Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

Kazakhstan là quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới

Kazakhstan, tên đầy đủ là Cộng hòa Kazakhstan, trải rộng trên phần phía bắc và trung tâm của lục địa Á-Âu. Quốc gia này thuộc khu vực Trung Á, giáp với Nga, Trung Quốc, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Turkmenistan. Thủ đô là thành phố Astana, dân số gần 18,5 triệu.
Bản đồ Kazakhstan. Ảnh: Geology
Bản đồ Kazakhstan. Ảnh: Geology
Theo World Atlas, Kazakhstan là một trong 43 quốc gia không giáp biển, tức là không có phần lãnh thổ trực tiếp giáp biển. Một phần lãnh thổ nước này giáp biển Caspi nên nhiều người hiểu nhầm nó có giáp biển. Thực chất, biển Caspi là tên một hồ nước lớn được bao quanh bởi Nga, Iran, Turkmenistan, Kazakhstan và Azerbaijan.
Rộng hơn 2,7 triệu km2, Kazakhstan có diện tích lớn thứ chín thế giới, đồng thời là quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới. Vị trí địa lý giúp Kazakhstan tránh khỏi sự xâm lấn của biển. Tuy nhiên, việc giao thương biển bị hạn chế khiến chi phí vận chuyển và thuế hàng hóa bị đẩy lên cao.

Quốc kỳ Kazakhstan có màu chủ đạo là xanh dương nhạt

Quốc kỳ của Kazakhstan có màu nền chủ đạo là xanh nhạt, chính giữa có biểu tượng một mặt trời vàng với 32 tia cùng chú đại bàng cách điệu đang tung cánh ở dưới. Bên trái có dải trang trí truyền thống của Kazakhstan mang tên "koshkar-muiz". Trừ nền xanh, tất cả chi tiết đều có màu vàng. Theo Britannica, nền màu xanh này được chọn là màu chủ đạo trên lá cờ quốc gia của Kazakhstan từ tháng 6/1992.
Quốc kỳ Kazakhstan. Ảnh: Shutterstock
Quốc kỳ Kazakhstan. Ảnh: Shutterstock
Theo About Kazakhstan, màu xanh biểu tượng cho bầu trời và nước, đồng thời tượng trưng cho sự thống nhất văn hóa và sắc tộc của người Kazakhstan. Mặt trời là nguồn gốc của sự sống và năng lượng, nó cũng là biểu tượng của sự giàu có và phong phú.
Chú chim đại bàng xuất hiện trên lá cờ của bộ tộc Kazakh từ nhiều thế kỷ nay. Đối với người Kazakhstan và người dân vùng thảo nguyên, đại bàng mang ý nghĩa đại diện cho sự tự do, quyền lực và khát vọng bay hướng tới tương lai.

 Kazakhstan  nằm trên con đường tơ lụa

Con đường tơ lụa (The Silk Road) là tuyến đường giao thương Đông - Tây thời cổ đại. Nhờ con đường này, những vùng đất, nền văn hóa mới được tìm ra và là động lực cho sự phát triển kinh tế trong buổi đầu lịch sử.
Con đường tơ lụa dài khoảng 4.000 dặm (khoảng 6.437 km), khởi đầu từ Trung Quốc rồi đi qua các nước châu Á như Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iraq... và tới các lãnh thổ bên bờ Địa Trung Hải như Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp ở châu Âu.
Kazakhstan nằm trên con đường tơ lụa và là một trong những khu vực quan trọng nhất. Ngày nay, các tour du lịch qua con đường tơ lụa đều có một địa điểm là quốc gia Trung Á này.

Almaty được mệnh danh là xứ sở của những trái táo

Almaty từng là thủ đô của Kazakhstan từ năm 1929 đến năm 1998, trước khi nước này dời thủ đô về thành phố lớn thứ hai là Astana. Theo UNESCO, Almaty là một trong những thành phố cổ nhất vùng Trung Á. Hình thành từ 1.000 năm TCN, đến thời kỳ con đường tơ lụa, Almaty trở thành trung tâm thương mại, thủ công, nông nghiệp. Ngày nay, Almaty là thành phố lớn nhất, trung tâm thương mại, địa điểm du lịch trọng điểm của Kazakhstan.
Nằm dưới chân núi Alatay, ở độ cao 600-900 m so với mực nước biển, Almaty được mệnh danh là xứ sở của những trái táo hay thành phố táo. Theo The Guardian, từ xa xưa, những cánh rừng bạt ngàn táo hoang dại trải dài từ sườn núi Tien Shan, danh giới giữaTrung Quốc và Kazakhstan đến thành phố Almaty. Người dân nơi này luôn tự hào về những trái táo. Trong tiếng Kazakh, Almaty có nghĩa là táo, Alma-Ata - quê hương của quả táo.
Đài phun nước hình quả táo ở Almaty. Ảnh: The Wandering Scot
Đài phun nước hình quả táo ở Almaty. Ảnh: The Wandering Scot
Tác giả bài viết từ năm 2014 trên trang The Guardian mô tả táo được bán khắp nơi và không một khu vườn nào ở Altamy có ít hơn ba cây táo. Hình ảnh quả táo xuất hiện ở nhiều nơi, bức tượng hình quả táo là một trong những điểm nhấn với khách du lịch.
Ngoài ra, lễ hội táo vào tháng 9 hàng năm cũng thu hút nhiều người tới chiêm ngưỡng, thưởng thức những quả táo độc đáo, tươi ngon nhất thế giới và tìm hiểu những nét văn hóa trong đời sống của người Kazakh.
Ngoài táo, Almaty còn nổi tiếng nhờ cảnh sắc thiên nhiên với những hồ nước tuyệt đẹp như hồ Almaty lớn hay hồ Kaindy cùng những nơi cổ kính như công viên Panfilov với nhà thờ Zenkov - nơi được coi là một trong tám công trình bằng gỗ độc đáo nhất thế giới.

Tết cổ truyền của Kazakhstan bắt đầu vào ngày 22/3

Theo Cổng thông tin Đại sứ quán Kazakhstan tại Washington (Mỹ), vào ngày 22/3 hàng năm, Kazakhstan tổ chức lễ hội mùa xuân, Tết cổ truyền Nauryz . Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất của quốc gia này.
Một mâm thức ăn với 7 thành phần không thể thiếu trong dịp Tết của Kazakhstan. Ảnh: Kazakhstan Xpat
Một mâm thức ăn với 7 thành phần không thể thiếu trong dịp Tết của Kazakhstan. Ảnh: Kazakhstan Xpat
Nauryz trong tiếng Ba Tư có nghĩa là năm mới, là thời gian để gia đình và bạn bè ăn mừng, trân trọng những kỷ niệm trong quá khứ và dự đoán về một năm mới tốt đẹp hơn. Để xua đi sự lạnh lẽo của mùa đông và chào đón mùa xuân, vào dịp này, người thân thường tụ tập và trao cho nhau những món quà.
Tương tự như năm mới của người Ba Tư, con số 7 rất quan trọng với người Kazakh, đặc biệt trong dịp năm mới. Các món ăn trong nghi lễ chính Nauryz-kozheh" gồm 7 thành phần là nước, thịt, muối, chất béo, bột mì, ngũ cốc và sữa. Bảy thành phần này biểu thị cho niềm vui sướng, sự may mắn, sự khôn ngoan, sức khỏe, sự giàu có, sự trưởng thành nhanh và sự bảo vệ. Dịp này, mọi người phải ghé thăm 7 ngôi nhà và mời 7 người khách.
Cũng trong ngày Tết cổ truyền của Kazakhstan, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành diễn ra khắp đường phố, quảng trường, công viên, sân vận động.

Dương Tâm - Tổng hợp

Không có nhận xét nào: