Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Không gian vườn thiền và cội trầm Phước Huệ

(PGVN)

Chỉ cần một lần bước vào ngôi chùa này để thưởng lãm phong cảnh hay chắp tay lễ Phật, chúng ta như là từng  bước chân an lạc vào cảnh tiên bồng vô định và rũ xuống mọi âu lo để đi tìm chất liệu thực tại cho cuộc sống.

“Hai mươi năm vun bồi ngôi nhà tâm linh Phước Huệ
Hạt giống Phật tưới tẩm, thương yêu, hiểu biết đơm hoa”
(thơ Tuệ Minh)
 
Hôm nay, tôi đang có được nhân duyên ở tại thành phố Tacoma, để tham dự lễ Vu Lan và kỷ niệm 20 năm thành lập tại chùa Phước Huệ, ngôi chùa thân thương trên xứ người tại thành phố Tacoma - Washington với khung cảnh hữu tình thiền vị. Đương kim viện chủ Thượng tọa Thích Phước Toàn, sinh ra  ở miền quê cát trắng thùy dương và Người có hữu duyên sang Mỹ trong những thập niên 80.

Hơn 35 năm, thầy đã dấn thân vào các công tác phật sự và cũng như đối với thầy, “phụng sự  chúng sinh là góp phần cúng dường Chư Phật”.  Chính tâm nguyện đó, nên thầy đã dày công vận hành Trung tâm văn hóa Phật giáo vùng Tây Bắc Hoa kỳ ngày mỗi khang trang, thanh tịnh, làm tiêu biểu, đặc thù riêng về đạo Phật Việt Nam.
Cảnh trí Phước Huệ thiền tự hiện bây giờ, dưới bàn tay tài hoa đậm chất nghệ thuật, thi ca của thầy Thích Phước Toàn, được thiết kế và trang trí gần giống như cảnh vật của một cõi tịnh độ hiện tiền, một không gian thiền trong lòng nước Mỹ. Chỉ cần một lần bước vào ngôi chùa này để thưởng lãm phong cảnh hay chắp tay lễ Phật, chúng ta như là từng  bước chân an lạc vào cảnh tiên bồng vô định và rũ xuống mọi âu lo để đi tìm chất liệu thực tại cho cuộc sống.

Với mong ước hướng đạo cho đạo tràng lớp trẻ tại hải ngoại không quên lãng về cội nguồn dân tộc, Thượng tọa Thích Phước Toàn còn chủ xướng mở lớp Việt ngữ, tu học hàng tuần và mở các khóa tu vào các ngày đại lễ. Tại đây, thầy đã xây dựng một thư viện văn hóa, một hội trường khang trang, thoáng mát dành cho các phật tử, giới trẻ đến đây tu học. Song song bên cạnh đó thầy cũng mong muốn chúng ta phải gìn giữ cội nguồn tâm linh, xây đắp nền móng đạo đức, đạo lý uống nước nhớ nguồn của con người khi xa xứ, tha hương.
Viện chủ Thích Phước Toàn là một người rất thân thiện, vui vẻ. Sự thân thiện đó, còn là nét đạo mạo, uy nghiêm chân thường của thầy.  Đạo tràng, phật tử, quan khách thập phương ai đã một lần đặt chân đến đây đều không thể quên được buổi đàm đạo ý nghĩa bên chén trà thơm cùng với thầy viện chủ, bên trong không gian trà đạo nằm riêng biệt ở tầng trên được trang trí những bức thư pháp với nét chữ phóng khoáng, tự nhiên do thầy Phước Toàn thủ bút. Căn phòng như một không gian nghệ thuật thu nhỏ của viện chủ.

Chúng ta sẽ ngạt nhiên hơn là ở phía trước sân chùa còn có cây trầm hương, thường tỏa hương thơm nhè nhẹ vào mỗi buổi sáng hòa quyện với không gian  tĩnh lặng của chùa Phước Huệ, dường như cây lá trầm này muốn tịnh hóa cõi đất này. Khi mỗi bước chân phàm tục tới thì bỗng dưng lắng lòng thanh khiết, để tự hưởng giới hương giải thoát cõi hồng trần chốn đây.
Trong những dịp hàn huyên, sau buổi lễ chính của ngày Chủ Nhật hàng tuần, Thầy Viện chủ tâm tình: "Chúng tôi cũng như tất cả quí phật tử Tacoma nói riêng, phật tử thập phương nói chung, xa hơn nữa là người Việt tha hương đều mang một tâm trạng tha hương buồn, và chắc chắn rằng đều có một tâm nguyện như nhau, đó là đem hết khả năng của mình để bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam, vì nếu Văn Hóa Việt Nam còn thì người Việt còn. Nếu là đúng tâm nguyện như thế thì chúng ta không phân biệt tôn giáo, hãy xích lại gần với nhau hơn và nâng đỡ lẫn nhau, tạo đoàn kết để giữ gìn và phát huy cả nền văn hóa tâm linh lẫn văn hóa cổ truyền của Việt Nam”.
Có thể nói, Viện chủ Thích Phước Toàn là một người thầy với sự nhẫn nại và khiêm cung, hoằng dương Chánh pháp không biết mệt mỏi, Thầy chẳng quản ngại tuổi dần về già, sức khỏe không cho phép, Thầy vẫn chăm lo và đào tạo đàn hậu học và hướng dẫn con đường tu học chân chính mang đến sự bình an trong thân tâm của biết bao hàng tứ chúng. Đặc biệt, với tính chất nghệ thuật vốn có của mình, thầy đã thổi hồn của mình vào trong ngôi chùa Phước Huệ, Tacoma- tạo nên một kiến trúc độc đáo, một nét thủy mạc sân vườn phong phú đã làm cho không gian của ngôi tự viện  trở nên hùng tráng với làn hương thơm tỏa ra từ núi tuyết Mount-rainier. Những hướng đi của thầy luôn thể nhập vào nội quán, chuyển hóa quần chúng, đem an vui, xóa bỏ hận thù.

Chính vì thế, trong thời gian dựng xây ngôi Tam bảo thì vô cùng khó khăn từ bên ngoài lẫn bên trong, từ mặt này đến mặt khác và từ con người sân si này đến tâm sân si khác. Thầy đã phải đối diện những thách thức để vượt qua cái thấy nhị biên, tri giác sai lầm. Đó cũng là một phần nội dung “sống chung hòa hợp- ái ngữ lắng nghe” của thầy viện chủ. 
Đến với chùa Phước Huệ, chúng ta cũng cảm nhận ra phong cảnh giữa bốn mùa thi vị, sắc hương, cỏ cây, tình người sống chan hòa bên nhau. Vào mỗi buổi tinh mơ, sau giờ công phu sáng, tôi đã tự đi thiền hành, để chiêm nghiệm lại cuộc sống và những kiệt tác văn hóa đá, văn hóa bonsai trong khuôn viên chùa.

Từ bốn hướng, chúng ta có thể nhìn thấy toàn màu xanh trinh nguyên của hàng trăm cây tùng, với lại bầu không khí của thiên nhiên như đang  ôm ấp, dặn dò mình, nên dừng lại và tỉnh cư để sống với những giây phút hiện tại đẹp tuyệt vời. Luôn nhận ra tấm lòng của vị ân sư  miệt mài làm việc, lao nhọc  để ngày hôm nay mới kiến tạo nên ngôi chùa tâm linh, xứng tầm với sự nghiệp “dấn bước lên đường, đem hạt giống Phật, gieo trải đến với nhân gian” . 


Pháp Bảo

Chùa Phước Huệ - Vương đường Phật giáo Tacoma, tiểu bang Washington

(PGVN)

Hôm nay đến ngôi chùa thân thương nhất trên xứ người, do tăng ni, phật tử, đồng hương Việt Nam kiến tạo, dưới sự chứng minh và viện chủ của TT.Thích Phước Toàn, là học trò hàng đầu của Hòa thượng Mãn Giác. Ngôi chùa khang trang, thanh tịnh, không cảnh hữu tình thiền vị, mang dáng dấp của ngôi chùa Việt Nam. 


Với tâm nguyện xây dựng một Trung tâm Văn hóa đúng nghĩa là Văn hóa Phật giáo Việt Nam, khởi đầu chùa tọa lạc trên đường 48 th, East thành phố Tacoma, rộng khoảng gần 2 mẫu (acre). Cố Đại lão Hòa thượng Thích Mãn Giác là Thầy của Thượng tọa Thích Phước Toàn được thỉnh ý đặt tên cho ngôi chùa, và Hòa thượng đã hoan hỉ đề nghị tên chùa là Phước Huệ; nghĩa là lấy Chánh Trí Tuệ làm sự nghiệp và lấy Chánh Phước Đức làm Từ Bi và khiêm cung làm năng lượng để tu học tăng tiến. Từ đó, ngôi chùa ra đời và mang tên chùa Phước Huệ hay Phước Huệ thiền tự thì cùng là một. 
 
Nhưng sinh hoạt gặp trở ngại vì chùa nằm lọt trong một khu dân cư và đã gặp sự phản đối. Do đó, Thầy Thích Phước Toàn, Viện chủ đã cùng 6 Thầy và 52 nam, nữ phật tử quyết định phát mãi mảnh đất cũ để mua mảnh đất mới rộng hơn 6 mẫu nằm trên đường 72 ND, để xây dựng nên ngôi Già lam mới hiện nay. Biến ước mơ thành hiện thực trên đất mới mua, Thầy Viện chủ và một số phật tử đã phải ra sức sửa sang hai ngôi nhà cũ dùng làm nơi sinh hoạt phật sự tạm, ngoài ra Thầy phải cất công tìm mua đất đổ bồi vào chỗ trũng, vừa tự mình lái máy ủi để ủi và san lấp cho mặt đất bằng phẳng để chuẩn bị cho công tác xây dựng ngôi chùa.

Một ước mơ đã thành hiện thực - một tâm nguyện đã đơm hoa kết trái - một công trình đã hoàn thành viên mãn. Một đạo tràng của tuệ giác và tâm từ ái đã hiển lộ trên vùng Tây Bắc Hoa Kỳ. Sau 16 năm ròng rã sinh hoạt phật sự và tu học trong hoàn cảnh eo hẹp và đầy khó khăn nghịch cảnh về mọi khía cạnh từ tinh thần đến phương tiện vật chất, và sau 2 năm rưỡi quyết tâm xây dựng, cuối cùng, ngôi chùa trong ước mộng đã xây dựng hoàn toàn viên mãn tại số 2625 72 ND St, Tacoma WA 98404.
Cảnh Trí Phước Huệ thiền tự giờ đây, ngay chính giữa đường vô là bảng hiệu chùa là một khối sa thạch lớn; mặt trước để khắc tên chùa, mặt sau khắc bức phù điêu của Phật Di Lặc. Mục đích là để thiết trí cho liền lạc với những khối đá thiên nhiên đã được đặt trong sân, kế đó là để làm bình phong cho ngôi chùa và bức phù điêu Phật Di Lặc nói lên sự hoan hỷ tươi vui lúc bước vào đất Già Lam. 

Tiến vào một đoạn nữa là tượng đức Quán Thế Âm sừng sững lộ thiên bằng cẩm thạch màu trắng, nơi đây mở đầu cánh cửa Từ Bi, đón nhận và chào đón tất cả mọi chúng sanh không phân biệt thân thù, không giai cấp; bình đẳng Phật tánh, luôn luôn lấy pháp thương yêu, hiểu biết của Phật, Bồ tát để đùm bọc, che chở lẫn nhau.

Bên phải, từ ngoài nhìn vô là khu vực tượng trưng cho Vườn Lâm Tỳ Ni, là nơiThái tử Tất Đạt Đa đã ra đời để đi đến thành Phật cách nay 2664 năm. Ở đây có bà Hoàng hậu Ma Gia, 1 tỳ nữ, hai Thiên Nữ và một đạo sĩ A Tư Đà được thiết kế trong vườn cảnh của hồ Tịnh Thuỷ, mang dáng hình thể bản đồ Việt Nam chữ S. Trên đỉnh có đức Quán Thế Âm với bình Tịnh Thuỷ, dưới chân tượng là thác Bản Giốc, Thành Thăng Long-Hà Nội, giữa có cây cầu Hiền Lương. 
 
Vào một đoạn có thành phố Huế, đi vô nữa là thành phố Sài Gòn. Và có cả tháp Di Lặc cốt để tạo dáng cho cảnh hồ. Đi sâu vào bên trong là khung cảnh của Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đức Phật Thích Ca thành Đạo. Có hai chị, em của tín nữ Tu Sa Đa dâng sữa và dâng trái cây lên đức Phật, trước khi Ngài thành đạo. Bên cạnh cảnh Bồ Đề Đạo Tràng có tượng Địa Tạng để sẵn (sau này, chùa có đủ tài chánh sẽ xây một bảo tháp để thờ những kim tĩnh của những phật tử qua đời đã hỏa táng và gửi vô chùa). 

Bên cạnh tượng Địa Tạng là Quan Âm Cát để bảo vệ tượng Quán Thế Âm bằng ci măng, thỉnh từ Việt Nam qua nhưng không chịu nổi thời tiết nắng, tuyết vùng Tây Bắc.
 
Bên trái từ ngoài nhìn vào, nằm giữa ngôi chùa và hội trường là khung cảnh vườn Lộc Uyển là nơi đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên là Tứ Diệu Đế cho 5 anh em Kiều Trần Như. Cũng từ phía này, đi ra ngoài, tôi bắt gặp ngay tháp chuông. Quả chuông Đại Hùng này được đúc từ Huế đưa qua vào năm 2003, đến năm 2005, khi Thầy Viện Chủ đi dự lễ An Vị Phật ở Florida thì ở nhà, quả chuông bị mất trộm. Khoảng 1 tháng sau, có một gia đình Phật tử đã phát tâm đúc một quả chuông khác nhỏ hơn từ Hà Nội gởi qua, hiện được đặt tại chánh điện. 

Hai năm sau, vào cuối năm 2007, có người gọi điện thoại đến cho biết quả chuông bị mất đang ở trong kho hàng của ông. Thầy Viện Chủ đã đến coi và nhận diện đúng là quả chuông của chùa bị mất thì người chủ chở chuông trả lại chùa. Và đó là bảo tháp rất trang nghiêm để chưng quả chuông bị mất trộm đã trở về. Phía ngoài tháp chuông này có một gốc cây cidar, dưới gốc cây rợp bóng mát, là khung cảnh Đức Phật Thích Ca Nhập Niết Bàn.
Thầy Viện Chủ cho biết bốn cảnh trên đây gọi là Tứ Động Tâm, để tưởng niệm và là biểu tượng cho 4 thời kỳ Đức Phật còn tại thế. Ngoài bốn cảnh của Tứ Động Tâm, tổng thể của ngôi Chùa Phước Huệ được thiết kế và trang trí gần giống như cảnh vật thiên nhiên. 

Sau cùng, khi bước vô chánh điện, đi dưới Đại Bi Hùng Điện, trên đó có chưng hàng trăm tượng Đức Bổn Sư Thích Ca nhỏ, tôi được chiêm ngưỡng bức tượng Phật Bổn Sư bằng đồng, cao 3m5 và nặng 3 tấn, toát ra vẻ uy nghi, hùng tráng. 

Trong những dịp hàn huyên sau buổi lễ chính của ngày Chủ Nhật hàng tuần, Thầy Viện Chủ tâm tình: "Chúng tôi cũng như tất cả quí phật tử Tacoma nói riêng, phật tử thập phương nói chung, xa hơn nữa là người Việt tha hương đều mang một tâm trạng tha hương buồn, và chắc chắn rằng đều có một tâm nguyện như nhau, đó là đem hết khả năng của mình để bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam, vì nếu Văn Hóa Vìẹt Nam còn thì người Việt còn. 

Nếu là đúng tâm nguyện như thế thì chúng ta không phân biệt tôn giáo, hãy xích lại gần với nhau hơn và nâng đỡ lẫn nhau, tạo đoàn kết để giữ gìn và phát huy cả nền văn hóa tâm linh lẫn văn hóa cổ truyền của Việt Nam”.
Tôi lại một lần nữa có cơ duyên hội ngộ và làm phật sự chính tại chốn rừng thiền này, nơi quý tăng, ni đem cả tâm, cả thân của mình, xin phát nguyện vì ánh đạo vàng. Chùa Phước Huệ thành lập cách đây 20 năm, đây như một trong những kỳ quan thu nhỏ từ những Phật tích Ấn Độ. Có thể nói là ngôi chùa bốn bề hương đạo giải thoát, làm nơi thưởng lãm thắng cảnh, chỗ nương tựa, tu tập thiền tịnh của mọi người con Phật, các văn hóa, tâm linh khác nhau. 

Thích Pháp Bảo

Không có nhận xét nào: