạ khi nghe văng vẳng bên tai tiếng cười nói, nô đùa của rất nhiều người nhưng nhìn quanh lại không thấy bóng ai.
Thành phố Tam Môn Hiệp, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc có gần 10.000 ngôi nhà được xây dựng dưới lòng đất sâu 6-7 m. Những ngôi làng ở dưới lòng đất này mùa đông rất ấm áp, gió bấc không thổi tới, còn mùa hè thời tiết mát mẻ.
 
Nhiều người đã gọi những ngôi làng dưới lòng đất này là "làng vô hình", do từ xa đã nghe thấy tiếng cười nói, trò chuyện của mọi người nhưng lại không thấy bóng dáng của bất kỳ ai hay ngôi nhà nào.
 

Những ngôi làng dưới lòng đất ở Trung Quốc được xây dựng vuông vức, tiết kiệm chi phí và phù hợp với người dân nghèo.
 
Lối sống dưới đất này đã được người dân bản địa giữ gìn qua hơn 4.000 năm. Mỗi ngôi nhà đều có đường hầm đi xuống phía dưới. Mọi người lấy ánh sáng trực tiếp từ một sân chung.
 
Những ngôi nhà này là nơi cư ngụ của hơn 3 triệu người dân. Chúng được phổ biến rộng rãi từ thời nhà Thanh và nhà Minh. Theo People's Daily Online, những ngôi nhà này có giếng thoát nước rất tốt, có thể chống ngập úng trước các trận mưa lớn. Chúng cũng có khả năng cách âm, chống động đất...
 
Những ngôi nhà có sân được gọi là Yaodong (diêu động). Có những ngôi nhà là nơi sinh sống của 6 thế hệ gia đình, truyền từ đời nọ sang đời kia.
 
Ngày nay các ngôi nhà dưới lòng đất cũng được cung cấp điện nước, các trang thiết bị hiện đại.
 
Chính quyền tỉnh Hà Nam cho biết họ có chính sách bảo vệ các địa điểm này và biến chúng thành điểm đến du lịch hấp dẫn của địa phương. Ngày nay, các ngôi làng vô hình dưới lòng đất đang rất thu hút sự chú ý của du khách. Bạn có thể thuê một phòng với giá 30 USD một tháng. Nếu bạn mua cả nhà với 3 phòng ngủ, một phòng tắm cùng sân chung, giá vào khoảng 40.000 USD.
 
Ảnh: Shutterstocks.
Anh Minh   

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Qua miền đất Tạng


Tu viện Yarchen GarẢNH: PHƯƠNG NGUYỄN
Châu tự trị Tạng Cam Tư (Garze Tibetan Autonomous Prefecture - gọi tắt là Garze Tibetan) rộng lớn, có diện tích hơn 150.000 km2, với một nền văn hóa Tạng truyền đặc sắc, các tu viện tập trung số lượng tăng nhân và tu sĩ đông nhất thế giới...
Hành trình “bão táp” từ Thành Đô
Từ Thành Đô (Chengdu), kinh đô nước Thục cũ (từ thời Tam Quốc, hiện giờ là thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên), chúng tôi lên một chuyến bay ngắn để đến Daocheng, phi trường nằm ở độ cao 4.411 m so với mực nước biển, được xem là phi trường dân sự ở vị trí cao nhất thế giới.
Hội chứng sốc độ cao làm một số người trong đoàn ngã quỵ ngay khi vừa về đến khách sạn, cách sân bay gần 50 km. Đầu nhức như búa bổ, toàn thân ở vào trạng thái bị dần nhừ đến từng thớ thịt. Tôi không chuẩn bị gì với tình trạng này, đó là một sai lầm khủng khiếp, vì hội chứng sốc độ cao rất thường gặp đối với những du khách bay liên tục từ đồng bằng lên những cao nguyên trên 3.000 m, trong điều kiện môi trường vô cùng khắc nghiệt như ở đây. Tôi mất cả ngày để nằm im một chỗ, ngưng vận động và uống nhiều nước cho cơ thể quen dần với độ cao, để rồi sau đó lại phải di chuyển liên tục từ Daocheng về thành phố Kangding (Khang Đình - thủ phủ châu tự trị Tạng Cam Tư)... Để từ đây, chúng tôi bắt đầu tiến vào một trong những vùng đất Tạng đậm đặc nhất còn lại trên thế giới.
Mục tiêu mà chúng tôi nhắm đến chính là 2 ngôi tu viện Phật giáo Tạng truyền có quy mô vào hàng lớn nhất thế giới vẫn còn hoạt động: Larung Gar và Yarchen Gar. Tuy nhiên, đến được Kangding thì chúng tôi phát hiện ra mình sẽ gặp những trở ngại đầu tiên, có thể phá hỏng cả cuộc hành trình. Không có tuyến xe buýt nào đi đến Yarchen Gar, và vấn đề nghiêm trọng hơn nữa là có thông tin, việc đến tham quan tu viện Larung Gar (cách Kangding hơn 400 km) cũng bị hạn chế. Cụ thể là hạn chế với khách nước ngoài. Chúng tôi gần như bỏ cuộc và thất vọng vô cùng...
Nghỉ lại Kangding một đêm. Thành phố nhỏ nhắn này có một không khí thanh bình, nằm nép mình trong thung lũng, xung quanh núi non trùng điệp, cây cỏ hoa lá tươi mơn mởn cũng làm khuây khỏa phần nào sau chặng đường dài mệt mỏi. Sau bữa cơm tối, tôi quyết định nhanh và nói luôn với người bạn đồng hành: “Cứ đi, ắt sẽ đến!”…
Buýt trên cao nguyên
Các vùng dân tộc Tạng tự trị thuộc Tứ Xuyên nói chung có địa hình đồi núi vô cùng hiểm trở, những làng mạc, thị trấn có người ở nằm cách nhau hàng trăm ki lô mét đồi núi ngoằn ngoèo. Tuyệt đối chỉ có xe hơi là phương tiện di chuyển, xe buýt địa phương thì rất hiếm, hầu như mỗi ngày chỉ có một chuyến và thường phải mất cả ngày để đi hết chừng 400 km. May mắn thay, người bạn đồng hành của tôi nói tốt tiếng Hoa, mặc dù ở cái xứ sở này họ nói bằng một thứ tiếng Hoa trộn lẫn rất nhiều thổ ngữ, nhưng căn bản là chúng tôi xoay xở được 2 chiếc vé xe buýt đường dài để đến tu viện Larung Gar.
400 km đường bộ, nếu ở đồng bằng, mất chừng 5 giờ, nhưng ở vùng Tạng Cam Tư này, cho dù chính phủ Trung Quốc đã rất cố gắng trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng trong vài năm trở lại đây, thì những con đường mà tôi qua, phải nói rằng rất kinh hoàng. Chiếc xe buýt len chật người chạy với vận tốc rất ít khi vượt quá 50 km/giờ. Đường hỏng nhiều đoạn, nhiều đoạn sạt lở, và nhiều đoạn chưa hoàn thành. Thế nên, cho dù khung cảnh hai bên đường rất đáng giá, chúng tôi vẫn cảm thấy hãi hùng...
Nhưng nếu tạm quên mọi mệt mỏi, vùng cao nguyên Cam Tư là một trong những địa hình đồi núi đẹp nhất mà người làm nghề chụp ảnh như tôi từng qua. Hoa vẫn nở rực bên các sườn đồi nhỏ, những cánh rừng thông xanh mướt một màu xanh của sự sống, nó gợi cho người ta cái cảm giác êm ả hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp. Trời xanh ngắt và trong veo, cái chất trong veo của bầu trời thảo nguyên mênh mông ở những cao độ trên 3.000 m thường rất thuần khiết, không nhiễm khói bụi mờ mịt, trời cao vời vợi không gợn chút mây xám nào.
Chuyến xe buýt địa phương chuyên chở phần lớn người Tạng và đồ đạc, hình như chỉ có 2 người chúng tôi là du khách. Người Tạng hiền lành, thân thiện, họ nói chuyện bằng một thứ phương ngữ pha lẫn giữa tiếng phổ thông và một thứ tiếng gì đó mà bạn tôi nghe không ra. Duy chỉ có thái độ là hết sức nhiệt tình. Khi xe dừng lại một trạm kiểm soát của cảnh sát địa phương thì chúng tôi đối diện với một tình cảnh thật sự tệ hại...
Tu viện Phật giáo với 10.000 tăng ni, tu sĩ
Larung Gar chính thức bị hạn chế đối với du khách nước ngoài, đó là lệnh. Và cho dù các anh cảnh sát địa phương hết sức tử tế tìm giúp chúng tôi một phương tiện để quá giang ra thị trấn gần nhất, chúng tôi vẫn có cảm giác mình là những người thất bại. Larung Gar gần như là một “thánh địa”, với sự kỳ vọng rất cao, và cuối cùng, chúng tôi thất vọng.
Một người đàn ông khá trẻ, người Tạng, nhận sự yêu cầu từ cảnh sát là phải chở chúng tôi đến thị trấn Wangda ở gần đó.
Anh Hua (tên người đàn ông đang đưa chúng tôi đi) hóa ra là một chức sắc trẻ đang phụ việc ngay tại tu viện Larung Gar. Anh ấy tử tế mời chúng tôi ăn một bát mì Tứ Xuyên rất ngon, tìm giúp một nhà nghỉ nhỏ ở thị trấn gần nhất và thành thật khuyên: “Đừng tìm cách vào Larung Gar. Tôi sẽ giúp các anh tìm thuê một chiếc xe nhỏ với tài xế thông thạo đường sá và đưa các anh sang Yarchen Gar, đó là nơi các anh nên đến”.
Tu viện Yarchen Gar cách đó một ngày đường, và chúng tôi xuất phát từ lúc trời chưa sáng. Bác lái xe già chỉ lặng lẽ đưa chúng tôi đi, lái xe một cách rất cẩn thận và đặc biệt kiệm lời. Đường đến Yarchen Gar thật ra còn đẹp hơn cả đoạn đường chúng tôi đi từ Kangding. Những đồi cỏ xanh mượt, nối tiếp nhau tạo thành một không gian trải dài vô tận, một con sông quấn quanh những ngọn núi cao tít với đỉnh phủ đầy tuyết vĩnh cửu. Hai bên đường, những ngôi làng Tạng ẩn hiện giữa các thung lũng hẹp, với những ngôi nhà gỗ đầy màu sắc và thoạt trông rất ấm áp. Mây trắng vẫn lươn lướt trên đỉnh đầu, bầu trời vẫn trong xanh vời vợi. Chúng tôi lại thấy sảng khoái và bắt đầu lấy lại được nhiều hy vọng.
Quả có thế, tu viện Yarchen Gar hiện ra như một vùng đất không thuộc về địa giới. Tu viện này xứng đáng là một trong những điểm đến của cuộc đời. Nằm dưới một thung lũng sâu, nơi có con sông uốn khúc chảy qua một hệ thống những ngôi nhà nhỏ vuông vức, nơi tu tập và lưu trú của các tu sĩ, tăng ni. Theo lời của Hua, vào thời điểm đỉnh cao nhất, người ta thống kê có đến 10.000 tu sĩ đến đây lưu trú, mà phần lớn là tu sĩ nữ (ni sư). Tất nhiên những năm gần đây, với nhiều chính sách điều tiết từ chính quyền địa phương, chủ yếu vì lý do an toàn và vệ sinh môi trường, số lượng tăng ni ở đây đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, xét về mặt quy mô, nơi đây thật sự làm chúng tôi bất ngờ, đến không thốt được nên lời.
Trời chiều lặng ngắt, các vầng mây đủ sắc màu nhạt dần từ phía chân trời, chúng tôi từ khách sạn tản bộ lên đồi cao, nơi có một tượng Phật Tạng khổng lồ, cùng một đài quan sát nhìn xuống phía thung lũng sâu. Con sông uốn quanh những nếp nhà san sát nhau, từng đoàn tăng lữ đi về nhà sau những buổi tu tập và thiền định. Những tòa kiến trúc kỳ lạ bắt đầu lập lòa trong ánh trời nhập nhoạng, tạo nên những hiệu ứng thị giác kỳ lạ, cộng thêm tiếng gió thổi từ thảo nguyên, tiếng leng keng của rất nhiều cái chuông nhỏ xen lẫn tiếng kinh kệ từ xa đưa tới. Một cảm giác an bình, thoát tục, diệu kỳ. Mọi giác quan của tôi lúc đó dường như được khai mở. Và thánh địa thật sự chính là nơi này, nơi tôi cần đến và đã đến...
Phương Nguyễn

Bí ẩn tiền xu hình bát quái trấn yểm long mạch Singapore

Trải qua hàng chục năm, đồng 1 SGD chính thức được xem như đồng tiền may mắn ở đất nước Singapore.



He thong tau dien ngam SMRT o Singapore
Hệ thống tàu điện ngầm SMRT của Singapore vẫn hoạt động rất tốt cho tới thời điểm hiện tại.
Xây đường tàu điện ngầm phạm long mạch
Chuyện kể rằng những năm 80 của thế kỷ trước, Thủ tướng Singapore khi ấy là Lý Quang Diệu lên kế hoạch xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở Singapore (Singapore Mass Rapid Transit - SMRT).
Ông Lý Quang Diệu đã mời nhà thầu cho dự án quan trọng này là một tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới. Mọi việc tưởng chừng suôn sẻ cho tới khi dự án chạm tới một đoạn địa chất phức tạp, không thể thi công được. Bất chấp các phương pháp kỹ thuật, cách thức tính toán đưa ra, nhà thầu vẫn không sao tiếp tục được dự án. Họ buộc phải báo cáo lên Chính phủ việc này.
Diện tích Singapore chỉ xấp xỉ 720km2 (nhỉnh hơn Phú Quốc rộng 567km2) nên việc “lái” dự án sang một hướng khác là bất khả thi”. Chưa kể, đường tàu điện ngầm thời đó là vấn đề bức thiết - điểm mấu chốt giải quyết các vấn đề giao thông ở đảo quốc này.
Bản thân cố Thủ tướng Lý Quang Diệu rất coi trọng vấn đề phong thủy. Khi dự án SMRT bị bế tắc thời điểm đó, ông cho mời một thầy phong thủy có tên là Hong Chuan, người gốc Hoa từ Mỹ về Singapore và nhờ giúp đỡ.
Sau khi xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng, ông tuyên bố đoạn dự án không thể thi công do đã phá vỡ long mạch nằm sâu dưới lòng đất và quan trọng là nó được thi công trên phần lưng của một con rồng lớn, hung bạo. Thày phong thủy cũng chỉ ra rằng, đường tàu chỉ có thể thi công khi chế ngự được con rồng này, làm cho nó ngủ yên. Còn nếu rồng cựa mình hay nổi giận, SMRT sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Giải pháp được thày phong thủy đưa ra là: Tất cả những người dân đang sinh sống, có mặt trên đất nước Singapore khi đi ra ngoài đường đều phải mang trên người một vật hình bát quái nhằm xua đuổi tà khí. Đây chính là “tấm bùa” cầu xin vị thần rồng đang ngự trị dưới lòng đất sâu.
Đúc tiền xu bát quái trấn yểm
Song, đây lại là đầu bài vô cùng “xương xẩu” với một quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo như Singapore bao gồm nhiều sắc tộc nhập cư: Đạo Phật, Hồi giáo, Hindu giáo, Thiên Chúa giáo... Vậy làm thế nào để tất cả cùng “đồng thuận” mang một tấm bùa thiêng cầu xin thần rồng?
Dự án SMRT quan trọng lại dậm chân tại chỗ, Thủ tướng Lý Quang Diệu thì buồn rầu và lo lắng. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng ấy, phu nhân Thủ tướng Lý Quang Diệu, bà Kha Ngọc Chi đã có phát kiến: Đúc 1 đồng tiền xu 1 SGD có hình bát quái để thay thế cho đồng 1 SGD đang lưu hành lúc bấy giờ, như vậy, mọi người đều bắt buộc phải mang đồng tiền này trong người. Sáng kiến như hất được “hòn đá đè nặng” lên Thủ tướng Lý Quang Diệu và ông lập tức cho thực thi.
Đầu năm 1987, Singapore đã cho đúc một đồng tiền mệnh giá 1 SGD có in hình bát quái. Mọi người dân, bất kể người bản địa hay nhập cư, bất kể giàu nghèo đều có thể mang đồng tiền này khi ra đường, thay thế cho “tấm bùa” mà thầy phong thủy nói khi xưa. Điều kỳ diệu là ngay khi đồng xu bát quái này được lưu hành rộng rãi ở Singapore, nhà thầu SMRT tiếp tục thi công và mọi việc lại “thuận buồm xuôi gió”. Tuyến tàu điện ngầm được hoàn thành sau đó một thời gian không lâu và sử dụng ổn định cho tới ngày nay (SMRT được động thổ khởi công tháng 10/1983, đến tháng 11/1987).
Đồng tiền may mắn
Hai mat truoc va sau cua dong 1 USD Singapore cud
Hai mặt trước và sau của đồng 1 SGD cũ.
Trải qua hàng chục năm, đồng 1 SGD chính thức được xem như đồng tiền may mắn ở đất nước Singapore. Hiện, đồng tiền vẫn được lưu hành trong hệ thống tiền tệ chính thức của Singapore. Người dân cảm thấy rất tiện lợi khi sử dụng ở các hệ thống máy bán hàng tự động hoặc máy bán thẻ metro… Tuy không có giá trị nhiều về mặt vật chất, nhưng 1 SGD lại có giá trị rất lớn về mặt tinh thần.
Trên mặt đồng 1 SGD có vòng viền hình bát giác nằm ở gần rìa bên ngoài của đồng tiền (trong khi các loại tiền với các mệnh giá khác có vòng viền hình tròn). Hình bát giác này chính là biểu tượng Bát quái trong thuật phong thủy.
Khách nước ngoài tới Singapore vì hiếu kỳ và ngưỡng mộ “huyền thoại” đồng tiền xu bát giác và rất nhiều người tìm cách “sở hữu” 1 vài đồng xu này để làm kỷ niệm. Họ có thể đổi được đồng tiền này ở các quầy đổi tiền tại sân bay, tàu điện hoặc các điểm giao dịch khác.
Ngày nay, gần khu đảo Sensota, nơi đường tàu ngầm đầu tiên của Singapore được khánh thành những năm 80 của thế kỷ trước, đã hình thành… một “con đường phong thủy”. Đây là nơi người dân, khách du lịch đến thăm đảo quốc này có thể cầu nguyện và đặt lên đó 1 đồng SGD để “nhờ thầy phong thủy làm phép”.
Người dân quốc đảo truyền tai nhau, khi giữ đồng 1 SGD trong người, dù đi đến đâu cũng sẽ gặp những điều may mắn, công việc làm ăn sẽ phát đạt và thịnh vượng. Trong ví của mọi người dân Singapore vì thế cũng luôn có đồng 1 SGD - biểu tượng của tâm linh, tài khí và may mắn, đồng thời là lời cầu nguyện cho “con rồng” thiêng ở đất nước họ ngủ yên.
Xem thêm video:

Bên trong khách sạn đẹp nhất đất Phật Nepal

Kết hợp giữ truyền thống và hiện đại, Dwarika​ là khách sạn đẹp và mang đậm dấu ấn văn hóa Nepal.
Ben trong khach san dep nhat dat Phat Nepal hinh anh 1
Khách sạn Dwarika nằm ở Kathmandu, Nepal, là một khách sạn độc đáo bởi sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Ảnh: Remodelands. 

Ben trong khach san dep nhat dat Phat Nepal hinh anh 2
Dwarika là kết quả của việc tập hợp lưu giữ, bảo tồn những bản chạm, khắc gỗ cổ xưa của Nepal và xây dựng nên một khách sạn kết hợp với bảo tàng. Ảnh: Remodelands. 
Ben trong khach san dep nhat dat Phat Nepal hinh anh 3
Ở bất cứ đâu trong khách sạn, du khách đều bắt gặp những tác phẩm chạm khắc cầu kỳ. Nhiều bản trong số chúng được tạo tác từ thế kỷ 13. Ảnh: Great Nomad.
Ben trong khach san dep nhat dat Phat Nepal hinh anh 4
Khách sạn được xây dựng mô phỏng theo cung điện của các vị vua Newar. Không gian được ngăn cách bằng khoảng sân gạch lát. Ảnh: Remodelands.
Ben trong khach san dep nhat dat Phat Nepal hinh anh 5
87 phòng khách sạn đều được thiết kế sang trọng, chia thành các khu vực phòng khác nhau. Ảnh: Remodelands.
Ben trong khach san dep nhat dat Phat Nepal hinh anh 6
Khu phòng hoàng gia là tòa nhà 2 tầng, nằm trên khoảng diện tích 250 m2. Nội thất trong phòng được bài trí theo nơi ở của các vị vua Malla. Mỗi phòng đều có sân thượng rộng với bàn ăn ngoài trời. Ảnh: Wordpress.
Ben trong khach san dep nhat dat Phat Nepal hinh anh 7
Các khu vực khác đều gọn gàng, sạch sẽ với phong cách nội thất riêng biệt. Sử dụng đồ trang trí bằng gốm, gối, chăn bằng lụa. Ảnh: Wordpress.
Ben trong khach san dep nhat dat Phat Nepal hinh anh 8
Một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất của du khách khi nghỉ ở đây là được thư giãn trong spa có sử dụng các liệu pháp chữa bệnh. Ảnh: Audley Travel.
Ben trong khach san dep nhat dat Phat Nepal hinh anh 9
Dwarike còn có một thư viện, hồ bơi, một spa, 3 nhà hàng, 1 quầy bar sang trọng, trong đó có một nhà hàng Nhật Bản. Ảnh: The Yum List.
Ben trong khach san dep nhat dat Phat Nepal hinh anh 10Phóng to
Dwarika là địa chỉ lý tưởng cho những cặp đôi muốn hưởng tuần trăng mật trong yên tĩnh và những người muốn tìm hiểu văn hóa Nepal. Ảnh: Wp.
Minh Hải tổng hợp