Ngôi làng nhỏ dựa vào núi có tên Jiufen (Cửu Phần), đang là một điểm đến lãng mạn và khá hot khi bạn tới Đài Loan (Trung Quốc).
Nằm không xa trung tâm thành phố Đài Bắc, chỉ mất một giờ đồng hồ đi xe buýt, không khí mát lạnh, đồ ăn phong phú và những quán trà nổi tiếng là điểm thu hút của thị trấn này.
Đặc biệt hơn, Jiufen là nơi đã gợi cảm hứng cho đạo diễn Hayao Miyazaki khi dựng nên phim hoạt hình Sprited Away từng đoạt giải Oscar, và là nơi quay bộ phim nổi tiếng City of Sadness của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền.
Nhiều bộ phim nổi tiếng đã chọn Jiufen làm bối cảnh.
Jiufen trước là một thị trấn khai thác vàng. Các mỏ vàng được phát hiện vào cuối thế kỷ 19 khiến rất nhiều người đổ xô đến đây, hình thành nên những khu phố sầm uất dọc theo sườn núi.
Tuy nhiên, sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 cho tới năm 1971, các mỏ vàng giảm dần và bị đóng cửa hoàn toàn. Jiufen trở nên hoang vắng và tiêu điều. Phải tới năm 1989, khi bộ phim City of Sadness lấy bối cảnh ở Jiufen thành công vang dội, Jiufen mới được tái sinh.
Tôi tới Jiufen vào một ngày mưa bay. Jiufen là nơi duy nhất tôi thấy mưa mới đẹp, trong trẻo và lãng mạn. Ban ngày, Jiufen khá bình thường, không ấn tượng lắm ngoài mấy hàng quán bán đồ lưu niệm, quần áo, đồ uống, đồ ăn.
Nhưng chỉ cần tắt nắng, Jiufen như lột xác thành cô đào lộng lẫy xiêm y. Những hàng đèn lồng đỏ được thắp lên khắp con phố, hàng quán. Những con phố nhỏ, hẹp và dốc, lá cây loang loáng ướt giữa trời mưa.
Đứng từ trên cao nhìn xuống, tôi thấy những chiếc dù đủ màu sắc đang nhấp nhô lên xuống ở phía dưới. Đi bộ chầm chậm trên những bậc đá, ngắm những cặp đôi đang đứng nép vào nhau ấm áp hoặc đang nắm tay thì thầm to nhỏ, mặt ánh lên nét cười, tôi thấy họ thật đáng yêu và lãng mạn.
Thị trấn trở nên thơ mộng hơn khi hoàng hôn xuống.
Thú vị nhất có lẽ là khi bên ngoài trời mưa lạnh, sà vào hàng đậu hũ thối nóng hổi, thơm ngào ngạt, vừa ăn vừa xuýt xoa vì nóng hay thưởng thức những món ăn độc đáo khác ở đây.
Tôi thích là ngồi trong quán trà, pha một ấm trà, ngồi ngắm mưa bay qua khung cửa. Trời se lạnh mà trà nóng, hơi bốc lên nghi ngút. Người thư thái, phóng tầm mắt ra phía xa là cảng Keelung, hoặc đơn giản ngắm dòng người đang đi dưới phố kia.
Quán trà mở sớm nhất ở đây là Jiufen Teahouse, từ năm 1991. Quán làm bằng gỗ, trang trí rất đơn giản nhưng lại khiến tôi cảm thấy dễ chịu và ấm cúng. Quán trà thứ hai là A Mei Tea House với hàng đèn lồng đỏ và những khung cửa sổ lãng mạn nổi bật rực rỡ về đêm.
Ở bất cứ teahouse nào, tôi cũng tìm cho mình một góc, hướng ra biển, pha một ấm trà, từ từ thưởng thức ly trà ấm nóng thơm trên tay, nhâm nhi và suy nghĩ về cuộc đời, về những chuyến đi… thật hết sức thú vị.
Đền lồng đỏ trang trí trước cửa quán trà.
Jiufen rất nhỏ, đi dạo nửa ngày là hết. Vì thế, ban ngày trời nắng, khi ăn sáng, uống cà phê, uống trà, bạn hãy chọn quán có view ngắm được cảng Keelung và những đoàn xe đang từ từ "bò" lên. Bạn cũng có thể leo núi núi Jilong, hay còn gọi là Big-Belly Beauty Mountain, phóng tầm mắt nhìn toàn bộ thị trấn và biển. Vào những ngày trời trong, có thể nhìn thấy cả Đài Bắc và Tháp 101.
Ban ngày, thị trấn cũng rất sôi động và nhộn nhịp.
Nếu tới Jiufen hãy chọn một ngày có mưa bay, se lạnh và hãy ở lại Jiufen một đêm. Ngồi nhâm nhi tách trà nóng bên khung cửa sổ, dưới làn mưa, hay đi dạo chầm chậm trên những con đường lát đá nhỏ loang loáng nước, bạn sẽ thấy một Jiufen duyên dáng, đáng yêu và trả lời được câu hỏi vì sao nơi này được nhiều blogger du lịch yêu thích như thế. Julia Trần
Làng cổ Thập Phần ở Đài Loan có gì đặc biệt?
Cách thành phố Đài Bắc hơn 30 km, làng cổ Thập Phần mang nét đẹp cổ kính. Từ con đường đến hẻm nhỏ, đến đây, du khách như quay ngược thời gian trở về thời kỳ xa xưa.
Những ai từng xem bộ phim Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi, chắc chắn không khỏi xao xuyến khi nhớ về khung cảnh Kha Cảnh Đằng và Thẩm Giai Nghi cùng nhau thả đèn trời ở làng cổ Thập Phần (Đài Loan, Trung Quốc). Ảnh: Taiwan Tourism Bureau.
Cách thành phố Đài Bắc khoảng 32 km, Thập Phần mang giá trị hoài cổ với những đường nét cổ kính. Từ con đường, hẻm nhỏ đến kiến trúc các ngôi nhà. Khi đến đây, du khách sẽ có ảm giác như quay về với thời kì xa xưa. Ảnh: Taiwan Tourism Bureau.
Trước đây, người dân ở Thập Phần chủ yếu canh tác nông nghiệp. Sản vật chính của vùng là cây bông và cao su. Ngoài ra, nơi đây có nguồn tài nguyên dồi dào về than đá nên họ đã xây dựng đường ray chạy qua. Ảnh: Taiwan Tourism Bureau.
Hiện tại, người dân tận dụng khi vực hai bên đường ray để mở các gian hàng bán đồ lưu niệm và ẩm thực đường phố. Đường ray vẫn còn hoạt động. Thỉnh thoảng, du khách sẽ chứng kiến cảnh đoàn tàu chạy qua. Ảnh: @allilove_ilovealone/ @rachelz.h.
Đời sống của người dân địa phương nơi đây nói chung khá dư giả. Nhiều trò chơi truyền thống còn tồn tại như ném còn và thả đèn trời. Ảnh: @doris_lhm, 87kirstyn.
Đặc biệt, phong tục thả đèn hoa đăng lên trời đã trở thành một nét văn hóa. Truyền thuyết kể lại vào thời xa xưa, nơi đây thường bị cướp tấn công. Do đó, người dân phải đem theo của cải di tản lên núi để trốn. Ảnh: @jayson.gq.
Những người đàn ông khỏe mạnh được cử về làng thăm dò tình hình. Nếu không có cướp, họ sẽ thả đèn lên trời làm tín hiệu báo người dân quay về. Về sau, việc thả đèn trời mang ý nghĩa cầu nguyện và chiếc đèn trở thành biểu tượng của hòa bình và nền văn hóa truyền thống nơi đây. Ảnh: Taiwan Tourism Bureau.
Tương truyền, hễ ai viết nguyện ước và họ tên mình lên đèn trời, thượng đế sẽ nhìn thấy và biến điều đó thành hiện thực. Do đó, việc thả đèn trời ở đây gần như một thông lệ. Nó là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người dân xứ Đài. Ảnh: @sion_light.
Mỗi du khách đến Thập Phần đều háo hức thả những chiếc đèn lên bầu trời. Đèn được làm bằng giấy gạo dầu, cố định trên một khung tre. Mỗi chiếc đèn mang những màu sắc khác nhau, tượng trưng cho sức khỏe, tài sản, công việc và bình an. Ảnh: @barcodephilippines.
Du khách có thể tự tay viết những lời cầu nguyện lên chiếc đèn trước khi đốt nến và thả nó lên trời. Ngoài những chiếc bán sẵn, bạn có thể tự mua giấy và thiết kế chiếc đèn của riêng mình. Ảnh: @j.hyeeee._.travel/ @deniseluces.
Địa điểm thả đèn trời là tại tuyến đường sắt cổ. Ảnh: Taiwan Tourism Bureau.
Men theo tuyến đường sắt này, bạn cũng có thể dạo quanh thị trấn, vòng qua sườn núi để ngắm cảnh đẹp. Ngoài ra, bạn cũng có thể đi dạo và mua những món quà lưu niệm cũng như thưởng thức các món ăn tại đây. Ảnh: @thewierddough / Taiwan Tourism Bureau/ @jayson.gq.
Chuyến du lịch xứ Đài chắc chắn có rất nhiều thứ thú vị khiến bạn sẵn sàng mở hầu bao. Để tiết kiệm chi phí, bạn nên tìm mua vé may bay rẻ. Vietjet đang khai thác 7 đường bay: TP.HCM – Đài Bắc; Hà Nội – Đài Bắc; TP.HCM – Cao Hùng; Hà Nội – Cao Hùng; TP.HCM – Đài Nam; TP.HCM – Đài Trung; Hà Nội – Đài Trung và là hãng hàng không có nhiều đường bay nhất kết nối Việt Nam và Đài Loan. Ngoài ra, bạn cũng nên đặt trước khách sạn và lưu ý những chương trình giảm giá cho các dịch vụ tham quan. Ảnh: @phoenix_warrior.
Xung quanh làng cổ có nhiều địa điểm tham quan khác thu hút khách du lịch như đền chùa và thác nước. Ảnh: @cherrywanderlust.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét