Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Hương Việt ở Cheb

Đến quán cô Đức, thực khách có cảm tưởng như về nhà mình, một không gian ấm áp với những món ngon quê nhà, luôn gợi nỗi nhớ với những người Việt xa quê, sinh sống trên đất khách.
Món ngon nối kết cộng đồng
Tên chính thức là quán Hương Quê - nhưng người Việt tại Cheb thích gọi là quán cô Đức - tọa lạc tại khu thương mại Dragounska ở Cheb, một thành phố nhỏ của Cộng hòa Czech (Tiệp Khắc cũ), sát biên giới Đức. Tôi đến Hương Quê vào sáng cuối tuần cùng những người bạn Việt Nam sinh sống tại Cheb. Có cảm giác đang bước vào một nhà hàng thân quen nào đó ở Hà Nội. 9 giờ sáng, quán rất đông khách, hầu hết là người nước ngoài, chỉ vài bàn có khách Việt. Mùi hương trầm thoang thoảng, mùi cà phê sực nức; mùi nước phở thơm hương gừng, thảo quả, hoa hồi; chiếc tivi ở góc phòng đang phát chương trình của đài VTV4... cảm giác thật ấm áp, như ở nhà mình những ngày trước tết.
Hương Quê bán những món Việt thuần túy: phở, bún chả, nem, mì xào, cơm chiên, bún ốc, bún riêu, bún ngan, cá chép kho riềng, giả cầy, cơm phần cùng nhiều món ăn dân dã hương vị Bắc. Khách gọi món, người phục vụ ân cần chào hỏi, báo món vào bếp... nghe gần gũi cả những tiếng trao đổi. Tôi gọi món bún riêu ốc. Tô bún riêu nóng hổi, đỏ đẹp màu cà chua, gạch cua kết mảng, ốc, hành ngò xanh tươi, rau ghém ăn kèm có cả những lá tía tô tươi non, chút mắm tôm thêm dậy mùi... làm cho sáng lạnh trời Tây thêm ấm áp. Bạn tôi gọi bún ngan, và hỏi tôi uống cà phê “nhà mình” không, ở Cheb “gì cũng có”.
Hương Quê gần như là “trung tâm gặp gỡ” của người Việt ở Cheb, thành phố nhỏ tập trung nhiều người Việt, dường như là nơi người Việt đều biết nhau. Cư dân Việt ở Cheb đa số là người đi lao động hợp tác tại Đông Đức và Tiệp Khắc (cũ) ở lại. Cuối tuần, các gia đình Việt thường đến Hương Quê ăn sáng, tiếp khách “bên nhà” sang. Đối tác làm ăn cũng mời nhau đến đây, như một địa chỉ ẩm thực, văn hóa đáng tự hào của người Việt. Khách vào, đa phần gọi món phở, nem rán (chả giò), cơm chiên... Bàn kế bên chúng tôi, anh Vlazic đang ăn sáng cùng vợ và hai con. Anh cho biết, cả gia đình anh đều mê món Việt và cuối tuần nào cũng đến Hương Quê. “Một lần tôi đến Hương Quê ăn vì tò mò muốn tìm hiểu món Việt, ăn một lần rồi thích. Phở, chả giò và bún chả rất ngon. Món Việt nhiều rau, hương vị đặc biệt, tốt cho sức khỏe. À, tôi cũng biết ăn nước mắm đấy nhé”, Vlazic cười.
Một đoàn khách bước vào quán.
Bạn tôi nói, họ là khách Đức đi tour từ bên kia biên giới sang. Cuối tuần, người Đức thường lái xe sang Cheb chơi, mua sắm, làm đẹp và ăn uống. Các chợ, cửa hàng của người Việt thường thu hút nhiều khách bản xứ, đặc biệt là lượng lớn khách Đức. Một số siêu thị mini bán quần áo, bách hóa, làm đẹp (tiệm nail, làm tóc) lớn và nổi tiếng nhất trên quảng trường trung tâm đều là của người Việt. Vài thực khách ăn xong còn gọi thức ăn mang về.
Nữ đại sứ ẩm thực
Đến Hương Quê lần thứ hai, tôi mới gặp được bà Nguyễn Thị Đức, chủ quán. Bà Đức chừng 60 tuổi, dáng vẻ giản dị, gương mặt phúc hậu. 3 giờ chiều quán thưa khách, bà mới có thời gian tiếp tôi. Bà cười hiền cảm ơn khi tôi khen món ăn bà nấu rất ngon, không khí ở Hương Quê gần gũi, ấm áp, khiến tôi có cảm giác như đang ở quê nhà. Bà Đức bảo, để có được Hương Quê như hôm nay, bà cũng trải qua bao truân chuyên, nỗ lực gầy dựng.
Bà Đức sang Tiệp Khắc (cũ) vào năm 1992, theo diện hợp tác lao động. Năm 1995 hết hạn hợp đồng, bà xin ở lại, kinh doanh nhỏ mưu sinh. Mới đầu, bà mở cửa hàng bán quần áo. Nghĩ mình có “nghề” nấu ăn, bà quyết định chuyển hướng kinh doanh. Gia đình bà nhiều đời làm nghề bán hàng ăn ở Hà Nội, có những quán ăn nổi tiếng như Thuận Bình, Ngọc Dung. Đến năm 1996 bà mở quán Hương Quê ở chợ Trạm xăng Asia, chỉ định nấu món Việt bán cho người Việt. Không ngờ, ngoài khách Việt, quán Hương Quê lại thu hút nhiều thực khách người bản xứ. Gần biên giới Đức nên khách từ Đức sang theo lời “đồn” tìm đến Hương Quê ngày càng nhiều. Rồi du khách tứ phương cũng tìm đến theo chỉ dẫn của các báo, tạp chí nước ngoài như một địa chỉ ẩm thực nên đến. Quán có 6 nhân viên, bà Đức là bếp trưởng, giờ cao điểm khách đông, phục vụ không ngơi tay. Năm 2009, quán Hương Quê dời về Dragon Bazar. Quán đi đâu, khách theo đó, chẳng mấy chốc lại đông khách. Quán bán từ sáng đến 7 - 8g tối. Chỉ sau khi đóng cửa, bà chủ quán và các nhân viên tạm được nghỉ ngơi, dù vẫn phải chuẩn bị thực phẩm cho ngày mai.
“Nữ đại sứ ẩm thực” Nguyễn Thị Đức phục vụ khách Tây
“Mới đầu khách Tây chưa quen ăn món Việt, tôi phải chủ động giới thiệu từng món. Tôi còn “tập” cho khách Tây ăn được cả mắm tôm hoặc thức ăn trộn mắm tôm, như món giả cầy. Có khách ăn nước mắm ghiền, mỗi lần đến lại xin nước mắm. Khách Tây quen ăn phi lê cá, “tập” cho họ ăn món cá chép kho riềng để cả xương là điều không dễ. Thường khách Tây ăn trong một đĩa, cơm Việt có rau, món mặn, canh. Tôi yêu cầu khách không trộn chung món ăn trong một đĩa mà dọn ra nhiều đĩa, hỏi họ có đồng ý không, đồng ý hãy đặt món. Thế mà tôi cũng thuyết phục được khách ăn “đúng kiểu” Việt cô ạ” - Bà Đức cười.
Để giới thiệu món mới, quảng bá ẩm thực Việt, bà Đức thường khuyến khích thực khách ăn thử, sẵn lòng chỉ dẫn nếu khách muốn tìm hiểu, làm món ăn Việt. Khách ăn rồi giới thiệu cho nhau, không cần quảng cáo, quán bà Đức dần thu hút thực khách ở các vùng lân cận, cách xa cả 100km, không ít khách từ Đức sang. Khách đến ăn còn đem theo gà mên để mua mang về.
Tôi thắc mắc, làm thế nào mà ở giữa Đông Âu xa xôi, tô bún ốc, vị phở ở Hương Quê lại chẳng khác gì ăn ở những tiệm nổi tiếng ở Hà Nội; làm thế nào có được đủ loại nguyên liệu, nhất là rau gia vị tươi ngon? Bà Đức cho biết, nguyên liệu bà đặt hàng từ các tiệm bán thực phẩm châu Á gì cũng có, nhiều loại được đưa từ Việt Nam sang. Một tuần có hai chuyến bay từ quê nhà, chuyên chở thực phẩm khô, thực phẩm đóng hộp và rau xanh cho các cửa hàng, người tiêu dùng Việt ở Cheb. Lúc mới mở quán, khó khăn bà mới tìm được nguyên liệu thuần chất. Rau gia vị rất hiếm và đắt, gần 1 triệu đồng/1kg rau thơm, 15 DM chỉ một nhúm rau muống (270.000 đồng). Từ 2005, người Việt ở Cheb và một số nước châu Âu đã về Cheb lập nhà vườn trồng rau cung cấp cho các nhà hàng Việt Nam và xuất khẩu đi các nước. Một số loại thực phẩm khác được chuyển từ Việt Nam sang, từ Đức về như: giò chả, lá lốt, hành ngò, húng, cần ta, gừng, riềng. Cua và ốc thì dùng đồ hộp từ Việt Nam. Một tô bún ngan, bún riêu cua ốc, phở... có giá khoảng 100.000 đồng. Theo bà Đức, giá món Việt ở quán bà cao, tương đương giá ở nhà hàng Tây, món Tây.
“Vất vả, công phu nhất là món phở, phải đúng công thức. Để có một nồi nước lèo ngon phải mất vài ngày. Từ khâu luộc xương heo bò gà, đổ nước đi rồi rửa sạch xương trắng bóng mới ninh tiếp 7 tiếng. Trong quá trình ấy phải canh chừng hớt bọt, đến khi nước trong thì để lửa nhỏ. Không thể thiếu gừng, hành, thảo quả, quế, hồi... hồn vía của một nồi nước lèo chuẩn” - bà Đức say sưa nói về “quy trình” chuẩn bị món phở, nổi tiếng nhất trong vài món ở quán mình. Món phở bán tất cả các ngày trong tuần, riêng bún chả chỉ bán một ngày, thứ Sáu và thứ Bảy bán giả cầy. Ai mê và ghiền món ăn Hương Quê thì canh lịch nấu của quán.
Từ sự nỗ lực nhọc nhằn nhiều năm dài, giờ bà Đức có thể tự hào về quán Việt nổi tiếng của mình nơi đất khách, cái quán đã nuôi sống cả gia đình, nuôi con cái ăn học thành tài. Từ sáng đến tối quán đông khách. Quán dời chuyển đâu, khách cũng theo, người Việt cũng tụ về. Bà Đức bảo, giờ ngoài duy trì chất lượng món ăn, giữ gìn thương hiệu Hương Quê - món Việt, bà còn chú tâm truyền nghề cho người làm, con cháu có thể nấu như mình nấu. Hai người con gái của bà, trong đó một chị là luật sư, ngoài giờ làm việc vẫn phụ mẹ bán quán.
“Bán hàng ăn thành công, ngoài sự yêu nghề, tận tâm còn là duyên phận, lộc trời cho cô ạ. Tôi không bán món ăn đơn thuần, tôi tự hào nấu món ngon Việt, giới thiệu ẩm thực Việt ở xứ người. Hương Quê chính là hương Việt. Món Việt đơn giản nhưng đã ăn dứt khoát là ghiền!” - Bà Đức cười sảng khoái.
Bài và ảnh Đỗ Ngọc

Không có nhận xét nào: