Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

(THVL) Chim hạc: Biểu tượng văn hóa của Nhật Bản

Tọa lạc tại tỉnh Hokkaido, miền Bắc Nhật Bản, Kushiro – vùng đầm lầy rộng lớn với tổng diện tích 183 km2 – là môi trường sinh sống của khoảng 2.000 loài động thực vật và chim nước.
Vào các mùa trong năm, đầm lầy là nơi cung cấp nguồn thức ăn dồi dào, nhưng đến mùa đông, toàn bộ khu vực chìm trong tuyết trắng. Sự bất lợi này vẫn không thể cản trở Kushiro trở thành thiên đường kết đôi và sinh sản của sếu đầu đỏ – loài chim quý hiếm trên thế giới mà người Nhật gọi là hạc Tancho. Hiện nay, có trên 1.000 con hạc Tancho đang cư trú tại khu đầm lầy này.

Với chiều dài sải cánh lên đến 1,4m, chim hạc là loài chim lớn nhất Nhật Bản và được người dân xứ sở này xem như biểu tượng đặc biệt của tự nhiên. Chữ “tan” trong từ tancho có nghĩa là màu đỏ và chữ “cho” dùng để chỉ chỏm lông trên đầu. Nguồn gốc của từ tancho xuất phát từ đặc điểm của loài hạc là chỏm lông màu đỏ giống như chiếc mũ ngay đỉnh đầu.

Hạc tancho là tên gọi mang tính trang trọng. Thông thường, người Nhật dùng từ “tsuru” để gọi loài chim cao quý này.
Chim hạc là loài vật chung thủy, khi con trống và con mái kết đôi, chúng sống bên nhau suốt đời không thay đổi. Chính vì vậy, người Nhật xem chim hạc là biểu tượng của sự hòa hợp trong cuộc sống vợ chồng. Họa tiết hình chim hạc là hoa văn phổ biến và được ưa chuộng trên trang phục cưới kimono và nhiều đồ vật khác.
Vòng đời của chim hạc từ 30 – 60 năm. Chúng là loài lông vũ có tuổi thọ cao nhất trong họ nhà chim. Vì thế, từ xa xưa, người Nhật và dân các nước phương Đông đã quan niệm, chim hạc và rùa là hai linh vật tượng trưng cho sự trường thọ. Rùa và chim hạc là đề tài chủ đạo trên các bức tranh giấy cuộn dùng để trang trí trong nhà người Nhật.
Hạc giấy là hình ảnh rất quen thuộc trong bộ môn nghệ thuật xếp hình ori-gami. Tại Nhật Bản, người ta tin rằng, nếu ai đó xếp đủ 1.000 con hạc giấy thì họ sẽ có một điều ước cho sự an lành, hạnh phúc và thuận lợi. Niềm tin này đã phần nào cổ vũ tinh thần, giúp nhiều người vượt qua khó khăn.

Hạc giấy còn là biểu tượng của hòa bình. Ngoài ra, người Nhật cũng cho rằng, chim hạc mang lại sự may mắn. Suy nghĩ đó có liên quan đến chỏm lông màu đỏ trên đỉnh đầu của chúng. Trong dân gian tồn tại nhiều câu chuyện cổ tích về vận may mà loài chim này mang đến cho con người. Nổi tiếng nhất là câu chuyện “Tsuru no On-gaeshi”, tạm dịch “Chim hạc đền ơn”.
Ngày xưa, có một lão nông nhân hậu tình cờ bắt gặp con chim hạc đang mắc bẫy, ông đã giải thoát cho con vật đáng thương ấy. Vào một đêm mùa đông tuyết rơi nặng hạt, một cô gái xinh đẹp đến gõ cửa nhà vợ chồng ông lão. Cô gái cho biết, mình bị lạc đường và xin ông bà lão cho tá túc. Vợ chồng bác nông dân tốt bụng vui lòng nhận lời.

Cô gái lưu lại nhà của họ trong một thời gian. Hàng ngày, cô giam mình trong phòng để dệt vải. Ít lâu sau, cô dệt xong một tấm vải tuyệt đẹp và mang nó tặng cho vợ chồng ông lão.
Một ngày nọ, vợ chồng bác nông dân lén vào phòng của cô gái để tìm hiểu sự việc. Họ không tin vào mắt mình khi thấy một con chim hạc đang dệt vải bên khung cửi. Chim hạc tự bứt những chiếc lông trắng tinh trên cơ thể để làm nguyên liệu dệt. Cô gái xinh đẹp chính là chim hạc hóa thân, khi bị nhìn thấy hình dáng thật, chim hạc không thể trở lại hình người. Nó từ biệt ông bà lão để quay về trời xanh sau khi gửi lại cho họ những tấm vải quý dệt từ những chiếc lông mịn màng của nó như một sự đền ơn.
Vẻ đẹp thanh mảnh của hình thể cùng những quan niệm tốt lành về chim hạc không chỉ xuất hiện trong hội họa, thi ca mà còn được dùng làm biểu tượng cho hãng hàng không quốc gia Nhật Bản – JAL.Tháng 1/2011, ban giám đốc của JAL đã quyết định lấy lại hình ảnh chim hạc làm logo trên phần đuôi của máy bay sau 9 năm từ bỏ nó.
Năm 1959, logo này lần đầu tiên được hãng hàng không quốc gia Nhật Bản sử dụng. Logo của JAL được thiết kế cách điệu với hình chim hạc đỏ đang vươn đôi cánh tạo thành vòng tròn tượng trưng cho Mặt trời – biểu tượng của nước Nhật. Trên nền đỏ của mình hạc là chữ JAL màu trắng.
Logo của Japanese Airlines


Theo ban giám đốc của JAL, chim hạc tượng trưng cho tinh thần quật cường và sự vĩnh cửu của hãng. Họ hy vọng rằng, sự sống lại của logo hình chim hạc sẽ giúp JAL vượt qua giai đoạn khó khăn do suy thoái kinh tế để hồi phục và phát triển mạnh mẽ.
Đến Nhật Bản, bạn sẽ bắt gặp hình chim hạc trang trí ở khắp mọi nơi. Trên tờ 1.000 Yên Nhật, ở hai bên của vòng tròn in hình ảnh mờ chân dung nhà vi trùng học Noguchi Hideyo là hai con chim hạc đang vươn cổ lên trời cao.
<>
Mặt trước và sau của tờ 1000 Yen Nhật


Trên lá bài Hana-fuda – loại bài lá trong trò chơi bài truyền thống Karuta của người Nhật – có in hình chim hạc, lá thông và mặt trời – những biểu tượng đặc trưng của Nhật Bản.
Lá bài Hana-fuda


Bên ngoài tấm thiệp Shugi bukuro dùng để đựng tiền mừng cưới có hình chim hạc trắng được thắt một cách khéo léo. Nguyên liệu dùng làm hình trang trí này là giấy washi. Thiệp mừng cưới hình chim hạc rất phổ biến tại Nhật, chứa đựng hàm ý cầu chúc đôi lứa sống hạnh phúc, bền lâu.
Thiệp mừng cưới hình chim hạc


Từ xưa, người Nhật đã xem chim hạc là linh điểu, là biểu tượng của sự linh thiêng cao quý. Quan niệm này bắt nguồn từ truyền thuyết của người Trung Quốc xem chim hạc là phương tiện đi lại của thần tiên.

Tại Nhật Bản, chim hạc bắt đầu xuất hiện trên tranh vẽ vào thời Edo, nhưng lịch sử phát triển của loài chim này trên đất Nhật cũng lắm thăng trầm. Lúc bấy giờ, các vùng ven của kinh thành Edo có rất nhiều cánh đồng hoang sơ và đầm lầy thích hợp cho chim hạc sinh sống. Hàng năm, vào mùa đông, môi trường cư trú chủ yếu của chim hạc ở Hokkaido chìm trong tuyết trắng nên chúng di cư xuống miền Nam nước Nhật – nơi khí hậu ấm áp hơn. Đến mùa xuân, chúng lại quay trở về Hokkaido.
Trong quá trình di cư đó, một số con hạc bị săn bắn và trở thành nguồn thực phẩm cao cấp. Chim hạc là món ăn có mặt trong thực đơn của lãnh chúa Date Masa-mune. Thịt chim hạc chủ yếu được sử dụng làm món súp. Đây được xem là món “cao lương mỹ vị” với niềm tin rằng, ăn thịt chim hạc mang lại sự trường thọ.
Để cung cấp nguồn thực phẩm quý này, người dân áp dụng nhiều cách để săn bắt chim hạc. Một trong những cách săn chim hạc hiệu quả nhất là dùng chim ưng săn mồi. Chim hạc không chỉ là món ăn cao cấp của tướng quân và giai cấp cầm quyền ở kinh thành mà nó còn xuất hiện trên bàn ăn của các lãnh chúa địa phương.

Đến thời Mạc phủ, việc săn bắt chim hạc trong dân chúng bị cấm hoàn toàn. Kể từ đó, chim hạc được an toàn trong những chuyến di cư tránh đông.
Vào thời Minh Trị duy tân, chính quyền đẩy mạnh khai khẩn đất hoang tại khu vực Hokkaido. Việc này khiến môi trường sinh sống của chim hạc thay đổi nghiêm trọng. Thêm vào đó, lệnh cấm săn bắt chim hạc được dỡ bỏ, người dân bắt đầu đổ xô săn lùng loài chim quý này. Hậu quả là vào thế kỉ XIX, hình bóng của chim hạc hoàn toàn biến mất khỏi những vùng cư trú thân thuộc trên lãnh thổ Nhật Bản. Điều đó khiến người ta nghĩ rằng, chim hạc Nhật Bản đã tiệt chủng.

Thế nhưng, vào năm 1924, chim hạc xuất hiện trở lại ở khu vực Hokkaido. Thông tin chim hạc trở về nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Nó là minh chứng cho thấy, môi trường sống tự nhiên của loài chim quý hiếm này đã được cải thiện.
Ngay lập tức, cư dân địa phương tìm cách giữ chân chim hạc ở lại lâu dài. Mùa đông, chim hạc rất khó tìm thức ăn nên mọi người cung cấp thức ăn cho chúng và dựng lên những nơi trú đông tạm thời cho chim hạc. Dưới sự trợ giúp và bảo vệ của người dân địa phương, chim hạc bắt đầu định cư lâu dài tại Hokkaido. Không giống sếu đầu đỏ ở các nơi khác di cư theo mùa, chim hạc sống cố định tại đầm lầy Kushiro.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào: