Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Ấn Độ - Những ngày Đông rực nắng (P8)

(Nguoiduatin.vn) - Rời chùa Tàu, tôi lại lang thang đi tiếp đến chùa Nhật Bản. Ngôi chùa toát lên vẻ trầm mặc tao nhã khác hẳn màu sắc ấm cúng của những ngôi chùa Việt hay hơi nhiều màu của những ngôi chùa Tàu.
Sắc màu thâm trầm của ngôi chùa Nhật này chẳng hiểu sao lại khác hẳn với hầu như tất cả các ngôi chùa Phật giáo châu Á khác hay có màu chủ đạo vàng và đỏ, nhưng do vậy lại làm cho ngôi chùa Nhật có 1 vẻ quyến rũ “lạnh lùng giá buốt” rất riêng.
Tưởng tượng rằng ngôi chùa này nằm trong 1 khu vườn đá trắng, bên 1 dòng suối róc rách, dưới những rặng trúc quân tử hiên ngang… chắc tôi xin ở lại đây làm công quả quét dọn vườn tược luôn quá đi mất.
Trong chùa có 1 bức tượng Phật nằm, phỏng theo mô hình của bức tượng Phật lúc ngài nhập Niết bàn ở Kushinagar, nằm ngay giữa chánh điện. Điều này tôi rất ít gặp ở các chùa khác, nơi bức tượng Phật nằm hay được nằm riêng, bên ngoài. 
Chùa Nhật Bản trầm mặc

Bên trong chùa Nhật Bản
Viếng xong chùa Nhật, tôi lại đi tiếp đến chùa Tibet, lòng vui vui như gặp lại người thân quen xa nhớ. Không thể lẫn vào đâu được chiếc cổng chùa vàng, đỏ, với 2 chú dê xinh xắn ở trên, những chiếc màn che thân quen, cờ phướn Tibet tung bay phần phật trong gió...

Chùa Tây Tạng vắng vẻ
Chùa Tây Tạng vắng vẻ, tôi lặng lẽ vào chùa, đi theo những hàng bánh xe chuyển pháp luân, vừa đi vừa quay những chiếc bánh xe cầu nguyện, vừa bồi hồi nhớ mới đây thôi mình cũng đã vừa đi vừa quay như vậy ở chùa Jokhang, cung Potala... nơi miền đất Lasha yêu thương.
Chiều đã muộn, tôi rời Sarnath lòng tràn ngập niềm hân hoan. Về đến ga Varanasi, tôi đi vào phòng Tourist Information để hỏi thăm thông tin về chuyến tàu rời Varanasi ngày mai. Đang lớ ngớ nhìn quanh nhìn quẩn thì thấy có một chú đang ngồi nhổ râu nên bước tới hỏi thông tin. Chỉ vừa mới hỏi “vui lòng cho tôi hỏi thăm…?” thì chú ấy bảo luôn, “mày muốn mua vé đi đâu tao mua giúp cho”.
Rồi rất nhanh tôi đã có vé tàu. Lúc này quay lại mới thấy các bạn Tây nhìn tôi với ánh mắt mang hình viên đạn, đầy vẻ căm hờn. Té ra là các bạn ấy đang ngồi xếp hàng chờ để giải quyết vé, mà người đang giải quyết cho họ là 1 chú khác, ngồi gần chú đã giúp tôi. Tôi đâu có biết, lúc tôi đến cũng thấy chú kia đang giải quyết vé nên tôi đâu có chen ngang, chỉ tính hỏi thăm thông tin ở chú đang rảnh rỗi thôi mà.
Dù sao thì sự đã rồi, tôi cũng hơi quê quê, rón rén đút cái vé vào túi rồi âm thầm đi ra cửa, rồi ung dung ra khỏi ga, lòng càng thêm phơi phới khi vé đã nằm trong tay, nhảy phốc lên chiếc xe lôi thẳng tiến về phía bờ sông.
Kẹt xe ở Varanasi
Chiều nay ở Varanasi kẹt xe, tội nghiệp anh tài xế xe lôi phải đi lòng vòng tìm đường tránh rồi cũng bị kẹt. Cuối cùng, sau 1 hồi lòng vòng hơn tiếng đồng hồ đám kẹt xe mới rã, dù sao cũng đỡ hơn ở quê nhà. Mà sao tôi thấy ở Ấn Độ, Varanasi cũng có nhiều cái giống giống Việt Nam. Nếu thay hết những người Ấn da đen cao lớn bằng những người Indochine da vàng mũi tẹt thì có lẽ Varanasi cũng chẳng khác Việt Nam là mấy, nhất là cái cảnh tượng bon chen giành đường, lấn trái, bóp còi inh ỏi… chẳng khác gì nhau.
Ngồi trên xe làm tấm hình với mấy nhóc cũng chung cảnh ngộ kẹt xe
Rồi tôi cũng về được khu phố bờ sông, đã bớt ồn ào hơn khi chiều xuống. Tôi bắt đầu xuống sông chiến đấu với các bạn cò, bạn vạc để thuê thuyền đi ngắm hoàng hôn trên sông. Sau 1 hồi rèn luyện, tăng cường phát huy kỹ năng thương lượng, kỹ năng chiến đấu.... Bị nắm tay nắm chân lôi kéo xô đẩy… tôi leo lên 1 chiếc đò nhỏ, chỉ một mình tôi là du khách, với giá chỉ 70Rp cho 1 chuyến đò đi ngắm hoàng hôn trên sông. Giá ban đầu là 300 Rp/đò, vì theo các chú, dù đi 1 người phải trả ít nhất như vậy. Nhưng cuối cùng thì đã không “là như vậy”.
Backpackervn

Không có nhận xét nào: