Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Về quê đội bóng Trabzonspor


SGTT.VN - Lượt trận đầu tiên vòng đấu bảng Champions League, người hâm mộ môn túc cầu bất ngờ trước cú ngã của cựu vô địch Inter Milan. Đội bóng đánh bại họ đến từ đất nước Thổ Nhĩ Kỳ: Trabzonspor, một cái tên lạ lẫm mà nhiều người đang tự hỏi xứ sở này ở đâu? Như một cái duyên trên những hành trình bất chợt mà tôi đã đến được quê hương của đội bóng mới toanh tại đấu trường danh giá nhất châu Âu.
Một góc bờ kè biển Đen. Ảnh: An Nam
Nhân chuyến công tác cùng hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ, nhìn bản đồ hướng lên phía bắc nơi có biển Đen, chẳng hiểu sao tôi chú ý đến cái tên Trabzon, nghe cứ lạ lạ quen quen. Thêm điểm đến ghi Sumela Monastery được in đậm không xa thành phố này. Khởi hành từ thành phố miền Nam Tarsus lúc 5 giờ chiều, mãi tận hơn 8 giờ sáng hôm sau tôi mới đến nơi. Xe buýt ở Thổ khá hiện đại, mỗi ghế đều có màn hình, tai nghe phục vụ khách đường xa giải trí với phim, tivi, nhạc. Cứ khoảng ba tiếng lại có tiếp viên đẩy xe mời khách uống càphê, nước ngọt, trà...
Công trình trong lòng núi
Sau đoạn đường quốc lộ, xe đưa chúng tôi men theo con đường ngoằn ngoèo lên đỉnh núi. Từ đây lên đến con đường mòn dẫn vào tu viện chỉ khoảng 3km. Đến đoạn xe không được phép vào sâu hơn thì xuống xe tiếp tục hành trình. Gió mát lạnh cùng hàng cây dày đặc phủ bóng râm làm tâm trạng du khách và người hành hương bỗng nhẹ tênh trước con dốc cao ngửa mặt.
Sau chừng mười phút đi bộ, trước mặt tôi, theo những thông tin đặt trước cổng tu viện, cho biết Sumela đã có hình dáng hoàn chỉnh vào khoảng thế kỷ 13, và là trung tâm tôn giáo quan trọng dưới thời Alexius III (1349 – 1390) của đế chế Commenian ở Trabzon. Sau này đến con của Alexius III là Manuel III, tu viện vẫn tồn tại dưới sự bảo trợ của hoàng gia.
Người Thổ Nhĩ Kỳ thường gọi tu viện là Meryem Ana, có nghĩa được xây lên để tỏ lòng tôn kính Đức mẹ Maria. Suốt thế kỷ 18, tu viện được sửa chữa và trang trí bởi các bích hoạ trên tường và trần. Đến thế kỷ 19 thì khu quần thể đã đạt đến giai đoạn cực thịnh với những căn phòng dành cho việc tu tập cũng như có một vài thánh đường nhỏ.
Tổ hợp tu viện nằm trong một hốc đá khổng lồ có hình dáng như chiếc hàm cá mập đang mở. Sát cửa vào là một tháp canh chứng tỏ sự nghiêm ngặt của Sumela trong lịch sử. Tuy không còn chức năng như một tu viện đích thực nhưng mọi người vẫn có thể cảm thấy hơi thở tôn giáo trong những gian phòng dành cho các tu sĩ dọc theo bậc thang xuống sân chính. Những ô đặt tượng Chúa Jesus và Đức mẹ Maria vẫn còn nguyên vẹn. Qua khung cửa sổ đang rít lên theo những cơn gió, có thể nhìn thấy thung lũng Altindere xanh thẳm phía dưới, văng vẳng đâu đó tiếng dòng suối đang ầm ì ngày đêm không dứt. Tôi bị thu hút bởi nhà thờ đá (Rock Church), một công trình nằm sâu nhất trong hốc đá lớn. Trần nhà thờ cao khoảng 3m, được phủ kín bởi những bức bích hoạ. Đó là những tuyệt tác thể hiện các câu chuyện trong Kinh thánh. Không gian tâm linh mang đến cảm xúc bồi hồi, nhiều tín đồ Thiên Chúa quỳ dưới nền đất, mặt hướng lên trần, mắt không rời những bức tranh được vẽ hết sức tinh xảo. Đây là hình Chúa đang rao giảng, kia là các thiên thần, rồi các môn đệ… hình nối hình tràn ngập từ trần đến tường nhà thờ. Đây là các tác phẩm được vẽ trong nhiều giai đoạn của thế kỷ 18. Các hoạ sĩ đã dùng đến ba lớp sơn rất đặc biệt làm việc không ngừng nghỉ để kiến tạo các bức hoạ.
Rất tiếc trong giai đoạn quân đội Nga chiếm đóng 1916 – 1918 và sau đó là năm 1923 tu viện hoàn toàn bị... bỏ rơi. Nhiều kẻ vô ý thức đã phá phách các bức tranh, chỉ đến những năm gần đây, nhờ có sự bảo trợ của chính phủ, bộ Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, tu viện được khôi phục, trùng tu và sau đó mở cửa phục vụ du khách. Chút xót xa nhưng vẫn còn may mắn bởi những kiến trúc cổ xưa rồi cũng đã được trân trọng phục chế theo nguyên bản.
“Cây cầu” Trabzon
Thành phố Trabzon từng là một trong những điểm quan trọng trên con đường tơ lụa cổ, là cửa ngõ từ Iran sang châu Âu bằng đường hàng hải. Cũng vì thế mà Tranbzon được ví như một cây cầu nối những dòng chảy văn hoá, tôn giáo, ẩm thực... Hải cảng Trabzon chuyên đón đưa các con tàu từ Nga, Ukraine hay Rumani... giao thương hàng hoá. Trong nội đô có hẳn những con phố tập trung những người nói tiếng Nga, tiếng Ba Tư.
Tôi đi dọc theo bến cảng rồi đến bờ biển Đen kéo dài đến tận chân trời. Người ta đắp những bờ kè kéo dài rồi mở khu vui chơi, quán ăn để cư dân trong vùng và du khách có thể thư giãn. Tôi ngồi thưởng thức chiếc kebap (món bánh mì kẹp thịt rất phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ)... Quê hương của đội bóng Trabzonspor thật xinh đẹp và giàu sắc màu. Champions League mùa này tôi sẽ ủng hộ cho họ để vượt qua vòng bảng!
BÀI VÀ ẢNH: AN NAM

Không có nhận xét nào: