Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Sang Lào, tới thăm công viên tượng Phật

Công viên tượng Phật Xieng Khuan là một trong những điểm du lịch nổi tiếng mà du khách không nên bỏ qua khi viếng thăm nước Lào.
Công viên tượng Phật Xieng Khuan tọa lạc bên bờ sông Mekong, phía trên cửa khẩu Nongkhai, cách trung tâm Viêng Chăn khoảng 25 km.
Công viên được xây dựng vào năm 1958 với hơn hơn 200 bức tượng Phật và các vị thần Hindu. Ngoài tượng Phật, tượng thần, nơi đây còn có một số tượng linh vật, ác quỷ, con người (nhạc công, vũ nữ) được đúc bằng xi măng.
Ở đây, có một công trình lớn được gọi là động Âm phủ mang hình dáng trái bí ngô khổng lồ. Cửa động là miệng của con ác quỷ cao hơn 2 mét. Đối diện động Âm phủ, ở phía bờ sông có ngọn tháp tượng trưng cho thiên đường. Du khách có thể lên tầng thứ hai của tháp để quan sát toàn cảnh công viên tượng Phật Xieng Khuan.
Đến với công viên tượng Phật Xieng Khuan, du khách có thể cảm nhận được nét bình dị, ấm cúng và gần gũi của một vùng đất Phật, đồng thời gửi gắm nguyện ước và niềm tin của mình ở chốn linh thiêng này.



Nguồn : 24h.com.vn



Vườn Phật bên dòng Mêkông


Khu vườn rộng lớn với hàng trăm bức tượng phủ màu thời gian rêu phong đầy vẻ trầm mặc, huyền bí đã khiến chúng tôi lạc bước giữa một trưa hè nắng chói chang.
Vừa đi hết con đường đất rợp hoa bò cạp vàng rực, bước chân vào khu vườn là đã thấy hàng trăm bức tượng đủ các hình dáng, tư thế bày ra trước mắt. Không biển chỉ dẫn, chỉ có nắng chan hòa trên khu vườn tượng rộng mênh mông, khiến chúng tôi ngập ngừng chẳng biết theo hướng nào.
Toàn cảnh vườn Phật.
Toàn cảnh vườn Phật.
Bức tượng Phật nằm lớn nhất trong vườn Phật.
Bức tượng Phật nằm lớn nhất trong vườn Phật.
Nhìn quanh một lượt, chúng tôi cũng như các du khách khác ngay lập tức bị cuốn hút bởi một quả bí ngô khổng lồ với một tượng thần miệng há to đầy hăm dọa. Vẻ dữ tợn của bức tượng chẳng dọa được những kẻ hiếu kỳ chúng tôi mà ngược lại, nó càng làm tăng thêm sự tò mò, phấn khích. Một vài người ngó nghiêng, rồi chui tọt vào trong như thể bị cái miệng đang há hốc ấy nuốt chửng.

Mất vài giây để mắt quen dần với bóng tối trong lòng quả bí ngô, rồi chúng tôi phát hiện ra một cầu thang xoắn ốc lên cao. Lối đi vòng vèo qua các tầng địa ngục, với các bức tượng kỳ quái chập chờn trong ánh sáng le lói hắt vào từ các ô cửa sổ nhỏ dễ làm những người yếu bóng vía giật mình.

Nem nép leo hết cầu thang qua các tầng địa ngục tối tăm, đến bậc cuối cùng bỗng thấy vỡ òa một khoảng không rộng lớn trên đỉnh quả bí ngô với ánh nắng chan hòa và gió lồng lộng thổi. Từ đây có thể ngắm nhìn toàn cảnh vườn Phật. Gọi là vườn Phật, nhưng khu vườn này lại là quần thể tượng Phật pha trộn với Hindu giáo với những vị thần Shiva, Arjuna, Visnu, Rama, Sita...

Khu vườn này gọi theo tiếng Lào là Wat Xiengkuane, là công trình của pháp sư Bounlua Suliat, được thực hiện từ những năm 1950 – 1960, nằm bên dòng Mêkông, cách thủ đô Vientiane của Lào chừng 30km. Những bức tượng bằng ximăng thô ráp, không hề được tô vẽ, mài giũa bóng bẩy. Mưa nắng cùng thời gian đã phủ lên các bức tượng màu rêu phong cũ kỹ, càng làm cho các bức tượng thêm kỳ bí, huyền hoặc.

Tôi không hiểu rõ lắm về Phật giáo và Hindu giáo cũng như các điển tích, huyền thoại của Lào, nên không biết rõ về ý nghĩa tôn giáo của các bức tượng, chỉ thấy các bức tượng đều rất đẹp. Tượng nhỏ cũng cao ngang bằng người thật, còn nhiều tượng lớn gấp 3-4. Đặc biệt, trong vườn có tượng Phật nằm lớn nhất, dài đến 50m. Đường nét, thần thái của các bức tượng đều rất sắc sảo.

Từng nếp áo buông nhẹ nhàng, từng khuôn mặt hiền từ của các nhà sư đi khất thực, từng nụ cười duyên dáng của các vũ nữ, từng ánh mắt uy nghi, dữ tợn của các vị thần..., tất cả đều sống động như thật. Nhiều tượng có những chi tiết đắp nổi rất tỉ mỉ, tinh vi. Và càng khâm phục hơn khi biết rằng pháp sư Bounlua Suliat chưa hề qua một trường lớp nào về điêu khắc hay nghệ thuật tạo hình.

Ông đã từng lý giải về vườn tượng của mình là những hình ảnh kỳ lạ đến với ông trong những giấc chiêm bao và trong những cảm nhận về thần linh mà ông ngộ ra được trong đời sống hằng ngày.

Chúng tôi cứ lạc bước giữa vườn Phật giữa trưa nắng chang chang. Nép dưới bóng của một bức tượng Phật, thấy mình được che chở, bình yên. Lúc bước chân rộn ràng như muốn cùng nhảy múa với các vũ nữ duyên dáng. Lúc e dè, rón rén đi ngang qua một vị thần dữ tợn. Phía góc vườn, những cành hoa giấy thắm hồng vắt qua vai, choàng qua cổ những bức tượng Phật với khuôn mặt và nụ cười hiền từ.

Ai đó đã nhặt những cánh hoa giấy rụng rơi đặt vào chiếc bát trên tay những bức tượng nhà sư đi khất thực. Cánh hoa giấy hồng rực nằm lặng yên trong màu xám đen rêu mốc của bức tượng gợi lên cái gì đó thật gần gũi. Tôi cũng cúi nhặt một bông hoa giấy rụng, rồi khẽ khàng đặt cánh hoa mỏng manh ấy vào chiếc bát trên tay bức tượng gần nhất và lòng thấy nhẹ nhàng, thanh thản.
Ngân Hà

Muôn mặt Phật miền biên cương



vuon tuong phat
Nằm không xa thủ đô Vien Chăn Lào và cũng rất gần tỉnh Noong Khai Thái Lan, có một khu vườn nối dài qua biên giới hai quốc gia mà chỉ cần đặt chân đến bạn sẽ cảm nhận một không khí vừa linh thiêng lại vừa khoan thai.
Vào năm 1958, một người đàn ông tên là Bounlua Suliat đã chọn một địa điểm ven dòng Mekong để thỏa sức sáng tạo một không gian mang đầy màu sắc Phật giáo tên gọi Wat Xiengkuane, thường gọi là “Vườn tượng Phật”, 25 km từ Viên Chăn. Còn bên tỉnh Noong Khai Thái Lan, vị pháp sư này cũng thực hiện một công trình tương tự thứ hai tên gọi là Wat khaek hay Bãi Phật Sala Keoku.
Khu vườn tượng Phật nổi tiếng bởi vố số tượng Phật với nhiều khuôn mặt và tư thế khác nhau được thể hiện hoàn toàn bằng chất liệu xi măng. Cũng vì lý do đó mà thời gian 5 thập kỉ đã “khoác” lên lên những lớp áo rêu phong cho các bức tượng tạo nên những hình ảnh thay đổi qua mỗi ngày. Ngoài những tượng Phật, nhiều tượng hình điêu khắc các linh vật, ác quỉ và con người cũng được thể hiện rất tinh xảo.  Bước chân vào Vườn tượng Phật, du khách dễ cảm thấy choáng ngợp bởi có lẽ chưa ở đâu người ta lại thấy một tập hợp nhiều tượng đến thế. Sự pha trộn của Hindu giáo, Phật giáo hòa quyện với những thần nhân trong sử thi Ramayana như Shiva, Visnu, Rama, Sita… tạo nên không gian vừa linh thiêng mà cũng rất sinh động.
Các tác phẩm trong Vườn tượng Phật được thể hiện trong thập niên 1950 – 1960, giai đoạn cuộc chiến tranh ở Đông Dương đang vào thời kỳ ác liệt nhất. Những khuôn mặt vì thế ẩn chứa rất nhiều cảm xúc khác nhau thể hiện cho một thời lịch sử. Cái cảm giác của thời cuộc với nhiều uẩn khúc của con người, của khung cảnh kiến chính những vị thần Phật cũng không thể bình yên, tĩnh tại nhập định trong hai khu vườn ấy. Đâu đó du khách có thể thấy cái xáo động, bức bối, trào dâng nhiều cảm xúc cứ chực toát ra từ thần thán của những bức tượng.
Đối nghịch với xáo động, khắc khổ thì cũng có những khuôn mặt rất bình dị, ấm cúng, gần gũi… Đó là hình ảnh bức tượng Phật nằm khổng lồ ở trung tâm của công viên. Dài khoảng 40 mét, gương mặt Đức Phật thanh thoát, bao dung với vầng trán rộng, mắt khép nhẹ, môi mỉm cười, dáng vẻ thảnh thơi như tư thế Phật tổ nhập Niết Bàn hơn 25 thế kỉ trước.
Du khách cũng không thể bỏ lỡ công trình lớn được gọi là động Âm Phủ, mang hình dáng trái bí ngô khổng lồ. Cửa động là miệng ác quỷ cao hơn 2m. Đối diện động Âm Phủ, ở phía bờ sông có ngọn tháp tượng trưng cho thiên đường. Tầng thứ hai của tháp, du khách có để quan sát toàn cảnh công viên tượng Phật Xieng Khuan.
Cảnh vật nơi khu vườn rất thanh bình; sự hòa trộn giữa vườn, rừng, suối róc rách với dòng sông Mekong mênh mang; giữa cái những khuôn mặt tượng mộc mạc rông rêu với vẻ kỳ bí, huyền diệu thần thái của những bức tượng làm cho nơi đây trở nên thu hút hơn. Một điều mà du khách rất ngạc nhiên là tuy quy mô của những bức tượng cao lớn bao nhiêu nhưng từng chi tiết nhỏ đều là những nét điêu khắc tỉ mỉ.
Ông Bounlua là một người rất tinh thông về triết học Hindu, Phật giáo, thần thoại học, biểu tượng học… Mặc dù không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào về nghệ thuật tạo hình, điêu khắc nhưng ông muốn chuyển tải những hình ảnh mà mình thấy trong những những giấc chiêm bao, và trong những cảm nhận về thần linh mà ông ngộ ra được trong đời sống hàng ngày. Cũng vì lí do đó, những bức tượng như là một cách lý giải về sự giao thoa của các nền văn hóa trên đất nước Lào, miêu tả sinh động bối cảnh hiện tại khi đó và những mẩu chuyện cách điệu theo truyền thuyết Lào dưới những bức tượng cũng làm du khách cảm giác tò mò và thích thú.
 “Vườn Tượng Phật” làm lữ khách choáng ngợp phút ban đầu nhưng càng đi lại càng cảm thấy gần gũi, nét bình dị, ấm cúng cứ lan toả sau mỗi bước chân trên vùng đất Phật, đồng thời gửi gắm nguyện ước và niềm tin của mình chốn linh thiêng.
Trúc Huỳnh – Du Lịch Việt



Không có nhận xét nào: