SGTT.VN - Không chỉ là một bảo tàng ngoài trời, Zaanse
Schans còn là một ngôi làng với đầy đủ kiến trúc truyền thống Hà Lan,
đang được bảo quản tốt với người dân sinh sống, làm việc hàng ngày.
|
|||
|
|
||
Các kiểu nhà truyền thống.
|
Không gian cận đại
Từ ga trung tâm Amsterdam, chỉ mất khoảng 17 phút tàu
điện, du khách có thể bỏ quên thế kỷ 21 sau lưng, tận hưởng một không
khí bình yên và cổ kính của 200 năm trước khi đặt chân đến ngôi làng nhỏ
Zaanse Schans, tại vùng Zaanstreek, Bắc Hà Lan.
Nằm bên bờ con sông Zaan, ngôi làng có không gian và
kiến trúc tiêu biểu của một ngôi làng Hà Lan thế kỷ 17 – 18. Nơi đây,
những căn nhà gỗ sơn xanh, trắng kề những nhà kho nối dài, nằm trên
những mảnh đất được kênh rạch bao quanh.
Một căn nhà tiêu biểu bằng gỗ thường được sơn xanh, kẻ
viền trắng, với mảng trắng ở đỉnh đầu hồi ngôi nhà. Người dân dùng cửa
hông cho sinh hoạt hàng ngày, vì cửa trước chỉ dành vào những dịp đặc
biệt như tổ chức hôn nhân hoặc có người qua đời. Nhà cửa của thương gia
giàu có và người dân lao động không khác nhau về kiểu dáng, chỉ khác ở
chỗ nhà của người giàu rộng hơn, được trang trí bằng những vật dụng sơn
màu sáng hơn và những chạm khắc tinh xảo hơn, thường mô tả những những
hoạt động buôn bán của chủ nhà.
Giữa ngôi làng là một phòng sản xuất, trưng bày guốc
gỗ. Du khách có thể theo dõi người dân Hà Lan làm những đôi guốc gỗ đi
hàng ngày hoặc dùng trong lễ hội. Những đôi guốc gỗ từng là lễ vật quý
giá chú rể đẽo tặng cô dâu như sính lễ ngày cưới trong truyền thống của
người Hà Lan, quan trọng hơn cả những món trang sức đắt tiền. Quanh làng
còn có trại phomát, những cửa hàng bán món ăn truyền thống phục vụ cả
dân trong làng lẫn khách du lịch. Năm 1994 bảo tàng Zaans cũng được xây
dựng ngay trong làng này.
Vòng quanh làng là những con đường nhỏ rải sỏi với hàng
cây trồng hai bên, nối các mảnh đất nhỏ bị ngăn cách bởi các con kênh
đào nhờ những cây cầu rút. Những con bò gặm cỏ trên cánh đồng, những con
gà lang thang trong vườn và cả những chiếc cối xay gió vẫn đang hoạt
động.
Những chiếc cối từng đóng vai trò quan trọng trong phát
triển kinh tế của Hà Lan thời vàng son thế kỷ 17. Nó giúp cho việc xẻ
cây, cưa ván nhanh hơn làm bằng tay 30 lần, giúp cho việc đóng thuyền
nhanh hơn, hiệu quả hơn. Điều này giúp cho hoạt động thương mại của Hà
Lan phát triển nhanh song song với những chuyến chinh phục thành công
những vùng đất mới.
Cornelis Corneliszoon van Uitgeest chính là người được
cấp bằng sáng chế cối xay gió vào năm 1597, sau khi được hoàn thiện,
trong suốt ba thế kỷ tiếp theo, hàng ngàn cối xay gió đã được dựng lên
khắp Hà Lan phục vụ cho mục đích sản xuất công nghiệp, đóng góp nhiều
cho thành công thời kỳ vàng son tại nước này. Không chỉ để bơm nước mà
còn dùng xẻ gỗ, xay xát ngũ cốc, yến mạch, ngô, các loại hạt, nghiền đá,
phấn dành làm sơn...
Dự án bảo tồn
Vùng Zaanstreek phía bắc Amsterdam là một vùng đất than
bùn được đặt tên theo tên con sông Zaan, một cửa ngõ quan trọng đối với
các vùng đầm lầy đầy than bùn xung quanh tại Bắc Hà Lan. Cuối thế kỷ
13, hệ thống các bờ đê và con đập được tạo ra trong vùng dẫn đến nhiều
ngôi làng nhỏ được hình thành dọc con sông Zaan. Những ngôi nhà bằng đá
hay gạch đều không phải là loại được ưa chuộng tại Zaanstreek vì vật
liệu xây dựng vừa tốn kém vừa nặng, dễ lún vào bùn lầy. Zaanstreek khi
đó nổi tiếng với những căn nhà gỗ có màu sắc trắng và xanh sặc sỡ cùng
với những chiếc cối xay gió, được làm từ vật liệu gỗ, vừa nhẹ vừa dễ vận
chuyển theo đường thuỷ từ nơi khác về. Vùng đất này cũng trở thành một
trung tâm thương mại sầm uất của Hà Lan thời kỳ vàng son trước khi suy
thoái dần sau đó. Với sự phát triển của các máy hơi nước, Zaanstreek lần
nữa lại trở thành một trung tâm công nghiệp thành công vào thế kỷ 20.
Tuy nhiên, những di sản văn hoá và kiến trúc đậm tính truyền thống của
vùng này bị các kiến trúc vô danh trong quá trình đô thị hoá đe doạ, đặc
biệt là sau chiến tranh thế giới thứ hai. Hàng loạt nhà gỗ cổ xinh đẹp
và cối xay gió tại trung tâm các ngôi làng bị phá bỏ, dành chỗ cho các
công trình công nghiệp hiện đại.
Không đành lòng nhìn dấu ấn lịch sử một thời bị xoá
mất, những nhà bảo thủ địa phương và những người yêu mến lịch sử Zaanse
đã thành lập quỹ Zaanse Schans, hành động nhằm bảo tồn nét văn hoá
truyền thống của vùng. Quỹ này thuê kiến trúc sư J.B.Schipper, thiết kế
bảo tàng mở, hiện nay là làng Zaanse Schans. Từ năm 1961 đến năm 1974,
ngôi làng được hình thành, với cấu trúc như một ngôi làng điển hình vùng
Zaanstreek.
Từng là một vùng trũng ngập nước, những con đê được tạo
ra và đất được bơm lên dùng làm đất dựng nhà cũng như trồng cỏ phục vụ
nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. 35 căn nhà gỗ truyền thống từ mọi nơi ở
vùng Zaanstreek được cẩn thận chuyển về khu làng này từ những năm 1970.
Sáu chiếc cối xay gió đẹp nhất cũng được chuyển về đặt cạnh bờ sông
Zaan, bên ngôi làng, ngày nay vẫn đang làm nhiệm vụ cưa gỗ, ép dầu, xay
gia vị, nghiền vật liệu làm sơn.
Phần lớn tài chính được chính phủ và hội đồng vùng Bắc Hà Lan tài trợ, 20% còn lại đến từ các nhà hảo tâm và các công ty địa phương. Nhờ đó mà Hà Lan ngày nay có ngôi làng – bảo tàng mở độc đáo, đang được bảo tồn cẩn thận dưới sự tài trợ của quỹ Zaanse Schans.
Phần lớn tài chính được chính phủ và hội đồng vùng Bắc Hà Lan tài trợ, 20% còn lại đến từ các nhà hảo tâm và các công ty địa phương. Nhờ đó mà Hà Lan ngày nay có ngôi làng – bảo tàng mở độc đáo, đang được bảo tồn cẩn thận dưới sự tài trợ của quỹ Zaanse Schans.
Bài và ảnh: Kim Dung
Kiểu cầu rút điển hình tại Hà Lan đặt trên các dòng kênh, hoặc sông, kéo lên cho tàu bè đi qua.
|
Làng Zaanse Schans ven sông Zaan.
|
|
|
||
Đường vào nhà riêng các căn hộ. Không gian làng Zaanse Schans.
|
|
|
||
Nơi trưng bày và xưởng làm guốc gỗ.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét