Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

Nhà Trắng do người Ireland thiết kế

Ireland (tên chính thức Cộng hòa Ireland) là quốc gia có chủ quyền ở tây bắc châu Âu với tổng diện tích 70.273 km vuông. Ireland có biên giới trên bộ duy nhất với Bắc Ireland thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Tính đến năm 2018, dân số Ireland là 4,8 triệu.
Theo Ireland Information, nhiều công trình, vật biểu tượng hay phát minh nổi bật trên thế giới được tạo ra bởi người dân nước này. Năm 1844, bác sĩ Francis Rynd ở Ireland đã phát minh kim tiêm dưới da, trở thành thiết bị y tế phổ biến trên toàn thế giới.
Năm 1900, Hải quân Mỹ đã mua một chiếc tàu ngầm hiện đại đầu tiên với tên gọi Holland VI (sau đổi thành USS Holland), được phát minh bởi John Philip Holland, kỹ sư gốc Ireland. Tượng vàng Oscar, phần thưởng ý nghĩa trong lĩnh vực điện ảnh, được thiết kế bởi đạo diễn Austin Cedric Gibbons, người Ireland.
Nhiều người cũng sẽ ngạc nhiên khi biết Nhà Trắng, nơi ở và nơi làm việc của các đời tổng thống Mỹ, không phải sản phẩm của kiến trúc sư người Mỹ mà là người Ireland - James Hoban. 
James Hoban, người thiết kế Nhà Trắng. Ảnh: Vinos y Caminos
James Hoban, người thiết kế Nhà Trắng. Ảnh: Vinos y Caminos
Britannica thông tin, James Hoban (1762-1831) được đào tạo phong cách kiến trúc Georgian ở Ireland và Anh, theo đuổi phong cách này suốt sự nghiệp.
Hoban di cư sang Mỹ sau Chiến tranh Cách mạng Mỹ (1775-1783), đầu tiên ở Philadelphia, sau đó chuyển tới South Carolina. Trong thời gian ở đây, ông thiết kế rất nhiều công trình, bao gồm tòa án cấp quận ở Charleston.
Năm 1792, Hoban chiến thắng cuộc thi quốc gia về thiết kế dinh thự tổng thống. Nhà Trắng đã được khởi công vào năm 1793 và phải mất 8 năm mới hoàn thành. Thiết kế của công trình nổi tiếng này lấy cảm hứng từ tòa nhà quốc hội Leinster House ở thủ đô Ireland.
Ảnh: The Advocate
Ảnh: Shutterstock

Thủ đô Ireland là Dublin

Thủ đô Dublin là thành phố lớn nhất và đông dân nhất cả nước, theo World Atlas. Dublin nằm ở tỉnh Leinster ở bờ biển phía đông của Ireland. Người ta cho rằng những người nói tiếng Celt đã thành lập thành phố vào thế kỷ 7.
Dublin là thành phố alpha, có nghĩa đứng đầu về kích thước và kinh tế so với các thành phố khác trong nước. Với diện tích khoảng 114 km vuông, Dublin có khí hậu đại dương đặc trưng của khu vực tây bắc châu Âu. Mùa đông ấm áp và mùa hè mát mẻ.
Dân số khu vực đô thị mở rộng hiện khoảng 1,9 triệu, dự kiến tăng lên khoảng 2,1 triệu vào năm 2020. Đa số người nhập cư vào Ireland chọn sống ở Dublin, chủ yếu từ người từ Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Công giáo là tôn giáo chủ yếu trong thành phố.
Thành phố Dublin. Ảnh: The Irish Times
Thành phố Dublin. Ảnh: The Irish Times
Ireland là một trong những nước phát triển nhanh nhất châu Âu với mức tăng trưởng trong năm 2017 là 7,3%. Sự tăng trưởng thể hiện rõ nhất ở Dublin, trung tâm kinh tế của quốc gia. Thành phố được biết đến với ngành công nghiệp sản xuất bia, trong đó Guinness là thương hiệu bia thành công bậc nhất thế giới.
Các ngành công nghiệp truyền thống khác trong thành phố bao gồm dệt và chế biến thực phẩm. Phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm 1990 đã thu hút các công ty đa quốc gia như Facebook, Google, eBay và Yahoo vào thành phố. Nhờ đó, Dublin đã phát triển khu vực Silicon Docks và Digital Hub. Nó được coi là một trong những "thủ đô công nghệ của châu Âu". Thành phố này cũng là một trung tâm tài chính, sở hữu chi nhánh của hơn một nửa trong số 50 ngân hàng lớn nhất thế giới.
Chi phí sinh hoạt ở Dublin cao hơn đáng kể so với phần còn lại của đất nước. Nó được xếp hạng là thành phố đắt thứ 41 trong số 500 thành phố lớn nhất thế giới.

Biểu tượng quốc gia của Ireland là đàn hạc

Theo Ireland Information, thông qua phim ảnh và truyền hình, nhiều người luôn nghĩ cỏ ba lá (Shamrock) là biểu tượng quốc gia của Ireland. Thánh Patrick, thánh bảo trợ Ireland, đã dùng nó để ẩn dụ cho Ba Ngôi của Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, đàn hạc mới là hình ảnh được in lên quốc huy của nước này.
Từ thời cổ đại, đàn hạc luôn chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa Ireland. Tác phẩm điêu khắc gỗ thời xưa đã minh họa một bữa tiệc, trong đó nghệ sĩ đàn hạc đang được tán dương.
Khoảng năm 1534, vua Henry VIII đã cho lưu hành đồng xu có hình chiếc đàn hạc và vương miện ở phía trên đỉnh. Sau đó, đàn hạc trên nền xanh thường xuất hiện trong nhiều dịp lễ chính thức của hoàng gia. Dần dần, lá cờ màu xanh lá cây với cây đàn hạc màu vàng được coi là biểu tượng của Ireland, dù không chính thức. 
Lá cờ xanh lá cây với hình đàn hạc cách điệu ở giữa được sử dụng lần đầu tiên năm 1642. Ảnh: Wikipedia
Lá cờ xanh lá cây với hình đàn hạc cách điệu ở giữa được sử dụng lần đầu tiên năm 1642. Ảnh: Wikipedia
Trong vài thế kỷ, quốc kỳ luôn được gọi là cờ xanh lá cây và luôn có một cây đàn hạc màu vàng ở giữa. Nhiều bài hát trong giai đoạn đó ca ngợi lá cờ và tất cả phong trào quốc gia đều sử dụng phiên bản này. 

Quốc kỳ Ireland hiện tại gồm ba màu xanh lá cây - trắng - cam

Cờ ba màu, quốc kỳ hiện tại của Ireland, lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng Pháp. Nó được sử dụng cùng cờ xanh lá cây trong cuộc nổi dậy vũ trang ở Ireland vào tuần lễ Phục sinh tháng 4 năm 1916. Năm 1922, khi Nhà nước Tự do Ireland thành lập, cờ ba màu chính thức được sử dụng như quốc kỳ.
Ảnh: Infoplease
Ảnh: Infoplease
Trong đó, màu xanh lá cây đại diện cho chủ nghĩa dân tộc, chủ yếu là người theo Công giáo La Mã; màu cam đại diện cho chủ nghĩa liên minh, chủ yếu là người theo đạo Tin Lành và màu trắng thể hiện sự hòa bình giữa giáo phái.

 Đặc sản Ireland là tảo dulse

BBC thông tin, tảo dulse là món ăn phổ biến của người Ireland hơn 1.000 năm qua. Loại tảo này giúp cộng đồng dân cư gần biển Antrim sống sót qua nạn đói kinh hoàng nhất lịch sử Ireland (1845-1849).
Tảo dulse mọc nhiều ở vùng nước lạnh như Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương từ Canada tới Scotland. Theo đầu bếp, nhà văn và đạo diễn phim tài liệu Slow Food Northern Ireland, Paula McIntyre, "tảo dulse là món đậm chất Ireland".
Tảo dulse có màu đỏ đặc trưng. Ảnh: Fine Art America
Tảo dulse có màu đỏ đặc trưng. Ảnh: Fine Art America
Thực tế, các tu sĩ dòng Thánh Columba đã thu hoạch tảo dulse Ireland từ hơn 1.400 năm trước. Vào thế kỷ 7-8 địa phương có tục lệ là bất kể khách nào đến nhà cũng được mời ăn tảo, và đi thu hoạch tảo trên các hốc đá là việc rất phổ biến. Kể từ đó, các ngư dân từ vùng Cork tới Carnlough đều bổ sung nguồn thu nhập cũng như món ăn từ loại tảo giàu protein và khoáng chất này.
Tuy nhiên vào thế kỷ 20, nhiều người Ireland đã không còn mặn mà với món dân dã này. Tảo dulse được liệt vào nhóm những món ăn bị quên lãng. Vài năm gần đây, các đầu bếp và nghệ nhân tạo nên làn sóng "phục hưng" tảo biển này ở khắp Ireland.

Thùy Linh - Tổng hợp

Không có nhận xét nào: