Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

(THVL) Văn hóa đồ ngọc Trung Quốc

Vào 5.000 năm trước, trên Trái đất đã xuất hiện nhiều nền văn minh lớn của nhân loại. Người Ai Cập cổ đại đã xây các kim tự tháp để thể hiện sự tôn sùng của họ đối với mặt trời, người Babylon cổ sinh sống ở khu vực Lưỡng Hà đã xây dựng vườn treo Babylon huyền thoại, còn người Trung Quốc cổ đại đã biết chạm khắc vật tổ – con rồng cuộn tròn – trên những đồ vật bằng đá và ngọc.
Cách nay 5.500 năm Trung Quốc xuất hiện văn hóa Hồng Sơn ở phía Bắc, văn hóa Lương Chử ở phía Nam và ở giữa là văn hóa Đại Vấn Khẩu, văn hóa Long Sơn. Nhiều văn vật bằng ngọc đã được phát hiện ở những nơi này.
Tại khu vực văn hóa Hồng Sơn, đến nay, các nhà khảo cổ đã khai quật hơn 100 cổ vật bằng ngọc, trong đó có công cụ sản xuất, đồ vật dùng trong nghi thức cúng tế, vật trang sức, vật trang trí trên đồ dùng, động vật và tượng người. Đặc điểm nổi bật nhất của đồ ngọc trong văn hóa Hồng Sơn chính là giống như thật, đường nét mịn, nhẵn, kỹ thuật chế tác tinh xảo.

Rồng ngọc khoanh tròn


Đồ vật có tính tiêu biểu và quý giá nhất trong văn hóa Hồng Sơn chính là con rồng ngọc khoanh tròn. Cổ vật này được chạm khắc từ một miếng ngọc mềm màu xanh lục, con rồng có chiều dài 26 cm, thân khoanh tròn hình chữ C. Con rồng ngọc không chân, không móng vuốt, không sừng, không vảy trông giống như con rắn. Nếu như nhìn kỹ hơn, mặt của nó dài, mũi bẹt, mõm dài, mép hơi nhếch lên, mắt tròn mà xếch rất giống với đầu heo rừng.
Vào thời cổ xưa, heo rừng đã được thuần hóa thành gia súc. Ngoài việc nuôi heo làm thực phẩm, người cổ đại còn dùng heo làm vật phẩm cúng tế trong nhiều hoạt động tế lễ long trọng.
Những quan niệm tín ngưỡng được thể hiện rõ nét trong việc chế tác đồ ngọc Hồng Sơn. Hình tượng hợp nhất giữa con rồng và con heo đã xuất hiện với tên gọi ‘rồng cuộn thai nhi’ hay ‘rồng đầu lợn’. Đồ ngọc của văn hóa Hồng Sơn đều hàm chứa một ý nghĩa rất đặc biệt. Trên mỗi món đồ ngọc đều có lỗ tròn nhỏ để thầy cúng khâu chúng vào quần áo. Họ tin rằng, cách làm này giúp họ tăng phép thuật. Trong các ngôi mộ vào thời kỳ văn hóa Hồng Sơn, chủ nhân của các đồ ngọc khai quật được là những thầy cúng có uy quyền rất lớn.
Các chuyên gia suy đoán, ban đầu, người Hồng Sơn đeo con rồng ngọc trên người, thỉnh thoảng dùng tay nâng con rồng ngọc lên cao và tiến hành quỳ lạy. Con rồng thân khoanh tròn hình chữ C là vật tượng trưng cho thần linh nào đó mà bộ lạc nguyên thủy tôn sùng.
Nền văn hóa Lương Chử xuất hiện vào khoảng năm 5.300 trước Công nguyên đến năm 4.200 trước Công nguyên – muộn hơn nền văn hóa Hồng Sơn. Đây là một nhánh văn hóa quan trọng của thời kỳ đồ đá mới. Hiện nay, các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 500 di chỉ văn hóa Lương Chử, phạm vi phân bố chủ yếu ở hạ lưu sông Trường Giang và xung quanh khu vực Thái Hồ.
Ngọc tông là vật tiêu biểu nhất trong đồ ngọc Lương Chử. Đó là đồ ngọc hình trụ, bên ngoài hình vuông, ở giữa có lỗ tròn, trên thân ngọc tông phân thành nhiều đốt nhỏ, phần trên lớn, phần dưới hơi nhỏ. Ở bốn góc có chạm mặt thú, tạo cảm giác lập thể rất mạnh.

Ngọc tông biểu thị cho trời – đất, âm – dương


Các chuyên gia có nhiều cách giải thích về công dụng của ngọc tông. Có ý kiến cho rằng, nó tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam và nữ. Điều này thể hiện sự sùng bái sinh sản của người cổ đại. Và cũng có ý kiến cho rằng, đây là vật tổ của người Lương Chử, là kết quả nhận thức và tôn sùng vũ trụ của người nguyên thủy.
Trong quan niệm vũ trụ của người Trung Quốc cổ đại luôn có cách nói ‘trời tròn đất vuông’, tức là bầu trời có dạng hình tròn và đất có dạng hình vuông. Trong các đàn tế cổ đại Trung Quốc còn tồn tại đến ngày nay, chúng ta có thể nhìn thấy Thiên Đàn dùng để tế trời có hình tròn, Địa Đàn dùng trong tế đất có hình vuông. Cổng lớn của Tử Cấm Thành cũng được xây dựng theo quan niệm ‘trời tròn đất vuông’. Thiên An Môn hình tròn đại diện trời, Ngọ Môn hình vuông tiêu biểu cho đất.
Những câu thần thú chạm khắc trên ngọc tông là sứ giả giao lưu giữa trời và đất. Ngọc tông là đồ hành lễ của thầy cúng người Lương Chử trong hoạt động tế trời. Hình lỗ tròn của ngọc tông tượng trưng cho trời, hình vuông tượng trưng cho đất.
Trong số đồ ngọc Lương Chử, người ta đã phát hiện một lượng lớn đồ ngọc có tên là “bích”. Trong sách Chu lễ cổ đại Trung Quốc có cách nói “dùng bích tế trời”. Bích là một loại ngọc thời cổ, tròn, dẹp ở giữa có lỗ nhỏ. Đây là cổ vật dùng trong lễ cúng tế trời. Trên bề mặt một số ngọc bích có chạm khắc hình ảnh con chim.

Bích là một loại ngọc thời cổ, tròn, dẹp ở giữa có lỗ nhỏ


Người Lương Chử rất tôn sùng loài chim nên họ chạm khắc hình ảnh chim thần lên mặt ngọc bích. Chim thần có nhiệm vụ làm cầu nối thông tin giữa con người với các thần linh. Chuyên gia khảo cổ phát hiện, bất luận là ngọc bích, ngọc tông hay rìu ngọc thì bên trên chúng đều có chạm khắc một hoa văn bí ẩn. Hoa văn bí ẩn này xuất hiện nhiều lần trên cổ vật bằng ngọc thuộc nhiều địa điểm khai quật và thu hút sự quan tâm của các chuyên gia.
Nhìn tổng thể, hoa văn bí ẩn đó là hình ảnh một một chiến thần anh dũng, có đủ mắt, mũi, miệng, đầu đội mão lông vũ, thân khoác chiến bào. Nhưng nếu nhìn ở góc độ khác thì đây là ảnh ghép giữa người và động vật. Nửa phần trên là vị thần uy nghiêm, nửa phần dưới là một mãnh thú. Hai mắt to mở trừng, răng nanh lộ ra ngoài trông rất hung tợn. Hoa văn phức tạp này xuất hiện trên tất cả đồ ngọc Lương Chử chứng tỏ người cổ đại không phải vô tình chạm khắc chúng mà điều đó mang ý nghĩa đặc biệt với họ.
Đồ ngọc của thời kỳ đồ đá mới giúp người thời nay tái hiện thế giới tinh thần phong phú của người cổ đại nhưng chúng cũng để lại cho người thời nay nhiều điều nghi vấn.
Đặc tính của ngọc là cứng, chắc và có khả năng chống ăn mòn, khả năng chiết quang và phản quang mạnh. Độ cứng của ngọc chỉ đứng sau kim cương. Người thời nay dùng công cụ hiện đại để cắt gọt, mài nhẵn và chạm khắc ngọc. Công việc chạm khắc trên ngọc thạch phức tạp, vượt xa sự tưởng tượng của nhiều người. Vậy người cổ đại đã dùng công cụ gì để gia công, chế tác ngọc? Nhiều chuyên gia khảo cổ suy đoán, người cổ đại đã dùng dây da làm công cụ chế tác. Dưới sự hỗ trợ của nước và cát, họ từ từ cưa đôi khối ngọc thạch.
Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, sự ra đời của nhà Hạ và nhà Thương đã đánh dấu sự thay thế xã hội nguyên thủy kéo bằng xã hội tư hữu. Trung Quốc từ đó bước vào xã hội nô lệ.
Năm 1976, đội khảo cổ huyện An Dương, tỉnh Hà Nam đã tiến hành khai quật ngôi mộ Phụ Hảo – phu nhân của vua Vũ Đinh – vị vua thứ 22 của triều nhà Thương. Công việc khai quật đã gây chấn động trong và ngoài nước vì đây là ngôi mộ hoàng thất đời Thương chưa bị bọn trộm mộ đào xới. Đồ tùy táng trong mộ rất phong phú, trong đó có hơn 755 cổ vật bằng ngọc cùng nhiều cổ vật quý giá khác.
Phụ Hảo không chỉ là phu nhân của vua Vũ Đinh mà còn là một nữ tướng tài giỏi


Cổ vật trong ngôi mộ Phụ Hảo được đánh giá là cổ vật bằng ngọc đời Thương tốt nhất được tìm thấy hiện nay, ước tính có niên đại lịch sử hơn 3.000 năm. Và đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ phát hiện đồ ngọc Hòa Điền, Tân Cương trong mộ Phụ Hảo. Vì sao đồ ngọc Hòa Điền ở nơi xa xôi lại xuất hiện tại trung nguyên? Chuyên gia khảo cổ nghĩ ngay đến trận chiến giữa vua Vũ Đinh với dân tộc du mục phương Bắc Quỷ Phương thời cổ. Việc khai thác ngọc là nguyên nhân dẫn đến trận chiến của vua Vũ Đinh với dân tộc Quỷ Phương thời cổ. Theo dân tộc Quỷ Phương, ngọc là báu vật. Họ không cho vua Vũ Đinh khai thác và chiến tranh đã nổ ra.
Theo quyển ghi chép Giáp cốt văn, Phụ Hảo không chỉ là phu nhân của vua Vũ Đinh mà còn là một nữ tướng tài giỏi. Bà đã lập nhiều chiến tích lẫy lừng cho nhà Thương. Từ những văn vật bằng ngọc khai quật được trong mộ Phụ Hảo, người thời nay có thể cảm nhận được sự sủng ái mà vua Vũ Đinh dành cho bà. Cổ vật quý giá nhất trong mộ Phụ Hảo chính là tượng người bằng ngọc với nhiều kích thước và tư thế khác nhau, nét mặt sinh động như thật. Mái tóc ngắn là kiểu tóc được ưa chuộng nhất vào lúc bấy giờ.
Những cổ vật bằng ngọc tìm thấy trong khu mộ Phụ Hảo


Do ảnh hưởng của tư tưởng Nho gia, trong quá trình phát triển văn hóa đồ ngọc ở Trung Quốc, từ việc chỉ dùng trong hoạt động cúng tế trời đất và thần linh, đồ ngọc dần phát triển thành đồ trang trí trên trang phục để thể hiện nhân thân và địa vị của tầng lớp quý tộc thời cổ.
Người Trung Quốc rất thích sử dụng đồ ngọc và cũng có khái niệm rất rộng về ngọc. Ban đầu, những khối đá đẹp được gọi là ‘ngọc’. Dần về sau, qua quá trình so sánh và sàng lọc, người xưa đã chọn ngọc sản xuất ở vùng Hoà Điền, tỉnh Tân Cương là loại ngọc thượng hạng. Hơn ngàn năm sau, ngọc Hòa Điền đã chiếm giữ vị trí cao trong tất cả các loại đá quý. Do quá trình mài giũa đồ ngọc hao tốn nhiều sức người và thời gian nên việc chế tác đồ ngọc bị hạn chế. Đồ ngọc trở thành vật chủ yếu được tầng lớp quý tộc sử dụng.
Văn hóa đồ ngọc đã hấp thu và tích lũy tinh hoa văn hóa, tư tưởng của người Trung Quốc qua hàng ngàn năm, là một nét đặc sắc của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Đồ ngọc Trung Quốc còn được ví như bông hoa đẹp nhất trong kho tàng nghệ thuật văn hóa thế giới.
Ngọc là thứ được hoàng gia dùng trong nghi thức tế lễ hoặc tượng trưng cho địa vị cao quí. Nó được chế tác thành 6 loại đồ ngọc chính: ngọc bích: tròn, dẹp ở giữa có lỗ nhỏ; ngọc tông: hình trụ, bên ngoài hình vuông, ở giữa có lỗ tròn; ngọc khuê: trên nhọn dưới vuông; ngọc chương có đỉnh nhọn, hình dáng giống nửa miếng ngọc khuê; ngọc hình con hổ và cuối cùng là miếng ngọc hình bán nguyệt.
Ngọc bích tròn, dẹp ở giữa có lỗ nhỏ


Trong sách Chu Lễ có viết: “Lấy khối ngọc chế tác thành 6 loại đồ ngọc rồi dùng tế trời đất và tứ phương, được gọi là "lục khí". Dùng Bích tế trời, dùng Tông tế đất; lấy Thanh Khuê để tế phương Đông, lấy Xích Chương để tế lễ phương Nam; lấy Bạch Hổ để tế phương Tây, lấy Huyền Hoàng để tế phương Bắc’.
Hơn 2.000 năm trước, nhà Tây Chu đã bước đầu hoàn thiện và phát triển chế độ dùng ngọc trong các tầng lớp quan lại, quý tộc. Người thời đó đã cho rằng, ngọc là vật quý, hội đủ 5 đức tính cơ bản của con người gồm: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín và do đó, ngọc rất được tôn sùng. Độ bóng, mịn lâu dài của ngọc tượng trưng cho nhân nghĩa và sự kín đáo của người quân tử. Độ cứng và trong suốt của ngọc tượng trưng cho phẩm cách trong sáng, cao thượng. Tầng lớp quý tộc đều đeo ngọc trên người để thể hiện đạo đức và địa vị của mình. Việc sử dụng ngọc cũng dần thể hiện đẳng cấp khác nhau.
Ngọc tông hình trụ, bên ngoài hình vuông, ở giữa có lỗ tròn


Sau đời Đông Chu, đất nước Trung Quốc chia làm hai giai đoạn lớn là Xuân Thu (từ năm 770 trước Công nguyên đến năm 476 trước Công nguyên) và Chiến Quốc (từ năm 403 trước Công nguyên đến năm 221 trước Công nguyên). Trong thời gian gần 600 năm của hai thời kỳ này, nhiều cuộc chiến đã nổ ra giữa các nước chư hầu để tranh giành quyền bá chủ, tình hình xã hội Trung Quốc thời bấy giờ có sự biến đổi rất lớn. Nhưng cục diện chính trị chia rẽ đó không ảnh hưởng đến sự phát triển của văn hóa ngọc mà ngược lại, nó đã thúc đẩy sự dung hòa nhiều loại phong cách nghệ thuật vào trong kỹ thuật chế tác đồ ngọc.
Ngọc khuê trên nhọn dưới vuông


Người Trung Quốc cổ đại tin rằng, ngọc thạch có tính năng siêu phàm như có thể trị nhiều bệnh, giúp trường sinh bất lão, mang lại phúc lành và có thể giữ cho xác chết mãi mãi nguyên vẹn. Do đó, người xưa đã đặt nhiều miếng ngọc trong quan tài hay đặt trên thi hài người chết trước khi chôn cất.
Đến đời Hán, con người đã lấy tấm ngọc thạch lớn, cắt ra từng miếng rồi mài theo hình dáng của các bộ phận trên cơ thể con người. Sau đó, họ khoan lỗ trên bốn góc của mảnh ngọc để kết thành áo dùng khâm liệm người chết.
Ngọc chương có đỉnh nhọn, hình dáng giống nửa miếng ngọc khuê


Không phải ai cũng có đủ tư cách để được khâm liệm bằng áo ngọc. Vào đời Hán, chỉ có hoàng đế và vương công, quý tộc mới được chôn như thế. Bên cạnh đó còn có quy định, chiếc áo ngọc của hoàng đế được kết bằng sợi dây vàng và gọi là ‘kim lũ ngọc y’; vua nước chư hầu, quý nhân, công chúa sử dụng áo ngọc kết bằng dây bạc; riêng áo ngọc của tầng lớp quý tộc kết bằng dây đồng.
Ngọc hình con hổ


Sau khi phong tục chôn ngọc theo người chết lan rộng, do ảnh hưởng của tình hình xã hội lúc bấy giờ cùng sự xuất hiện của nhiều yếu tố văn hóa mới, quá trình phát triển của đồ ngọc cổ đại ở Trung Quốc dần chậm lại. Đồ ngọc dần mất đi những bí ẩn xung quanh nó và ngày càng được sử dụng rộng rãi trong dân gian.
Sau đời Tùy – Đường, chức năng dùng trong hoạt động cúng tế của đồ ngọc biến mất và trở thành món hàng để mọi người sử dụng làm đồ trang trí hay vật trang sức. Việc sử dụng ngọc không còn giới hạn ở giai cấp thống trị mà nó còn nhận được sự yêu thích của tầng lớp bình dân. Đề tài thể hiện qua đồ ngọc cũng xuất hiện nhiều nội dung mới mẻ như các nhân vật trong thần thoại, truyền thuyết Trung Quốc, hoa cỏ cùng các vật dụng sử dụng hằng ngày.
Ngọc hình bán nguyệt


Vào đời Tống, các quan viên quyền cao tước trọng tranh nhau sưu tầm cổ vật bằng ngọc. Vì thế, sự phát triển của ngọc xuất hiện một nhánh đặt biệt là "đồ ngọc phỏng cổ" tức "đồ ngọc giả cổ".
Bị chôn vùi một thời gian dài dưới lòng đất, do tác dụng của đất, nhiệt độ và các yếu tố vật chất khác nên đồ ngọc có sự biến đổi khác thường về màu sắc. Chẳng hạn như Bạch ngọc từ trong suốt trở nên đục hơn, từ bên trong ửng lên các vân màu hồng, giống như những sợi chỉ máu; cẩm thạch từ màu xanh lục biến thành sẫm hơn, ửng hồng như nhuộm với máu; với hồng ngọc, hoàng ngọc, lam ngọc… màu sắc cũng sẫm thêm. Người ta cho rằng, những viên ngọc đó đã thấm máu và linh khí từ cơ thể người, hay đúng hơn là thấm hồn người chết. Do đó, nó càng trở thành vô giá và rất linh thiêng.
Sau nhiều thăng trầm, văn hóa ngọc Trung Quốc đã đạt đến thời kỳ phồn vinh chưa từng có vào thời kỳ Minh – Thanh. Vào thời này, nghề chế tác đồ ngọc được xã hội thượng lưu rất chú trọng. Đồ ngọc Trung Quốc đạt đến đỉnh cao với nét sáng tạo mới mẻ và hoàn mỹ.
Từ xưa đến nay, thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô là một trong những nơi gia công đồ ngọc nổi tiếng Trung Quốc. Hiện, nơi này vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở chế tác đồ ngọc theo phương pháp thủ công.

Áo làm bằng ngọc


Vào đời vua Càn Long, nghệ nhân chế tác đồ ngọc Dương Châu đã chạm khắc nhiều tác phẩm ngọc độc đáo với tên gọi ‘ngọc non bộ’, mang hình ảnh thu nhỏ của núi non, đình đài, lầu các vào khối ngọc bằng nhiều kỹ thuật chạm khắc như khắc nổi, khắc chìm, điêu khắc lập thể, chạm rỗng…
Chạm khắc ngọc non bộ là công việc khó nhất trong chế tác đồ ngọc. Nếu không được truyền dạy kinh nghiệm chạm khắc và có công cụ đặc biệt hỗ trợ thì các nghệ nhân khó chạm khắc được hình ảnh đẹp trên khối ngọc lớn. Lúc bấy giờ chỉ có nghệ nhân chế tác ngọc Dương Châu mới có khả năng tạo tác núi non bộ.
Trong xã hội hiện đại, ngọc đã trở thành món hàng bất kỳ ai cũng có thể sở hữu, yếu tố chính trị và tôn giáo đã mờ nhạt nhưng tư tưởng Nho gia về đạo đức bao hàm trong ngọc vẫn còn ảnh hưởng đến quan niệm của người dân Trung Quốc. Người dân nước này tôn sùng và yêu quý ngọc vì họ tin rằng, ngọc mang đến điềm lành, giúp người gặp dữ hóa lành, tiêu trừ bệnh tật và những điều xấu xa.
Hồng Mẫn

Không có nhận xét nào: