Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2019

Vang Úc – vang Pháp, ai thắng ai?

Những tiêu chí so sánh tương đồng về tính chất sản phẩm, chẳng hạn vang sủi bọt đấu với champagne, riesling Úc “đụng” riesling Alsace, syrah của Úc gặp vang đỏ vùng Côtes du Rhône (syrah là giống nho đặc trưng vùng tây nam nước Pháp được du nhập vào Úc), cabernet sauvignon của Úc đấu với vang Bordeaux… Theo cách thức thử vang mù, thực khách được phục vụ rượu trong hai ly A, B và bình chọn sản phẩm ưa thích nhất. Eric cho biết: “Tôi và Jim rất hợp ý nhau nên khi Jim đề nghị bữa tiệc thử vang mù này, tôi đồng ý ngay. Trước hết vì nó độc đáo, kế đó là khách hàng có cơ hội tự đánh giá nhiều sản phẩm. Hơn nữa, thực đơn của nhà hàng cũng rất đặc biệt”.
Món cá hồi ướp dầu ôliu nướng rất hợp khi dùng với vang đỏ nhẹ pinot noir
Áp dụng nguyên tắc “rượu nào, món ăn nấy”, Nhà hàng Shri lên thực đơn gồm các món thoạt nhìn thấy rất “nặng” nhưng được tính toán khẩu phần hợp lý để thực khách thưởng thức trọn vẹn. Đó là cá ngừ, còi sò điệp, cá hồi, ức vịt, thịt cừu và đa số là nguyên liệu ngoại nhập. Theo anh Ashley Nichols, Tổng giám đốc Shri với cả chục năm làm việc trong lĩnh vực nhà hàng ở London đồng thời là chuyên gia thử vang quen thuộc tại các cuộc thi rượu vang ở Việt Nam, cái khó của buổi tiệc thử vang này là phục vụ đủ món ăn kèm với rượu vang nhiều loại rất khác nhau, sao cho thực khách không cảm thấy đầy bụng khi dùng đến món thứ ba. Ngoài ra, nhà hàng cũng không biết trước gu ẩm thực của những người tham dự để giúp họ có trải nghiệm thú vị khi kết hợp với rượu, hoàn toàn khác hẳn với bữa tiệc giữa một nhóm bạn mà bếp trưởng nhà hàng đã biết trước sở thích. “Chúng tôi phải ghi nhớ rằng đây là bữa tiệc rượu vang và món ăn phải tương thích và không được lấn át rượu vang” – Ashley giải thích. Rất may là điều lo ngại đã không xảy ra.
Cùng giống nho chardonnay, chai Mersault Les Clous 2007 (Bouchard Père & Fils) thể hiện đặc trưng của giống nho trắng này tốt hơn với hương vị phức tạp xen lẫn mùi gỗ sồi (theo phong cách truyền thống của các nhà làm vang chardonnay), trong khi chai Petaluma 2005 có vị hơi chua, gần với nho sauvignon blanc hơn. Riesling của Úc (St Hallett Eden Valley 2008) cũng rất khác rieslingAlsace(Shlumberger Princes Abbés 2007): vị hơi chua, đậm mùi chất khoáng kéo dài, so với mùi vị ngọt dịu của trái cây chín. “Tôi thích chai rieslingAlsacehơn vì nó cần có thời gian để khám phá hết hương vị, trong khi với chai vang Úc thì quá dễ cảm nhận” – một thực khách chia sẻ sở thích với những người cùng bàn.
Với nho pinot noir, chai Corton Grand Cru (Bouchard Père & Fils) tạo ngay cảm giác về tuổi thọ sản phẩm (niên vụ 2000) khi dùng với món cá hồi ướp dầu ôliu nướng nhờ hương vị đầy đặn và rất cân bằng, hoàn toàn khác hẳn mùi hăng của cồn và vị hơi gắt của Stonnier “trẻ” hơn (2007), dù chai này nhận được đa số ý kiến bình chọn. Theo mặc định rượu đỏ dùng với món thịt, nhưng hương vị của cá hồi nướng lại quá đầy đặn hơn món cá thông thường nên sự kết hợp này được nhiều thực khách thích và cũng vì đặc tính nhẹ nhàng của nho pinot noir. Trong khi đó, món ức vịt áp chảo sốt tiêu kết hợp tốt với vị chát nho syrah của chai Châteauneuf du Pape Les Sinards (Perrin & Fils 2007) hơn là chai Torbreck The Steading 2005 vẫn còn hơi chua.
“Với rượu vang ngọt thì thường không có nhiều lựa chọn món tráng miệng. Nếu dùng phô mai thì quá nặng vì thực khách đã no với các món thịt. Tôi nghĩ pannacotta thích hợp hơn” – Ashley cho biết. Pannacotta là món tráng miệng của Ý làm từ kem, sữa và đường hấp chín dùng kèm với mứt. Trong trường hợp này, mứt đại hoàng (tức rhubarbe, một loại rau thân to như artichaut và có vị chua nhẹ) đã gây ngạc nhiên cho thực khách và đa số đã chọn vang ngọt Úc (Margan Botrytis 2009) thay vì Sauternes danh tiếng (Château Lafon 2007). Phải nói rằng vị chua của mứt đại hoàng cân bằng vị ngọt lịm của rượu Úc có chút mùi khói tạo khác biệt.
Chưa có buổi tiệc rượu vang nào lại hào hứng như vậy. Trong cuộc đấu vang Úc – Pháp này, người thắng chính là thực khách. Trong thực tế, vang ngon tùy vào sở thích của người uống trong điều kiện có thể so sánh được các sản phẩm khác nhau. Hơn nữa, sản phẩm được bình chọn nhiều nhất không chiếm ưu thế tuyệt đối so với sản phẩm còn lại. Việc nếm thử mù nhằm giúp nhiều người đa dạng hóa kiến thức về những dòng rượu vang, đồng thời giúp xóa đi định kiến về sản phẩm “mới, cũ” khi khoảng cách về chất lượng mùi vị và phong cách trong chế biến rượu vang đang được thu hẹp dần. Không ít thực khách cứ khăng khăng cho rằng ly vang mà họ thích “phải” là vang Pháp, nhưng kết quả công bố sau đó cho biết sản phẩm là vang Úc.
Quang Thái

Chọn vang hạng 2

Một lò vang thường làm ra nhiều dòng sản phẩm tùy vào chất lượng của nho trồng trên từng mảnh đất. Và người ta cũng đặt tên riêng cho dòng sản phẩm có chất lượng và giá cả tương ứng với phân khúc thị trường riêng biệt. Tại buổi tiệc rượu vang của Harlan Estate (Mỹ) tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh vào tháng 10-2010, ông Don Weaver, giám đốc kinh doanh của lò vang còn được gọi là “một Château Latour ở California” khi giới thiệu chai Maiden đã không quên nhấn mạnh rằng đây là loại second wine (tạm dịch là vang hạng 2), trong khi các sản phẩm “hạng nhất chính hiệu” của lò vang này mang tên Harlan Estate. Thật ngạc nhiên, không ít thực khách, kể cả người nước ngoài, đánh giá cao chai vang hạng 2 này nhờ hương vị trái cây và độ chát dễ cảm nhận hơn, lại được “thăng hoa” nhờ món gan ngỗng áp chảo khai vị của Nhà hàng Cepage lúc đó.
Vang hạng 2 có giá rẻ gấp nhiều lần so với vang thương hiệu của các châteauBordeaux
Theo cẩm nang Essential Wine Book của chuyên gia Oz Clark, vang hạng 2 phát triển mạnh trong thập niên 1980 khi chất lượng vangBordeaux tăng mạnh. Mỗi năm người ta sản xuất vang nhiều hơn. Thậm chí do có lẽ cảm thấy vang hạng 2 là chưa đủ nên một số château (tức lò vang ởBordeaux) bắt đầu làm ra vang hạng 3.
Nhưng chất lượng vang hạng 2 ra sao? Khi đã là thương hiệu nổi tiếng, các château đều muốn làm ra sản phẩm thuộc hàng top (Grand Vin) nhằm minh chứng cho giá bán cao mà họ áp dụng. Mỗi năm, các château này phải loại ra những sản phẩm có chất lượng chưa xứng tầm hoặc không thích hợp với phong cách mong muốn, có thể là do vụ mùa thu hoạch năm đó không thật sự tốt để những chai vang chính hiệu được thị trường chấp nhận trả giá cao. Nhưng các sản phẩm bị loại này vẫn đạt chuẩn chất lượng và nhiều người tiêu dùng không có điều kiện tài chính khá giả rất muốn uống nó trong bữa tiệc gia đình. Thế là các château tách riêng loại vang mà họ đánh giá là chưa đáp ứng chất lượng để làm ra sản phẩm hàng đầu. Nó có thể nhẹ hơn vang chính hiệu, nhưng vẫn đạt phong cách của château. Và người mua (tức nhà phân phối) có thể yêu cầu ghi tên mình lên nhãn chai loại này.
Trong những năm thu hoạch tốt của thập niên 1980, có rất nhiều vang hạng 2 loại ngon ở Bordeaux, nhưng những năm 1990 và nửa đầu thập niên 2000 thì không được như vậy. Trong quá trình phát triển của mình, không ít lò vang tên tuổi mua lại các vườn nho nhỏ lẻ chỉ để làm ra vang hạng 2 và bán rất chạy nhờ tên tuổi đã được bảo chứng. Theo quan điểm của lò vang, sản xuất vang hạng 2 cho phép họ tuyển chọn nghiêm ngặt hơn sản phẩm làm ra vang hạng nhất, trong khi vẫn thu lợi từ vang hạng 2 nhờ thương hiệu đã có thông qua mạng lưới phân phối của mình, hơn là bán rẻ vang “chẳng tên tuổi” cho các nhà kinh doanh khác vô chai với số lượng lớn.
Trên thị trường có không ít vang hạng 2 của các châteauBordeaux, nếu như người mua chịu khó hỏi chuyên gia của cửa hàng hoặc tự tìm kiếm thông tin sản phẩm trên internet. Vang ngon hạng 2 của vùng Médoc gồm các thương hiệu Pavillon Rouge (lò vang Margaux), Les Forts de Latour (Latour), Réserve de la Comtesse (Pichon-Longueville-Lalande), Les Tourelles de Longueville (Pichon-Longueville), Clos du Marquis (Léoville-Las-Cases), Le Sarget de Gruaud-Larose (Gruaud-Larose), Haut-Bages-Avérous (Lynch-Bages) và Dame de Montrose (Montrose).
L.T

Một số chai vang hạng 2 của Red Apron
• La Bastide de Dauzac 2007, Margaux (1.225.000 đồng)
• Antoine Pouget 2009, Margaux (1.736.000 đồng)
• Les Pagodes de Cos 2003, St Estèphe (3.595.000 đồng)
• Le Chevalier de Rauzan Gassies 2007, Margaux (3.595.000 đồng)
• Les Fiefs de Lagrange 2008, St Julien (1.386.000 đồng)
• Hospitalet de Gazin 2005, Pomerol (2.599.000 đồng)

Không có nhận xét nào: