Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Phetchaburi – vùng đất bị lãng quên của Thái Lan

Thái Lan – tôi nghe địa danh này từ bạn bè nhiều đến mức cảm giác như đó là một tỉnh lị nào đó ở nước mình. Bạn bè tôi có người cứ cuối tuần là xách ba lô và đi Thái.

Cũng như hầu hết du khách, bạn tôi thường chọn điểm đến là Bangkok, Chiang Mai hay Pattaya, Phuket. Tôi là kẻ sợ đám đông, ngại ngần những thành phố lớn nên đã định chẳng bao giờ ghé xứ Xiêm La, thì một người bản xứ rỉ tai: “Tao có vùng đất bị lãng quên cho mày khám phá. Đảm bảo sẽ có kẻ lạc lối ở xứ sở hoàng gia!“.

Cha-am và Phetchaburi

Vượt qua 120km với khoảng 2 giờ lái xe từ Bangkok, chúng tôi rẽ vào cung điện mùa hè của vua Rama IV thuộc tỉnh Phetchaburi – nằm ở khu vực trung tâm miền Trung Thái Lan, vốn là hoàng thành cổ của người Môn thuộc thế kỷ thứ 8. Tọa lạc ở vị trí tuyệt đẹp trên những đồi cây, chủ yếu là hoa sứ, cách mực nước biển 92m, Phra Nakhon Khiri (người dân thường gọi là Khao Wang) được xây dựng vào năm 1860. Tôi cũng như các du khách khác chỉ được phép vào công viên lịch sử Khao Wang nằm trong khu phức hợp của cung điện, nơi trưng bày những vật dụng được chạm trổ tinh xảo, gốm sứ mà hai vị vua Rama IV và Rama V đã sử dụng.

Công viên phức hợp Santorini
Ra khỏi những căn phòng được bày trí cẩn thận, ngạc nhiên với lối đi cúi gập người dành riêng cho người phục dịch, tôi vượt qua những bậc thang dựng đứng để được đón những cơn gió mát rượi từ khu vực cao nhất của bảo tàng. Từ đây phóng tầm mắt có thể thấy những đại sảnh lớn, đền đài và các tòa nhà được xây dựng theo phong cách kiến trúc Thái Lan kết hợp hài hòa với những kiểu kiến trúc tân cổ điển phương Tây và Trung Hoa.
Xa xa còn có những khu rừng nhiệt đới cùng các dãy núi ở phía Tây dọc theo biên giới của Myanmar và bờ biển dài 80km. Thuộc về địa phận tỉnh Phetchaburi, Cha-am vốn là một làng chài với nhiều món ngon được chế biến từ hải sản, một nơi lưu trú cạnh bờ biển được hoàng gia và người bản địa yêu thích sau khi vua Rama VI xây cung điện của tình yêu và hi vọng Muruk Khatayawan. Dần dà, trong cuộc đua với thời gian, với những Phuket, Pattaya, Cha-am đi chậm dần và trở thành nơi lý tưởng cho những người chán ngán ồn ào, chán những vũ điệu thâu đêm, muốn tìm một nơi sống chậm.
Cung điện mùa hè Klai Kangwon
Cung điện mùa hè Klai Kangwon
Dường như muốn rút ngắn cuộc đua, hoặc muốn mở rộng hơn cánh cửa đón những người ưa khám phá, chính phủ Thái Lan đã gây dựng ở Phetchaburi một công viên quốc gia Kaeng Krachan rộng lớn nhất Thái Lan có diện tích ngót 3.000km2, khôi phục lễ hội Thai Song Dam, cả hương vị của món khao chae – cơm ăn với nước đá và thịt ngọt.
Mới nhất, công viên phức hợp Santorini là khu giải trí hiện đại duy nhất ở Cha-am, vừa được đưa vào khai thác đầu năm 2013, với một màu xanh biếc theo cảm hứng từ đảo Santorini xinh đẹp của Hi Lạp. Tuy vậy, tới nay nơi này hầu như vẫn toàn khách du lịch nội địa.

Hua Hin và rẻo đất hẹp nhất Thái Lan

Tôi đến Hua Hin, một trong những khu nghỉ dưỡng ven biển đẹp của Thái Lan nhưng hiện vẫn còn là một ẩn số với hầu hết du khách. Chỉ cách Cha-am 30 phút lái xe về phía Nam, Hua Hin được biết đến từ những năm 1920 khi đức vua Rama VII xây dựng cung điện mùa hè Klai Kangwon. Theo tiếng Thái, tên cung điện có nghĩa là “giải tỏa những mối lo âu”, điều đó giải thích lý do gia đình hoàng gia vẫn đến Hua Hin hàng năm.
Biển Hua Hin
Biển Hua Hin
Biển Hua Hin trải dài từ một cảng cá chật hẹp rồi uốn cong dịu dàng khoảng 3km về phía Nam, nơi có bức tượng Phật điêu khắc khổng lồ đặt tại chân núi Takiab.
Tôi được nhà thiết kế của thương hiệu It’s Happened To Be A Closet mời đến ở trong căn nhà được bà chăm chút tỉ mỉ từng góc nhỏ bên cạnh bờ biển Hua Hin. Nếu ở đây thì tin là chẳng ai muốn bước ra khỏi phòng, tôi đã phải “đấu tranh tư tưởng” rất lâu trước khi quyết định đón xe tuk tuk ra chợ bản địa.
Người dân ở đây, đặc biệt là phụ nữ, từ tốn, nhẹ nhàng khác hẳn vẻ vội vã ở những thành phố lớn. Những cuộc bán mua diễn ra hòa thuận, vui vẻ với hải sản, rau quả tươi ngon. Tôi đã tha về căn bếp xinh đẹp rất nhiều mực, tôm, chem chép để chuẩn bị bữa tiệc nướng bên bãi biển vào buổi tối. May mắn làm sao, hôm ấy trăng tròn, chỉ thiếu mỗi rượu vang là đủ một bữa tiệc thịnh soạn. Ngày kế tiếp, tôi thăm khu vườn Bươm bướm và thảo dược đầu tiên của Hua Hin nằm đối diện cung điện Klai Kangwon. Đặt chân đến đây tôi nhớ mình còn chưa thực hiện chuyến đi tới rừng quốc gia Cát Tiên đã lên kế hoạch từ hai năm trước, có lẽ không thể chần chừ hơn được nữa.
Căn nhà xinh xắn của tôi ở Hua Hin
Căn nhà xinh xắn của tôi ở Hua Hin
Không chỉ Cát Tiên, Hua Hin còn khiến tôi nhớ tới nhiều nơi khác của đất nước mình. Tỉ như khi ghé thăm nhà ga xe lửa được xây dựng hoành tráng dưới triều vua Rama VI, một trong những ga xe lửa lâu đời nhất và cũng đẹp nhất Thái Lan. Sự độc đáo trong phong cách kiến trúc Thái đã làm ga Hua Hin nổi bật với quần thể kiến trúc gồm nhà ga, phòng chờ Hoàng gia lộng lẫy được di dời từ cung điện Sanam Chan (thuộc tỉnh Nakhon Pathom) về đây. Nó khiến tôi hơi chạnh lòng, nếu so với ga Đà Lạt chỉ còn là chốn chụp hình cưới cho các đôi uyên ương thì ga Hua Hin vẫn còn được bảo tồn và sử dụng với nhiều chuyến mỗi ngày.
Nhà ga Hua Hin
Nhà ga Hua Hin
Giống Hội An những năm 90 của thế kỷ XX, dải đất kéo dài từ Phetchaburi đến Hua Hin – xứ sở hoàng gia này vẫn còn là một ẩn số với rất nhiều người, tuy rằng nó khá hiện đại so với Hội An vào thời điểm đó, có chợ đêm, dịch vụ du lịch như khinh khí cầu, golf… Có lẽ bởi du khách quốc tế mải mê với vẻ đẹp của những hòn đảo như Phuket, Koh Chang, Koh Tao, Lipe… hay sự náo nhiệt của Pattaya, Bangkok mà lãng quên vùng đất dịu dàng, hiền hòa, êm đềm cùng những món ăn ngon và bãi biển đẹp này
Swiss sheep farm
Swiss sheep farm ở Hua Hin
Tạp chí Đẹp

Ký sự Malaysia

Cảm giác đầu tiên khi chúng tôi đặt chân xuống sân bay Kualalum­pur là sự tò mò pha chút e ngại dù đã biết trước Malaysia là quốc gia Hồi giáo tương đối cởi mở và yên bình. Dấu hiệu đầu tiên có thể nhận ra mình đã đặt chân đến đất nước Hồi giáo chính là các nữ nhân viên ở sân bay với chiếc khăn choàng truyền thống đủ màu sắc sặc sỡ trên đầu, làn da bánh mật, mắt bồ câu đen tròn, môi đỏ thắm, hàng mi dài cong vút, vẻ mặt tươi cười, thân thiện, chẳng giống chút nào với những chiếc áo choàng đen phủ kín gót, khăn choàng che kín mặt thường thấy trên truyền hình trong các chương trình thời sự nóng liên quan đến người Hồi giáo.
Malaysia là quốc gia đa dân tộc và tôn giáo, trong đó người Malaysia theo đạo Hồi chiếm tới 58% dân số, người Malaysia gốc Hoa theo đạo Phật khoảng 26%, người Malaysia gốc Ấn Độ theo đạo Hindu 7%, còn lại là người gốc châu Âu theo đạo Thiên chúa và các dân tộc khác, tôn giáo khác. Sự giao thoa những sắc màu dân tộc và tôn giáo đó được thể hiện rất cụ thể và sinh động trên những dấu tích còn lưu lại trong thành phố cảng Malacca qua bao biến đổi thăng trầm và sự bào mòn của thời gian.
SẮC MÀU VĂN HÓA Ở MALACCA

Malacca, mà theo cách gọi của người Malay là Melaka, nằm trên eo biển cùng tên, cách thủ đô Kuala Lumpur 150km về phía nam, chính thức được thành lập vào năm 1402 khi hoàng tử Parameswara của vương quốc Srivijaya trên đảo Sumatra phải bỏ chạy đến đây lánh nạn vì thất bại trong cuộc chiến với vương quốc Majapahit ở đảo Java. Khi mới hình thành, Malacca chỉ có người Malay và người Hoa sinh sống, sau này có thêm người Ấn Độ và người Arập. Đạo Hồi cũng xuất hiện từ đây và sau đó lan ra khắp bán đảo Malay. Các thương nhân châu Âu đầu tiên đặt chân lên Malacca là người Bồ Đào Nha, và họ biến nó thành thuộc địa của mình vào năm 1511. Đến năm 1641 người Hà Lan liên minh với Vương quốc Hồi giáo Johor giành được quyền kiểm soát eo biển chiến lược này. Nhưng đến năm 1786, người Anh đã đến đây giành quyền thống trị từ tay người Hà Lan, sau đó họ đã thôn tính luôn cả Malacca vào năm 1824. Sự thống trị của vương quốc Anh kéo dài hơn một thế kỷ, đến năm 1957 thì người Anh phải trao trả độc lập cho Malaysia. Nhờ nằm ở vị trí thuận lợi trên con đường hàng hải giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Malacca từng là trung tâm thương mại và hải cảng sầm uất vang bóng một thời. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Malacca còn nổi tiếng là vùng biển xảy ra nhiều vụ cướp biển và khủng bố nhất thế giới.
Với dòng sông Malacca thơ mộng vắt ngang qua, Malacca được chia thành hai phần đông-tây với hai nền văn hóa Âu - Á khác nhau. Ở khu đông, du khách vẫn còn được nhìn thấy những ngôi nhà gỗ, tòa lâu đài, biệt thự mang phong cách châu Âu được xây dựng từ hàng trăm năm trước. Đáng lưu ý nhất là nhà thờ Christ Church do người Hà Lan xây dựng từ năm 1753 được sơn một màu đỏ sậm rất đặc trưng, nhà thờ Thánh Paul được người Bồ Đào Nha xây dựng vào năm 1521 nay chỉ còn lại những bức tường đá rêu phong, tòa thị chính sơn trắng uy nghi, trầm mặc, pháo đài cổ Famosa, rồi cối xay nước, cối xay gió mang đậm dấu ấn văn hóa và kiến trúc Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh. Mỏi chân, bạn có thể lên những chiếc xe xích lô được trang trí hoa giấy đủ màu sắc sặc sỡ, hay xuống những con thuyền du lịch mang hình dạng cổ xưa bồng bênh trên dòng sông Malacca yên ả. Thơ thẩn trong các phố cổ ở khu đông, tôi có cảm giác như đang đứng trên khu phố cổ Arbat ở trung tâm Moskva vào những năm 70 của thế kỷ trước.
Qua cầu, bước sang khu phía tây của thành phố, tôi có cảm giác như bước sang một thế giới khác hẳn, với những đền chùa, miếu mạo, giáo đường của Phật giáo, Ấn Độ giáo và Hồi giáo vì đây là nơi sinh sống của người Malay, người Hoa, người Ấn Độ và Arập… Ngôi đền Khổng giáo Cheng Hood của người Hoa tấp nập khách thập phương đến cúng bái khói nhang nghi ngút. Còn chốn thờ tự cổ xưa nhất của các tín đồ Hồi giáo ở Malacca là giáo đường Masjid Kampung Keling.
 Đi trong những con phố cổ của người Hoa, bạn có cảm giác như lạc vào khu Chợ Lớn ngày xưa với các cửa hàng buôn bán nhộn nhịp, từ quần áo, vải vóc, cho đến đồ trang sức và hàng tiêu dùng, đồ lưu niệm…Các khu nhà của người Malay, người Ấn hay Arập đều có những nét kiến trúc văn hóa độc đáo riêng. Cổ kính và thơ mộng như Hội An của Việt Nam, nhưng thương cảng Hội An chỉ còn lại trong ký ức của người đời, còn Malacca vẫn là một cảng biển đang hoạt động, đồng thời là một điểm du lịch hấp dẫn du khách. Malacca được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa thế giới” vào năm 2008.

THÁNH ĐƯỜNG HUYỀN BÍ

Ở một đất nước Hồi giáo như Malaysia, các thánh đường luôn chiếm một vị trí quan trọng và được xây cất khá hoành tráng, vừa là chốn linh thiêng của các tín đồ, đồng thời là điểm tham quan rất hấp dẫn đối với du khách. Lớn nhất, đẹp nhất và cũng hiện đại nhất là thánh đường Putra Mosque nằm bên bờ hồ nhân tạo Putra Lake ở Putrajaya - thủ đô hành chính mới của Malaysia, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 30km về phía nam.
Vị trí thuận tiện nhất có thể chiêm ngưỡng và cảm nhận được vẻ đẹp huyền bí của thánh đường là từ cây cầu dây văng Wawasan dài hơn 200m, được tạo dáng như chiếc thuyền buồm bồng bềnh vắt ngang sông Putra. Thánh đường Putra Mosque, còn được gọi là thánh đường Màu Hồng (Pink Mosque), được xây bằng đá hoa cương có mái vòm hình củ hành màu hồng với hoa văn trắng cao 75m và ngọn tháp năm tầng cao 116m nổi bật trên nền trời xanh ngọc bích, lung linh soi bóng xuống mặt hồ gợn sóng lăn tăn trông như một bức tranh thủy mặc, gợi ta nhớ đến những câu chuyện cổ phương Đông đầy mê hoặc. Thánh đường được hoàn thành vào năm 1999 với kinh phí trên 80 triệu USD.
Các tín đồ là nhân viên của giáo đường trong bộ trang phục hai màu đỏ - đen rất ấn tượng, với thái độ niềm nở, hiếu khách, tạo cho người đến tham quan những ấn tượng tốt đẹp. Tuy nhiên, các quy định giáo luật vẫn được tuân thủ chặt chẽ: khách vào tham quan điện thờ phải để giày dép bên ngoài, riêng các nữ du khách còn phải mặc thêm chiếc áo choàng có mũ trùm đầu của giáo đường. Thơ thẩn trong khuôn viên điện thờ mát lạnh mặc dù bên ngoài trời nắng nóng gay gắt, tôi rất ngạc nhiên khi không nhìn thấy một bức tranh hay bức tượng nào của thánh Allah hay nhà tiên tri Muhammad như trong các nhà thờ Thiên Chúa hay các đền đài Phật giáo mà tôi đã có dịp viếng thăm. Bên quảng trường trước nhà thờ, ngay cạnh thánh đường là tòa nhà Chính phủ cũng hoành tráng và đồ sộ không kém, nhưng theo một phong cách kiến trúc khác, chỉ có một điểm chung là mái vòm hình củ hành ở chính giữa.
Vài ngày “cưỡi ngựa xem hoa”, chúng tôi còn được ghé thăm một số điểm di tích lịch sử và danh thắng khác, như thánh địa Batu của người Malaysia gốc Ấn Độ, chùa Thiên Hậu của người Malaysia gốc Hoa, cung điện hoàng gia, quảng trường Độc Lập, tòa tháp đôi Petronas… Có một điều để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, là tất cả các điểm di tích lịch sử, văn hóa của mọi thành phần dân tộc và tôn giáo khác nhau đã và đang tồn tại trên bán đảo này đều được trân trọng giữ gìn và bảo tồn, phát huy rất hiệu quả. Có thể chính vì vậy mà đất nước Hồi giáo Malaysia được sống trong hòa bình và thịnh vượng.

ĐÀO MINH HIỆP (PYO)

"Hành hương về xứ sở mặt trời mọc"

Nhật Bản lâu nay trong mắt thế giới là đất nước có nền công nghiệp phát triển, là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Nhật Bản gần đây được tạp chí Newsweek của Mỹ đánh giá là 1 trong 10 đất nước tuyệt vời nhất trên thế giới (năm 2010). Có một Nhật Bản khác cũng khá thú vị nếu bạn muốn khám phá bộ mặt thâm trầm của xứ Phù Tang, đó là xứ sở của chùa chiền, của truyền thống Phật giáo thấm đẫm.
Những cổ tự nổi tiếng ở cố đô huyền thoại

Người ta thường nói, muốn hiểu nước Nhật hiện đại hãy đến Tokyo và để hiểu về một Nhật Bản truyền thống phải tìm về Kyoto - cố đô hơn 1.000 năm tuổi, điểm đến hàng đầu của du lịch Nhật Bản.
Nằm trên đảo Honshu - đảo lớn nhất Nhật Bản, Kyoto có đến 14 ngôi đền, chùa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, trong đó Kiyomizu (nghĩa là dòng nước thanh khiết – thanh thủy) là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Xây dựng năm 778 trên đồi Otawa thờ Phật Quan Âm nghìn tay, tuyệt tác kiến trúc phương Đông này chủ yếu làm bằng gỗ với 139 cột lớn, thanh thoát mà vững chãi. Sau chùa có thác nước chảy xuống theo đường dẫn thành 3 dòng, tượng trưng cho những khát vọng của con người - đó là tình yêu, sức khỏe và tiền bạc. Du khách đến đây xếp hàng trang nghiêm, cầm gáo hứng dòng nước thiêng từ vách đá, vừa uống vừa thành kính khấn nguyện.
Sau Kiyomizu phải kể đến Sanjusangendo, còn gọi là Rengeo-in, ngôi chùa nổi tiếng với 1.001 tượng Phật nghìn tay nghìn mắt, xây dựng năm 1164. Janjusangendo - nghĩa là 33 gian - với hàng trăm cột, mỗi cột dài 125m, được xem là tòa nhà bằng gỗ dài nhất thế giới. Nhìn bề ngoài mộc mạc, dân dã nhưng bên trong có lắm thứ bất ngờ. Chùa có 1.001 tượng Phật, kích thước như người thật, bằng gỗ bách, sơn son, thếp và dát vàng. Tương truyền mỗi tượng có thể cứu rỗi được 1.000 chúng sinh.
Đền Yasaka cũng là một địa chỉ tín ngưỡng nổi bật của Kyoto mà bạn nên đến. Ấn tượng với những lớp đèn lồng Nhật Bản treo dày đặc dưới mái đền, đây là nơi diễn ra các lễ hội đón giao thừa và năm mới, lễ hội hoa anh đào. Yasaka là đền thờ Thần đạo Shinto, xây dựng năm 650, nơi thường tổ chức đám cưới theo nghi thức truyền thống Nhật Bản. Đền nằm ngay khu phố Gion - nơi diễn ra một trong những lễ hội lớn nhất Nhật Bản: lễ hội Gion hay Hamo vào tháng 7, có từ năm 869. Đó là những cuộc rước bàn thờ lưu động để xua đuổi dịch bệnh.
Đến Kyoto, tôi thích lang thang dọc những con phố dài và hẹp với những ngôi nhà cổ đặc trưng để nhìn thiên hạ lãng du. Để được ngắm những geisha như bước ra từ trong cổ tích hoặc nhâm nhi chút trà đạo và suy ngẫm chuyện đời.
Thiếu nữ Nhật Bản trong trang phục truyền thống
Chùa Horyuji - cái nôi của Phật giáo Nhật Bản

Quần thể kiến trúc Phật giáo khu vực chùa Horyuji bao gồm 48 vật thể và kiến trúc thuộc chùa Horyuji và chùa Hokiji ở thị trấn Ikaruga, tỉnh Nara. Một vài trong số đó có từ thế kỷ 7 hay thế kỷ 8. Địa điểm này là nơi Phật giáo được truyền vào Nhật Bản. Quần thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.
Horyuji là một ngôi chùa Phật giáo lớn phức tạp nằm ở thị trấn Ikaruga, huyện Nara thuộc vùng Kansai của Nhật Bản. Horyuji thực sự là một bước ngoặt trong lịch sử Nhật Bản, là ngôi chùa xưa nhất Nhật Bản còn tồn tại và cũng là tập hợp kiến trúc bằng gỗ xưa nhất thế giới. Vào cuối đời thái tử Shotoku, trong chùa có đến 800 nam và 500 nữ tu sĩ. Chùa được xây dựng năm 607, theo những dòng khắc trên lưng vầng hào quang tượng Phật Dược sư Yakushi Nyorai đặt trong kim điện Kondo.
Học sinh Nhật Bản tham quan chùa Horyuji
Ngôi chùa Horyuji bị bị cháy do sét đánh vào một tối mùa xuân năm 670. Lập tức một ngôi khác được xây thay thế tại phía bắc chỗ cũ và hoàn thành vào năm 711. Dần dần nhiều miếu điện được thêm vào và trong thời đại Nara (710-794), dưới sự giám hộ của triều đình, chùa được kê vào bảng "bảy chùa miền Nam" hay "mười chùa lớn". Đến 1868, đầu thời Phục hưng Minh Trị, Horyuji cùng những chùa Phật khác ở Nhật Bản lại bị điêu đứng sau khi Phật giáo và đạo Shinto chia rẽ. Qua năm 1872, khi làm thống kê những tài nguyên văn hóa, chính phủ Nhật Bản mới nhận thức sự quan trọng của bộ sưu tập quý giá ở Horyuji. Năm 1878, chính phủ đem về Hoàng cung 300 bảo vật và chi 10.000 yen để sửa chữa chùa. Mặc dù vậy, Horyuji luôn được biết tiếng khắp thế giới là một kho tàng văn hóa Phật giáo. Mãi đến năm 1930, chùa mới được trùng tu hoàn toàn, như ta thấy bây giờ.
Ngày nay, đi tham quan Horyuji, du khách được mời xem hai nhóm kiến trúc: Sai-in phía tây, To-in kèm với Kita muro-in và Yume Dono phía đông. Hai cơ sở quan trọng nhất của Sai-in là kim điện Kondo, đặc trưng phong cách Asuka và tháp năm tầng Goju-no-to nằm sát phía tây Kondo. Điện thuyết pháp Dai Kodo, phong cách Fujiwara (857-1160), chỉ được dời từ Kyoto về năm 990 để thay thế điện thứ nhất bị cháy năm 925. Qua thế kỷ 12, điện Shoryo-in thờ Shotoku cũng mới được xây. Để vào chùa, khách phải bước qua Chu Mon với hai ông hộ pháp Nio xưa nhất Nhật Bản (711), bằng gỗ quét đất, hiện còn vài vết sơn đỏ và đen, biểu hiện ánh sáng và bóng tối.
Điện Kondo được trang trí rất tinh vi, chất lượng nghệ thuật đạt mức tối cao. Đáng tiếc là hỏa hoạn năm 1949 đã làm hư hại nhiều tòa nhà và nhất là các tranh vẽ được xem là những kiệt tác nghệ thuật Nhật Bản thực hiện vào khoảng năm 710, cùng thời với những công trình ở Trung Á như Ajanta. Bây giờ còn lại vài mẫu ở viện bảo tàng và những ảnh chụp trước 1949 trình bày bốn thiên cung Amida (A Di Đà), Miroku (Phật Vị Lai), Shaka (Phật Thích Ca), Yakushi (Phật Dược Sư). Phía trong Kondo, khách còn được chiêm ngưỡng, bên cạnh bộ ba Shaka của nhà điêu khắc Tori, bức tượng Đức Phật Dược Sư cùng tác giả thực hiện năm 607, bốn hộ thế thiên vương Shintenno của bốn cõi Trời bằng gỗ, sơn màu bị phai nhạt nhiều.
Chùa Horyuji, với tượng Kudara Kannon và nhiều kiệt tác khác, là một kho tàng của nhân loại và may mắn tên chùa được gắn liền với tên thái tử Shotoku, một người uyên bác đủ mọi mặt, một Phật tử đã đóng góp nhiều trong việc phát triển đạo Phật cho xứ Phù Tang.
Chiêm bái Đại Phật tại Kamakura

Kamakura thuộc tỉnh Kanagawa, cách Tokyo khoảng 50km về hướng tây nam, được coi là kinh đô của Nhật Bản trong một thời kỳ lịch sử. Đến Kamakura, không du khách nào muốn bỏ qua bức tượng Phật khổng lồ được gọi là Đại Phật (Daibutsu). Đây là tượng Ðức Phật Amida Buddha bằng đồng tọa lạc trong khuôn viên của chùa Kotokhuin.
Bức tượng Phật khổng lồ được gọi là Đại Phật (Daibutsu)
Bức tượng Phật khổng lồ này cao 13,35m và nặng 121 tấn, được hai nhà điêu khắc Ono Goroemon và Tanji Hisatomo đúc vào năm 1252 theo đề xuất của bà Inadano Tsubone và linh mục Joko, người không chỉ đề xướng ý tưởng làm bức tượng Phật có kích thước lớn cùng ngôi đền bao xung quanh mà còn quyên góp tiền để xây dựng. Vào năm 1292 ngôi tượng Phật Kamakura nguyên thủy được thờ tại khuôn viên ngôi chùa Kotokhuin, ngôi chùa sau đó đã bị sóng thần cuốn đi vào năm 1498. Pho tượng Phật bằng đồng là vật duy nhất còn sót lại sau cơn sóng thần thời đó và nó đã tồn tại đến ngày hôm nay.
Tượng Kamakura được điêu khắc rất tinh vi với nón đội đầu nghiêm chỉnh, cân đối, kể cả những đường xếp trên áo cà sa và thân thể cũng được điêu khắc đều đặn, rõ ràng. Với cặp mắt khép hờ, Đức Phật thể hiện sâu trong thiền định, hoặc giả đang chiêm nghiệm sâu xa trong niềm an lạc, thanh thản. Tượng Phật Kamakura có một khuôn mặt truyền cảm, với cặp mắt khép hờ như truyền đạt sự thanh thản, sự bình an và sự thông thái vượt hẳn trên sự phiền não của thế gian. Thi sĩ Rudyard Kipling đã đưa pho tượng Kamakura vào những vần thơ trứ danh của ông, “từ bỏ sự kiêu hãnh, từ bỏ sự khinh miệt, không tín điều không tăng sĩ, ai có thể cảm nhận được tâm hồn của phương Đông về Đức Phật tại Kamakura.”
Thạc sỹ NGUYỄN TRUNG TOÀN

Sửng sốt trước 10 con đường bộ tuyệt đẹp

Trên mỗi cuộc hành trình, cảnh đẹp không chỉ ở các điểm đến, mà nó còn trên mỗi chặng đường ta đi qua.
Hãy chiêm ngưỡng cảnh đẹp qua 10 con đường bộ trên khắp thế giới bạn nhé.

1. Đường từ Virginia đến Bắc Carolina: cảnh sắc nhuộm nhiều màu. Ảnh: Harrison Shull, Aurora Photos


2. Con đường ở Romania: Trái tim của bóng tối. Ảnh: Andrei Pop, Shutterstock


3. Con đường ở Áo:  Sân chơi ngay bên đường. Ảnh: Buero Monaco, Getty Images


4. Con đường Guoliang trong ngọn núi Taihang ở Trung Quốc. Ảnh: View Stock RF, age fotostock


5. Con đường cao tốc 2 làn Historic Columbia River ở Oregon nằm ngay bên là 6 công viên quốc gia, 7 thác nước và những đỉnh núi hùng vĩ. Ảnh: Thomas Boyd, The Oregonian


6. Con đường trên núi Atlas ở Morocco như một chiếc thảm bay. Ảnh: Alessandro Saffo, SIME

Sửng sốt trước 10 con đường bộ tuyệt đẹp
7. Con đường Milford Road ở New Zealand nhỏ nhoi giữa những rặng núi trập trùng. Ảnh: coolbiere photograph, Getty Images

Sửng sốt trước 10 con đường bộ tuyệt đẹp
8. Con đường Bắc Yungas ở Bolivia còn được gọi là Con Đường Chết nhưng cảnh đẹp xung quanh lại tuyệt vời khi nhìn xuống thung lũng. Ảnh: Spencer Platt, Getty Images

Sửng sốt trước 10 con đường bộ tuyệt đẹp
9. Con đường Icefields Parkway ở Canada đem lại cảnh đẹp tuyệt vời cho những ai đi qua. Ảnh: Andreas Hub, Redux

Sửng sốt trước 10 con đường bộ tuyệt đẹp
10. Con đường cao tốc Trans-Andean Chile-Argentina. Ảnh: Walter Bibikow, Getty Images 
 
Sam (Dulichvietnam.com.vn)

Cuộc sống của dân du mục biển Moken

Người dân Moken có thể lặn sâu tới 20 mét, hạ gục một chú cá lớn trong vài phút.

Cộng đồng du mục biển Moken sống trên quần đảo Surin giữa Myanmar và Thái Lan. Họ sống trên những chiếc thuyền Kabang truyền thống, và chỉ dời lên các túp lều tạm trên biển để qua những tháng có gió mùa và biển động.

 

Nguồn thu nhập duy nhất dựa vào hái lượm săn bắn, dân du mục biển Moken am hiểu kiến thức đặc biệt về đại dương và sinh vật biển. Đó là kết quả của việc sinh ra, lớn lên, mưu sinh giữa mênh mông sóng nước của cộng đồng hiện có khoảng 2000- 3000 người.

Sinh kế chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên biển, các thợ lặn có nghề của Moken có thể lặn tới độ sâu 20 m (65ft) trong vài phút trong khi hạ gục một chú cá hoặc thu thập hải sâm. Vũ khí không thể thiếu của họ là những ngọn giáo để có thể đâm chính xác các loài sinh vật biển đang bơi.

Quá trình bơi lặn dưới nước lâu dài cũng luyện cho người Moken đôi mắt thích nghi phù hợp với môi trường chất lỏng mặn. Vì vậy họ thường không phải trang bị vật dụng bảo vệ mắt, hoặc chỉ đeo một đôi kính bảo vệ bình thường.

 

 

Các rạn san hô với hệ sinh thái phát triển là nơi mà các loài cá ưa trú chân, và người Moken sử dụng mẹo hình ảnh này để bẫy cá. Họ dùng một sợi dây thừng có buộc chùm lá, đưa xuống độ sâu cách mặt biển 70 – 80 mét, sau đó từ từ rút sợi dây lên gần mặt nước để dễ tiêu diệt cá. 

Trong điều kiện không trọng lượng, dân du mục Moken có thể bị nổi ngay trên mặt nước, nhưng họ có bí quyết riêng giữ cân bằng để có thể săn bắt động vật như trên mặt đất.

Sống trên biển nhiều thế kỷ, hiện nay họ đang được chính phủ hỗ trợ định cư trên đất liền, cũng như tham gia vào nền kinh tế của cư dân trên bờ. Đó là lý do nhiều người Moken hiện đã chuyển lên bờ sinh sống. Chỉ có một số ít gia đình vẫn đang tiếp tục sinh sống trên thuyền, đánh bắt hải sản bằng phương pháp thủ công. Phụ nữ thì nhặt sò trên bãi biển khi thủy triều xuống thấp. Tuy nhiên, so với thời sơ khai, họ đã dùng bạt để thay thế mái cọ, động cơ chạy bằng máy thay vì buồm. 

 

 

Trong thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương xảy ra vào năm 2004, người Moken đã cứu sống rất nhiều người. Dựa vào những kinh nghiệm truyền thống, họ cho thuyền cập bến đến nơi an toàn khi thấy biển có dấu hiệu lạ. Sau biến động này, một số hộ gia đình cũng đã dời lên các túp lều trên bãi biển để sinh sống.

Cùng với sự xâm nhập của văn hóa phương Tây, đặc biệt là qua các thành viên trẻ tuổi, cộng đồng du mục biển Moken đang chịu tác động của nhiều yếu tố bên ngoài sau hàng nghìn năm sống biệt lập. Cộng đồng du mục biển Moken dần thu hẹp, nhưng lại thu hút rất nhiều khách du lịch tới khám phá. 

 

Một nhóm các nhà làm phim và các nhà thiết kế đã thành lập một dự án mang tên Moken đến với cộng đồng nhằm ghi lại hình ảnh của họ, đồng thời nâng cao nhận thức cuộc sống của người dân Moken. Những bức ảnh trên do nhiếp ảnh gia người Na Uy, Sofie Olsen, một thành viên dự án chụp lại.

 
Theo Trí Thức Trẻ

Đắm mình trong những lễ hội hoa rực rỡ nhất

Một trong những kiểu lễ hội được chào đón nhất hành tinh là các lễ hội hoa khoe sắc.


1. Bloemencorso, Hà Lan và Bỉ

Trong tiếng Đức, “Bloemencorso” có nghĩa là “diễu hành hoa”, được tổ chức ở rất nhiều thị trấn tại Hà Lan và Bỉ. Trong buổi diễu hành này, những chiếc xe được trang trí đầy hoa thơm và được trở đi diễu hành khắp phố. 

Thông thường, lễ hội này bắt đầu vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 9, thu hút sự chú ý của hàng nghìn người. 

 

 

2. Trận chiến hoa Jersey, Mỹ

Được tổ chức thường niên ở đảo Channel, Jersey vào tuần thứ 2 của tháng 8; lễ hội là sự kiện lý tưởng cho những người yêu hoa. Trong quá khứ, những người tham gia sẽ dùng hoa để… đánh nhau nhưng sau này, tập tục đó đã bị bãi bỏ, chỉ còn giữ lại buổi diễu hành hoa cùng màn pháo hoa về đêm. Ngoài ra, du khách cũng có cơ hội thưởng thức âm nhạc, các màn khiêu vũ thú vị. 

 

3. Genzano Infiorata, Italy

Mỗi năm, vào dịp tháng 6, các nghệ sĩ địa phương lại đổ ra đường phố Belardo, Italy để phủ lên nền đất những bức tranh hoa. Trong 2 thế kỷ trở lại đây, lễ hội đã được tổ chức, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. Những bức tranh được kết tỉ mẩn từ những cánh hoa với các chủ đề quen thuộc như tôn giáo, mô phỏng tranh cổ điển hay đơn giản là những chiếc thảm với họa tiết hoa đăng đối… 

 

 

4. Thảm hoa Brussels, Bỉ

Cứ 2 năm một lần, lễ hội trang trí thảm hoa lại được tổ chức tại quảng trường chính ở Brussels. Lễ hội bắt đầu vào buổi tối ngày 12.8 và thảm hoa sẽ được trưng bay tới tận ngày 15.8. 

 

 

5. Batalla de Flores, Valencia, Tây Ban Nha

Batalla de Flores là lễ hội hoa được tổ chức tại Valencia, Tây Ban Nha để kỷ niệm sự kết thúc của tháng lễ hội: tháng 7. Lễ hội mở màn với màn diễu hành các xe hoa được kéo bởi ngựa với rất nhiều cô gái trẻ đẹp ngồi trên. Khi xe hoa đi được vài vòng, những người tham dự sẽ được ném hoa vào các cô gái và họ chống cự lại bằng các dụng cụ, trong đó có cả vợt tennis. 

 

 

6. Battaglia di Fiori, Ventimiglia, Italy

Battaglia di Fiori là phiên bản của Italy. Các xe hoa được trang trí bằng khoảng 80.000 bông hoa và được kéo quanh thành phố trong 2 ngày với các cô gái trẻ, vũ công, ban nhạc và hoạt náo viên ngồi trên. 

 

 

7. Feria de Las Flores, Medellin, Colombia

Lễ hội được tổ chức lần đầu ngày 1.5.1957 để kỷ niệm ngày của đức mẹ Mary. Những người tham gia trong trang phục truyền thống Colombia sẽ gùi những vòng hoa lớn lên đỉnh đồi dốc. Lễ hội kết thúc với những màn biểu diễn ca nhạc, khiêu vũ truyền thống sôi động. 

 

 

8. Diễu hành hoa hồng Pasadena, Mỹ

Lễ diễu hành hoa hồng là thời điểm du khách được chiêm ngưỡng cả nghìn bông hồng tuyệt sắc được kéo quanh thành phố. Lễ hội được tổ chức lần đầu vào năm 1890 và tới nay đã trở thành sự kiện lừng danh thế giới. 

 

 

9. Lễ hội hoa Chiang Mai

Được tổ chức vào ngày cuối tuần đầu tiên của tháng 2, lễ hội hoa là màn diễu hành những bông cúc, hồng trắng, vàng, hồng… rực rỡ nhất Chiang Mai. Du khách tới dự lễ hội được chiêm ngưỡng các cô gái, vũ công Thái xinh đẹp nhất với nụ cười luôn hiện hữu trên môi xuất hiện trên những xe hoa muôn hồng nghìn tía khoe sắc. 

 

 
Supertramp (Xzone/Tri Thức Thời Đại)