Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

(THVL) Quần đảo Guadeloupe trên biển Caribe

Quần đảo Guadeloupe được hợp thành từ 5 đảo nhỏ: Basse-Terre, Grande-Terre, La Désirade, Les Saintes và Marie Galante. Quần đảo này nằm ở khu vực phía Đông của vùng biển Caribe và cách bờ biển nước Pháp khoảng 7.000 km.
Guadeloupe có diện tích 1.628 km vuông với dân số chỉ khoảng 425.000 người. Đây là 1 trong 27 lãnh phận hải ngoại của nước Pháp. Mỗi hòn đảo trên quần đảo này đều có phong tục, truyền thống văn hóa riêng và chịu nhiều ảnh hưởng của người Tây Ban Nha, người Pháp và người châu Phi. Tuy cách biệt nhau chỉ qua một con kênh rộng 50 met nhưng cảnh quan trên hai đảo chính Grande Terre và Basse Terre của quần đảo Guadeloupe lại khác nhau hoàn toàn. 
Guadepoupe được hợp thành từ 5 đảo nhỏ. Hai đảo chính là Grande Terre và Basse Terre
Đảo Grand Terre nằm ở phía Đông nổi bật với những khối đá vôi và bãi biển dài thật đẹp, thời tiết khô ráo và là điểm đến đặc biệt hấp dẫn đối với khách du lịch. Còn Basse Terre là hòn đảo có nhiều núi non với khu rừng nhiệt đới trải rộng.
Đảo Grand Terre nổi bật với những khối đá vôi và bãi biển dài thật đẹp
Ngọn núi lửa La Grande Soufrière vươn mình lên cao trên đảo Basse Terre. Với độ cao 1600 met, ngọn núi lửa này là nơi cao nhất trên khu vực phía Đông của biển Caribe. Các văn phòng du lịch trên đảo luôn sẵn sàng cung cấp cho khách những tour du lịch hấp dẫn trên vùng biển Caribe.
Ngọn núi lửa La Grande Soufrière
Dấu tích của người Arawak – những cư dân bản xứ của vùng biển Caribe – vẫn còn hiện hữu trên quần đảo Guadeloupe. Người Arawak đến từ Nam Mỹ chuyên kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá. Khi đặt chân đến Guadeloupe vào thế kỷ XV, người châu Âu đã gặp nhiều người bản xứ Arawak. Nhà thám hiểm Christopher Columbus đã miêu tả trong nhật ký của mình rằng: “người dân nơi đây rất chân thật và hào phóng, sẵn sàng chia sẻ những gì mình có”. 
Khi Christopher Columbus đặt chân lên đảo vào năm 1493, ông đã gọi nơi này là Guadeloupe. Với hành động trên, ông đã hoàn thành lời hứa với những tu sĩ Tây Ban Nha là sẽ đặt tên cho một vùng đất mà ông tìm thấy theo tên của nơi hành hương thiêng liêng Santa Maria de Guadalupe của đất nước họ.
Thu hoạch mía đường trong những đồn điền trồng mía trên quần đảo Guadeloupe
Vào năm 1635, người Pháp đã thiết lập quyền thống trị trên quần đảo Guadeloupe. Nông dân từ các vùng như Normandie, Brittany, Charentes .. của nước Pháp đã đến quần đảo này định cư. Họ xây dựng nhiều đồn điền để trồng nông sản, chủ yếu là café và mía đường. Người Pháp cũng mang những nô lệ châu Phi đến làm việc trên những đồn điền ở đây. Những dấu tích của thời kỳ lịch sử này vẫn còn khắc ghi đậm nét ở nhiều nông trại, ở những nhà máy sản xuất rượu Rum trên đảo Bass-terre. 
Cây mía đường phát triển rất tốt trên các hòn đảo thuộc quần đảo này. Trong chuyến hải hành thứ hai đến đây, nhà thám hiểm Christopher Columbus đã mang theo nhiều loài cây để trồng trên vùng đất mới, trong đó có cây mía đường. Loài cây này cao thêm khoảng 3cm/ngày. Quần đảo Guadeloupe không có quá nhiều mưa hay nắng, thời tiết này rất thích hợp cho cây mía sinh trưởng và việc chế biến rượu Rum.
Rượu Rum ở Guadeloupe là ngon nhất
Dù chúng được sản xuất bằng những cỗ máy đã có hàng trăm năm tuổi, nhưng nhiều người vẫn cho rằng, rượu Rum của Guadeloupe cùng với rượu Rum trên đảo Martinique là ngon nhất. Các nhà máy sản xuất rượu Rum ở đây đều sử dụng nguyên liệu tươi ngon là những cây mía đường được trồng trên chính quần đảo này.
Loại rượu Rum được nhiều người ưa thích nhất là rượu rum trắng. Loại rượu này thường được chứa trong thùng thép không rỉ ít nhất 3 năm, khi đó rượu mới ngon.
Tea punch
Ở Guadeloupe, người ta thường dùng rượu Rum trắng để pha chế một loại thức uống được gọi là tea punch – một loại trà rất phổ biến ở vùng biển Caribe. Để có loại thức uống này, họ dùng rượu Rum hòa chung với siro mía, một ít đường mía, một miếng chanh và dĩ nhiên là không thể thiếu nước đá. Tea punch là loại trà rất phổ biến ở Guadeloupe. Dân địa phương thường dùng tea punch để đãi khách. 
Trước đây, người nô lệ châu Phi đã góp phần rất lớn trong việc biến cây mía đường thành một trong những loại nông sản quan trọng nhất thế giới. Lịch sử của những người nô lệ và chế độ thuộc địa đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trên các công trình kiến trúc ở nhiều thành phố thuộc quần đảo Guadeloupe.
Người nô lệ châu Phi đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử trên vùng đất xinh đẹp này của vùng biển Caribe. Pháo đài Delgrès là một danh thắng đáng chú ý trên đảo Bass-terre. Tên của pháo đài được đặt theo tên của ông Louis Delgrès, người đã cùng đội quân những người nô lệ anh dũng hy sinh trong trận chiến chống lại quân Pháp vào năm 1802 . Hiện, trên đảo vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện lịch sử về ông.
Pháo đài Delgrès
Người nô lệ đã được giải phóng vào năm 1848 nhưng nhiều người vẫn tiếp tục định cư ở vùng đất này. Cư dân sống trên đảo Guadeloupe ngày nay chủ yếu là con cháu của những nô lệ châu Phi khi xưa. Họ vẫn duy trì truyền thống của tổ tiên dù đang sống xa quê hương. Sự hòa hợp về văn hóa giữa các tộc người khác nhau được thể hiện qua trang phục, ẩm thực, âm nhạc và cả ngôn ngữ Creole của họ.
Creole tức là người gốc châu Phi. Ẩm thực của người Creole là sự kết hợp giữa cách chế biến của người châu Âu, nguyên liệu của người châu Phi, gia vị của người phương Đông…
Những bộ trang phục nhiều sắc màu của cư dân địa phương cũng thể hiện sự ảnh hưởng văn hóa của người châu Phi, người châu Âu và người Tây Ban Nha. Người dân nơi đây rất thích mặc trang phục nhiều màu sắc. Với những bộ quần áo rực rỡ như thế, mọi người cảm thấy vui vẻ, không còn buồn bã nữa. Các loại trang phục nhiều màu sắc như thế này đã có từ thời kỳ nô lệ, chúng chịu ảnh hưởng từ phong cách ăn mặc và văn hóa của người Tây Ban Nha, người châu Phi…
Những bộ trang phục nhiều màu sắc được mặc phối hợp với nhiều phụ kiện khác nhau. Trang sức được chế tác tinh xảo bằng vàng cũng có lịch sử lâu đời như trang phục.

Trang phục đầy màu sắc của người Creole
Những món đồ trang sức trên vùng này cũng có nguồn gốc từ thời kỳ nô lệ trong quá khứ. Những người phụ nữ da trắng thời bấy giờ thường đeo rất nhiều đồ trang sức, đấy là niềm mơ ước mà những người phụ nữ da đen rất muốn học theo. Sau khi người nô lệ được giải phóng, họ bắt đầu tích cóp vàng để làm các món trang sức và đeo trên người. Họ muốn chứng tỏ cho mọi người biết rằng, họ cũng có của cải, họ cũng là những người phụ nữ giàu có.
Khi mặc những bộ trang phục nhiều màu, người ta thường dùng kết hợp với chiếc khăn choàng tóc. Khăn choàng tóc của phụ nữ Guadeloup được quấn gọn gàng. Trên đầu họ chỉ có một chỗ khăn nhô cao. Nếu vấn khăn nhô lên ở bên phải thì có nghĩa là người phụ nữ chưa yêu ai, nếu là ở trung tâm thì người phụ nữ đó còn tự do, nếu khăn vấn nhô ở bên trái thì cô ấy đã yêu một ai đó.
Gwo ka là thể loại âm nhạc truyền thống với tiếng trống và có nguồn gốc từ thời kỳ thuộc địa. Cái tên Gwo ka xuất phát từ chữ Crô – kha của người Creole có nghĩa là “cái trống lớn” – loại trống đóng vai trò trung tâm trong thể loại nhạc Gwo ka. Khi chơi loại nhạc cụ này, người ta thường dùng 2 tay vỗ lên mặt của nó. Người Creole cũng dùng trống để thông tin liên lạc và biểu lộ cảm xúc.
Gwo ka là loại trống lớn đóng vai trò quan trọng trong một thể loại nhạc cùng tên
Khi người nô lệ châu Phi được đưa đến Guadeloupe, họ không được mang theo nhạc cụ nào cả trong khi ở quê nhà trống là loại nhạc cụ phổ biến. Vì thế, họ đã dùng những miếng da dê căng ra thật thẳng rồi phủ lên bề mặt cái thùng rỗng bằng gỗ chứa hàng. Với sự sáng tạo, họ đã biến những cái thùng gỗ thành nhạc cụ. Loại nhạc cụ này từng bị cấm sử dụng trong một khoảng thời gian dài vào thời thuộc địa vì nhà cầm quyền sợ tiếng trống mạnh mẽ thúc giục người nô lệ vùng lên đấu tranh giành quyền tự do. Người nô lệ da đen đã gửi gắm tâm tư của họ qua tiếng trống. Ngoài ra, họ còn thể hiện những tình cảm, tình yêu, niềm vui, công việc qua bài hát.
Thanh Trúc
 

Không có nhận xét nào: