Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Phnom Penh thành phố ngã tư sông

TNTS) Người xưa từng nói Nhất cận thị, nhị cận giang. Các thành phố đẹp trên thế giới đều nép mình bên những dòng sông. Phnom Penh - thủ đô của Vương quốc Campuchia - cũng không ngoại lệ khi nằm cạnh ngã tư sông Mekong và 2 phụ lưu là Bassac và Tonle Sap.
Từ Phnom Penh sông Bassac đổ về VN, gọi là sông Hậu, còn dòng Mekong gọi là sông Tiền. Sông Tiền có 6 phụ lưu, sông Hậu có 3 phụ lưu nên gọi chung là Cửu Long. Thật ra không có dòng sông nào mang tên là Cửu Long cả. Tonle - tiếng Khmer là sông lớn (sông nhỏ là Stung), chảy ngược theo hướng đông - tây bắc và kết thúc bởi Tonle Sap Lake mà người Việt gọi là Biển Hồ.
Phnom Penh cách TP.HCM 240 km, gần hơn cả Đà Lạt. Mỗi ngày hiện có 78 chuyến xe bus liên vận TP.HCM - Phnom Penh đi và về, chưa kể xe các công ty lữ hành, xe gia đình tự lái. Dự kiến cuối năm sẽ tăng gấp đôi.
 
Ảnh: shutterstock
Phnom Penh là thành phố nước ngoài thân thiện với VN nhất. Khoảng 30% dân số nội đô và hơn 80% quan chức có thể nói tiếng Việt. Dân số Phnom Penh khoảng 1,4 triệu người (bằng 10% dân số cả nước); trong đó người Việt, gốc Việt cũng hơn 100.000 người. Nhiều bảng tên cửa hàng, cửa hiệu được viết bằng tiếng Việt cạnh tiếng Khmer, tiếng Anh, tiếng Hoa. Có siêu thị, trung tâm thương mại và các quán ăn thuần Việt. Món phở và món cá kèo cũng rất được người Khmer ưa chuộng. Nhiều món ăn Việt được Khmer hóa như các món quay, kho, chè đậu, các loại bánh xèo, bánh canh, bánh hỏi, bánh trôi nước, bột lọc… Tiếng Khmer gọi các món đó y chang tiếng Việt. Phnom Penh có trường học tiếng Việt, từ mẫu giáo đến phổ thông. Các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Sài Gòn Tiếp Thị, Sài Gòn Giải Phóng… có mặt hằng ngày, chỉ chậm hơn VN vài giờ và giá đắt gấp đôi. Ở Phnom Penh có thể bắt được 5 - 6 kênh truyền hình của  VTV và HTV.

Phnom Penh có trường học tiếng Việt, từ mẫu giáo đến phổ thông. Các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Sài Gòn Tiếp Thị, Sài Gòn Giải Phóng… có mặt hằng ngày, chỉ chậm hơn VN vài giờ và giá đắt gấp đôi.
Có khá nhiều người Khmer gốc Việt thành đạt ở Phnom Penh, tiêu biểu như ông Oknha Sok Kun - chủ tập đoàn Sokimex và hệ thống Sokha resort - được xem là một trong những người giàu nhất Campuchia. Ở chợ Mới (Phsar Thmey) có cặp vợ chồng người Việt bán chè ngon đủ loại. Tôi để ý thấy cô chủ quán xinh đẹp có sáng kiến nhỏ mà rất hay. Để khỏi mất công rửa, chén được lót miếng plastic wroof mỏng. Đậu, sữa, nước cốt dừa, sầu riêng, đá… cho vào chén. Khách ăn xong, chủ chỉ việc thay miếng nilon là có chén mới, vừa sạch và tiện lợi lại hợp vệ sinh.
Phnom Penh lấy từ tên Wat Phnom (Chùa Núi - tên đầy đủ là wat Phnom Daun Penh). Phnom Penh nghĩa là núi Bà Pênh (Daun Penh). Trước đây, còn được gọi là Krong Chaktomuk - có nghĩa là thành phố ngã tư sông hay nhiều người quen gọi là thành phố sông 4 mặt, còn người Việt gọi là Nam Vang. Khác với Hà Nội, Sài Gòn, Phnom Penh gần như không có hẻm. Cũng không thấy “khoan cắt bê-tông” hoặc “Yếu sinh lý”, “Trĩ nội, trĩ ngoại”… Xe hơi ở Phnom Penh rẻ hơn xe tay ga ở Sài Gòn.
Một bạn hướng dẫn viên Lửa Việt người Khmer Nam Bộ từng xin tạm ứng 1.200 USD tiền lương để mua xe hơi. Xe hơi ở đây không gắn bảng số, đậu phải - trái thoải mái. Mua bán cứ sang tay chìa khóa, giao tiền, giấy tờ lúc nào làm cũng được. Nhớ lần đầu tổ chức Hội chợ hàng VN chất lượng cao ở Phnom Penh, anh em bên công ty TTT nhờ tôi thuê giùm xe gắn máy để đi lại. Lúc đó, giá thuê mỗi ngày 4 USD, 3 tuần, vị chi là 84 USD. Có người mách nước “khỏi thuê, cứ mua hẳn một chiếc, dùng xong bán lại”. Tôi liền ra chợ, mua chiếc Cup 79, giá 125 USD. Chạy xong, bán lại 90 USD, thế là chỉ tốn 35 USD.
Xe gắn máy ở Phnom Penh thường chở ba người, chỉ bắt buộc người cầm lái đội nón bảo hiểm(!), tiền phạt nhẹ hều (chừng 17.000đ tiền Việt). Ngoài ra, tuk tuk - loại xe gắn máy 3 bánh chở khách rất phổ biến, vẫn tự tin xuất hiện cùng với xe ôm, xích lô đạp bên cạnh các dòng xe hơi cáu cạnh. Nạn đua xe vừa manh nha, Thủ tướng Hunsen thề sẽ từ chức nếu không dẹp được. Ông ra lệnh sa thải tất cả thuộc cấp có con em tham gia đua xe. Thế là nạn đua xe bị dẹp tan từ trong trứng nước.
Phnom Penh có nhiều chợ - mỗi chợ có thế mạnh riêng. Chợ Mới (Phsar Thmey, xây dựng từ 1937, còn gọi là Central Market) bán đồ trang sức bạc, đá quý, quần áo, giày dép, hàng lưu niệm, đồng hồ nhái (không phải hàng giả), túi xách, hoa… giá rất rẻ. Các đường quanh chợ bán hàng điện máy, điện thoại di động. Từ 16 giờ, trước chợ có nhiều sạp bán hải sản tươi, nướng, rất hấp dẫn. Chợ Cây Tre (Okussey) bán các loại khô, gạo, nông sản, thực phẩm, hàng điện máy nhỏ, thuốc lá...
Các loại khô: tra lăn phồng (còn gọi là cá leo), cá kết, cá lóc, cá hong khói, lạp xưởng, trứng cá muối… rất được ưa chuộng. Bên hông chợ là các cửa hàng bán thuốc nam, có rất nhiều cóc khô, dùng để ngâm rượu thuốc (?). Chợ Olympic bán sỉ vải, quần áo, thuốc lá… Chợ Nga (Toul Tum Poung) bán các loại đồ lưu niệm, đồ giả cổ, hàng xuất khẩu bị lỗi... Chợ Cũ (Phsar Chas) cũng bán đủ loại. Tôi đã đến khu vực bán đồ cũ của một người Việt. Hàng ngổn ngang trên nền nhà, loại gì cũng có, giá rẻ không ngờ nhưng phải biết xem hàng và lựa. Có cả bộ sưu tập máy ảnh từ năm bảy chục năm trước, vứt chỏng trơ... Campuchia chưa có lưới điện quốc gia. Các khách sạn, nhà hàng đều dùng máy phát riêng, nên chợ chỉ họp tới 16 giờ 30 vì 17 giờ cúp điện. Các trung tâm thương mại của tư nhân mở cửa đến 21 giờ 30. Chợ đêm mở cửa đến 24 giờ nhưng chủ yếu bán đồ lưu niệm, hàng thủ công… giữa bãi đất trống nên mùa mưa rất khó hoạt động.
Phnom Penh có nhiều điểm đến kỳ thú, bởi là thủ đô kế thừa của vương quốc Phù Nam một thời hưng thịnh. Cung điện Hoàng gia; điện Napoleon III - lạc lõng giữa các kiến trúc Khmer - biểu tượng cho sự thống trị của người Pháp với xứ Chùa Tháp. Phía sau là điện Khemarin - nơi Quốc vương Norodom Sihamoni đang ở và làm việc. Chùa Bạc (Silver Pagode) - còn gọi là chùa Phật Ngọc Lục Bảo. Cạnh hoàng cung là Bảo tàng Quốc gia Campuchia. Phnom Penh còn có đài Độc Lập, Tượng đài Hữu nghị VN - Campuchia, quảng trường Ngã Tư Sông, Naga World Casino (sòng bài lớn nhất Campuchia và đẹp nhất Đông Nam Á). Bảo tàng Tội ác diệt chủng Toul Sleng lưu giữ rất nhiều hình ảnh man rợ của Khmer Đỏ.  Cách Phnom Penh 15 km là Cánh đồng Chết -Choeng Ek - nơi tội ác được đẩy đến tột cùng…
Ẩm thực Phnom Penh có lắm món ngon. Các loại côn trùng chiên giòn như dế, cào cào, nhện, bò cạp, điên điển, cà cuống, mối... Nhìn thì sợ nhưng “lỡ” ăn thì khoái. Tôi thích mua trứng kiến vàng về chiên với trứng vịt hoặc nấu canh chua. Hột vịt lộn cực ngon vì vịt thả đồng; ăn lúa chưa bị “lậm” phân hóa học, thuốc trừ sâu. Các món khô, lạp xưởng nướng cũng rất hấp dẫn. Ẩm thực đường phố có chiếu hoa trải sẵn, cởi giày (không sợ mất), sà vào nhâm nhi với bia Angkor hoặc bia “Pochentong” (nước thốt nốt chua), ngắm thiên hạ dập dìu. Cái thú này chỉ có Phnom Penh mới có.
Tôi đến thăm Phnom Penh đã hơn trăm lần. Mỗi lần ghé đều có thêm kỷ niệm. Bạn bè ở đây rất nhiều - từ người ở Bộ Du lịch, Sứ quán VN, các đồng nghiệp đến cả những người bán hàng, bán quán... Thỉnh thoảng nổi hứng, lại tranh thủ “vù” qua Phnom Penh thư giãn. Có khi lên thuyền, đợi hoàng hôn xuống trên dòng Tonle Sap, ngắm Phnom Penh về đêm duyên dáng, điệu đàng như các nàng Apsara ngày xưa…
Nguyễn Văn Mỹ

Phnom Penh - Hòn ngọc của châu Á
(TNTS) Thủ đô Phnom Penh của vương quốc Campuchia từng được gọi bằng một cái tên khác là Hòn ngọc của châu Á (Pearl of Asia) hồi thập niên 1920. Còn theo lý giải tên gốc, Phnom Penh có nghĩa là vùng đất của bà Pênh, tên một góa phụ giàu có. Ngoài ra còn có nickname khác là "Thành phố bốn mặt" do thành phố nằm ngay ngã tư của 3 con sông Mêkông, Bassac và Tonle Sap.

Ảnh: Shutterstock
Phnom Penh thu hút khách du lịch bởi những công trình kiến trúc thời thuộc địa Pháp và kiến trúc Khmer. Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng, cung điện Hoàng gia và Chùa Bạc là những điểm đến chính của thành phố Phnom Penh, bên cạnh đó, khách du lịch còn có thể thưởng thức những món ăn độc đáo từ côn trùng: châu chấu, dế hay nhện, rắn…
Thủy Linh

Không có nhận xét nào: