Những ngạc nhiên đầu tiên
(iHay) Xứ sở mặt trời mọc quả khéo làm người ta ngạc nhiên. Ngay khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Nakita, tôi đã thấy những thửa đồng ngay ngắn, tưởng như trước những ngày gieo hạt, người Nhật Bản đã căn ke, đo đạc kỹ lưỡng như đo từng thớ vải...
Trời bên ngoài 12oC nhưng trong sân bay dễ chịu. Narita không quá mới mẻ, nhưng một tấm lót bệ ngồi toilet, hay khi băng ngang đường, chiếc xe buýt to lớn dừng lại nhường đường cho người đi bộ (trong khi vẫn theo thói quen ở Việt Nam tôi dừng bước chờ xe qua trước)… cũng nói lên khác biệt nhiều lắm.
8 giờ 50 phút sáng, trời nắng ấm. Chúng tôi mất thêm một giờ di chuyển về Tokyo.
Ôi, các thành phố tương lai đều bê tông và xi măng thế này ư! Bởi vì lòng vốn ưu ái những vùng núi non hùng vĩ, tôi bắt đầu có chút “mặc kệ thế gian”. Tôi đi, không vui không buồn, không háo hức, không chuẩn bị và hầu như không hiểu gì nhiều về đất nước này. Tệ lắm cũng giống như Singapore, tôi ngang qua một lần mà không lưu lại chút gì để nhớ, ngoài những bức vách lạnh tanh và những mặt người lạnh tanh.
Điểm ghé thăm đầu tiên là chùa Asakusa Kannon, người ta nói rằng đây là ngôi chùa cổ và linh thiêng bậc nhất Tokyo. Tôi cũng cúi đầu bái Phật như ở mọi ngôi chùa khác. Loanh quanh trong khuôn viên, chiêm ngưỡng mái ngói hoa văn và các cột trụ sơn son một hồi thì lạc sang một ngôi đền nhỏ, phía trước treo ngang màn phướng tím lớn, trên viết chữ màu trắng, có vẻ như không phải chữ Nhật (sao lại như vậy nhỉ) và vẽ 2 biểu tượng tròn màu trắng.
Phật giáo và Thần đạo ngày nay tồn tại bên cạnh nhau tại Nhật, sau nhiều thăng trầm, đấu tranh loại bỏ lẫn nhau. Thần đạo là tôn giáo phát sinh và phát triển từ Nhật Bản, với những nghi lễ ban đầu không tên, dần hoàn thiện hơn sau khi có sự du nhập của Phật giáo từ thế kỷ thứ 6. Những người trẻ Nhật Bản hầu như lại không theo riêng một tôn giáo nào mà họ lễ bái cả hai. Trong tôi bắt đầu manh nha sự tò mò về tôn giáo mang tên Thần đạo và cũng may mắn còn dịp tìm hiểu thêm nữa vào những ngày sau.
Trong khuôn viên chùa, vài cây lác đác đổ vàng, những đóa cúc Nhật to tròn như chiếc mũ len vẫn được trưng bày tươi tắn thành một dãy dài. Ai nấy đi loanh quanh, rồi không bỏ qua dịp xếp hàng sờ bức tượng Phật đặt ở phía bên trái cổng vào chính điện. Lời rằng cứ thành tâm vái ngài, rồi sờ ở đâu thì khỏe ở đấy. Tôi cũng xếp hàng, và sờ vào đôi tai dài thùy châu của Phật, cũng mong là chứng hay đau tai của tôi thuyên giảm.
Quá trưa, chúng tôi di chuyển ra bên ngoài, mua một vài thứ đáng yêu ở các quầy Nakamise, người vẫn đông như đi hội. Khi chúng tôi đang chụp vài ảnh lưu niệm thì một phu xe kéo tới, vận kimono cổ tối màu và chiếc nón rộng vành. Người ngồi trên xe là một đôi nam nữ; người nam vận kimono trên đen, váy sọc dài đen trắng tay cầm quạt giấy in hình cờ Nhật, người nữ vận kimono đỏ cam lộng lẫy, tóc vấn cài hoa sang trọng nhưng trẻ trung.
Đang còn thắc mắc trong lòng không hiểu xã hội kiểu gì đây giữa thời đại này còn có những thú vui kiểu ngồi trên xe cho người khác khổ nhọc kéo thế này à, thì một đoàn phó nháy lỉnh kỉnh dụng cụ kéo tới. Thì ra trên xe là đôi uyên ương mới, họ đang ăn mặc lễ phục truyền thống để chụp hình kỷ niệm cưới, cũng giống như các đôi Việt Nam mặc áo dài khăn đóng đi xe thổ mộ ra chụp ảnh trước Nhà thờ Đức bà vậy.
Buổi chiều, chúng tôi thăm khu phố Akihabara, ngoài những hàng hóa công nghệ, đường phố đầy những hình ảnh truyện tranh Anime, ở đây dễ dàng bắt gặp các cô gái cosplay ăn mặc như nhân vật truyện tranh đứng phát tờ rơi, mời tham quan trước các cửa hàng.
Nơi này gần ga tàu điện ngầm, người qua lại tấp nập, đông đúc và vội vã. Ai nấy đều mặc trang phục tối màu, đa số là đồ vest lịch sự, không phân biệt được đâu là người quyền cao chức trọng, đâu là nhân viên bình thường. Tôi nghe kể, không biết có quá không, ở Tokyo, các cô lao công khi đến sở làm thì thay trang phục làm việc, còn trên đường đi hay về lại mặc vest đen sang trong như bao người khác.
Gần 16 giờ, chúng tôi đi thăm cung điện Hoàng Gia. Nhật Hoàng hay Thiên Hoàng được xem là biểu tượng của quốc gia quân chủ lập hiến Nhật Bản, là giáo chủ Thần đạo và được người dân tôn kính dù kể từ năm 1945, các Thiên Hoàng không còn thực quyền nữa.
Công viên rộng phía trước cung điện, cây cối được chăm tỉa gọn gàng, chỉ có cỏ và lá rụng, và một vài cụ già vô gia cư với các túi đồ. Câu chuyện các cụ xin để ngày sau sẽ quay lại. Khi chúng tôi đến, vừa lúc nắng thu vàng hất lên những hàng cây, những tòa nhà phía trước cung điện ánh lên như dát vàng, hiện đại mà diễm lệ. Chúng tôi loanh quanh công viên, ngắm nhìn tòa nhà hoàng gia từ xa trên khoảng sân rộng đầy đá. Người mỏi chân có thể ngồi nghỉ trên những đôn đá to tròn đặt thành hàng sát đường xe qua lại. Có chút gì đó cổ xưa giữa lòng phố ồn ào.
Tokyo giống như nàng công chúa bị lời nguyền hóa đá, đến khi đêm xuống phù phép tan biến mới trở mình thức dậy đẹp lộng lẫy. Khu phố đêm gần khu vực nhà hàng buffet nướng rực rỡ ánh đèn. Tôi đi bộ qua lại, nhìn những thương hiệu nửa quen, nửa lạ, nhìn những công dân Tokyo giàu có đến mua sắm nơi này.
Tới thăm điện Minh Trị
(iHay) Chúng tôi lên đường đi thăm Meiji Shrine (điện Minh Trị Thiên Hoàng), nơi thờ vị Thiên Hoàng thứ 122 – người tiến hành cuộc duy tân Minh Trị.
Hôm nay là ngày lễ Shichi-Go-San, ngày này các bé gái 3 và 7 tuổi, bé trai 5 tuổi được mặc đồ đẹp và được đưa đi viếng đền để cầu mong lớn lên khỏe mạnh.
Đến ngay trước điện thì người nước ngoài không được vào tiếp nữa. Tại đây có đặt các thùng gỗ chứa tiền lễ. Thường trước các đền thờ Phật hay Thần đạo ở Nhật đều có đặt một thùng gỗ như thế này, người viếng cho vào thùng các đồng nhỏ để cầu nguyện. May mắn nhất là cầu nguyện bằng đồng 5 yên Nhật. Tôi loay hoay tìm đồng xu để thực hiện lễ bái như một tín đồ Thần đạo, thì từ trong chính điện vang lên tiếng sáo trúc. Ba hàng dài các võ sĩ đạo trong áo truyền thống màu trắng lần lượt bước lên dâng lễ trong tiếng sáo trầm bổng...
Nói về nghi lễ, các tín đồ Thần đạo muốn bái thần trước tiên phải thanh tẩy bản thân, dùng tay phải xối nước rửa tay bên trái, sau đó tiếp tục dùng tay trái xối nước rửa tay phải. Kế tiếp dùng tay trái hứng một ngụm nước súc miệng. Người thanh tẩy xong có thể đến trước đền thờ hay điện thờ đứng nghiêm trang, chắp tay thẳng ngón vái 2 vái, rồi vỗ tay 2 cái.
Ngày lễ thần có lẽ cũng là một ngày đẹp. Chúng tôi gặp một đôi cô dâu chú rể Nhật mặc trang phục cưới võ sĩ đạo, tay cầm quạt trắng, trước bụng đeo quả tú cầu trắng. Họ đi dạo, thực hiện các nghi lễ xung quanh họ hàng và chụp ảnh trong khuôn viên điện.
Hình ảnh Đông Tây giao thoa tưởng chừng đơn giản này nhưng nói lên rất nhiều điều về Minh Trị. Ông là người phục hưng Thần đạo, cũng là người đi đầu trong công cuộc duy tân, cải cách đất nước. Ông đã cho những cận thần tinh nhuệ của mình đi khắp các nước phương Tây để học hỏi những điều hay và áp dụng thành công trong việc tổ chức nội các chính quyền, xây dựng hệ thống giao thông… Nhưng nhiều người không thích Minh Trị vì cho rằng ông triển khai cải tạo nòi giống bằng cách cho những người phụ nữ Nhật tình nguyện giao duyên với những người đàn ông phương Tây để thế hệ sau trở nên cao lớn hơn.
Chúng tôi dừng chân đôi phút rồi tiếp tục vào tham quan tòa nhà thị chính ngay trung tâm Shinjuku. Tòa nhà này là nơi làm việc của chính quyền Tokyo. Thời tiết quá đẹp, từ trên tầng 45 có thể nhìn thấy ngọn núi Phú Sĩ phủ tuyết chập chờn trong mây trắng.
Nhật Bản là một đất nước phát triển. Trí tuệ và tinh thần Nhật Bản được thế giới ngưỡng mộ. Tokyo có những toà nhà chọc trời, có những loại xe đắt nhất thế giới, văn hóa nghệ thuật tinh tế, tỉ mỉ. Vậy mà ở nơi đây ngay dưới chân tòa nhà thị chính quy hoạch uy nghi lại có lỉnh kỉnh những bao túi của người già vô gia cư.
Chính phủ Nhật đủ giàu, họ xây dựng những nhà dưỡng lão. Còn những cụ già "đại ca giang hồ" này lại chấp nhận cuộc sống bên lề xã hội, bày bừa giữa những mỹ quan, nhưng không ai can thiệp hay bắt bớ các cụ.
Tôi được gợi ý dùng thử món mì Ramen ở quầy Hakata Daruma Japan với lời tự giới thiệu là đã 50 năm buôn bán món này. Món mì không ngon theo khẩu vị của tôi, nhưng cách chế biến nguyên liệu thật đặc biệt. Trứng không biết luộc thế nào mà lòng đỏ vừa chín tới, thịt thái mỏng và mềm tan vào miệng, rong biển ngòn ngọt, gừng đỏ ngâm chua cay...
Chiều xuống, chúng tôi ghé thăm đảo nhân tạo Odaiba trong khu vịnh Tokyo. Tại đây có đặt bức tượng Nữ thần với ngọn lửa tự do promete trên tay phải. Bức tượng do Pháp tặng chính phủ Nhật Bản vào năm 1999 cũng giống như bức tượng Pháp đã tặng chính phủ Mỹ, nhưng đương nhiên là bé hơn.
Mới 18 giờ thôi mà trời đầu đông tối xuống mù mịt, đường xá về đêm đông đúc. Xe cộ ở Nhật nếu có phân khối dưới 650 xi lanh thì biển số màu vàng, mua xe không cần giấy phép đỗ xe. Còn lại những loại xe biển số màu trắng phải chứng minh được mình có chỗ đỗ xe thì mới được mua.
Tôi hết nhìn đèn xe trôi bên dưới, lại ngẩng đầu nhìn các tòa nhà sáng đèn bên trên. Nàng công chúa của tôi lại tỉnh thức rồi, nàng khoác lên mình chiếc áo có bao nhiêu loại đèn led làm cho tôi có đôi phút ngẩn ngơ...
Núi thiêng Phú Sĩ thẳng tiến
(iHay) 8 giờ 15 phút sáng, mọi người gói ghém hành lý tiến về vùng công viên quốc gia Fuji-Hakone. Trời đẹp nên suốt chặng đường 100km từ Tokyo về núi Phú Sĩ, có thể quan sát thấy ngọn núi bạc đầu này khi ẩn, khi hiện trong nắng thu vàng giống như một vị chủ nhà hồ hởi vẫy tay chào khách đến.
Xe đi vào chân núi Phú Sĩ, tôi được nghe kể về khu rừng Aokigahara, khu rừng tự sát. Theo các số liệu thống kê, mỗi ngày ở Nhật Bản có khoảng 100 người tự tử, riêng tại khu rừng này, mỗi năm có đến hàng trăm, nghĩa là bình quân chưa đến 4 ngày sẽ có một người Nhật đến nơi này chọn cái chết. So với nhảy lầu hay lao vào đường tàu điện, đi vào rừng sâu và đi mãi mãi như nàng La Lan của Hoàng Thi Thơ có phần nào đó nhẹ nhàng hơn, cho cả người ra đi và những người ở lại. Không hiểu những con người đến đây tìm về cõi vĩnh hằng lãng mạn đến mức độ nào, mà hàng ngày du khách vào rừng đều nghe văng vẳng tiếng hát. Tôi cũng vậy, tiếng hát to rõ, giai điệu du dương trầm hùng.
Có những giải thích đưa ra cho rằng hiện tượng này đem lại bởi tiếng gió, tiếng xe, cũng có thể do ai đó bí mật đặt loa phát nhạc... Riêng tôi, tôi tin rằng đây là điệu nhạc tâm linh.
Không hiểu sao đột nhiên tôi lại nghĩ về bài sáo nhạc hôm qua, trong buổi lễ ở đền Thần đạo. Có mối liên quan gì không khi từ chân núi đến đỉnh núi có tới 13 nghìn ngôi đền Thần đạo. Nghe kể, tín đồ Thần đạo mặc áo trắng như ngọn núi phủ tuyết vẫn thường hành hương về đỉnh ngọn núi thiêng này.
Thời tiết đang giống như con gái 30 thu tàn đông tới. Từ chân núi, cây lá đan xen những màu đỏ, xanh, vàng. Lên đến một phần ba độ cao ngọn núi thôi, rừng cây đã thành trơ trụi lắm. Chúng tôi tiếp tục đi, đi lên giữa bầu trời xanh nắng, giữa những cành đông khẳng khiu và giữa biển mây trắng bồng bềnh. Biết bao nhiêu lần người trên xe ồ lên, bởi biển mây ngoài kia mênh mông quá!
Những hành khách đến Phú Sĩ không ưa thích trekking vẫn dừng lại ở trạm nghỉ thứ 5 có độ, cao vào khoảng 2.300m. Đầu đông, nên giữa nắng hanh vàng, gió thổi vẫn cảm giác lạnh se sắt. Anh trưởng đoàn chu đáo tặng mỗi người một miếng sưởi dán dưới tầng áo mỏng trước khi xe đến nơi khoảng 10 phút.
Chúng tôi xuống xe dạo vòng quanh. Ngôi đền phía sau những dãy nhà bày bán hàng lưu niệm vẫn một màu gỗ sơn son nhưng trở thành đặc biệt khi tọa lạc ở địa thế hiểm trở mà cũng rất thần tiên này. Đứng nơi đây nhìn lên trước mặt là đỉnh núi thiêng Phú Sĩ, nhìn xuống dưới chân là tầng tầng mây trắng, còn nơi đâu tự tại bằng!
Vậy mà, trong một tích tắc thôi, khi chúng tôi vẫn còn tha thẩn trong đền, một cơn gió mạnh đưa mây mù kéo tới. Tôi vội bước chân ra, làn hơi nước như mờ sương lướt qua mướt mặt. Rồi mặt trời lại rừng rực trên đầu. Anh trưởng đoàn cười nói thời tiết có đủ cả 4 mùa trong một buổi sáng rồi đó.
Rời Phú Sĩ, chúng tôi đến Hakone lúc 13 giờ 30 phút. Còn sớm nhưng trời đầy mây mù, đường cây lá phong đỏ rực trong u mịch. Bữa cơm trưa muộn được bày trong khuôn viên nhà hàng ven hồ Ashi. Tôi không biết chọn ăn gì đây khi mọi tâm ý cứ đổ dồn về phía kia bức vách, nơi có mặt hồ nước lặng soi bóng ngọn núi mùa thu rơi rụng lá tàn.
Chúng tôi di chuyển lên vùng núi Owakudani bằng cáp treo. Hành trình đi cáp chỉ khoảng 10 phút thôi, tôi lại có thể ngắm đỉnh Phú Sĩ cao vời vợi, lẻ loi trong chiều tà. Người Nhật vẫn xem Phú Sĩ là nữ thần Sengen- Sama, vậy nhưng kỳ lạ thay trước thời kỳ Meji người ta lại không cho phụ nữ lên núi vì nỗi sợ ô uế.
Tại vùng thung lũng Owakudani còn sót lại nhiều hồ nước nóng là vết tích phun trào núi lửa cách đây 3.000 năm. Hơi nước bốc lên ngùn ngụt mù mịt một góc trời chiều. Mùi sunfat không dễ ngửi nhưng người ta không cưỡng lại được ham muốn tiếp cận vì những quả trứng đen quá thu hút nơi đây.
Từ 60 năm nay, người Nhật bắt đầu phổ biến món trứng được luộc đen từ những hồ khoáng đầy sunfat này với quan niệm ăn một quả trứng thọ thêm 7 năm. Tôi không tham sống dài, nhưng tôi cũng như bao du khách hiếu kỳ, cũng phải ăn một quả trứng. Cảm giác xuýt xoa trong cái lạnh cùng với quả trứng mới vớt ấm nóng trong tay thật đáng nhớ.
19 giờ 30 phút tối, xe về đến Laforest Shuzenji Hotel & Resort, chúng tôi nhận phòng, dùng bữa tối và dành thời gian thử tắm suối nước khoáng Onsen theo phong cách Nhật Bản. Tắm Onsen có thể gọi dễ hiểu và "gay cấn" là tắm nude tập thể. Thú thật tôi cũng rất e dè, phải chọn giờ ít người tắm và cứ phải che chắn cơ thể.
Bạn đến phòng tắm tập thể dành cho đúng giới tính của bạn, sẽ có một quầy tủ cất quần áo kiểu như ở các hồ bơi, bạn phải bỏ hết quần áo vào đó. May mắn cho tôi được nhắc nhở trước để vác theo cái khăn to trong phòng khách sạn. Thật ra người khác đến đây cũng chỉ để đi tắm, không ai nhìn ai cả đâu. Tắm xong, ngâm suối khoáng, và ở bên ngoài có sẵn một bàn trang điểm để sẵn kem dưỡng da các kiểu của Nhật, bạn có thể dùng tùy thích
Thăm thành cổ Osaka
(iHay) Buổi sáng ở Grand Prince Kyoto, mặt trời luyến tiếc vượt lên trên các tầng mây chiếu tia nắng ấm áp lên những giọt sương phớt trên cành cây. Nơi đây nằm gần Trung tâm hội nghị quốc tế, tách biệt phố thị sầm uất...
Thành cổ Osaka được xây dựng trên nền chùa Ishiyama Honganji, là nơi chứng kiến trận đánh lịch sử giữa thế lực của đại tướng quân Toyotomi Hideyoshi và thế lực của đại tướng quân Tokugawa Ieyasu, hai vị lãnh chúa mạnh nhất Nhật Bản vào khoảng năm 1600. Tướng quân Tokugawa giành chiến thắng, kết thúc giai đoạn chiến loạn, bắt đầu thời kỳ Mạc Phủ, xây dựng nên Nhật Bản hùng mạnh.
Ấn tượng đầu tiên khi bước vào thành cổ là khối đá nặng 108 tấn được xây lẫn vào tường thành. Người ta vẫn chưa giải thích được bằng cách nào mà khối đá to nặng này xuất hiện tại đây.
Bên phải lối vào là tòa lâu đài cổ vốn là căn cứ Bộ tư lệnh Nhật Bản trong Thế chiến 2 sau này từng được sử dụng làm bảo tàng lịch sử. Hiện nay, Nhật Bản đã xây dựng bảo tàng lịch sử mới phía ngoài thành, cạnh toà nhà đài truyền hình nổi tiếng NHK. Tòa lâu đài tiếp tục được bảo tồn trong khuôn viên, như chứng tích của lịch sử.
Và bạn cũng không thể nào bỏ qua khối kiến trúc Expo’70. Năm 1970, các phát minh khoa học tiên tiến đã được chôn giấu ở đây và theo kế hoạch sẽ được khai mở lần đầu vào năm 2098. Lần mở thứ hai sẽ cách đó 2.000 năm.
Giữa quãng sân rộng trong thành, tôi gặp một bác người Nhật mặc cả bộ đồ trắng đang rải thức ăn cho bồ câu. Bác cũng vui vẻ chia sẻ gạo và bánh mì khô cho khách ghé thăm để họ dụ được bồ câu đậu lên tay. Khi hết thức ăn, bác lại đến lấy thêm từ giỏ xe đạp. Anh trưởng đoàn nói, thức ăn này là tự bác mua. Niềm vui của bác như thể hiện tinh thần hòa bình của người Nhật.
Ngồi trong khuôn viên thành, giữa cái nắng ấm áp thoảng lúc gió lạnh se sắt, tiếng quạ xao xác trên đầu, mây che ngang nắng, bạn vẫn cảm nhận được rõ ràng mùa thu chưa tan mà đông đã tới.
Tôi thích cung cách làm dịch vụ của người Nhật. Khi khách cởi giày ra sẽ có người xếp lên kệ, ngồi xuống bàn có người đem áo khoác treo lên giá giúp. Áo khoác treo lên còn được bọc trong túi nilon để tránh ám khói và mùi thịt sắp nướng. Chúng tôi có một bữa trưa thú vị khi được xem các đầu bếp biểu diễn nghệ thuật làm bếp ngay tại bàn ăn.
14 giờ chiều, chúng tôi vào thăm Trung tâm phòng chống thiên tai Kobe, được xem đoạn phim 7 phút ghi lại những thời khắc kinh hoàng năm 1995. Nhìn cách người Nhật dìu nhau đi qua thành phố đổ nát, thái độ làm việc để xây dựng lại tất cả…, mắt tôi cay cay. Tôi không phải thấy tội nghiệp cho họ, mà tôi thấy quá cảm phục họ.
Thôi để cho nhẹ lòng, chúng tôi lại về khu phố sầm uất Shinsaibashi thỏa thích đi dạo và mua sắm.
Đêm nay là đêm cuối cùng của tôi ở Nhật, chúng tôi lưu lại khách sạn Nikko Kansai ngay bên cạnh sân bay trên biển Kansai. Bởi vì là đêm cuối rồi nên có nhiều lưu luyến lắm. Giấc ngủ chập chờn trên biển. Tại sao trong cái gối của tôi có nilon vậy? Chẳng lẽ gối có thể làm phao cứu sinh khi có sự cố? Nghĩ đến đó mà con người nhát gan như tôi cũng yên lòng.
Nhật Bản, nếu đã hiểu xứ sở này thì bạn sẽ yêu…
Phượt ký của Na Loan
Phố xưa Nhật Bản
(iHay) Dù hiện đại bậc nhất, nhưng những thành phố lớn của Nhật Bản như Tokyo hay Kyoto vẫn còn bảo tồn những khu phố cổ xưa. Cùng phượt thủ Nguyễn Trần Tâm khám phá những khu phố cổ độc đáo này.
Ở Kyoto, cố đô của nước Nhật, du khách chẳng thể nào bỏ qua hai điểm đến nổi tiếng là phố cổ Gion và chùa Nước Trong, hay còn gọi là chùa Thanh Thủy (Kiyomizu).
Phố cổ Gion nổi tiếng là khu phố geisha duy nhất ở Nhật Bản cho đến thời điểm này. Khu phố gồm một trục đường chính có nhiều hẻm nhỏ như xương cá và một số trục đường nhỏ song song. Ở đây tập trung rất nhiều quán xá và đông đúc du khách thập phương cùng người dân bản địa tới ăn uống.
Ai đã từng mê tiểu thuyết Memoirs of a Geisha (Hồi ức của một Geisha) của nhà văn Arthur Goden, tiểu thuyết được chuyển thể thành phim cùng tên với Chương Tử Di, Củng Lợi, Dương Tử Quỳnh và Ken Watanabe tham gia diễn xuất, sẽ như thấy lại cuộc sống của phim đang hiện diện ở nơi này.
Những cô gái Nhật Bản trong bộ kimono truyền thống cầm dù nhẹ nhàng lướt trên đường phố. Những phụ nữ Nhật cũng trong bộ kimono đứng trước cửa nhà hàng đón khách. Cùng với một không gian kiến trúc cổ được lưu giữ khiến Gion trở nên vô cùng hấp dẫn với du khách nước ngoài.
Gion chính là phim trường của Memoirs of a Geisha, khi cả khu vực phố cổ này được thuê để đóng phim trong suốt hai tuần, và không đón tiếp du khách. Ngày nay, khách đến đây một phần để được dạo bước trong không gian của quá khứ, của hoài niệm và của giấc mơ tình yêu đẹp chưa trọn vẹn.
Những ngôi nhà gỗ, thường là hai tầng, được khai thác làm nhà hàng. Phía trước cửa, như truyền thống, được che bằng một tấm vải xẻ hai rất kỳ bí. Vào ban đêm, Gion rực rỡ giữa muôn vàn đèn lồng sáng lấp lánh trong một không gian trầm lắng của những hồi ức một thời giữa Samurai và Geisha.
Kyoto cơ bản vẫn giữ được hồn xưa của một cố đô Nhật Bản giàu văn hóa. Có rất nhiều đền chùa ở trong thành phố, nổi tiếng nhất là chùa Thanh Thủy. Con đường dẫn lên chùa dài chừng 1km nằm trên triền dốc. Hai bên đường là hàng quán bán bánh kẹo, đồ lưu niệm trong những căn nhà cổ có kiến trúc đặc trưng của người Nhật Bản. Đặc biệt, những ai yêu thích nhiếp ảnh thì đây chính là nơi tìm đến lý tưởng.
Chùa Thanh Thủy tọa lạc ở giữa lưng chừng núi Otowa, phía Đông Kyoto. Chùa cổ này được xây dựng vào năm 778, trước khi Kyoto trở thành thủ đô của Nhật Bản. Vào mùa hoa anh đào nở, cả khu vực rộng lớn xung quanh chùa là rừng hoa nhiều màu rực rỡ. Con đường lên chùa, bản thân nó là điểm tham quan không thể bỏ qua ở Kyoto.
Nguyễn Trần Tâ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét