Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

(THVL) Đặc sắc văn hóa Hà Lan

Là xứ sở của hoa tulip, Hà Lan có rất nhiều lễ hội văn hóa về hoa. Năm nay, lễ diễu hành hoa Hà Lan lần thứ 64 đã diễn ra vào ngày 16/4. Từ sáng sớm đến chiều tối, rất nhiều loại xe hoa được trang trí công phu, sáng tạo lần lượt diễu hành trên tuyến đường dài 40 km. Mỗi xe hoa được hộ tống bởi nhiều nhóm người trong các bộ trang phục lộng lẫy. Hoạt động này nhằm chúc mừng một mùa hoa bội thu.
Hoa tulip mang về nguồn lợi nhuận lớn cho đất nước Hà Lan. Có thể nói, hoa tulip đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế Hà Lan. Lượng hoa xuất khẩu đi các nước hàng năm rất cao. Khi hoa nở rộ, đặc biệt là vào thời điểm diễn ra lễ diễu hành hoa lớn nhất trong năm thì du khách đến với Hà Lan rất đông. Nhờ vậy, doanh thu từ ngành du lịch mùa này cũng tăng đáng kể. Tulip thật sự là loài hoa không thể thiếu trong đời sống của người dân Hà Lan.
Nhắc đến hoa tulip, người ta sẽ nghĩ ngay đến đất nước Hà Lan
Những khu vườn trồng hoa nổi tiếng ở thành phố Leiden trên đất nước Hà Lan luôn là lựa chọn hàng đầu đối với những ai đam mê vẻ đẽp của loài hoa tulip. Khi mùa xuân đến, những thảm hoa tươi thắm nở rộ cả một vùng trời tạo cảnh quan thiên nhiên vô cùng tráng lệ.
Thành phố Leiden là nơi trồng hoa tulip nhiều nhất Hà Lan. Leiden là thành phố nổi tiếng với ngành dệt từ thế kỷ XV. Thành phố Leiden có trường đại học cổ xưa nhất Hà Lan. Hoa viên của trường đại học Leiden là nơi trồng trọt và chăm bón những cây hoa tulip đầu tiên trên đất nước Hà Lan.
Thành phố Leiden là nơi trồng hoa tulip đầu tiên trên đất nước Hà Lan
Trường đại học Leiden
Tuy phát triển mạnh mẽ và trở thành quốc hoa của Hà Lan nhưng tulip lại không phải là loài hoa bản địa mà có xuất xứ từ cao nguyên Trung Á. Cho đến ngày nay, vẫn còn nhiều loài hoa tulip sinh trưởng trong môi trường hoang dã. Ban đầu, loài hoa này được gọi là “Turbar”, về sau mới được gọi là Tulip.
Từ thế kỷ thứ X, người Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu trồng hoa tulip, nhưng mãi đến 600 năm sau, dưới sự thống trị của đế quốc Ottoman, loài hoa này mới được xem trọng. Thời kỳ đế quốc Ottoman rất hùng mạnh còn được gọi là “thời kỳ của hoa Tulip”.
Clusius là người đầu tiên quản lý hoa viên tại trường Đại học Leiden. Ông được người đời sau nhớ đến nhờ công lao vun trồng loài hoa tulip đầu tiên ở Hà Lan vào cuối thế kỷ XVI.
Bức tượng của Clusius
Thành phố Alkmaar nổi tiếng khắp thế giới bởi khu chợ phô mai truyền thống nằm ở phía Bắc đất nước Hà Lan, cách thành phố Leiden 56 km. Alkmaar là thành phố nhỏ yên tĩnh có nhiều sông ngòi, kênh rạch. Vào mùa xuân, thành phố thanh bình này trở nên ồn ào, náo nhiều bởi sự có mặt của đông đảo du khách trong nước lẫn quốc tế. Họ đến tham quan khu chợ phô mai truyền thống nơi đây. Từ thế kỷ XIV, Alkmaar đã bắt đầu buôn bán loại thực phẩm thơm và béo này.
Chợ phô mai Alkmaar diễn ra từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Trong quãng thời gian này, khu chợ chỉ nhóm họp 5 ngày trong tuần, 2 ngày còn lại mọi người được nghỉ ngơi. Đến với khu chợ phô mai truyền thống, du khách không chỉ được ngắm, thưởng thức, mua các loại phô mai đặc sản của vùng mà còn được xem nhiều hoạt động vui nhộn liên quan đến phô mai. 
Chợ phô mai nổi tiếng ở Alkmaar
Xe đạp là phương tiện mà người dân Hà Lan đều thích sử dụng, vì vậy khi đến Alkmaar, nhiều du khách cũng chọn cách du ngoạn bằng phương tiện này. 
Và cũng thật đáng tiếc nếu đến Hà Lan mà bạn lại không mua được cho mình một đôi guốc gỗ truyền thống xinh xắn. Guốc gỗ thật ra là một loại dép kín mũi, không có quai hậu được làm bằng gỗ. Loại guốc này đã được người Hà Lan sử dụng khoảng 700 năm qua. Kiểu dáng và màu sắc guốc gỗ rất đa dạng và đẹp mắt. 
Một lần đặt chân đến xứ sở hoa tulip và cối xay gió, du khách sẽ khám phá được bao điều thú vị.
Làng cổ thâm trầm
Nép mình bên dòng sông lơ đãng trong xanh, dưới tán cổ thụ già là những ngôi nhà cổ kính đặc trưng kiến trúc Tây Âu, cùng chiếc cối xay gió cao vút và cánh đồng hoa tulip trải dài vô tận tạo nên nét thi vị lãng mạn của đất nước Hà Lan. Chính tại đây đã sinh ra những con người thân thiện, hiếu khách và cả những món đặc sản thú vị như phô-mai, guốc gỗ, cá trích…
Món cá trích sống độc đáo
Khách tham quan chắc chắn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng ăn cá trích sống là cả một nghệ thuật ẩm thực. Còn quẫy đạp trong chậu là những con cá trích béo núc, tươi rói, to bằng hai ngón tay. Chỉ với hai nhát cắt sắc lẹm, những đầu bếp Hà Lan lấy gọn hai miếng phi-lê bên lườn cá, chao nhanh qua xốt kem chua và những lát hành mỏng, rồi cho vào ăn chung với bắp và bánh mì đen. Sắc ánh bạc của vảy cá với lấm tấm màu vàng của bắp và đen của bánh mì cộng với vị chua của nước xốt, mùi thơm của hành tạo nên hương vị thật khó cưỡng lại với thực khách. Ăn thế nào mới đúng cách Hà Lan nhỉ? Dốc ngược đầu cá, cho vào miệng để thưởng thức hết độ thơm ngon, béo ngậy của thịt cá hòa với gia vị.
Nghệ thuật đường phố sôi động
Nghệ thuật đường phố Hà Lan được cảm nhận qua giai điệu độc tấu accordéon (phong vĩ cầm), song tấu guitar thùng hay âm hưởng harmonica (khẩu cầm) sôi động của những ban nhạc công tự do. Tuy không phải là đỉnh cao nghệ thuật nhưng trình diễn đường phố lại mang rõ nét tính phổ cập, tính “hội” của lễ hội và cả ý nghĩa giáo dục thẩm mỹ. Giữa người diễn và khán giả không có khoảng cách nào, đó chính là nét đặc thù của nghệ thuật đường phố. Không chỉ ca hát và chơi nhạc, nghệ thuật đường phố còn rất đa dạng với cả ảo thuật, đọc thơ, nhân tượng...
Tranh gốm Delft Blue nghệ thuật
Trong suốt hành trình văn hóa, các nghệ nhân tranh gốm Delft Blue luôn giữ gìn một bản sắc dân tộc độc đáo. Delft Blue là những tác phẩm tinh xảo từ chất liệu gốm cổ ra đời từ thế kỷ thứ 16-17 tại làng Delft, phía nam Hà Lan với họa tiết xanh da trời (blue) tỉ mỉ và phức tạp trên nền gốm trắng sử dụng trong hoàng tộc. Khi mới ra đời, gốm Delf Blue được pha thiếc trắng (tin-glazing), nhưng về sau được thêm vào các hỗn hợp Ô-xít kim loại cho óng ánh hơn. Dù qua bao năm tháng, gốm Delf Blue vẫn giữ được “tính thủ công” truyền thống của nó, tức là được làm hoàn toàn bằng tay. Tận mắt chứng kiến giá trị nghệ thuật và sự quý phái của “sắc” xanh hoa văn trên gốm trắng mới thật sự hiểu hết những tinh hoa được đúc kết hơn 500 năm qua!
Guốc gỗ mộc mạc - cả đế và quai guốc đều bằng gỗ
Nét thú vị của đôi guốc gỗ mộc mạc mà cả quai guốc lẫn đế guốc đều bằng gỗ xuất phát từ hoàn cảnh “cái khó ló cái khôn” của người Hà Lan. Thuở xưa, để chống lại băng giá, những nông dân Hà Lan nghèo khổ đã khoét rộng miếng gỗ, tạo thành một cái đế chắc chắn, mũi guốc vểnh lên như chiếc thuyền. Trong lòng guốc thêm rơm nên đi vào vừa êm vừa ấm chân. Từ đó guốc gỗ được lưu hành rộng rãi ở Hà Lan. Đôi guốc gỗ tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng hỗ trợ rất tốt người dân trong cuộc sống hằng ngày, nó giúp họ di chuyển dễ hơn qua các vùng đầm lầy ẩm ướt, giúp chân họ không bị bò giẫm lên khi thực hiện công việc vắt sữa bò… Các loại gỗ thường được chọn để đóng guốc như: gỗ cây dương tía, cây liễu, cây tần bì...
Tiêu chuẩn nghiêm ngặt Hà Lan
Ai cũng rõ người châu Âu nói chung và người Hà Lan nói riêng rất nghiêm ngặt và khó tính trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là với sữa - nguồn dinh dưỡng nổi tiếng của Hà Lan. Đến với quê hương của Cô Gái Hà Lan lần này, ta sẽ hiểu rõ hơn về quy trình quản lý chất lượng khép kín toàn cầu “Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa trắng”, qua đó cũng thấy được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt áp dụng từ nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất đến chất lượng thành phẩm đầu ra. Tất cả đều được chuẩn hóa và quản lý chặt chẽ dựa trên hệ thống quản lý được mã hóa (code) giúp tìm hiểu mỗi hộp sữa Cô Gái Hà Lan được phân phối từ đại lý nào, đóng gói tại nhà máy nào, dây chuyền nào, lấy từ bồn sữa nào và thậm chí là nông trại nào, cô bò nào. Đó cũng là uy tín trên bước đường đem lại nguồn dinh dưỡng an toàn và chất lượng hàng đầu thế giới vào Việt Nam mà Cô Gái Hà Lan luôn mang theo.
Còn rất nhiều điều thú vị mà chỉ khi đến Hà Lan khách tham quan mới có thể cảm nhận sâu sắc như: không khí náo nhiệt của chợ phô-mai với những người thợ gánh nhanh nhẹn hoặc những thiếu nữ Hà Lan trong trang phục truyền thống nhã nhặn đến tuyệt vời.


Khi đến Hà Lan, ngoài ngắm hoa tulip, thưởng thức phô mai và mang guốc gỗ, bạn đừng bỏ qua cơ hội ngắm cối xay gió. Hà Lan được mệnh danh là xứ sở cối xay gió. Khi đến thăm đất nước này, hầu hết du khách quốc tế đều bị quyến rũ bởi vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng cùng bầu không khí trong lành của những ngôi làng hiền hòa cùng những cối xay gió.
Người ta thường dùng cụm từ “cối xay gió bảo vệ môi trường” do đây là một loại máy được thiết kế để biến năng lượng gió thành các dạng năng lượng khác. Ngày nay, cối xay gió đã trở thành một trong những biểu tượng hấp dẫn du khách của đất nước Hà Lan.
Vào năm 1627, người ta đã xây dựng những chiếc cối xay gió để bơm nước biển ra ngoài vì Hà Lan là quốc gia có vị trí thấp hơn mực nước biển. Từ đó, những chiếc cối xay gió đã làm việc không ngừng nghỉ, nhờ vậy mà mặt đất ở Hà Lan mới được khô ráo. Ngoài ra, cối xay gió còn được dùng để xay ngũ cốc, thậm chí là còn được sử dụng trong quá trình chế biến phô mai.
Tua bin gió là loại máy dùng để biến động năng của gió thành điện năng. Ngày nay, ở Hà Lan, tua bin gió đã trở thành biểu tượng quen thuộc. Trên đất nước Hà Lan hiện nay có khoảng 2.000 chiếc tua bin gió hoạt động cung cấp nguồn năng lương sạch phục vụ cho cuộc sống con người. Hầu hết số tua bin gió đều tập trung ở tỉnh Flevoland.
Đê là dạng bờ lớn do con người xây dựng nhằm ngăn không cho nước sông hay biển dâng tràn vào đất liền. Từ thời kỳ Trung cổ đến nay, con người đã biết xây dựng các con đê để bảo vệ cuộc sống của chính mình. Ngày nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới đều xây dựng các con đê phòng tránh lũ và Hà Lan là một trong những nước đứng đầu trong lĩnh vực này. 
Khoảng 27% diện tích đất ở Hà Lan nằm dưới mực nước biển. Vì vậy, du ngoạn trên đất nước này, bạn sẽ gặp được rất nhiều con đê. Afsluitdijk được xem là con đê ngăn biển lớn nhất của Hà Lan. Con đê Afsluitdijk dài 31 km được mệnh danh là “Kỳ tích của thế giới hiện đại” và là niềm tự hào của người Hà Lan.
Đê biển Afsluitdijk
Do có hệ thống sông ngòi chằng chịt nên Hà Lan có nhiều trò chơi dân gian trên sông rất thú vị. Một trong số các trò chơi vui nhộn và kịch tính là trò “qua sông bằng sào”. Trò chơi dân gian chỉ có tại Hà Lan này được tổ chức mỗi năm một lần. Ban đầu, đây chỉ là cách qua sông của một số người dân ở vùng nông thôn. Năm 1969, Hà Lan chính thức công nhận nó là trò chơi quốc gia.

Không có nhận xét nào: