Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Hang động Nzenzo - Sự quyến rũ khó cưỡng!

Hang động Nzenzo thuộc tỉnh Uíge, phía Tây Bắc đất nước Angola được ví như “thiên đường bị bỏ quên”.

Để khám phá vẻ đẹp kỳ diệu và những câu chuyện thú vị xoay quanh nó, chúng ta hãy cùng theo chân đoàn thám hiểm gồm những bạn trẻ đến từ thủ đô Luanda (Angola) vượt qua chặng đường gian nan hơn 100 km từ thành phố Uíge đến hang Nzenzo.
 
 
Cửa vào hang Nzenzo 

Bí mật của hang động Nzenzo được lưu giữ hàng thập kỷ trong khu rừng rậm rạp của tỉnh Uíge. Giờ đây khu hang động đã trở nên nổi tiếng và là một trong những địa điểm du lịch hứa hẹn của Angola. Do chưa có nhiều người đặt chân đến, Nzenzo giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ và những thần thoại bí ẩn của nó.

Trước khi vào hang, địa điểm đầu tiên cần phải tới thăm đó là ngôi làng Bombo, nơi những người dân bản địa và các vị bô lão trưởng làng đón tiếp du khách. Từ đây, một vị “lão làng” đầy kinh nghiệm và hiểu biết về hang Nzenzo sẽ đồng hành cùng đoàn trong hành trình khám phá và trải nghiệm này. Sau buổi tiếp đón truyền thống của người dân bản địa, nhóm phải đi bộ khoảng 1,5 km để đến cửa hang.
 
 
Hang Nzenzo
Phong cảnh ngoạn mục và âm thanh phát ra từ những dòng nước quanh co trên sông Loge thu hút sự chú ý của du khách. Đó là một dòng thác nhỏ và đẹp, trút xuống làn nước trong như pha lê, chảy qua những khe đá, luồn dưới chân cầu, tách ra bởi những chiếc trụ cầu, rồi lại hòa vào tại một hòn đảo với những hòn đá nho nhỏ dưới rừng cây xanh mướt rậm rạp. Một nhóm trẻ em khoảng 10 – 12 tuổi tỏ ra thích thú với sự có mặt của đoàn du khách tại đây, chúng nhảy từ trên cầu cao 10m xuống, biểu diễn kỹ thuật nhào lộn tài tình, tắm tiên, ngụp lặn dưới dòng nước mát.

Ở đây, bạn chỉ có thể ngắm nhìn và thưởng thức vẻ đẹp hang động Nzenzo khi có sự cho phép của những vị bô lão đứng đầu làng. Trước khi thâm nhập vào khu vực này, vị trưởng làng tiến hành một nghi lễ để xin thần linh, các nhân ngư và người quá cố cho phép du khách vào trong và bảo vệ họ tránh những điều không may xảy đến. Khu vực này rất linh thiêng. Lại có người nói rằng các linh hồn người quá cố đang sống tại đây, trong hang động, trên tán cây và trong bầu không khí tươi mát của rừng.
 

Vị bô lão của làng Bombo, ông Augusto Manganza cầu khẩn trong tiếng Quicongo: “Chúng tôi xin phép thần linh và những linh hồn đã khuất cho những vị khách của chúng tôi vào hang động và trở về lành lặn, khỏe mạnh. Chúng tôi mong muốn rằng kỳ quan này ngày càng nổi tiếng” .

Seculo João Nkau (Seculo – một chức danh thuộc hội viên hội đồng tỉnh Ambuela) chủ trì buổi lễ sẽ xức lên trán tất cả du khách nước thánh với dầu cọ và tro theo phong tục và đưa cho họ keo, muối, nước cây cọ. Họ giải thích "Chúng tôi là dân gốc Bantu và tất cả những người đứng đầu của mỗi địa phương đều khẳng định rằng phải tuân thủ nghi lễ này cẩn thận”.

Sau đó, đoàn lữ hành tiếp tục tiến sâu hơn vào đường hầm dẫn đến hang. Đối với những người lần đầu đến đây, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên trước dòng nước mát trong phun ra thành một đường tia không ngừng nghỉ từ những hốc trên trần hang mà có thể bị tưởng nhầm là nước khoáng. Cũng chính vì vậy, hang Nzenzo còn được biết đến với tên gọi trong tiếng địa phương Quicongo là “Ntadi dya Nzenzo” có nghĩa là “Đá vòi nước”. Tuy nhiên không ai biết dòng nước bí ẩn này tới từ đâu bởi gần hang Nzenzo không có sông hay hồ nào cả. Người bản địa nói “Nước đến từ một nơi bí ẩn”.

Trong hang động, du khách sẽ đi qua nhiều khu rộng to như thể những căn phòng được sắp xếp, bố cục một cách hợp lý. Không du khách nào tới đây mà không một lần muốn chạm vào những dòng nước trong suốt như pha lê chảy róc rách từ trần hang động. Những du khách bị xúc động mạnh, không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn nơi đây đã tắm ngay tại những “vòi nước tự nhiên”. Một vài người dè dặt hơn giữ lại nước đó trong chai lọ như một món vật lưu niệm đáng nhớ nhưng phần lớn khách du lịch chỉ thưởng ngoạn cảnh đẹp, chụp ảnh, cùng hát bằng tiếng quicongo: “tadi dyeto dia nzenzo kwa nzambi dia tuka” (“hang động nzenzo tuyệt đẹp của chúng ta là do chúa ban cho”).

Người đồng hành bản địa cho biết: “Nơi này được khám phá kể từ thời xa xưa bởi bậc tiền bối, cư dân đầu tiên đến hang tên là Mpungui-a-Mpasi.”

Cuối ngày, họ phải làm một nhiệm vụ khó khăn đó là yêu cầu du khách ra về. Đây là một trong những quy tắc vô cùng quan trọng: người cuối cùng ra về phải là một trong những bô lão của làng để họ thực hiện nhiệm vụ cảm tạ thần linh (nhân ngư).
 
Quanh cảnh kỳ diệu bên trong

Hang Nzenzo nằm trong dãy đồi đá với chiều cao hơn 100m và bao phủ quanh khu vực này là một khu rừng lớn, rậm rạp. Theo vị bô lão Bombo, Augusto Manganza, các hang động và đường hầm của hang là nơi cư trú của rất nhiều loài động vật. Đoàn thám hiểm có thể bắt gặp nhiều xương động vật trong hang.
Thậm chí trong hang có cả những loài như sư tử, hươu (nai), linh dương gazen, một số loài bò sát và rắn, kỳ nhông, trăn và rất nhiều loài chim đa dạng. Tuy nhiên, “chủ nhà” chính của nơi này là Dơi.

Vị trưởng làng giải thích “Cũng chính vì thế, trước khi vào hang, chúng ta phải tuân thủ các nghi thức, cầu xin thần linh và những người quá cố để làm yên lòng những linh hồn dữ và cơn thịnh nộ của động vật”.
Dọc theo hang động, có rất nhiều bẫy của các thợ săn địa phương. Vào ban đêm, những động vật như lợn rừng, lừa, hươu, linh dương và dê rừng được lùa về. Vì vậy, họ nghĩ rằng đây là nơi lý tưởng để đặt bẫy, theo trưởng làng.

Trong chuyến đi thăm đầu tiên đến tỉnh Uíge, các bạn trẻ trong đoàn thám hiểm này nói rằng bên cạnh những dấu hiệu tích cực về sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, họ bị mê hoặc bởi văn hóa và sự hiếu khách của người dân bản địa: “Hang Nzenzo là một kỳ quan hết sức ấn tượng. Cấu trúc tự nhiên của nó có thể bị nhầm tưởng là tác phẩm điêu khắc của một nghệ nhân, bên cạnh đó, những nguồn nước bí ẩn thực sự đã biến nơi đây thành một địa điểm tuyệt vời để khám phá, tận hưởng vẻ đẹp”.
 
Vị trưởng làng xức lên trán tất cả du khách nước thánh với dầu cọ và tro
theo phong tục trước khi vào hang
Bản báo cáo trên Báo Jornal de Angola cho biết: “Đó là một nơi khiến cho bất cứ ai cũng phải há hốc mồm sửng sốt kinh ngạc” và “không có đủ từ ngữ để có thể miêu tả được nơi này. Tôi đã đi bộ qua rất nhiều khu vực trong hang nhưng tôi nhận thấy rằng còn quá nhiều thứ để khám phá”.

Phóng viên Helena Quima phát thanh viên ở tỉnh Uíge chia sẻ cô đến hang Nzenzo và chưa bao giờ cảm thấy chán. Mỗi lần ghé thăm động, cô cảm thấy như thể mới biết đến nó lần đầu tiên. “Tôi mong đợi rằng các nhà chức trách sẽ cải thiện 15 km con đường lối dẫn vào hang. Do tình trạng mỗi khi mưa rào trút xuống khó có thể vào hang một cách dễ dàng”, cô nói. 
Yến Nhi (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: