Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Myanmar - quen mà lạ


(TNTS) Đến với đất nước thuộc khối ASEAN gần gũi này thật bất ngờ khi bắt gặp nhiều điều lạ: những phụ nữ Myanmar bôi kín hai bên má bằng thứ bột trắng ngộ nghĩnh, nam giới trong trang phục như váy và các nam nhân viên hải quan bỏm bẻm nhai trầu…
Ngay cả hướng dẫn viên của đoàn chúng tôi, cô Khin Chan, cũng có gương mặt được bôi vẽ giống hệt những người phụ nữ Myanmar tôi nhìn thấy trong sân bay. Không giữ nổi tò mò, tôi hỏi Khin Chan ngay khi lên xe về trung tâm thành phố Yangon. Chan vui vẻ chia sẻ: “Hầu hết phụ nữ Myanmar chúng tôi không dùng mỹ phẩm, thứ duy nhất bất kỳ ai đặt chân đến Myanmar đều dễ dàng nhận thấy, đó là bột Thanakha (loại cây họ gỗ có rất nhiều ở vùng miền bắc và được coi là đặc sản của xứ này). Người ta cầm những thanh Thanakha mài vào miếng đá có thấm nước và dùng phần bột mài để bôi lên  má. Với phụ nữ Myanmar, đây là thứ bột hữu hiệu nhất để chống nắng, trang điểm và dưỡng da cả ngày và đêm”.
 
Từ trẻ em đến người lớn, đều dùng bột Thanakha để làm đẹp - Ảnh: Cẩm Nhi 
Khác với nhiều nước, trang phục truyền thống của các dân tộc thường chỉ được sử dụng trong những dịp đặc biệt hoặc lễ tết, do đặc thù thời tiết nắng nóng gần như quanh năm, trang phục truyền thống Paso - dành cho nam và Longyi - dành cho nữ được người dân Myanmar sử dụng hằng ngày. Paso và Longyi đơn giản là  miếng vải trơn hoặc caro khoảng 2m dành cho nam và loại vải màu sắc, hoa văn dành cho nữ. Thao tác chưa đầy 5 giây, miếng vải được quấn ngang hông thay cho quần hoặc váy (thường dài đến mắt cá chân). Và thú vị hơn, khi cần thiết, Paso hay Longyi được kéo lên thành tấm áo che mưa, che nắng, quấn tròn thành dạng đế mũ vững chắc cho những phụ nữ đội hàng hóa (trái cây, bao gạo, thực phẩm) mà không cần dùng tay giữ...
 
Đi khất thực - Ảnh: Cẩm Nhi
Nam giới ở đây nghiện trầu và nhai trầu suốt ngày. Thật dễ dàng tìm thấy các hàng quán bán trầu dọc đường và người bán cũng đều là nam giới. Miệng nhai bỏm bẻm, đôi tay nhanh thoăn thoắt lựa trầu, người bán chỉ mất 30 giây để têm xong gói trầu khoảng 5 miếng. Cũng vì thói quen ăn trầu này mà đường phố ở Yangon (đặc biệt tại các khu vực xe buýt, xe tuk tuk hay taxi) có rất nhiều đoạn vỉa hè nhuộm màu đỏ… Cô hướng viên Chan thường nói vui với chúng tôi đó là “những vết son đỏ trên hè phố”.
Đất nước với triết lý nhà Phật hiện diện khắp mọi nơi, con người hiền hòa, thân thiện, bóng  nhà sư khất thực mỗi sáng trên đường phố, khu phố người Ấn ồn ào, những chiếc xe ba gác chất đầy hàng hóa và nụ cười Thanakha của các cô gái… giống như nét duyên ngầm tạo nên một diện mạo thực sự mới mẻ, quyến rũ mỗi du khách khi đặt chân đến nơi đây.
Đoàn Thị Thanh Trà


Myanmar tĩnh lặng

Đến Myanmar, người ta dễ choáng ngợp bởi hàng ngàn ngôi đền, chùa, tháp vàng rực khắp nơi và điều đó đã tạo cho đất nước này một vẻ mơ màng độc đáo.
Tĩnh lặng đêm ngày
Liên bang Myanmar có 135 dân tộc, phân bố ở 7 bang và 7 vùng lãnh thổ. Dân tộc Bamar (Miến) chiếm 68% và 89% dân số ở miền đất này theo đạo Phật. Buổi sáng ở thủ đô Yangon, bước chân ra phố, người ta cảm nhận rất rõ nhịp sống bình yên. Ngoài những chuyến xe buýt chạy đều đặn trên một số tuyến chính và một vài hãng taxi sử dụng những loại xe từ thập niên 50 của thế kỷ trước, xe đạp lôi (trisaw) là phương tiện đi lại phổ biến nhất. Thậm chí, xe đạp lôi còn được phép chạy trên những đại lộ thênh thang. Càng xa thành phố, loại phương tiện giao thông này càng phổ biến. Nó được thiết kế giống như các loại xe sidecar của quân đội Đức sử dụng hồi thế chiến thứ hai. Một cái thùng xe cho hai người ngồi được gắn kế bên xe đạp. Một người nhìn ra trước, một người nhìn sau. Hai lưng tựa nhau rất “tình thương mến thương”.
Nằm ở khu trung tâm Yangon, ngôi chùa vàng nổi tiếng thế giới – Shwedagon 2.500 năm tuổi, được bao phủ bởi 60 tấn vàng ròng và đỉnh tháp được trang hoàng bằng cả một kho báu: 5.448 viên kim cương, 2.317 viên hồng ngọc, bích ngọc, 1.065 lục lạc vàng và viên hạt xoàn 76 carat trên đỉnh cao chót vót. Trên phố xá đã xuất hiện nhiều cao ốc hiện đại, nhưng nét cổ xưa của nhiều tòa nhà với lối kiến trúc Anh, Ấn, Tàu, Hồi… vẫn bao trùm một vùng không gian. Ở đó, lẳng lặng trong sương sớm, thỉnh thoảng người ta bắt gặp những quán nước vỉa hè với vài người dậy sớm, nhẩn nha ly trà nóng với vài cái bánh chiên còn đẫm mùi dầu
Một góc chùa Shwedagon 2.500 năm tuổi
Sự tĩnh lặng càng rõ hơn khi đến hồ Inle. Đấy là khu hồ lớn thứ hai của Myanmar, nằm trên địa phận bang Shan và cách trung tâm Heho chừng 10 cây số. Inle quả thật là thiên đường của các cặp tình nhân. Ở đấy, không chỉ có sự mát mẻ của vùng đồi nằm ở độ cao khoảng 880m so với mực nước biển mà người ta còn tìm thấy một cảm giác tách rời hoàn toàn với nhịp sống bên ngoài. Với 250km2 diện tích mặt nước, Inle tạo nên một khoảng trời thênh thang bát ngát dưới ánh nắng mặt trời với những dải núi dài xanh mượt, êm đềm những ngôi nhà nổi bằng tre nứa giản dị, lặng lẽ những ngư dân đứng chèo thuyền quăng lưới giữa trưa, hững hờ những cánh chim sải cánh trong chiều tà…
Đêm Inle càng thêm huyền diệu nếu chỉ có du khách với sao trời chi chít, với trăng khuya cô độc in bóng mặt hồ.
“Lòng ta là những thành quách cũ…”
Bagan, cố đô của Myanmar, cách Yangon 600km về hướng Bắc. Nhìn từ máy bay, Bagan thật hoang sơ. Truyền thuyết kể rằng, thời hưng thịnh (1044 - 1287), mỗi ngày, Bagan có thêm 40 đền chùa. Trên diện tích 42 cây số vuông, Bagan hiện còn 2.217 ngôi đền chùa trên tổng số 13.000 công trình được xây dựng trước đó.
Bagan bây giờ chỉ còn là hoài niệm của người Myanmar. Nhưng đó là sự hoài niệm đầy tự hào. Bốn góc khu Old Bagan vẫn sừng sững bốn công trình bất hủ: chùa Shwezigon cổ kính nhất, đền Ananda đẹp nhất, đền Thatbyinnyu cao nhất, “kim tự tháp” Dhamayangyi đồ sộ nhất.
Myanmar đang vào mùa mưa, nhưng nắng vẫn rát, gió vẫn khô như vùng Phan Rang, Ninh Thuận xứ mình. Không có nhiều màu xanh trên vùng đất cao nguyên này. Thấp thoáng là những cây cọ cô đơn vươn cao và những thân xương rồng khẳng khiu, đầy gai nhọn dưới thấp. Vậy mà từ năm 1300, khi cư dân cuối cùng rời khỏi Bagan, những di tích đền chùa này vẫn sừng sững ngắm nhìn nhiều cuộc bể dâu.
Một góc Bagan
Cuối chiều, nhiều du khách chọn cách ngắm Bagan từ độ cao 40m của ngôi đền Shwesandaw, ngồi chờ ánh hoàng hôn phủ lên bạt ngàn thành quách đền đài lô nhô dưới thấp, cảm nhận không gian như lặng im, thời gian như chùng lại. Tiếng vó ngựa chậm rãi lóc cóc phía xa, gợi cảm xúc về một thời hoàng kim xa xưa của triều Mon bên dòng Ayeyarwady. Những câu thơ của Vũ Đình Liên bỗng hợp tình, hợp cảnh hơn bao giờ hết: Trôi đi thuyền! Cứ trôi đi xa nữa/Vỗ trăng khuya bơi
Kuthodow Pagoda – nơi có bộ Kinh Phật lớn nhất thế giới (tạc trên 729 phiến đá)
Toàn cảnh Mandalay – nhìn từ Mandalay hill
Myanmar vẫn còn vẻ đẹp hoang sơ và thuần khiết, người Myanmar mến khách và hiền lành… Sự hiếm hoi ấy là một trong những lý do khiến Vietravel chọn Myanmar làm điểm đến mới như một hành động ủng hộ mục tiêu “4 quốc gia 1 điểm đến” trong kế hoạch quảng bá hình ảnh du lịch tiểu vùng Mêkông năm 2011 của các nước trong khu vực..
Theo PNO

Không có nhận xét nào: