Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Brighton - Thành phố tình yêu cùng dấu

Có nhiều lý do khiến người ta tìm đến Brighton, bởi rằng nó đẹp, đẹp từ những con hẻm nhỏ loanh quanh phố cổ, nguy nga với những cung điện, đền các mang phong cách hoàng gia Anh, sở hữu cả một bãi biển thơ mộng dài gần chục cây số ngập đầy đá sỏi. Nhưng hấp dẫn hơn thế, đó là nơi tình yêu cùng dấu bắt đầu.
Chuyến tàu nhanh từ nhà ga Victoria ở thủ đô London đưa tôi đến Brighton, hành trình 52 phút đi tàu cùng những chuyện kể đầy hấp dẫn về “thủ đô” của người đồng tính khiến tôi không khỏi tò mò, bởi trong chuyến tàu chật kín người hôm ấy, mọi người đều có chung mục đích tham gia một lễ hội đặc biệt dành cho người đồng tính hấp dẫn nhất Anh Quốc và cả châu Âu. Những gương mặt lòe loẹt cùng bộ trang phục được hóa trang khác biệt, những cử chỉ vuốt ve, đùa giỡn thân mật của các cặp đôi đồng tính trên tàu, dễ gây ngạc nhiên cho những người lần đầu đến Brighton như tôi, và điều đó càng khiến đường đến Brighton thêm ngắn lại.
Rộn ràng Brighton Pride
Rời khỏi nhà ga chính Brighton, dòng người đua chen nhau ùa về trục đường chính để đón chào đoàn diễu hành của thế giới đồng tính đến từ các nước. Năm nay là dịp đặc biệt kỷ niệm sinh nhật lần thứ 25 của lễ hội. Đám diễu hành diễn ra vào 11 giờ thứ Bảy 1.8, bắt đầu từ Hove Lawns, qua đường King’s Road - West Street - North Street - London Road và điểm đến là công viên Preston, với số người tham dự ước tính lên đến 160.000.
Hiện đã có 22 quốc gia công nhận hôn nhân đồng tính, trong đó Hà Lan công nhận sớm nhất (2001), Vương quốc Anh dù có “thủ đô” dành cho người đồng tính với lễ hội Brighton Pride nổi danh toàn thế giới, nhưng việc công nhận hôn nhân đồng giới chỉ mới được thực hiện từ 2013. Mỹ là quốc gia muộn nhất công nhận hôn nhân cùng giới trên toàn lãnh thổ từ 26.6.2015.
Một màn trình diễn đầy màu sắc trong ngày hội Brighton Pride
Lễ hội Brighton Pride là dịp để các nhóm đồng tính đến từ khắp thế giới thể hiện quan điểm, tính cách, tình yêu và mong muốn chứng tỏ mình trước đám đông bằng các loại hình hóa trang đầy màu sắc, các màn trình diễn ấn tượng có sự kết hợp của âm nhạc, cùng phương tiện đi kèm, từ ngựa, xe cổ, xe đời mới, xe cứu hỏa, cứu thương đến cả... xe tăng, tất cả diễu hành quanh Brighton theo trục đường định sẵn, tạo thành một loại hình nghệ thuật đường phố đầy vui nhộn.
Đồng hành trong chuyến đi Brighton tham gia lễ hội, một phụ nữ da màu đến từ Ethiopia biểu lộ đầy vẻ ngạc nhiên, chia sẻ với tôi rằng: “Ở đất nước tôi, đồng tính là một vấn đề rất nhạy cảm, người thể hiện tình yêu hoặc quan hệ đồng giới có khả năng nhận án phạt tù từ mười năm trở lên. Bởi vậy khi đến lễ hội này, điều tôi muốn tìm hiểu là khía cạnh đồng tính dưới sự nhìn nhận của xã hội, và tôi hoàn toàn bất ngờ bởi sự tự do thể hiện mình trong thế giới đồng tính ở Brighton. Nhìn đoàn người diễu hành trong đám rước với niềm vui, niềm hạnh phúc, sự tự tin khi dám thể hiện mình, khiến tôi vui lây trong ngày hội của họ”.
Điểm đến lãng mạn của các đôi tình nhân
Vượt qua những rào cản về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, định kiến xã hội, lễ hội đồng tính ở Brighton hàng năm diễn ra trong hai ngày đầu tháng 8 còn là dịp để ngành du lịch Brighton hốt bạc, bởi con số du khách vãng lai và người tham gia lễ hội đem lại cho Brighton mức thu nhập khoảng 20 triệu bảng Anh (hơn 600 tỉ đồng)/ngày. Và không thể phủ nhận rằng, lễ hội đồng tính tạo thêm cho Brighton một sự kiện thú vị, để địa danh này càng trở nên hấp dẫn, quyến rũ trong sổ tay lữ khách.
Những điểm đến kỳ thú
Nếu đến Brighton không vào dịp lễ hội, thành phố ven biển này còn một chuỗi dài các điểm đến đầy hấp dẫn khác. Với người yêu thích giá trị cổ xưa, điểm đến lý tưởng sẽ là các di tích có tuổi đời hơn 200 năm gắn liền với sự phát triển của hoàng gia Anh như nhà thờ Chúa Ba Ngôi (Trinity Church), nhà hát Hoàng gia, lâu đài Brighton, tháp đồng hồ, tòa thị chính... Độc đáo trong các kiến trúc ấy là cung điện Royal Pavillon - hình thành từ thế kỷ XVIII với kiến trúc tương đồng phong cách Mughal đặc trưng Ấn Độ ở thế kỷ XVII. Công trình kiến trúc lộng lẫy này dễ khiến khách phương xa lầm tưởng đang lạc bước đâu đó trong hành trình chu du xứ Ấn, thăm thú cung điện, đền đài của vị vua Shah Jahan - người xây nên Taj Mahal - biểu tượng của tình yêu và sự lãng mạn, chứ không phải đang ở Brighton nước Anh.
Cung điện Hoàng gia, một trong những công trình nổi tiếng do KTS. John Nash xây dựng ở Brighton
Điểm hấp dẫn tôi hơn cả ở Brighton chính là bãi biển kỳ lạ, không phủ cát trắng mà thay vào đó là các hòn sỏi nhỏ, trải dài gần chục cây số. Nổi bật trên mép biển là cầu cảng Brighton, nơi người ta xây dựng cả một khu phức hợp gồm nhà hàng, sòng bạc, các trò giải trí, trò chơi mạo hiểm... để hấp dẫn du khách. Gặp ngày nắng đẹp, biển ấm dần cũng là dịp đùa vui cùng sóng nước lạnh như đá, để rồi làm nóng bằng màn tắm nắng bên những chú hải âu, mòng biển rất dạn người lượn quanh kiếm mồi, những lữ khách thiếu kinh nghiệm khi bày đồ ăn bên mép biển, chỉ một chút sơ sểnh là bị cả bầy mòng biển xô đến cướp sạch đồ ăn trong nháy mắt. Brighton ngày mưa cũng có những địa danh lý tưởng khác để thăm thú, tiêu biểu là Bảo tàng Brighton - không gian triển lãm bộ sưu tập gốm sứ phong phú bên cạnh tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ đương đại.
Những con phố nhỏ hẹp luôn nhộn nhịp bước chân du khách 
Và khi đã mãn nhãn với các tác phẩm nghệ thuật, việc tìm một quán ngon ở Brighton không khó, bởi những con phố nhỏ nơi trung tâm tràn ngập cửa tiệm bán đồ trang sức cao cấp, đá quý, xen trong đó là những quán ngon mang đủ phong vị ẩm thực độc đáo, từ phong cách Lebanon, Bắc Phi và vùng Trung Đông như nhà hàng A Taste of Sahara trên đường Western, Fil-Fil cà phê với các món phong cách Ả Rập, Palestine, Israel và Nam Phi trên đường Gardner. Người hoài cổ có thể tìm đến The Cricketers - một quán bar có từ năm 1547 trên đường Black Lion. The Cricketers là chốn lui tới hoàn hảo để tận hưởng một pint (570ml) bia tươi Cask Ale chưng cất theo phương pháp cổ truyền, chậm rãi tận hưởng vị ngọt đậm cùng hương đại mạch thơm nức mũi và từng bước khám phá vẻ đẹp không gian quán vẫn nguyên vẹn như ngày nhà văn nổi tiếng của Brighton là Graham Greene - cha đẻ tiểu thuyết lừng danh Người Mỹ trầm lặng - thường lui tới ở căn phòng trên tầng có tên gọi riêng là The Greene Room Bar, trước khi kết thúc một ngày thăm thú Brighton với thật nhiều niềm vui và kỷ niệm đáng nhớ.
Bài và ảnh Nguyễn Đình

Không có nhận xét nào: