Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Ấn Độ - Những ngày Đông rực nắng (P11)

(Nguoiduatin.vn) - Mặt trời vẫn chưa ló dạng nhưng ánh sáng đầu ngày đã sáng hẳn trên các Ghat to lớn bên bờ sông. Rất nhiều Ghat có ghi rõ niên đại đâu từ thế kỷ XVII, XVIII nhưng cho đến nay vẫn còn rất nguyên vẹn.
Kiến trúc của các Ghat rất khác nhau, theo niên đại hoặc theo kiến trúc của các vùng rất khác nhau của đất nước Ấn Độ to lớn. Sự hiện diện của chúng đã đem lại cho sông Hằng 1 vẻ đẹp khác thường và con sông Hằng lờ lững bên dưới cũng làm cho chúng đẹp hơn hẳn.
Vẫn chưa thấy mặt trời lên trên sông Hằng

Ghat từ đầu TK XIX



Ghat “Hanuman” vì có nhiều khỉ, theo lời ông lái đò
Hôm nay, tôi đã may mắn vì mấy hôm trước ở Varanasi không có mặt trời. Mãi chen lấn để lách qua những đám mây dày đặc của những ngày đông, mặt trời trở nên bé nhỏ và yếu ớt. Chỉ đủ để thấy chiếc dĩa tròn hồng hồng ở ngang lưng chừng trời chứ chẳng oai vệ như ở ngày hè miền nhiệt đới chói chang. Tuy nhiên, chỉ với chút hồng yếu ớt đó, con sông Hằng đã chuyển sang 1 sắc thái hoàn toàn khác. Bừng sáng dịu dàng và kiêu hãnh! 
Bình minh trên sông Hằng

Sông bỗng bừng sáng
 Chút sương mỏng tang trên sông giờ cũng ánh lên một chút hồng khi những tia nắng bắt đầu lan trên sông. Những con đò bé bé ở xa xa giờ chợt thoắt hiện khi sương bắt đầu tan đi, làm thành những điểm nhấn tô điểm cho con sông chợt trở nên tinh khôi hơn trong một bình minh sương hồng.
Tôi leo lên bờ, vẫy tay chào ông lão chèo đò đang quay đò về chốn cũ, rồi bắt đầu hành trình lang thang trên bờ sông. Bờ sông Hằng là nơi phản ánh cuộc sống đa dạng và sinh động của người dân Varanasi.
Những chiếc saree dài 7-8m thật nhiều màu nằm phơi dài phất phới trên triền sông, không xa là hàng hàng lớp lớp những bánh phân bò nén tròn nâu nâu phơi mình trong nắng, rồi những chiếc drap giường, khăn trải bàn màu trắng cũng nằm hơ hớ ngay trên bờ sông…  
Với người dân, đây vừa là nơi thể hiện lòng thành cho những người mộ đạo và cũng là nơi sinh hoạt của những người dân sống quanh đây. Những người dân tắm rửa giặt giũ phơi phóng bên cạnh những tín đồ đang quỳ lạy, tụng niệm hay tắm rửa tẩy trần dưới sông.
Nhiều gia đình đang tụ tập bên bờ sông để cầu nguyện cho người thân vừa mất, mà bạn rất dễ nhận ra vì họ vừa cạo trọc đầu nhẵn thín, góc các, các đạo sĩ hay pháp sư cũng rì rầm khấn vái nghiêm trang bên cạnh những chú bò, dê đang lang thang khắp nơi khắp chốn và mùi xú uế do các chú thải ra, cùng với của cả con người, nồng nặc trên nhiều khúc sông…. Sông Hằng vẫn lờ lững trôi bên dưới, như vẫn đã trôi từ ngàn đời nay.
Chất đốt ở 1 thành phố 3.500 tuổi

Sân phơi của thành phố 3.500 tuổi

Thành kính

Nô đùa
Lang thang trên triền sông, đến khi gần về nhà nghỉ, mặt trời vẫn cứ hồng hồng bên sông, dù đã cao lưng chừng trời. Tôi leo lên 1 góc nhỏ trên cao, hơi vắng vẻ và ngồi lại thật lâu để ngắm bình minh muộn, ngắm sông Hằng thật kỹ trước khi chia tay con sông huyền thoại.
Chào nhé sông Hằng!

Chào nhé Varanasi
Rời sông Hằng, tôi đến ga Varanasi vừa đúng giờ tàu chạy theo như thông tin trên vé, khi ở đoạn cuối con đường từ bờ sông đến ga, tôi đã phải nhảy khỏi rickshaw vác balo chạy bộ vì kẹt xe – cộng thêm cái tội là mải mê ngồi bên sông Hằng đến sát giờ mới lên rixkshaw.
Thở hồng hộc như con trâu điên, tôi xông vào ga, xông đến anh soát vé, hỏi thăm chuyến tàu Varanasi – Gaya chạy ở đường sắt số mấy, đến chưa… rồi lại hốc tốc chạy đến đó.
May quá, tàu vẫn chưa đến. Nhưng rồi vận may đã nhanh chóng chuyển thành nỗi buồn tê tái khi tôi lê la vật vạ ở đó để chờ đợi con tàu đi Gaya trong gần 3h kế tiếp. Khi tàu đến, nó lại đổi sang đường ray khác chứ không phải đường ray mà tôi đang ngồi chờ.
Nãy giờ chờ tàu tôi rất bồn chồn và khó chịu, không phải vì lý do tàu đến trễ mà vì cái kế hoạch đánh nhanh rút gọn của tôi đã tan tành mây khói theo con tàu đến muộn. Việc tàu đến trễ làm thời gian ở Bodgaya của tôi còn rất ít, chuyến đi viếng Bodhgaya của tôi thành chuyến cỡi ngựa xem hoa. Âu cũng là duyên số, nhưng dù sao cuối cùng tôi cũng đã đến được vùng đất Phật thứ 4 này – tạm nhủ với lòng là mình rất may mắn.
Số là tôi dự định đến Gaya vào xế trưa, nhảy xe autorickshaw đến Bodhgaya thăm viếng nơi đây từ chiều đến tối rồi tối khuya quay lại ga Gaya để lên chuyến tàu đêm đi Delhi. Một buổi chiều thì rất ít nhưng cũng có thể tạm đủ vì tôi chỉ muốn ghé thăm Đại Bảo Tháp mà thôi.
Tàu đến ga đã chậm giờ, chạy cũng chậm làm tôi sốt ruột vô cùng nhưng biết làm sao bây giờ. Kế hoạch là tàu Varanasi – Gaya đi từ 9.40g đến nơi khoảng 13.00g, nhưng thay vào đó 12.30g trưa tàu mới chạy từ Varanasi và đến Gaya lúc 16.30g. Thêm vào đó, việc hỏi thăm và mua vé tàu Gaya đi Delhi cũng phức tạp, đến khi xong xuôi là đã hơn 5.30pm, trời đã bắt đầu sụp tối.
Số là sau khi mua 2 cái vé tàu và được sự nhiệt tình giúp đỡ của các nhân viên của ga Gorakhpur và Varanasi, tôi rất tin tưởng ở họ. Khi đến ga Gaya cũng vậy, tôi cũng vào phòng Tourist Information ở đây nhờ mua vé. Phục vụ ở đây là 1 bác cũng trạc 60, khi tôi vào, bác ấy nói là sắp tới giờ về (gần 5pm) nhưng để tao ở lại giúp mày (!). Sau đó, bác ấy nói rằng đêm nay có 2 chuyến tàu từ Gaya đi Delhi, 1 chuyến tàu cao cấp và 1 chuyến tàu bình dân. Chuyến tàu cao cấp chạy trước và chạy nhanh hơn.
Bình thường là tôi sẽ chọn tàu bình dân, nhưng nghĩ đến việc chờ tàu đến giữa đêm khuya ở 1 cái ga phức tạp, 2 nữa là tàu từ Gaya đi Delhi mười mấy tiếng, cũng không nên tiết kiệm quá mức, 3 là các bạn đang chờ mình ở Delhi mà mình tới trễ quá cũng kỳ. Thế là tôi đưa bác ấy số tiền mua vé đi tàu nhanh. Nhờ tôi trông coi văn phòng, bác ấy tất tả đi mua vé.
Ngồi không rảnh rỗi, tôi mở cuốn sổ thông tin thì thấy trong đó có tên của 2 bạn người Việt nữa cũng đã nhờ bác này mua vé và lưu lại thông tin ở đây (mà sao các bạn ấy không cảnh báo mình về bác trai India trong cuốn sổ này hén (bằng tiếng Việt thì bác ấy đâu có biết)). Một hồi lâu, bác ấy quay về đưa tôi vé của chuyến tàu chậm và nói ”cả 2 tàu đều hết vé, tao phải chi thêm mới có vé cho mày đây”. Khoảng chi thêm đó khoảng 250Rp (khoảng 90.000VND thôi, gần bằng 2/3 cái vé tàu chậm), nhưng ôi trời đất ơi, tôi vừa bực mình vừa buồn cười vì dạn dày như mình còn bị bác này xí gạt.
Thực tế lúc đó tôi cũng rất phân vân vì trời đã tối, nếu cự cãi với bác ấy, đi gặp trưởng ga thì cũng xong nhưng chưa chắc sau đó tôi mua được vé, rồi mất thêm thời gian, không đi được Bodhgaya. Do vậy tôi chỉ cười trừ, vào ga gửi hành lý rồi ra nhảy auto-rickshaw đi Bodgaya, vừa đi vừa buồn cười cho mình.
Trời đã sụp tối hẳn khi tôi vừa đặt chân đến miền đất Phật thiêng liêng Bodhgaya.
Backpackervn

Không có nhận xét nào: