Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Hồn nhiên trên chiếc đu quay ở Changu

SGTT.VN - Đền đài, tượng, phù điêu hơn 17 thế kỷ tuổi tác vẫn còn sắc sảo. Những luống tam giác mạch hồng hồng tím tím khoe sắc cùng vạt cải hoa vàng trong cái nắng xanh miền cao nguyên dưới chân dãy Himalaya… Hay chiếc đu quay tre kẽo kẹt giữa sân trường, thoắt vụt thoắt bổng… Chẳng biết tại thứ nào mà lòng lữ khách buổi trưa Changu đó cứ bồng bềnh, bồng bềnh.
Đu quay trong trường học ở Changu.
Là di tích văn hoá Unesco nhưng cái tên Changu Narayan ít được nhắc trong các nhật ký du lịch Nepal. Dù đây là ngôi đền cổ nhất ở Kathmandu và chỉ cách thủ đô 22km. Có lẽ khách choáng ngợp, bận bịu với sáu cái di tích Unesco khác của Kathmandu chăng, hay vì chỉ 22km nhưng phải chuyển xe mấy lần, chờ đợi mấy bận nên khách ngại đến? Nên Changu giờ vẫn xưa cũ như từng cũ xưa. Vẫn yên ả thanh bình, cổ kính những giá trị của thời gian, bình yên làng quê cũ… làm khách cứ luyến lưu tần ngần, dù con đường phía trước còn xa ngái.
Nghe cậu học trò mười tuổi kể chuyện
Từ Kathmandu, tôi ra bến xe buýt địa phương Ratna Park bắt xe đến Bhaktapur danh tiếng. Xuống xe đi bộ một lúc đến chợ. Leo lên chiếc xe cọc cạch ngồi chờ bà con đi chợ xong về đông đủ, xe mới ì ạch leo lên những con đèo cao ngất, ngoằn ngoèo đến Changu, ngôi làng đã có hơn 17 thế kỷ trước. Rồi lụi cụi leo lên con dốc nắng để đến Changu Narayan, ngôi đền được vua Hari Datta Verma cho xây dựng vào năm 325 Công Nguyên.
Những căn nhà ở “phố chính” Changu “trang trí” bằng bắp treo khô.
Dù ngôi đền hiện tại được xây dựng lại vào đầu thế kỷ 18 nhưng những pho tượng, phù điêu từ thế kỷ 5, 6 vẫn được lưu giữ, sử dụng lại. Ngôi đền Hindu này thờ phụng vị thần Vishnu, qua hoá thân Narayan của ông. Đền có các tượng đá, phù điêu, cột đền, đà giằng bằng gỗ quý… chạm trổ sắc sảo, sinh động mô tả các câu chuyện liên quan đến Ấn giáo, dĩ nhiên cũng không thiếu các hình tượng kamasutra. Trước đền là tượng thần chim Garuda, niên đại từ thế kỷ 5, đang quỳ chắp tay với tư thế chào namaste quen thuộc của người Nepal bây giờ. Đối diện tượng thần Garuda là trụ đá khắc chữ Phạn có từ năm 464, cổ nhất của thung lũng Kathmandu, của đức vua Mandeva khuyên mẫu thân không hoả thiêu sau khi đức phụ hoàng băng hà… Nhiều câu chuyện, thông tin ngược về những năm 464 của vua Mandeva cũng được ghi lại. Ở góc khác là tượng thần Vishnu đang cỡi trên chim thần Garuda, biểu tượng được in trong tờ tiền giấy 10 Rp của Nepal hiện nay. Trước các cửa đền đều có các đôi sư tử đá, voi đá, chim thần… oai phong bảo vệ. Trong sân còn có các tượng nằm rải rác, chủ yếu là các hoá thân khác nhau của thần Vishnu. Những câu chuyện được kể bởi hướng dẫn viên tự nguyện chỉ hơn mười tuổi thật lôi cuốn, trong cái nắng trưa hừng hực, đền đài vắng tanh chỉ một khách một chủ, một chú một cháu lang thang...
Chiếc đu quay tre trong trường xưa
Changu Narayan vắng, ngôi làng ôm quanh cũng vậy. Rồi ngôi đền Changu Narayan cổ kính, nhưng chỉ một cụm di tích đơn độc, nhỏ nhắn, không cả là một phố lớn nhiều đền đài thanh thoát như Patan, Bhaktapur… Có thêm khách, thêm chút bán buôn, làng cổ vẫn thong thả nếp xưa, chầm chậm. Ngay ở con phố hàng lưu niệm, “thương mại” nhất làng, hàng quán vẫn là những ngôi nhà thật xưa mà cỏ khô phủ trên mái dày như lợp tranh. Những nhà khác thì tòng teng trên đầu những hàng bắp khô trông thật ấm áp. Rẽ khỏi con đường chính là những con đường đá nhỏ mà khách phải chen chân với lũ gà, vịt, heo, bò, dê tung tăng chạy. Trong làng, các mẹ các dì người đan lát, kẻ tay sàng tay nia giũ thóc rê lúa. Các cụ ông cụ bà ung dung ngồi sưởi nắng trước những ngôi nhà gạch cũ mà chẳng biết người hay nhà nhiều tuổi hơn... Trong không khí cũ kỹ đó, bài tụng ca Om Mani Padme Hum (lạ lùng thay của đạo Phật nhưng rất phổ biến ở đây cũng như Kathmandu) ngâm nga nhẹ vang trong nắng gió...
Trong làng đã vậy, bước thêm mấy bước ra ngoại vi là những nương tam giác mạch vào mùa hoa tím hoa hồng nở. Chen thêm đây đó những nương cải trổ hoa vàng, làm dậy thêm sắc màu làng quê. Thêm mấy bước là ngôi trường nhỏ nhắn nằm dưới bóng cổ thụ râm mát, nơi những cô cậu học trò đi học sớm đang giành nhau đòng đưa thật cao trên chiếc đu quay tre cao ngất. Mừng thấy chiếc đu tre đơn sơ mộc mạc hầu như đã “tiệt chủng” ở quê nhà. Và, không thể từ chối lời mời nhiệt thành của các cậu học trò, khách đành trèo lên đánh đu. Để rồi cả buổi trưa Changu đó cứ mãi bềnh bồng, bồng bềnh – trong tiếng cười vui ấm áp giòn giã của đám con nít mới xa lạ đó giờ đã thân quen.
Nhiều lúc cuộc sống bộn bề những toan tính, lo âu, kẹt cứng giữa công việc và khói bụi Sài Gòn, tôi mơ mình về lại miền xưa xanh trong lành đó. Nhắm mắt đu vút lên cao, bồng bềnh không lo lắng, không muộn phiền…
bài và ảnh: T. Trà Khúc
Từ Bangkok, có nhiều chuyến bay (có cả hàng không giá rẻ) đến Kathmandu, Nepal. Nếu muốn tự đi Changu, ra bến xe Ratna Park đón xe đi Bhaktapur. Đến Bhaktapur (Unesco Heritage), xe dừng ngay trước cổng chính. Xuống xe đi thẳng, đến ngã ba chợ, từ đó đi đến chợ đón xe đi Changu, chi phí (20+10)NRp # 10.000 đồng. Nếu đi đông, taxi đi về mất khoảng 800 NRp (#250.000 đồng). Changu Narayan là điểm đi về trong ngày nên ít có chỗ nghỉ. Ăn uống bình dân giá chỉ bằng 1/2 giá ở Sài Gòn.

Không có nhận xét nào: