LTS: Gần đây các nhà tour nước ngoài nói nhắc nhiều về những tour du thuyền trên sông Mekong cao cấp. Nhưng “phượt” Mekong cũng đã không kém. Một nỗi Vân một nỗi Kiều.
Mae Nam Khong miền Thượng Lào với địa hình núi đá vôi thật lạ và đẹp.
Ra đi từ đất 9 rồng, mỗi điểm dừng trên đường lang bạt khi biết sông mẹ, hay chỉ một chi lưu, ngang qua hoặc lượn lờ gần đó, tôi đều tìm cách “nhập” Mekong.
Từ thuở sông trong veo xanh ở thượng nguồn hay vàng óng miền xuôi. Lúc nâng chai Lancang lạnh buốt ở Deqin cao nguyên Thanh Tạng. Khi mát dịu ở Xishuangbanna miền Vân Nam. Rồi chia nhau từng ngụm Nam Khong nồng nàn một chiều đòng đưa trên Mae Nam Khong nơi Luang Prabang… Những sắc độ Mekong ấy vẫn không làm tôi ngoai nỗi nhớ Cửu Long cuồn cuộn sóng vàng mùa lũ.
Dập dềnh trên Mae Nam Khong
Sài Gòn – Khone Phapheng, Siphandon có xe sáng đi chiều tới, 800.000 đồng, gồm hai bữa ăn sáng trưa. Vì xe đi Pakse, nhớ nhắc tài xế rẽ vào đó, khi vừa qua biên giới Cam – Lào hoặc dừng ở ngã ba để đón xe vô.Đi tàu nhanh, chậm trên Mekong cung đường Luang Prabang – Houixay dễ nhất là bay giá rẻ sang Bangkok, nối chuyến đến Chiang Mai hoặc Chiang Rai. Từ đó, có xe buýt đi Houixay (Lào), đón tàu (chỉ có buổi sáng) đi Luang Prabang.Cây cầu nối Thái – Lào qua Mekong ở vùng này vừa xong, đường tốt, có xe chạy thẳng Chiang Mai – Luang Prabang nên tuyến đường thuỷ giờ hơi vắng khách. Có thời gian thì đi đường bộ Sài Gòn – Pakse – Vientiane – Luang Prabang.
Tôi đến Luang Prabang, Lào lần đầu dịp Bun Pimai. Ăn nửa tết Lào chưa đủ, lại muốn ngược Thái chơi nửa cái tết Songkran còn lại! Ngày đó đường nát, xe cọc cạch rù rì nên xa lộ nước Mae Nam Khong được chọn. Tàu chậm, hai ngày một đêm cũng bị loại. Canô lạ miền Thượng Lào, còn gọi là James Bond boat, sáng đi chiều tới, kịp làm thủ tục qua Thái, đón xe về Chiang Mai để “xoã” tiếp, đương nhiên được chọn! Nhưng ai ngờ, duyên lại là đó.
Sông dập dìu nhiều thuyền lớn nhỏ vì hướng này đến động Pak Ou nổi tiếng, với hàng nghìn tượng Phật xưa cổ. Mae Nam Khong miền Thượng Lào những ngày tháng tư chưa trải rộng, nhiều bãi đá giữa sông, ven bờ đi kèm các phương tiện đánh bắt thô sơ. Triền sông la đà tre rủ, lác đác nhà sàn, đàn trâu nhởn nhơ, mấy chú chó cong đuôi đuổi theo sủa vống… Làng quê sông nước đẹp yên bình giúp quên phần nào động cơ ầm ĩ của con tàu. Nhưng đi mới vài tiếng, tàu điệp viên 007 bị lủng! Dừng bãi sông, lái tàu cùng khách Tây Tàu Lào Thái Việt mặt xanh lét xúm vào rờ mó cắt nhét. Lại lên đường, dừng mấy bận, rồi đậu hẳn ở nhà hàng nhỏ ven sông, đón tàu bạn gửi khách đi ké. Đang tết, không nhiều tàu, vài khách cuối tiu nghỉu lên bờ chờ mai đi tiếp. Sáng hôm sau, chưng hửng khi thấy con tàu chậm hôm qua chê giờ nơi bến sông. Té ra, tàu 007 không sửa kịp, khách được chuyển sang tàu chậm. Mae Nam Khong từ đây nhiều đoạn nhỏ nhắn biếc xanh len lỏi giữa những dãy núi cao rậm rì đẹp lạ như đền bù cho kẻ xui rủi đi phải tàu lủng. Mới hôm qua than thở tàu nhanh quá, tưng quá, xóc quá không được ngắm kỹ, chụp hình, giờ nguyên ngày thư giãn trên sông, lúc thư thái đọc sách, khi ngả ngớn ngắm cảnh, rồi cụng chai côm cốp, tán giòn giã với các bạn trẻ Âu Mỹ đi bụi… Tàu đi chậm, thời gian trôi cũng thật Lào!
Cũng không tiếc về Songkran hụt bên Thái, vì chiều và đêm qua ở làng bất đắc dĩ ghé lại Pak Beng, tôi đã cháy hết mình trong cái tết Pimai quê nghèo thật vui và ngập tràn tình thân. Nhiều năm sau, lăn lê tiếp 5 – 6 bận Pimai lẫn Songkran, tôi vẫn nhớ đêm Pimai Pak Beng không điện đóm, chỉ những ngọn nến lung linh đi lễ chùa trên đường quê thơm ngát hương sứ, hương ngâu… và cả những ly Lao Lao ấm nồng sẻ chia đêm Thượng Lào huyền hoặc đó.
Hùng tuấn nơi dòng sông chia hai
Ở Deqin tuyết trắng, nhìn dòng Lancang mảnh mai nói rằng dưới xuôi Mae Nam Khong trải rộng 14 cây số chắc ít ai tin. Nơi Cửu Long mênh mang mà nói không xa lắm miệt trên có thác nước rất hùng vĩ chắc nhiều người lắc đầu. Lạ thay, kế bên miệt Siphandon nơi sông trải rộng nhất, đến 14km với 4.000 đảo cồn lớn nhỏ, là con thác lớn nhất Đông Nam Á Khone Phapheng – Niagara châu Á Nhưng Khone Phapheng “lùn tịt” so với Niagara cao ngất. Trội hơn là ở các ghềnh thác nối tiếp nhau 10km, với đoạn thác chính cao 21m du khách đến chiêm ngưỡng chỉ non cây số. Đặc biệt hơn nữa, nó là thác có lưu lượng nước lớn nhất thế giới – đến 9,5 triệu lít/giây, gấp đôi Niagara!
Ngăn đôi Mekong, thác còn nổi tiếng là trở ngại của ý đồ hình thành con đường thuỷ từ đất 9 rồng xuyên Đông Dương vào sâu Trung Nguyên của chính quyền thực dân ngày cũ. Họ đã thất bại. Thác vẫn hùng tuấn đêm ngày ầm ào như minh chứng về sự bất khuất của mẹ thiên nhiên. Được người Lào ví von “Viên ngọc của Mae Nam Khong” Khone Phapheng và khu vực xung quanh còn là nơi quần tụ của nhiều loại cá quý hiếm như cá tra dầu khổng lồ – loại cá nước ngọt lớn nhất thế giới, dài đến 3m, nặng gần 300kg, cá heo nước ngọt Irrawady… Đời sống của người Lào quanh Khone Phapheng và Siphandon kế đó vẫn êm đềm như từ nhiều trăm năm trước. Là thiên đường du lịch, miền đất này thu hút khách du không chỉ đến ngắm thác, ngó nghiêng cá heo nước ngọt quý hiếm… mà còn để hoà mình vào cuộc sống chậm hiền hoà bình yên, ngập tràn tình quê hồn hậu của những xóm nghèo Lào cạnh thác, ven sông.
Cũng như họ, tôi đã về lại đây không chỉ vài lần…
Cũng như họ, tôi đã về lại đây không chỉ vài lần…
Dọc Mekong đằng đẵng bao nhiêu miền đất, lịch sử, câu chuyện… bao nhiêu tình sao kể xiết…
bài và ảnh: Đông A
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét