Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Ấn Độ - Những ngày Đông rực nắng (P7)

(Nguoiduatin.vn) - Rời khu vườn thiêng có Dhanekh stupa, tôi vào tham quan Bảo tàng Khảo cổ học Sarnath. Bạn nào rành về Phật giáo vào đây sẽ mê mệt với các hiện vật tại bảo tàng.
Trong bảo tàng còn có cả tượng 4 chú sư tử đá của quốc vương Áhoka, hơn 2.000 năm đã qua mà các chú vẫn mạnh mẽ oai phong như ngày nào.
Không nhiều chùa chiền như ở Lumbini, cũng ít hơn ở Kushinagar, bao quanh Sarnath cũng có chùa chiền của vài nước trên thế giới, cũng như của Ấn Độ. Và cũng không có chùa Việt Nam nào ở đây, dù trong chùa Mulganda Kuti Vihar có 1 bản kinh Chuyển Pháp Luân bằng tiếng Việt khắc trên đá. Như vậy, có lẽ trong 4 miền đất Phật, chỉ có ở đây là chưa có chùa và sự hiện diện của các tăng ni Việt.



Cuộc sống vẫn tiếp diễn, tình yêu vẫn muôn đời... khắp nơi nơi. - Trong vườn quanh Dahnekh stupa

Bảo tàng khảo cổ học về Phật giáo ở Sarnath
Ngôi chùa đầu tiên tôi viếng là Mulganda Kuti Vihar, được xây dựng vào năm 1931 bởi cộng đồng Mahabodhi Society, Srilanka. Bài thuyết giảng đầu tiên của Phật, kinh Chuyển Pháp Luân, vẫn được thuyết giảng lại tại đây hàng đêm, vào khoảng giữa 6-7pm, tùy theo mùa.
Cây bồ đề trong khuôn viên chùa, được trồng vào năm 1931, có nguồn gốc từ Srilanka. Mà cái cây ở Srilanka, lại có nguồn gốc từ cái cây đầu tiên ở Bodhgaya, nơi Đức Phật đắc đạo.
Cây bồ đề đầu tiên tại Bodhgaya cũng không còn nữa, cây hiện tại, mọc đúng tại vị trí Ngài đắc đạo, cũng lấy từ chính cái cây tại Srilanka.
Ngôi chùa này có kiến trúc rất lạ, và phần trang trí bên trong lại được thực hiện bởi 1 nghệ sĩ người Nhật. Màu sắc nâu nâu, kiến trúc thanh mảnh của ngôi chùa này rất ấn tượng. Nhiều gia đình đến đây rồi đi tiếp vào tham quan vườn nai bên trong. Lúc mon men đi dọc theo bức tường bao quanh Dhanekh stupa, tôi cũng nhìn qua hàng rào và đã nhìn thấy mấy chú nai đáng yêu rồi nên tôi không vào nữa mà đi tiếp.
Đường vào Mulganda Kuti Vihar



Mulganda Kuti Vihar ở các góc nhìn

Vườn nai ở Sarnath
Sarnath bé nhỏ, yên bình. Chỉ có vài nhà nghỉ ở đây, có lẽ do cũng gần Varanasi quá. Mà khách hành hương thì có thể xin ngủ trong chùa được, nên dịch vụ không phát triển nhiều.
Trên đường đến thăm chùa Tàu, tôi thong dong đi cùng đoàn các cô các dì đi làm đồng về. Chẳng khác gì những mẹ những dì lúc nào cũng lam lũ, cần mẫn, chăm chỉ… ở Việt Nam hay khắp châu Á. Và cũng phải nói là đi chung với những chú bò nữa chứ.
Trên con đường làng ở Sarnath

Các chú bé Sarnath, cái chú nhóc bìa phải đang mặc theo model khác biệt

Một bức tượng Phật rất lạ so với những tượng tôi hay nhìn thấy khi lang thang ở Sarnath

Bò cũng... đi chùa?
Chùa Tàu ở đây lại rất đơn giản, không rồng phượng sơn son thếp vàng như hầu hết ở các nơi khác. Điều này làm tôi cũng hơi lạ lạ nhưng lại thấy mến mến hơn. Trong chùa, có thông tin ngắn gọn về cuộc đời và về chuyến đi Tây thiên thỉnh kinh của vị cao tăng Huyền Trang, và có 1 bản đồ ghi lại hành trình đó của ngài.
Ngôi chùa Tàu giản dị



Hành trình Tây Thiên thỉnh kinh của cao tăng Huyền Trang
Backpackervn

Không có nhận xét nào: