Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019

Miền xanh mướt mát sông Rhine

Tiếng hát liêu trai của nàng Loreley nghìn năm trước đã khiến bao chàng thủy thủ ngẩn ngơ mà lỏng tay chèo để thuyền đâm vào đá nhọn, giờ đây nàng vẫn làm hàng triệu người mê đắm, dẫn dụ họ đến với miền thung lũng trung du xanh rờn bên sông Rhine của nước Đức, được UNESCO công nhận Di sản văn hóa – thiên nhiên thế giới năm 2002. Chỉ một đoạn ngắn dài 67km giữa Koblenz ở phía bắc đến Bingen (hoặc Rüdesheim, hai thành phố này nằm đối diện nhau hai bên sông) ở phía nam tính ra chiếm có 5% cả chiều dài con sông Rhine bận rộn nhất châu Âu, nhưng vùng trung du phần thượng nguồn này lại là phần nổi tiếng và đẹp nhất của sông. Tạo hóa đã thiết kế quy hoạch hoàn hảo cho cả đại cảnh và thành người làm vườn kỳ công, tỉ mẩn chăm chút từng mép bờ, từng hẻm núi. Những triền xanh miên man chạy dài, đồi núi trập trùng uốn lượn, dòng nước biếc đêm ngày cuộn chảy xuôi về biển Bắc. Những cỏ, những hoa lá, chim muông tô điểm thêm cho làng mạc, thành phố cổ kính, nhiều công trình có tuổi thọ hàng nghìn năm, các sườn đồi phủ kín những hàng nho. Một miền đất đẹp như trong giấc mơ của các nhà thơ.
Du ngoạn cùng Goethe mong vuốt tóc nàng Loreley
Có đến đây, đứng giữa đất trời này mới cắt nghĩa được vì sao nước Đức lại sinh ra nhiều nhà triết học, nhạc sĩ thiên tài và nhà thơ vĩ đại đến vậy. Cảnh vật đẹp mọi mùa và cho người thăm tầm nhìn khoáng đạt, trải rộng, chắc chắn tác động không nhỏ đến quan điểm sáng tác của người nghệ sĩ. Cảm xúc được đong đầy, ý tứ mạch lạc, niềm hứng khởi ngập tràn.
Thị trấn St. Goar nằm kề ngay khúc quanh Loreley huyền thoại
Năm 1822, nhà thơ vĩ đại Heinrich Heine đã thổn thức trong áng thơ về huyền thoại Loreley ngự một khúc quanh của dòng Rhine:
Không sao cắt nghĩa nổi
Nỗi buồn của lòng tôi
Xa xăm câu chuyện cổ
Cứ vấn vương mãi thôi
Chiều sẫm dần, lành lạnh
Sông Rhine mải miết trôi
Đỉnh núi bừng lấp lánh
Trong hoàng hôn đất trời
Truyền thuyết về nàng tiên cá Loreley bóng hình mờảo trong sương, bảng lảng và uyển chuyển nổi trên mặt sông Rhine xanh thẳm cùng giọng ca ma mị đã bẫy được vô khối tàu thuyền và những chàng trai trẻ khỏe khoắn tưởng như đã đóng kín trong các trang sách cổ vì khúc cua nguy hiểm nhất nơi nàng ngự xưa kia giờ lại là một chỗ dòng sông lượn nên thơ. Khung cảnh núi non sông nước ở khúc quanh Loreley nay vẫn khiến những người ngồi trên tàu thuyền xuôi ngược tuyến đường thủy đa quốc gia ngẩn ngơ, nhưng là vì vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, vì quang cảnh thơ mộng của đất trời ban cho.
Lướt trên sóng nước cùng Goethe nghe chuyện kể Loreley
Nàng tiên cá vẫn cất tiếng hát nỉ non, da diết phát qua hệ thống loa trên tàu hơi nước mang tên nhà thơ, nhà triết học Goethe. Bao du khách ước mong được vuốt tóc nàng Loreley khi song hành với con tàu Goethe. Hơn bao giờ hết, huyền thoại và truyền thuyết lại có lợi cho ngành du lịch Đức đến thế. Chỉ là một khúc quanh của dòng sông, nhưng không ai muốn đi ngang qua nhạt nhòa như bao khúc quanh khác. Lặng nhìn vách núi thẫm đen sừng sững trên đầu hay đăm đắm tìm những mỏm đá sắc nhọn dưới làn nước xiết, vẫy tay chào những người đang ngồi ngắm cảnh Loreley trong làng cắm trại dọc sông, ký ức về góc ngoặt đặc biệt này sẽ in sâu mãi, sẽ vấn vương hoài như H. Heine.
Tuyến đường hoài cổ
Chẳng ở đâu trên thế giới lại có mật độ pháo đài dày nhưở vùng trung du thượng lưu sông Rhine như vậy. Các lãnh chúa, quý tộc trong vùng đều xây pháo đài, lâu đài của riêng gia đình, thậm chí nhà nọở thị trấn Kamf-Bornhofen có hai anh em trai, còn không ai chịu ai mỗi người xây một pháo đài gần như kề bên nhau từ thế kỷ XII. Vài chục lâu đài, pháo đài từ hàng trăm năm ngự trên các vị trí núi non hiểm trở, sừng sững bao quát cả một vùng lân cận, các thị trấn ven sông đẹp như tranh với những ngôi nhà cổ nghìn năm tuổi, những chóp nhà thờ rỉ xanh vì thời gian. Người ta như thấy mình được sống trong hoài niệm.
Mướt mát những đồi nho, những vạt rừng hai bên sông Rhine
Victor Hugo vào năm 1840 cũng từng dạo bước qua lối mòn luồn giữa rừng cây, nối những triền đồi miên man không dứt. Ông cảm thấy vô cùng may mắn, thảnh thơi, trở về bản ngã của mình khi xê dịch bằng chính đôi chân mình giữa miền đất đẹp như tiên cảnh. Vạn vật trên tuyến đường đều thuộc về người lữ khách, có thể là nguyên vẹn hoặc một phần của khoảng sân nông trang nơi dừng chân ăn trưa, của tán cây nơi ta tìm bóng râm, của bậc thềm nhà thờ, chốn ta gặp gỡ.
Loreley giờ nên thơ và trữ tình uốn khúc
Những cái tên pháo đài mộc mạc, nào là Chuột, nào là Mèo, Đẹp, Đá Yêu, Đá sông Rhine, Tháp Chuột… gợi không khí trong chuyện cổ dân gian. Tiếng lanh canh gươm kiếm, tiếng vó ngựa chạy dồn bỗng đâu như khua bên tai. Có những vị trí đắc địa ở một mỏm núi có thể nhìn cùng lúc một cụm ba pháo đài hoặc chỗ nhìn được bảy cung điện, pháo đài trên cùng một đường thẳng. Khi tới đây, rất nhiều người ước được thừa hưởng một tòa tháp cổ giữa miên man màu xanh cây lá. Cũng có vài trường hợp được thừa kế nguyên lâu đài như từ trên trời rơi xuống. Họ là hậu duệ của những dòng họ quý tộc, lãnh chúa trong vùng mà không biết rằng tổ tiên là sở hữu lâu đài từ thời Trung cổ!
Pháo đài Sooneck được trùng tu, bảo tồn rất tốt
Một số lâu đài, pháo đài trong vùng thuộc sở hữu tư nhân, không mở cửa cho khách du lịch. Còn thông thường, các công trình cổ này dù chỉ là phế tích hoặc đã được trùng tu nguyên trạng, đều trở thành di tích, bảo tàng cho khách thăm. Giá vé vào cửa trung bình 4-4,5 euro/người lớn.
Vùng đất của những triền nho
Nhiều lâu đài, dinh thự quyền quý, những ngôi nhà đẹp đẽ, phố xá từ thời Trung cổ phong quang, quốc lộ và đường sắt chạy dọc cả hai bên sông… tất cả toát lên sự no đủ, giàu có của cả vùng. Có lẽ vì lịch sử lâu đời trồng nho làm rượu vang, đất đai trù phú thuận lợi cho nông nghiệp và giao thương đường sông nhộn nhịp đã làm cho chốn này thịnh vượng. Những triền đồi ven sông độ dốc lý tưởng hưởng đủ nắng gió sông Rhine cho các luống nho căng mọng ngậm no đường, thổ nhưỡng đặc biệt đất mùn trên nền đá đã đưa thung lũng sông Rhine thành vùng trồng nho làm rượu lớn nhất nước Đức.
Êm đềm cuộc sống bên dòng Rhine
Nổi tiếng với các giống nho Riesling, Burgunder, Müller-Thurgau hay Dornfelder, hằng năm hàng triệu lít vang tiêu thụ nội địa và xuất khẩu vẫn giữ vững là ngành kinh tế mũi nhọn của vùng. Những triền xanh mướt mát của nho mùa hạ hay ngả vàng hóa đỏ lúc thu sang góp phần thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến vãn cảnh mỗi năm. Người người dập dìu vào quán thử rượu nhà làm, êm dịu hơn rất nhiều thứ vang đóng chai hàng loạt bán ngoài siêu thị. Cũng có thể men rượu đượm hương hơn khi có cả men tình?
Triền đồi sau vụ gặt đẹp như tranh
Ngồi trong cabin cáp treo giữa miên man màu xanh các luống nho ở Rüdesheim, lúc ấy chưa nhấp ngụm vang nào mà đã thấy bay bổng lắm. Cảm giác lâng lâng vẫn ngập tràn khi lững thững đi dạo trên đỉnh đồi, ngước lên nhìn tượng đài Germania (hoàn thành năm 1883) cao tổng cộng gần 50 mét lồng lộng giữa bầu trời xanh bồng bềnh mây trắng. Chọn cách đi bộ xuống phố, băng qua con đường xuyên rừng già, thi thoảng nhón tay bứng mấy quả dâu đen chín mọng và khúc khích cười kể chuyện cổ cho nhau, đường về dường như ngắn lại dù lòng đâu có muốn. Vậy là lại vội vàng tìm cách kéo dài thêm. Một quán nhỏ nằm giữa đồi nho xanh rờn hiển nhiên thành cái cớ tuyệt vời níu chân người lữ khách. Vang trắng, vang đỏ, vang hồng hay vang bọt, đều sóng sánh ánh màu trong nắng quái chiều hôm.
Đi dạo trong trung tâm thị trấn Bacharach tưởng mình về thời Trung cổ
Khắp nẻo lối mòn, suốt dọc dòng sông, mọi góc quảng trường, phố cổ, chỗ nào cũng lãng mạn đến da diết lòng. Tháng 8, tháng 9 mới chớm thu, cả vùng trung du thung lũng sông Rhine mở hội. Các cô lĩnh ngôi Nữ hoàng Mật ong, Chim én, Lúa mì… và đặc biệt Nữ hoàng Vang nho sẽ đội vương miện, mặc váy đẹp tay cầm cốc rượu to khác thường tới dự hội. Dọc dải sông 67km, lần lượt các thành phố, thị trấn bắn pháo hoa cho đến giữa tháng 9, đặc biệt hội lớn nhất ở Koblenz thu hút cả nửa triệu người kéo về. Suốt cả tháng trời, sông Rhine bừng ánh sáng pháo hoa từ bắn lên tàu thuyền, lâu đài, cung điện trên núi bắn xuống, đều chung một tên gọi không thể nào nồng nàn hơn được nữa: Rực lửa dòng Rhine (Rhine in Flammen).
Bài Minh Lý – Du NhânẢnh Nam Vinh

Không có nhận xét nào: