Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

(THVL) Người du mục ở sa mạc Gobi

Sa mạc Gobi chiếm khoảng 1/3 diện tích của đất nước Mông Cổ. Sa mạc này có môi trường sinh thái đa dạng như các vùng đồng cỏ, các vùng có nhiều đá, các hồ nước và vô số đụn cát.
Các vùng đồng cỏ ở sa mạc Gobi là nơi có dân cư thưa thớt nhất ở Mông Cổ, mật độ dân số khoảng 1 người/ 2km2. Hầu hết các cư dân sống ở sa mạc Gobi là những người du mục chăn nuôi gia súc. Mỗi năm, họ di chuyển chổ ở nhiều lần khi thời tiết thay đổi. Người du mục Mông Cổ vẫn duy trì cách sống giản đơn như ngàn năm trước. Họ đã thích nghi tốt với những điều kiện sống khắc nghiệt và xem những vùng đất cằn cỗi hoang vắng của sa mạc Gobi là nhà.

Nhà truyền thống của người Mông Cổ là lều để có thể dễ dàng dựng lên hay hạ xuống chỉ trong vài giờ. Chúng có hình tròn, được làm bằng những khung cây nhẹ, phía ngoài phủ bằng những tấm nỉ lông cừu, da thú hoặc vải bạt rất dày. Mái nhà được nâng đỡ bằng những cây cột trang trí tỉ mỉ. Trên mái có khoảng trống hình tròn để ánh sáng và không khí trong lành dễ dàng vào trong lều.

Cửa vào lều nằm phía Bắc rất đặc biệt, chỉ dành cho những người lớn tuổi và khách quý. Phần lều phía Bắc là nơi đặt bàn thờ tổ tiên và rất nhiều bức ảnh gia đình. Giường ngủ được bố trí vòng theo vách lều. Bếp được đặt ở giữa lều dùng cho việc nấu nướng và giữ ấm.
Các gia đình trong họ hàng thường dựng lều gần nhau để mọi người có thể viếng thăm nhau hằng ngày và dễ dàng giúp đỡ nhau trong sinh hoạt hay di chuyển các đàn gia súc. Cuộc sống của người du mục ngày nay có sự hòa lẫn giữa truyền thống và hiện đại. Lều được trang bị nhiều thiết bị hiện đại chẳng hạn như TV, xe máy và cả pin năng lượng mặt trời.
Tuy có thể mua được xe máy nhưng cư dân du mục vẫn nuôi những con ngựa vì chúng là loại phương tiện vận chuyển lý tưởng nhất trên sa mạc Gobi và rất thuận tiện khi trông coi đàn gia súc.

Ngựa đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của dân du mục Mông Cổ. Những con ngựa luôn sát cánh bên họ trong công việc. Nguồn gốc của loài ngựa Mông Cổ vẫn chưa được biết chính xác, mặc dù hình ảnh những người dân du mục trên lưng ngựa đã được ghi nhận trong các tài liệu ở vùng Trung Á vào năm 2000 trước Công nguyên. Giống ngựa Mông Cổ vẫn được duy trì từ thời của Thành Cát Tư Hãn cho đến ngày nay. Đế chế của ông ấy đã phát triển mạnh một phần nhờ vào sự dũng cảm và mạnh mẽ của những con ngựa Mông Cổ.

Các chiến binh luôn gắn bó với những con ngựa. Khi họ qua đời, xác của con ngựa cũng được chôn cất ngay bên cạnh. Ngựa Mông Cổ là giống ngựa thuần chủng và rất mạnh khỏe, là niềm tự hào của dân du mục nơi đây.
Ngựa thường sống ở vùng đất rộng mênh mông, có thể tự đi tìm thức ăn vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Lông bờm và lông đuôi ngựa Mông Cổ rất dài và bền, chúng thường được dùng để bện thành những sợi dây thừng cột lều. Loài ngựa này có đầu lớn, chân ngắn, móng guốc rất khỏe.

Hiện ở Mông Cổ có khoảng 3 triệu con ngựa. Phần lớn chúng được chạy nhảy tự do trên các vùng đồng cỏ. Những con ngựa đang trong giai đoạn sinh sản được giữ trong rào. Từ tháng 7 đến tháng 10 là thời điểm cỏ tươi tốt và đây cũng là mùa sinh sản của ngựa. Lúc này, người Mông Cổ thu được rất nhiều sữa ngựa. Người ta vắt sữa ngựa sau mỗi 2 giờ đồng hồ, tức khoảng 6 – 8 lần/ngày và trung bình sẽ thu được khoảng 3lit sữa mỗi ngày.

Sữa ngựa rất giàu protein, vitamin và khoáng chất. Chúng được chế biến thành loại thức uống rất ưa thích của người du mục được gọi là e – ra. Vào mùa hè, ngoài thịt ngựa – loại thực phẩm luôn diện diện trong từng bữa ăn của người Mông Cổ – còn có các sản phẩm được làm từ sữa bò, sữa cừu hoặc sữa dê.
Sữa chua, sữa lên men, sữa tươi, bơ và kem là những loại thực phẩm được tiêu thụ nhiều nhất vào mùa hè. Sự phong phú về nguồn cung cấp sữa giúp các gia đình du mục dễ dàng chế biến các loại phomat hay các loại thực phẩm phơi khô khác. Đó là nguồn thực phẩm quan trọng trong những tháng mùa đông.

Khách đến thăm sa mạc Gobi đều được người du mục chào đón rất nhiệt tình và vui vẻ. Đó là dịp để họ trò chuyện và kể lại những kỷ niệm của gia đình.
Bò Tây Tạng là một trong những loài động vật độc đáo của vùng đồng cỏ ở sa mạc Gobi. Chúng đã được thuần hóa cách nay hơn 3.000 năm. Loài động vật này cung cấp cho con người thịt, sữa và bộ lông dày. Lông bò Tây Tạng thường được cắt mỗi năm một lần vào cuối mùa đông. Loài động vật này thường đảm nhận việc kéo xe chở hàng hóa qua những chặng đường dài.
Lông của bò Tây Tạng được bện lại thành dây phục vụ cho cuộc sống hằng ngày


Người du mục đã lai tạo giống bò Tây Tạng và bò thường để có giống bò mới được gọi là Hai-nat. Chúng cung cấp nhiều thịt và sữa hơn bò Tây Tạng lẫn bò thường. Cả bò Hai-nat và bò thường đều cho da tốt dùng để làm yên ngựa hay quần áo.
Bò, ngựa, cừu, dê và lạc đà là 5 loài động vật quý giá nhất đối với người du mục sống ở sa mạc Gobi. Chúng là nguồn cung cấp lương thực đảm bảo cuộc sống của họ.
Thịt cừu được dùng để chế biến thành nhiều món ăn ưa thích của người Mông Cổ, lông cừu thường được làm thành những tấm bạt lớn che lều, may quần áo truyền thống.
Loài dê ở sa mạc Gobi nổi tiếng với lông chất lượng cao. Những sản phẩm làm từ lông dê đã mang đến cho người dân nơi đây khoản thu nhập đáng kể. Vì thế, hằng năm, người ta cố gắng gia tăng số lượng loài gia súc này.
Loài động vật quý giá thứ 5 là lạc đà. Chúng xuất hiện trong nhiều bài hát nói về những cuộc phiêu lưu đi qua vùng sa mạc. Có hơn 500.000 con lạc đà được nuôi dưỡng ở sa mạc Gobi. Chúng được nuôi để lấy lông, thịt, sữa. Lạc đà được xem là phương tiện vận tải lý tưởng ở sa mạc. Mỗi con có thể mang lượng hành hóa nặng đến 250kg. Bộ lông dày giúp chúng chịu đựng được cái nóng của mùa hè và cái lạnh của mùa đông.

Bướu lạc đà là nơi dự trữ chất béo giúp con vật di chuyển nhiều ngày mà không cần nạp thêm thức ăn hay nước uống. Vào mùa hè, bướu lạc đà cái có thể nhỏ lại vì tất cả năng lượng đều được dồn vào việc tạo sữa.
Vào những tháng thời tiết lạnh giá, người du mục chuyển đến những nơi trú ngụ bán kiên cố bằng đá hoặc gỗ và để bảo vệ đàn gia súc trước cái lạnh giá. Ở Mông Cổ, đất đai là tài sản chung nên không được mua bán. Mọi người đều có thể chọn một nơi thích hợp để cư ngụ và chăn nuôi gia súc. Họ cũng có thể dựng lều hay xây dựng những công trình bán kiên cố ở đó.

Cát bao phủ khoảng 3% diện tích sa mạc Gobi. Những đụn cát ở đây có thể cao đến 200m. Chúng liên tục di chuyển dưới tác động của những cơn gió đến từ vùng Tây Bắc. Người du mục sa mạc Gobi gọi chúng là những “đụn cát hát” vì gió và cát thường tạo nên những âm thanh rất vui tai.

Vùng núi Ba chị em là nguồn cung cấp nước vô hạn đối với người du mục ở sa mạc Gobi và đàn gia súc của họ. Tương truyền, có ba nhà buôn giàu có người nước ngoài đã đem lòng yêu mến ba chị em xinh đẹp ở vùng này. Họ muốn kết hôn rồi đưa các cô về đất nước của họ. Vì không muốn rời khỏi quê nhà của mình nên ba chị em đã cầu xin sự giúp đỡ của thần đất. Kết quả là họ đã được hóa thành ba ngọn núi, mãi gắn liền với đất nước Mông Cổ. Kể từ đó, ba ngọn núi được gọi là dãy núi Ba chị em.
Đối với cư dân ở sa mạc Gobi, số căn lều mà một gia đình sở hữu và độ rộng của chúng thể hiện sự sung túc của họ. Sợi dây thừng được làm bằng lông thú đặt bên dưới mái lều và những mẫu thêu trang trí được treo khắp nơi trong lều ngụ ý cầu mong sự may mắn. Giống như tổ tiên của mình, người du mục ngày nay vẫn duy trì cuộc sống đơn giản, sẵn lòng giúp đỡ và cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Đối với họ, Sa mạc Gobi luôn là chốn thiên đường tuyệt vời.
Thanh Trúc
 

Không có nhận xét nào: