Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Thái Lan – Di chỉ khảo cổ Ban Chiang (1992)

(Cinet-DSTG) – Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc đã công nhận Di chỉ khảo cổ Ban Chiang là Di sản văn hóa thế giới năm 1992.
Cổ vật khai quật được từ Di chỉ khảo cổ Ban Chiang
Ban Chiang là một khu vực khai quật khảo cổ tại huyện Nong Han thuộc tỉnh Udon Thani, cách thành phố Udon khoảng 47 km về phía đông.
Di chỉ khảo cổ này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1957 bởi Steve Young -  một sinh viên nhân chủng học của đại học Havard, Mỹ. Ngay lập tức, khu di chỉ này đã thu hút sự quan tâm chú ý của các nhà khảo cổ cũng như người dân. Cuộc khai quật khảo cổ lần đầu tiên được bắt đầu vào năm 1967. Trong lần khai quật này các nhà khảo cổ đã tìm ra nhiều bộ xương và các hiện vật chôn cùng bằng đồng. Không chỉ có vậy, trong những đồ vật khai quật được các nhà khảo cổ còn tìm thấy vụn gạo điều này chứng tỏ cho việc người nông dân đã định cư ở đây từ hàng nghìn năm trước. Nhiều ngôi mộ cũng đã được phát hiện trong lần khai quật năm 1967 trong đó có những ngôi mộ cổ xưa có niên đại trước thời kỳ đồ đồng, thuộc nền văn hóa neolithic – nền văn hóa cuối thời ký đồ sắt.
Những cổ vật và xương người khai quật được từ Di chỉ khảo cổ Ban Chiang

Suốt nhiều năm sau đó, Di chỉ khảo cổ Ban Chiang đã trải qua nhiều lần khai quật  trong đó lần khai quật thứ ba từ năm 1974 – 1975 là lần quan trọng nhất. Trong lần khai quật này, diện tích được khai quật là 215m2, các nhà khảo cổ đã thu được 18 tấn di vật và 126 bộ xường người từ các ngôi một trong di chỉ.Các tầng văn hoá ở đây được chia thành 6 giai đoạn. Giai đoạn 1 và 2, khoảng 3600 - 2900 trước Công Nguyên: đã có đồ đồng thau như mũi giáo, vòng tay, vòng chân, đồ gốm đen, xám, có hoa văn thừng hay khắc vạch. Giai đoạn 3, khoảng 2000 trước Công Nguyên: bắt đầu có gốm khắc vạch với hoa văn đẹp. Giai đoạn 4, khoảng 1600 - 1200 trước Công nguyên: xuất hiện đồ sắt và gốm khắc vạch tô màu. Giai đoạn 5, khoảng 1000 - 500 trước Công Nguyên: có vũ khí và công cụ sắt, bên cạnh đồ trang sức bằng đồng thau, đồ gốm vẽ màu phát triển. Giai đoạn 6, khoảng 300 - 200 trước Công Nguyên: chỉ có gốm áo đỏ, không còn vẽ màu, có đồ trang sức bằng thuỷ tinh. 
Những cổ vật khai quật được trưng bày tại bảo tàng Ban Chiang
Những năm gần đây bằng các phương pháp xác định niên đại nhiệt quang, các nhà khảo cổ đã phân tích được nhiều cổ vật và xác định được niên đại của chúng có từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên ( năm 4420 đến năm 3500) có nghĩa là khu vực này có niên đại sớm nhất trong các di chỉ thời kỳ văn hóa đồ đồng của thế giới.
Tuy nhiên trong cuộc khai quật khảo cổ năm 1974-1975 với đầy đủ các phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị các bon các nhà khoa học lại cho biết kết quả của các cổ vật này có xuất pháp muộn hơn. Theo đó ngôi mộ cổ xưa nhất có niên đại khoảng 2100 năm trước Công nguyên và muộn nhất có niên đại 200 năm sau Công Nguyên. Sự chế tác công cụ bằng đồng cũng được chứng minh có từ khoảng 2000 năm trước Công Nguyên với những dụng cụ nấu kim loại và những mảng đồng vụn được tìm thấy tại khu Di chỉ. Trong cuộc tìm kiếm này có nhiều hiện vật được tìm thấy, đặc biệt trong số đó có rất nhiều đồ trang sức như vòng tay, nhẫn, vòng chân…và những dụng cụ việc săn bắt, hái lượm như lưỡi rìu, mũi giáo, móc, lưỡi dao, các chuôn nhỏ và dây roi…
Tem và ảnh giới thiệu về Di chỉ khảo cổ Ban Chiang..

Để bảo vệ khu di chỉ đồng thời quảng bá di sản này đến với đông đảo du khách, chính phủ Thái Lan đã cho xây dựng một bảo tàng để lưu giữ và trưng bày những cổ vật đã được tìm thấy. Tuy nhiên không giống như những di sản khác của Thái Lan đã được Unesco công nhận là Di sản thế giới đểu rất thu hút khách du lịch, Di chỉ khảo cổ Ban Chiang lại không thu hút được sự quan tâm của du khách mặc dù Chính Phủ đã có nhiều chương trình, kế hoạch quảng bá.
Không nhận được sự ưu ái của du khách nhưng Ban Chiang lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của những nhà khảo cổ trên thế giới và những kẻ buôn lậu. Năm 2008, một nghiên cứu trên tờ Thời báo New York đưa ra kết luận về việc rất nhiều cổ vật bị buôn trái phép ra ngoài Thái Lan được khai thác trộm từ di chỉ khảo cổ Ban Chiang. Những nguồn lợi từ việc buôn bán trái phép cổ vật đã khiến người dân không khai báo cho chính quyền địa phương khi họ tìm được những mảnh gồm cổ trong vườn hay trong ruộng của mình. Hiện nay vấn đề này vẫn đang là một trong những vấn để nhức nhối cần phải giải quyết triệt để và là thách thức đối với Ban quản lý Khu di chỉ Ban Chiang cũng như chính quyền của Thái Lan.
Trong 05 di sản thế giới của Thái Lan được Unesco công nhận thì khu di chỉ khảo cổ Ban Chiang là nơi thu hút khách thăm quan ít nhất. Vì thế, chính phủ Thái Lan vẫn đang tiến hành những biện pháp để quảng bá về di tích này nhằm phát triển giá trị di sản và thu hút khách du lịch.
NLH

Không có nhận xét nào: