Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Biberach - thành phố buồn


Dân số của thành phố Biberach chỉ khoảng 3.000 người. Đó là một thành phố vắng vẻ đến cô đơn. Nhưng nếu bạn đã đến và đã xa, bạn sẽ thấy nhớ.
Biberach
Tên đầy đủ là Biberach an der Ri, nằm ở vùng thượng Su-áp, thuộc bang Baden-Wüttemberg, Đức. Thành phố lớn gần nhất là Ulm, cách đó khoảng 40km. Cái tên Biberach an der Ri được đặt theo tên con sông Ri chảy qua thành phố, có từ thời kỳ băng hà.
Tôi đến Biberach vào năm 2008 cho một đợt du học dài hơi. Sau một chuyến bay dài và uể oải, lại phải ngồi ô tô 
2 tiếng từ Frankfurt về, đêm đầu tiên đến xứ người, tôi chỉ thấy vật vã, mệt và đói nhưng tôi vẫn quyết định khám phá nơi này ngay sáng hôm sau.
Biberach
Thành phố chậm chạp và lơ đãng
Dường như, đi dạo vào buổi sáng là sở thích của nhiều người, đặc biệt tại một nơi mà bạn chưa bao giờ biết về nó. Thế cho nên, ngay buổi sáng hôm sau, mặc cho cơ thể rệu rạo đình công, tôi quyết định ra ngoài đi dạo, ngắm thành phố. Từ ngôi nhà nhỏ trên núi - một ngọn đồi nhỏ thì đúng hơn - với tốc độ thong thả, tôi mất 30 phút để đi vào trung tâm thành phố và 45 phút để ra ga tàu. Ấn tượng đầu tiên là, thành phố này hình như chỉ có nhiều nhất 3.000 dân! Một sự thật hiển nhiên và bình thản nhưng đối với tôi lại là một cú sốc văn hóa. Sống từ nhỏ ở Hà Nội, tôi quen với khái niệm thành phố là phải ồn ã, tấp nập người và xe, đủ tiện nghi cuộc sống và giải trí. Nhưng hãy xem Biberach - thành phố gần 1.000 năm tuổi, giao điểm của những con đường giao thương thời Trung cổ này hiện tại có gì? Một sự bình lặng đến khó tả.
Đến trung tâm thành phố - quảng trường chợ Marktplatz - nơi được xem là sầm uất nhất nhưng những gì bạn thấy vẫn chỉ có thể là vài cửa hàng quần áo, điện thoại, vài quán cà phê và hàng kem. Ở đây có một “điểm cao” dễ nhận ra là nhà thờ Thánh Martin và Maria (Kirche St. Martin und Maria) đứng sừng sững. Nó dễ được nhận thấy bởi tuy ngọn tháp chỉ cao ở độ tầm trung nhưng lại trội hẳn so với những ngôi nhà quanh đó. Mà quả thật, nhà trong thành phố này không cao, hầu như chỉ đến 3-4 tầng. Không gian thưa thớt và yên ả, khiến bạn có cảm giác nơi này giống một ngôi làng hơn.
Điều đặc biệt tôi thấy ở những ngôi nhà này là khung gỗ sơn màu - chủ yếu là nâu hoặc đỏ, và tường gạch trắng. Sau này tôi mới biết đó gọi là “Fachwerkhaus” - kiểu nhà phổ biến ở vùng núi Alpen ở Đức, một phần nước Pháp, Anh và bán đảo Skandinavien từ thời Trung cổ đến thế kỷ 19.
Biberach
Những ngôi nhà nơi đây có khung gỗ sơn màu nâu hoặc đỏ, và tường gạch trắng - kiểu nhà Fachwerkhaus
Gần đó là Tòa thị chính (cũ và mới), Bảo tàng Braith-Mali trưng bày các bức họa và xưởng vẽ của 2 họa sĩ chuyên vẽ động vật là Anton Braith và Christian Mali, cũng như bộ sưu tập các tác phẩm thuộc trường phái Biểu Hiện của Ernst Ludwig Kirchner và thư viện thành phố.
Sau khi đi qua gần 50 thành phố của Đức, tôi rút ra một điều đơn giản, chỉ cần nhìn ga tàu chính (Hauptbahnhof) của một thành phố, sẽ biết quy mô của thành phố đó. Nhà ga Biberach nhỏ, có 3 đường ray, và tuyệt đối không có tàu nhanh chạy qua. Đồng nghĩa với việc muốn đi đâu lại phải bắt tàu chậm lên Ulm, từ đó bắt tàu đi tiếp các hướng.
Bên ngoài nhà ga là bến xe buýt, thưa thớt và rời rạc đến độ tôi thà đi bộ còn thấy nhanh hơn là đợi cả tiếng để bắt xe. Gần nhà ga là “Ulmer Tor” (cổng Ulm) - cổng thành duy nhất còn được giữ lại, thông tới thành phố Ulm. Ở Biberach chỉ có một trường Đại học thực hành (Hochschule Biberach) và một Trường bổ túc văn hóa (Volkshochschule). Nhưng quả thật trong 6 tháng sống ở đây, tôi tịnh không thấy một bóng dáng sinh viên nào. Hầu như chỉ có người già và học sinh cấp 2. Có thể cũng do tôi lười ra ngoài, hoặc thường xuyên ra ngoài nhưng là đi sang các thành phố khác.
thành phố không ẩm thực
Cả thành phố Biberach, bạn chỉ có thể tìm thấy một cửa hàng bán đồ ăn châu Á, nhưng chủ tiệm là người... Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả những thứ tôi có thể mua được ở đây là mì ăn liền, cá đông lạnh và nước mắm. Muốn ăn thức ăn nước mình thì phải đến thành phố lớn nhất gần đó - Ulm - để mua. Và thế là bạn sẽ mất toi một tiếng đi tàu, cộng với hơn chục euro tiền vé. Rất có thể, tôi là người Châu Á duy nhất ở thành phố này vì tôi không hề thấy bất kỳ một người tóc đen, mắt đen, mũi tẹt, da vàng nào như mình. Nhưng may mắn, thành phố còn có mội nơi giải trí - có thể gọi là duy nhất ở đây, đó là một rạp chiếu phim nhỏ. Điều này cũng đáng lấy làm an ủi!
Biberach
 Lễ hội Schützenfest, dịp để mọi người vui chơi trong những bộ trang phục thời trung cổ
Nhưng có một số dịp trong năm, thành phố đặc biệt náo nhiệt. Đó là Museumnacht (đêm bảo tàng) diễn ra vào tháng 3. Trong đêm này, các bảo tàng và nhà trưng bày mở cửa tự do, giao thông được bố trí thuận tiện, tất cả chi phí đi lại và tham quan được gói gọn trong một tấm vé giá rẻ. Bên cạnh đó là Musiknacht (đêm nhạc) cũng diễn ra vào tháng 3. Ngoài ra còn có Schützenfest (một lễ hội có từ thời Trung Cổ) diễn ra vào tháng 7, Liên hoan phim Biberacher Filmfestspiele vào tháng 11...
Có thể, Biberach là một nơi mà bạn chưa đến đã vội muốn đi vì sự tĩnh lặng, êm đềm đến vô hồn của nó. Bằng chứng là sau những lần tham quan các thành phố khác của Đức cũng như đi hơn 6 nước Châu Âu, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở lại Biberach thêm một lần nào nữa. Bởi chính nơi đây, sự cô đơn của bạn sẽ nhân lên gấp bội. Thế cho nên, chẳng có gì lạ khi tôi đã rất vui mừng khi được rời khỏi nơi đây.
Nhưng rồi, có những lúc, khi mọi thứ đã tạm ổn định, khi cuộc sống đã vào guồng tất bật bạn lại phải nhớ, phải thèm sự yên tĩnh, chậm chạp lơ đãng của cái thành phố nhỏ này. Tại đây, qua những khung cửa, bạn có thể thấy tuyết trắng phủ từng lớp qua tấm kính trong. Có những lúc, bạn phải đi bộ cả tiếng đồng hồ vào thành phố để vác được một ít đồ ăn về nhưng món ăn ở đây chẳng có gì, ngoài bánh mì và xúc xích - không khác bất cứ nơi nào ở Đức... Những lúc ấy, bạn sẽ phải nhớ. Tại đây, bạn có thể lội qua dòng suối nông - một nhánh của sông Riss, đi giữa những con đường yên ả đầy nắng và hoa, vòng ra sau ngọn núi tôi sống đến những trang trại hôi mùi gia súc và cỏ dại... để thấy rằng Biberach là một nơi cũng đáng để đến và đáng để yêu.
Tạp chí Món Ngon Việt Nam

Không có nhận xét nào: