Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Tượng đài Hữu nghị Lào Việt tại Mường Phìn.

Thị trấn Mường Phìn, Tượng đài hữu nghị Lào Việt, ngã ba Đường 9 với Đường 23

        Mường Phìn là một huyện nằm ở phía đông tỉnh Savannakhét. Mường Phìn là cái nôi của cách mạng Lào, là quê hương của Chủ tịch Kaysone Phomvihane. Là nơi có trục đường 9- trục của hành lang kinh tế đông-tây chạy qua. Trục dọc đường 23 nối với các tỉnh cực nam nước Lào có rất nhiều tiềm năng kinh tế.        
         Tại trung tâm thị trấn Mường Phìn có một Tượng đài Chiến Thắng hay còn gọi là Tượng đài Hữu nghị Việt Lào. Đây là một địa chỉ đỏ cho các đoàn khách thăm quan du lịch của Việt nam, nhất là các cựu chiến binh đã từng chiến đấu trên đất bạn Lào. Tượng đài nằm đối diện với ngã ba lớn giữa đường 9 và đường 23.
         Đường 23 là trục đường dọc  quan trọng trong hệ thống Đường Hồ Chí Minh. Bộ đội Trường Sơn cải tạo nâng cấp từ đường 23 cũ dài 355 km, bắt đầu từ Mường Phìn, qua Thác Hài, Sê Pôn, Sa la Van, Tha Teng, Bản Phồn, Đường K, Sê Nọi, Át Tô Pơ. Trên đường 23 trong suốt các năm 1965-1975 các đoàn xe của Bộ đội Trường Sơn đã chở lương thực, vũ khí cung cấp cho chiến trường miền nam Việt Nam. Đây cũng là một trọng điểm đánh phá ngăn chặn của máy bay Mỹ.
             
         Công viên Kaysone Phomvihane                                Ngã ba Đường 23 và Đường 9

      Ngày nay, Mường Phìn đã thay đổi rất nhiều. Nhiều dự án trồng cao su, nhiều dự án khai mỏ đã được triển khai. Đời sống nhân dân đang được cải thiện.
       
 TT thăm chiến trường xua biểu diễn dưới chân Đài Hựu nghị Lào Việt và tặng quà cho các cháu thiếu nhi  .
   
      Trung tâm Tổ chức về thăm chiến trường xưa Bộ đội Trường Sơn- Quân tình nguyện Việt- Lào đã có mối quan hệ tốt với chính quyền và nhân dân huyện Mường Phìn. Trung tâm đã tổ chức các buổi liên hoan văn nghệ và tặng quà cho các cháu thiếu niên huyện Muờng Phìn.
        Hội Truyền thống Trường Sơn đã có kế hoạch xây dựng tại ngã ba đầu đường 23 một bia Di tích ghi nhớ vai trò lịch sử của tuyến Đường 23 trong chiến tranh.

                                                                                                              Vũ Trình Tường

Hầm Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 giai đoạn 1967-1969


Từ năm 1961, theo chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ đội Trường Sơn bắt đầu thực hiện “Lật cánh sang tây, tổ chức vận chuyển cơ giới”.

Được sự thỏa thuận của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, lần lượt các tuyến đường 129, 128, 20… được Đoàn 559 xây dựng trên đất bạn Lào. Đến những năm 1967-1969 đường Hồ Chí Minh ở phía Tây Trường Sơn đã phát triển thành một hệ thống đường cơ giới trải rộng khắp các tỉnh Khăm Muộn, Savannakhet, Saravan, Sê Công, Atôpư…đáp ứng nhu cầu chi viện ngày càng lớn cho các hướng chiến trường miền Nam Việt Nam.
Sở chỉ huy tiền phương Tranh của Đức Dụ
Để sự chỉ huy được trực tiếp có hiệu quả, ngày 14-10-1967, Bộ Tư lệnh 559 đã chuyển Sở Chỉ huy về phía tây bản Na Hi (cũ) huyện Sê Pôn, nằm giữa đường 128A, đường 128B, cách không xa các trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ như đèo Văng Mu, ngã ba Na Bo, ngầm Thà Khống, Tha Mé…Ngoài yếu tố bất ngờ về vị trí, Sở Chỉ huy được đặt trong một “Địa đạo” nằm sâu trong lòng núi Phu Ca Tôn, đảm bảo an toàn nếu bị máy bay đánh phá. Hầm có chiều dài khoảng 200m, có đầy đủ các hầm trực chỉ huy, hầm giao ban Bộ Tư lệnh, hầm trực ban cho cơ quan tham mưu các binh chủng (Công binh, Phòng không, Vận tải, Thông tin…), cơ quan Chính trị, Hậu cần. Hệ thống thông tin liên lạc nối thông đến tất cả các trọng điểm, các Binh trạm, các binh chủng… Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên có thể nói chuyện nói chuyện một lần với 4-5 Binh trạm từ bắc sông Bạc trở ra. Đèn điện trong địa đạo được máy phát điện cung cấp sáng suốt ngày đêm. Tác phong làm việc của Bộ Tư lệnh và các cơ quan trong Sở Chỉ huy rất  chính quy, khẩn trương, nghiêm túc. Cũng tại địa điểm này, Bộ Tư lệnh 559 vinh dự được đón đoàn đại biểu của Chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam trên đường ra miền Bắc công tác đã ghé thăm.
Từ tháng 1-1969 đến tháng 3-1969 Sở Chỉ huy 559 đã bị máy bay Mỹ oanh tạc, nhưng Bộ Tư lệnh vẫn làm việc an toàn trong lòng núi. Trong một đợt đánh phá, bác sĩ Nguyễn Công Khanh hy sinh khi đang chuẩn bị cấp cứu thương binh tại một trạm quân y gần Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh.
Tại căn Hầm này trong các năm 1967-1969, Bộ Tư lệnh đã phát đi các mệnh lệnh chiến đấu cho toàn chiến trường Trường Sơn. Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ năm 1968 kết hợp tập huấn chuẩn bị cho nhiệm vụ năm 1969 của Đoàn 559 cũng được tổ chức tại Sở Chỉ huy trong lòng núi Phu Ca Tôn từ ngày 20 đến ngày 27 tháng 9 năm 1968. Trong thời gian Hội nghị này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư khen.
Giữa năm 1969, máy bay Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, sau hội nghị quân chính Đoàn 559 tại Sầm Sơn Thanh Hóa, ngày 18-9-1969, Bộ Tư lệnh chuyển về đóng dã chiến tại thôn Cổ Giang, Cù Lạc, huyện Bố Trạch, Quảng Bình để chỉ huy cuộc diễn tập. Sau đó, Bộ Tư lệnh về đóng tại Km33 đường 10, Quảng Bình. Vai trò Hầm Sở Chỉ huy gần bản Na Hi mới chính thức chấm dứt.
          Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã tổ chức hai đợt khảo sát Di tích Hầm Sở Chỉ huy vào các năm 2011 và 2012. Ngày nay, qua  hơn bốn mươi năm bỏ không, Di tích đã bị gió mưa và điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt xoá đi gần hết dấu tích trên mặt đất. Tuy nhiên hai cửa hầm chính và phụ, Đài quan sát phòng không được đặt trên một cây lớn vẫn còn hiện hữu.
        Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đang lập Dự án tôn tạo Hầm Sở Chỉ huy (1967-1969)  để giữ lại cho các thế hệ mai sau của hai dân tộc Việt - Lào một Di tích quan trong trong Hệ thống các Di tích Đường Trường Sơn huyền thoại.
                                                         Đại tá: Vũ Trình Tường
                                              Phó Trưởng Ban Truyền thống TW Hội

Không có nhận xét nào: