Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Một tuần "tây tiến"










Một ngôi chùa gần khu chợ trung tâm Phnom Penh.

 Chuyến du lịch bụi thứ hai, ban đầu tôi định đi Lào, nhưng trời đã sang mùa mưa, đường bên Lào rất khó đi, nên chuyển hướng đi Thái, mà đi Thái sang tháng 7, tháng 8 bắt đầu mưa nhiều có thể Bangkok sẽ bị ngập lụt, chỉ có thời điểm tháng 6 này là thích hợp nhất.

Xếp hành trang xong, tôi định chạy qua văn phòng Mai Linh trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1) mua vé thì họ bảo dẹp chuyến TPHCM - Phnom Penh rồi, tôi liền chạy sang hãng xe Sapaco gần đó mua vé. Giá vé là 200 ngàn.
Trở lại Phnom Penh
Muốn đi Thái bằng đường bộ từ TPHCM, phải sang Campuchia trước rồi đi tiếp qua Thái. Tôi đến Phnom Penh vào khoảng 1 giờ chiều. Đã có kinh nghiệm, lần này tôi báo bác tài cho xuống ở ngã tư đường Monivong và Sihanouk, tìm một nhà trọ gần bến xe để sáng mai tôi đi Bangkok luôn. Từ đường Sihanouk tôi quẹo sang đường 105 rồi đi đến cuối đường gặp đường 182. Vùng này tôi chưa tới lần nào nhưng vì đọc thuộc bản đồ trước, nên đi một mạch tới nơi.
Chợ trung tâm thủ đô Phnom Penh, Campuchia.
Quẹo trái lần nữa là gặp Capitol Tour, nơi tôi sẽ mua vé đi sang Bangkok vào sáng mai, giá vé 17 đô la. Tiện thể tôi hỏi cô bán vé nhà trọ, Capitol có chỗ trọ giá từ 4-12 đô la, ngay bên hông văn phòng bán vé. Tôi mướn luôn phòng 4 đô la, phải dùng chung nhà tắm. Tuy là phòng tắm chung nhưng khá sạch sẽ, y như phòng tắm ở nhà chứ không bẩn như ở một số nhà vệ sinh công cộng ở xứ ta.
Lần này rút kinh nghiệm, tôi mang theo kem đánh răng, dầu tắm gội loại nhỏ dùng được vài ngày (nhà nghỉ ở Phnom Penh, có nơi không có xà bông tắm, kem đánh răng cho khách). Kế bên nhà trọ này có dịch vụ Internet và cả cho thuê xe đạp nữa. Tôi thuê xe đạp dạo một vòng Phnom Penh, giá thuê 2 đô la một ngày, nhưng tôi chỉ đi vài tiếng thôi nên kỳ kèo một lát bớt được một nửa, chỉ trả 1 đô la cho buổi chiều thuê xe, nhưng phải trả xe trước 8 giờ tối.
Lần trước đi lạc lung tung nhưng lần này tôi đã định hướng khá hơn nên không cần dùng bản đồ, dù có mang theo. Tôi chạy trên đường Monivong gặp một cái chợ, ghé vào mua hơn 1 ký nhãn giá 6.000 riel, rồi chạy vòng vòng khắp ngõ ngách. Lâu rồi không đi xe đạp, nhưng tôi thấy rất dễ chịu và thuận tiện. Dọc đường, tôi mua trứng vịt lộn ăn, giá 1.000 riel/quả (5.000 đồng). Xeo xéo trước mặt Capitol Tour có chợ O' Russey (khác với chợ Nga - Russian market), buổi chiều bán rất nhiều thức ăn bình dân từ cơm, phở, vịt quay, cháo...
Hàng dừa tươi tại chợ O’ Russei, giá 2000 riel/quả.
Lúc về, tôi ghé chợ O'Russey mua một trái dừa (2.000 riel) để uống. Tôi định uống nước mía nhưng buổi chiều các quán nước mía dẹp hết rồi. Sau đó, lại ăn một tô nhỏ cháo gà, giá 3.000 riel. Ông bán cháo rất thân thiện, nhìn tôi ăn và hỏi tôi có ngon không. No bụng, tôi tiếp tục đạp xe lang thang...
Trên đường Sihanouk có siêu thị Lucky. Tôi ghé vào ngắm coi có gì hay ho không. Cũng có đủ thứ hàng hóa nhưng quy mô nhỏ hơn cái siêu thị Coop-mart Biên Hòa nhiều. Tôi mua một ít thức ăn ở siêu thị rồi quay về nhà trọ, trả xe xong tôi lên mạng, mới 7 giờ tối mà tiệm Internet vắng tanh. Đến gần 8 giờ tiệm net đóng cửa. Tôi về nhà trọ, đi ngủ sớm, ngày mai là chặng đường gian nan, 14 tiếng đồng hồ ngồi trên xe di chuyển đối với tôi như bị tra tấn, thể trạng tôi yếu và tôi hay bị say xe.
Tiến về biên giới Cam - Thái
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm, tắm rửa cho tỉnh táo, ra chợ mua ít đồ ăn mang theo và làm thủ tục trả phòng. Tuyến xe Phnom Penh - Poipet chạy nội địa hôm đó, trên xe toàn người Khmer, không có bất cứ một người nước ngoài nào. Tuy nhiên trên kiếng xe cũng có ghi một câu tiếng Anh, nhắc nhở hành khách tự trông giữ hành lý của mình, nhà xe không chịu trách nhiệm gì nếu xảy ra mất mát. Nhìn quanh, tôi nghĩ trên xe toàn người lao động bình dân, không ai biết tiếng Anh, tôi im lặng.
Quán bán chuối nướng tại trạm dừng thứ nhất trên đường đi từ Phnom Penh đến biên giới Poipet, Thái Lan.
Anh chàng ngồi cạnh chỉ trả lời tôi được một câu duy nhất: “Poipet” khi tôi hỏi: “Where do you go?”. Còn những câu thông thường khác anh ta đều không hiểu. Rõ chán! Tôi không muốn phí thời gian ngồi trên xe chỉ để ngắm cảnh; thực ra cảnh cũng chả có gì để ngắm, những cánh đồng Khmer bạt ngàn nhưng khô khốc, không thấy trồng trọt gì vào mùa này.
Tôi lấy cuốn sách Lonely Planet ra, phía sau có một chút song ngữ Anh-Khmer, tôi đề nghị anh ta dạy tôi cách phát âm. Tiếng Khmer khó nói kinh khủng, nên tôi muốn được học từ dân bản xứ để phát âm cho chuẩn chứ không phải tự học mò, tận dụng được thời gian rỗi trên xe học thêm chút ít. Anh chàng ngồi cạnh tôi tên là Togh, vẻ mặt hiền lành và nhiệt tình chỉ dẫn tôi cách phát âm tiếng Khmer.
Togh lấy miếng sing-gum ra mời tôi, tôi cầm lấy nhưng không ăn và giả lả nhét vào túi (đi tàu xe, tối kỵ việc ăn, uống bất kỳ thứ gì của người lạ mời, mặc dù tôi đoán anh này không có ý xấu nhưng cẩn thận vẫn không thừa). Dọc đường xe dừng lại ở trạm để hành khách vệ sinh và ăn uống, các trạm bán đồ ăn thức uống khá mắc, tôi mua một chai nước nhỏ - giống như chai C2 bên Việt Nam - hết 3.000 riel.
Xe tiếp tục lăn bánh, Togh mua hai chai nước ướp lạnh và mời tôi, tôi nói cám ơn, không nhận và chỉ vào chai nước tôi cũng mới mua. Lúc đi tôi có mang theo nước suối, nhưng khi dừng ở trạm, tôi xuống xe trước, sợ anh ta bỏ thuốc mê vào chai nước đã khui nắp và uống trong lúc xe chạy, nên tôi uống chai nước ngọt mới mua cho an tâm. Chỉ vào cây cối hai bên đường, Togh dạy tôi thêm vài từ mới, nhưng giờ tôi quên mất rồi, chỉ nhớ được hai từ: Cây thốt nốt: đam thờ not; cây dừa: đam đo.
Anh chàng Togh, người ngồi chung băng ghế với tôi.
Tôi nhắm mắt, thiu thiu được một chút thì xe dừng ở trạm thứ hai. Một anh chàng khác ngồi đối diện băng ghế của tôi bắt chuyện, anh này nói được chút tiếng Anh. Anh ta quê ở biên giới nên biết nói một chút tiếng Thái (và đòi dạy tôi tiếng Thái mới ghê chứ). Không biết ai dạy ai đây? Gia đình tôi người Tày, khi học tiếng Thái tôi thấy có nhiều điểm tương đồng với tiếng Tày. Không chừng tôi sẽ dạy lại anh ta cũng nên! Dọc đường, xe dừng lại rước một anh Tây ba lô lên xe và ngồi ngay băng đối diện với tôi. Tôi nghĩ bụng, thế là có "bạn" rồi, ít ra cũng có người mà "tám" cho đỡ buồn.
Xe tới trạm cuối, gần biên giới, Togh bảo tôi xuống xe, tôi ngoắc luôn "bạn" Tây ba lô xuống cùng. Anh chàng này người Thụy Sĩ, đã đến Thái Lan một lần, hỏi tôi rằng có chắc là phải xuống ở đây không? Tôi bảo tôi không biết, chỉ nghe anh chàng Campuchia ngồi cạnh tôi bảo thế. Vì tài xế và lơ xe không biết nói tiếng Anh (xe chạy nội địa mà) nên anh chàng người Thụy sĩ bảo tôi cứ đứng ở cửa xe chờ, nếu lát chạy tiếp thì chúng tôi lại leo lên xe, theo trí nhớ của anh ta thì hình như xe dừng ở cửa khẩu mới đúng. Và quả là anh ta nói đúng thật, xe tiếp tục chạy, tôi và anh ta leo lên xe (2 người duy nhất còn lại) để tới sát cửa khẩu, số khách người Campuchia đã xuống hết ở trạm cuối rồi. Hú hồn, nếu tôi không gặp anh chàng Thụy sĩ này, có lẽ tôi đã mất tiền oan để đón xe tuk tuk tới cửa khẩu (khoảng 500 mét thôi).

Ngày đầu trên đất Thái


Lúc qua cửa khẩu Việt Nam - Campuchia, anh lơ xe thu hộ chiếu của khách trên xe đem vào nộp và làm mọi thủ tục giúp, khách chỉ chờ nghe gọi tên. Còn ở cửa khẩu biên giới Campuchia - Thái Lan, du khách phải tự làm. Gilles - tên anh chàng Thụy Sĩ và tôi tới hai quầy khác nhau để đóng mộc bên hải quan Campuchia.
Một cửa hàng ăn gần khu vực Khao San.

Anh hải quan nhìn tôi rồi hỏi tiếng Việt lơ lớ:
- Đi đâu?
- Bangkok.
- Mấy người?
- Một mình.
- Đi làm gì?
- Du lịch.
Anh ta nhìn nhìn tôi, đóng mộc xong, bảo tôi trả 5 đô la. Liếc xung quanh, tôi thấy Gilles đã làm xong thủ tục. Tôi làm như không nghe, vẻ ngơ ngác: “Hả?”. Anh ta nhắc lại là tôi phải trả 5 đô la. Tôi lại "hả" thêm một tiếng. Anh chàng lắc đầu, cố gắng lần thứ ba. Tôi vẫn đóng vai "nai vàng ngơ ngác" thêm lần nữa và định bụng, nếu hắn buộc phải đưa tiền, tôi sẽ đòi xuất hóa đơn (người Việt có hộ chiếu hợp pháp được nhập cảnh, xuất cảnh Campuchia miễn phí).
Đúng lúc ấy, Gilles chạy đến và hỏi tôi có chuyện gì mà lâu vậy. Xem chừng không "ăn" được, anh hải quan này lắc đầu, khoác tay bảo tôi đi.
Cửa khẩu Poipet, bên phía Thái Lan.
Qua cửa khẩu bên Thái, tôi nộp hộ chiếu cho hải quan Thái sau khi điền thông tin vào phiếu nhập cảnh xong, đứng chờ. Ông hải quan Thái nhìn tôi một lượt như thể tôi vừa từ hành tinh khác đến vậy. Thì ra tôi điền nhầm vào phần xuất cảnh (thay vì điền vào phần nhập cảnh).
Xong thủ tục nhập cảnh, tôi phải tìm ra nhà xe rước tôi. Xe bên Campuchia chỉ đưa khách tới cửa khẩu, sang đất Thái, hành khách sẽ đi xe khác (ở Thái Lan, xe chạy bên trái đường, lái xe ngồi bên phải, ngược với ở Campuchia và Việt Nam). Vấn đề là, lúc xuống xe bên Campuchia, tôi quên yêu cầu nhà xe phát cho tôi một miếng dán vào áo để nhà xe bên Thái dễ dàng nhận ra tôi. Vì thế tôi và Gilles phải hỏi thăm và gặp người của đơn vị liên kết với xe chúng tôi vừa đi. Ông ta bảo, khách phải có cùi vé đã mua ở Campuchia. Tôi lay hoay, không nhớ đã để cùi vé ở đâu, chỉ tin là mình đã cất kỹ rồi! Gilles ghé tai tôi nói nhỏ là không cần đưa cùi vé bây giờ, lên xe mới đưa. Thì ra chiếc cùi vé nằm trong ba lô.
Gilles tới chào một cô gái Tây và kéo cô ấy tới gần chỗ tôi giới thiệu: “Đây là Leata, cũng là người Thụy Sĩ”. Tôi tưởng hai người quen biết nhau trước, nhưng không phải, lúc làm thủ tục xuất cảnh bên Campuchia, Gilles thấy cô bạn này có hộ chiếu giống của mình, biết là "đồng hương" nên đã chào hỏi làm quen. Ba chúng tôi vui vẻ "tám" với nhau trong lúc chờ đủ người để nhét vào vừa một xe.
Tứ hải giai huynh đệ... phong trần
Niềm vui đặt chân lên đất Thái.
Chúng tôi lên một chiếc xe khách 17 chỗ, trừ mấy người Thái ngồi băng trước và băng sau, hai băng giữa toàn khách du lịch nước ngoài. Gilles ngồi băng sau, hắn xí sẵn cho tôi chỗ ngồi giữa hắn và một anh chàng người Thổ Nhĩ Kỳ rất đẹp trai. Lúc tôi và Leata lên xe, hắn chỉ ngay cái ghế và bảo tôi ngồi, Leata nhìn hắn, chắc cô nàng nghĩ bụng sao "đồng hương" mà không giữ ghế cho cô ấy, lại ga-lăng với tôi. Vì muốn ngắm cảnh, tôi giành ngồi cạnh cửa sổ và bảo Gilles ngồi vào giữa, cạnh anh chàng người Thổ đẹp trai. Ở hàng ghế trên, Leata ngồi giữa một ông Tây và anh chàng Ấn Độ.
Xe lăn bánh. Đám dân bụi toàn người vui tính bắt đầu làm quen, cười nói rôm rả. Những người Thái trên xe, có thể vì quá quen thuộc đường sá, hoặc họ đi công việc làm ăn về, chỉ mong chóng đến nhà nên ít nói. Họ ngồi rất trật tự và không trò chuyện. Tôi bắt đầu mệt nên cũng rất ít nói chuyện, tranh thủ ngắm cảnh và nhắm mắt ít lâu. Cảnh bên Thái đẹp, đồng ruộng xanh bạt ngàn, nhìn mát mắt. Dọc đường, tôi thấy khá nhiều cây thốt nốt. Tôi lấy máy chụp hình, nhưng kiếng xe tối, hình rất mờ không thấy được gì. Trên đường có hai trạm cảnh sát Thái kiểm tra hộ chiếu khách trên xe. Cảnh sát Thái mặc áo rằn ri, khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh trong các bộ phim chiến tranh. Tôi lạnh toát người, tay run run đưa hộ chiếu ra trình mà trong đầu tưởng tượng lung tung. Nhưng ông cảnh sát chỉ nhìn qua chiếc hộ chiếu rồi trả lại, ra hiệu xe tiếp tục chạy.
Trời tối dần, chắc tại thấy tôi không nói năng gì, Leata quay xuống hỏi, "Cô ổn chứ?", tôi cười nói là không sao. Thực ra đây là lần đầu tiên tôi di chuyển đoạn đường dài thế này nên chóng mặt và mệt mỏi, không thể tham gia "hội tám" với bọn họ, Tôi dành sức để cầm cự khỏi bị say xe, dường như không nghe được bọn họ nói với nhau những gì nữa. Leata nói tiếng Anh rất chuẩn, líu lo như chim hót, có âm gió nữa nên nếu tập trung nghe hết câu chuyện, tôi sẽ mất rất nhiều năng lượng.
Thấy mọi người lo lắng nên tôi cũng miễn cưỡng nói chuyện. Tôi rủ mọi người tới Bangkok sẽ đi tìm chung nhà trọ cho vui, tôi biết nhà trọ giá rẻ chỉ 100 baht cho một giường thôi. Tức thì mọi người hào hứng với đề nghị của tôi, đặc biệt là anh chàng Gilles và cô nàng Leata người Thụy Sĩ. Bố người Tây ngồi phía trước tôi nãy giờ không hề nói chuyện cũng quay xuống hỏi tôi nhà trọ đó ở đâu. Tôi lấy bản đồ ra và chỉ cho mọi người, Gilles đồng ý ngay. Tôi nói với Leata rằng nếu hết dorm thì tôi và cô ấy cũng có thể share chung một phòng cho rẻ; cô ấy ok liền. Anh chàng Ấn Độ ngồi cạnh Leata cũng quay sang tôi: “ Ê, cho tớ theo với, được không?”, tôi mỉm cười. Anh Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn nhập bọn.
Lúc dừng lại trạm đổ xăng, tôi có xuống xe chụp hình và tám với anh chàng người Ấn, anh ta là giảng viên một trường đại học bên Ấn, dạy về kinh tế. Lên xe, anh này cứ chiếu đôi mắt nhìn tôi, tôi ngó lơ đi chỗ khác (Nghe nói văn hóa Ấn, nếu một chàng trai mà nhìn một cô gái, cô ấy cũng nhìn lại là đồng ý đấy nhé).
Gilles lấy nải chuối từ ba lô ra mà tôi tưởng tượng ra là mua từ năm ngoái. Anh chàng kêu đói bụng và bẻ chuối ăn. Tôi bảo tôi có bánh mì mang theo, hỏi có ăn không tôi lấy cho, Gilles lắc đầu. Nải chuối đã chảy nước, anh bạn Thổ Nhĩ Kỳ ngồi cạnh đưa Gilles cái khăn để lau ba lô. Thấy vậy, tôi lấy ra một bịch khăn giấy cho Gilles vì miếng khăn của anh chàng Thổ kia xem chừng không đủ. Gilles lấy vài miếng và trả lại tôi, tôi bảo cứ cầm lấy mà xài, tôi còn.
Gilles lấy đậu phộng da cá ra mời tôi ăn, nhưng lại không mời cô bạn cùng quốc tịch ngồi ghế trên, tôi liền ngoắc Leata và chia với cô ấy phần của mình, tôi chia Leata phần nhiều nên tôi ăn hết rất nhanh, Gilles thấy vậy lại chia cho tôi thêm một lần nữa, hắn rất dễ thương với tôi.
Đêm đầu tiên trên đất Thái
Màn đêm buông xuống, tôi có một chút sợ, nhưng có cả một "bang hội" nên cũng yên tâm. Leata thấy mọi người không ai nói gì thì lấy trong ba lô ra khoe cái đèn đội đầu cô ấy mua được và đố mọi người xem cô ấy dùng cái đèn này để làm gì? Anh chàng người Thổ Nhĩ Kỳ vui tính bảo dân châu Á dùng đèn đó để đi soi ếch, và hỏi cô ấy không phải có ý định đó chứ. Leata bảo không, cô ấy dùng đèn để đọc sách vào ban đêm, trong xe không có đèn, Leata bật đèn pin đội đầu lên và mượn cuốn Lonely Planet của tôi ra tra cứu thông tin về Bangkok.
Vừa vào đến cửa ngõ thủ đô nước Thái thì kẹt xe, mọi người mệt mỏi nên càng sốt ruột. Thỉnh thoảng, xe nhích từng chút, chẳng ai có thể biết phải mất bao nhiêu giờ nữa để vào khu trung tâm thành phố với tình cảnh này. Anh chàng Thổ Nhĩ Kỳ không đủ kiên nhẫn nên điện thoại gọi một người bạn tới rước anh ta. Anh ta nói tài xế dừng ở trạm xe buýt phía trước rồi tạm biệt chúng tôi, xuống đó ngồi chờ bạn. Lát sau, anh chàng Ấn Độ cũng xuống xe, rồi ông già người Tây ngồi phía trước tôi cũng xuống xe nốt. Những người Thái đi cùng xe với chúng tôi đã xuống xe hết trước khi vào thành phồ rồi. Vậy là trên xe chỉ còn tôi, Leata và Gilles vẫn "kiên cường" tiến về khu Khaosan, khu dành cho tây ba lô tại Bangkok.
Cuối cùng, chúng tôi cũng tới được khu phố Tây lúc 8g30’. Gilles kêu tôi mở bản đồ ra để tìm nhà trọ. Ban đêm, nhưng Gilles đã tới Bangkok một lần nên xác định hướng rất nhanh và bước đi xăm xăm. Tôi và Leata chạy theo anh ta hụt cả hơi. Chúng tôi tới nhà nghỉ Apple chỉ sau 5 phút đi bộ. Dorm (phòng nhiều người) có 4 giường, mỗi giường giá 100 baht; đã có một anh chàng ở một giường trước rồi, vậy là còn đủ giường cho 3 chúng tôi. Nhưng chúng tôi yêu cầu xem luôn phòng đơn và phòng đôi. Phòng đơn 150 baht, phòng đôi 200 baht (1 USD= 30 baht). Tính ra, nếu ở phòng riêng sẽ tiện lợi hơn, đỡ phải giữ đồ đạc. Tôi và Leata mướn chung một phòng đôi, có cửa sổ thoáng mát và mỗi người cũng chỉ 100 baht, bằng giá giường dorm nhưng ngon lành hơn. Gilles mướn một phòng đơn giá 150 baht, kể ra cũng không mắc mấy. Anh ta bảo lần trước sang Thái, mướn giường dorm bên khu phố khác cũng đã 300 baht rồi. Tìm được chỗ này hắn có vẻ ưng ý lắm.
Cất hành lý xong, chúng tôi ra phố ăn tối. Ở Thái Lan, du khách không thể thanh toán bằng đô la; tôi lại chưa đổi lấy tiền baht của Thái mà đến đây đã tối rồi, không biết làm sao. Tôi bày tỏ với Leata suy nghĩ đó, Leata bảo cô ấy vẫn còn đủ tiền cho bữa tối và bảo tôi đừng lo, để ngày mai hãy đổi tiền. Gilles có thẻ Visa nên rút tiền ở ATM (lần sau tôi cũng tìm cách làm thẻ mới được).
Một chiếc xe bán rượu như một quầy bar cũng tạo cảm giác là lạ cho du khách.
Đây là quán mà chúng tôi ngồi uống nước trong đêm đầu tiên tới Bangkok.
Một quán nước có tường thuật trực tiếp trận bóng đá giải Euro vào nửa khuya.
Gilles dẫn chúng tôi đi tới một quán khá sang mà hắn cho là cũng khá rẻ. Tôi chọn món PadThai giá 90 baht, và một ly sinh tố dưa hấu giá 35 baht. Hai bạn kia chọn cùng món và uống Coca. Suốt bữa ăn tôi không nói chuyện, phần vì mệt lả và đói, thấy đồ ăn hấp dẫn là bay vào xử luôn. Gilles và Leata vừa ăn vừa tám quá trời; họ cũng lịch sự, nói tiếng Anh chứ không dùng tiếng Thụy Sĩ, để tôi có thể tham gia nếu thích. Ăn xong tôi muốn bể bụng, một dĩa PadThai là quá nhiều với tôi, cộng với ly sinh tố, ăn xong tôi không thở nổi nữa!
Nạp năng lượng đầy đủ, tôi tươi tỉnh trở lại và bắt đầu nói chuyện (tôi xấu tính thật). Leata gợi ý dạo một vòng rồi mới về nghỉ; dân Tây khỏe thật. Có một tay người Mỹ đang ngồi ở bàn bên cạnh, Leata hỏi anh ta, buổi tối ở đây có thể đi chỗ nào? Ạnh chàng này vui vẻ chỉ dẫn, nhưng để chắc ăn tôi lấy bản đồ ra nhờ chỉ chính xác đường đi. Sau khi "tám" với Leata một hồi có vẻ ăn ý, anh người Mỹ hỏi Leata có phải người Anh không? Leata bảo cô ấy là người Thụy Sĩ; anh chàng người Mỹ bảo là rất ngạc nhiên vì Leata nói tiếng Anh rất chuẩn. Nói rồi anh ta đem thức ăn sang bàn chúng tôi ngồi chung. Ăn xong, có vẻ anh ta thích cách nói chuyện của Leata nên nói sẽ đi cùng với chúng tôi. Tối hôm đó có tường thuật trực tiếp giải bóng đá Euro nên anh ta rủ chúng tôi tới quán vừa uống vừa xem. Khung cảnh về đêm ở Bangkok rất sôi động với những món hàng lạ mắt, người đi chơi nhộn nhịp suốt đêm.
Trong khu phố Tây cũng có gian hàng bán đồ chơi, lưu niệm đủ chủng loại và giá cả.
Cả bọn vào một quán nước, ba người kia gọi 3 lon bia, tôi còn no quá nên không thể nạp thêm thứ gì nữa và chỉ muốn về nhà trọ tắm rửa và ngủ một giấc. Tay người Mỹ nhận ra người quen ở bàn bên cạnh nên tới chào hỏi và giới thiệu với chúng tôi. Cô nàng Leata có vẻ chưa muốn về, muốn coi trận banh vào giữa khuya nữa cơ. Gilles thì không nói gì về chuyện coi đá banh. Gilles nói với tôi là hắn cũng mệt và không muốn đi chơi nữa, nếu Leata đi chơi tiếp thì chúng tôi cùng về trước. Leata thấy chúng tôi không hào hứng với trận banh nên nói sẽ về với chúng tôi.
Dọc đường, Gilles hỏi mỗi người xem ngày mai có kế hoạch gì, Leata bảo ngày mai định xem chùa chiền và làm một số việc riêng, tôi thì đi xem chùa và dạo quanh khu vực Khaosan mua vé xe, đổi tiền... Gilles nói sẽ đi massage. Vậy là kế hoạch không giống nhau, chúng tôi quyết định ngày mai việc ai nấy làm và không đi chung với nhau. Đi chung sao được khi mục đích không giống nhau. Leata và Gilles có kế hoạch ở lại Bangkok 2 ngày 3 đêm, tôi suy nghĩ một lúc rồi quyết định cũng sẽ làm vậy. Về phòng, tôi đi tắm rồi ngủ một giấc thật ngon tới sáng

Một ngày không vui









Khu phố Tây Khaosan ở Bangkok.

Hôm sau, tôi thức dậy rất sớm. Khi tôi chuẩn bị đi ra ngoài, Leata thức dậy, hỏi tôi đi đâu sớm thế? Tôi bảo muốn ra ngoài chụp ảnh và xem đời sống của người bình dân Thái vào sáng sớm. Tôi cầm theo bản đồ in từ Google map, ra ngoài chụp ảnh dạo chơi.

Sáng sớm, các nhà sư đi khất thực khá nhiều. Ngoài chợ tôi hay gặp cảnh những người bán hàng đang cúng dường cho các nhà sư. Lúc chụp ảnh ngoài chợ, tôi nghe có một người bán hàng nói tiếng Quảng Đông, ý không muốn cho tôi chụp hình hàng quán anh ta (chắc là kiêng cữ sáng sớm chưa bán mở hàng), nhưng người phụ nữ (chắc là vợ anh ta) đáp lại cũng bằng tiếng Quảng Đông là kệ đi, không sao.
Tôi có thói quen là cái gì cũng muốn biết, cũng muốn ngó một cái, nên tôi thích đi bụi là vậy, có nhiều cái lạ để ngó nghiêng, quan sát lắm. Nhưng loanh quanh khu chợ rất mau chán, tôi liền ghé vào một ngôi chùa gần đó, cạnh chùa là một trường học, tôi đảo một vòng luôn.
Nhiều tiểu thươngđang dọn hàng ra cũng cúng dường chư tăng với thái độ cung kính.
Ngôi chùa ở cạnh chợ.
Một nhà sư già đeo bình bát đi khất thực.








Còn sớm, chưa có ai đổi tiền, nghĩa là tôi không thể mua được gì nên quay về nhà trọ nằm nghỉ một lát, định trưa tí sẽ đi đổi tiền và mua vé xe. Tôi vừa về đến phòng trọ thì Leata mới đi ra ngoài. Sáng dậy sớm và tung tăng nãy giờ khá mệt, tôi nằm một chút rồi lấy sanwich ra ăn, sợ để hư uổng.
Mánh của dân đi bụi
Hàng ăn sáng chiếm hết lề đường.
Khoảng 8g30, tôi tìm đến ngân hàng đổi tiền, tỉ giá một đô la Mỹ đổi được 30,06 baht. Tôi móc ra tờ 50 đô và nhận được 1500 baht và ít xu lẻ, định bụng xài hết số tiền này là quay về Campuchia. Tôi đi một vòng khu phố Tây Khaosan tìm các tour mua vé về Siem Reap, sẵn tiện tìm xem có văn phòng nào phát miễn phí bản đồ Bangkok hay không. Giá vé bán ở mấy văn phòng trên đường này rất mắc, khoảng 400 - 600 baht/vé. Tôi không chịu thua và lục tung khu phố Tây, kể cả hẻm hóc và kiếm được 3 phòng vé có giá rẻ là 300 baht/vé, trong đó có một văn phòng nằm ngoài đầu đường Khaosan chứ không phải trong hẻm.
Một ông Tây đang mua vé máy bay qua Nepal, nghe tôi chê giá vé mắc, bố Tây này chen vào bảo là "giá vé như thế là rẻ rồi con gái, không mắc đâu". Trong lúc người bán vé gọi điện qua Nepal để xác nhận thông tin gì đó thì tôi và bố Tây ngồi "tám" chuyện. Ông Tây hỏi tôi ở trọ đâu, giá cả thế nào? Tôi bảo nhà trọ ở gần đây, chỉ 5 phút đi bộ, giá 100 baht/đêm và share chung phòng với một người bạn nữa. Ông Tây nghe vẻ ngạc nhiên lắm. Ông khen rẻ và nhờ tôi chỉ đường đến nhà trọ đó. Tôi nói, mua vé xong tôi sẽ dẫn bố đi luôn.
Hành và chôm chôm bán chung một hàng trên đường bên ngoài chợ.
Lúc tôi và bố Tây mua vé xong, ông bán vé hỏi tôi là người nước nào? Khi nghe tôi là người Việt, ông bán vé ngập ngừng, dặn rằng hôm nào lên xe đi Siem Reap, nếu có ai hỏi thì đừng nói là người Việt mà cứ nói là người Trung Quốc. Ông ta nói thêm, nếu có ai nói sẽ làm visa cho thì đừng đồng ý, bảo là tự làm. Tôi vẫn không hiểu, nên hỏi lại rằng người Thái Lan không thích người Việt Nam à? Vì sao tôi phải nói dối?
Ông bán vé lắc đầu, nói không phải thế và giải thích rằng vì người Việt được miễn visa, mà giá vé này chủ yếu bán cho Tây ba lô ham giá vé rẻ. Tới cửa khẩu, đám cò visa còn có cơ hội kiếm chút cháo. Du khách Tây (cả người Trung Quốc) phải nộp phí visa còn tôi dùng hộ chiếu Việt Nam thì đám cò không kiếm được gì. Vì thế ông ta sợ đám cò visa ở cửa khẩu bỏ tôi ở lại mà không dẫn qua biên giới sẽ khổ thân tôi.
Những con phố ở Khaosan thức trắng đêm phục vụ khách du lịch nên buổi sáng thức dậy khá muộn.
Tôi dẫn ông Tây tới khu nhà trọ tôi đang ở. Tôi thực lòng khen chỗ ở thoải mái, tối ngủ rất mát mẻ, sáng thức dậy khu phố rất yên tĩnh và nói hơi... nhiều nên khi thấy bà chủ nhà mỉm cười vẻ hài lòng thì tôi mới giật mình thấy mình quá đà. Thế là tôi nói phải ra ngoài có tí việc, bố cứ tự xem và liên hệ chủ nhà.
Tôi tìm đến văn phòng du lịch trên đường Thanon Phra Athit, dưới chân cầu vượt bắc qua sông Chao Phraya, để hỏi xin bản đồ du lịch và sách du lịch miễn phí, tôi biết được thông tin này là do chị Quỳnh Dung - một "cao thủ giang hồ" cung cấp. Xin được mấy thứ cần rồi thì bụng nhắc đã trưa, trên đường về nhà trọ tôi mua một cái đùi gà rán, vừa đi vừa ăn... tạm; tí nữa về nhà trọ ăn tiếp!
Ấn tượng không vui
Tôi ngủ một giấc đến chiều rồi ra ngoài dạo chơi. Có bản đồ du lịch Bangkok mới xin được nhưng ham chơi nên tôi vẫn bị lạc đường, đi vào một khu phố ổ chuột, gặp vài cô gái phì phèo thuốc lá và trang điểm khá đậm, nhìn kĩ thì dáng người khá thô cứng, tôi nghĩ tôi đang lạc vào khu dân…gay. Tới khi nhìn thấy hai thằng đàn ông đang ôm hôn nhau không biết trời đất chung quanh ngay cạnh một con kênh thì tôi muốn đứng tim, hai chân bước rảo thật nhanh.
Đằng xa một gã (không biết thực sự là nam hay nữ) dáng người thô cứng, mặt mày lòe loẹt, mắt như quỷ sứ đang hướng về phía tôi. Tôi liếc nhanh xung quanh xem có người hay không để còn la lên cầu cứu và chuẩn bị nếu hắn tiến tới nữa là tôi cắm đầu chạy. Hình như hắn biết tôi có đề phòng nên bỏ đi. Hú hồn!
Ra khỏi khu phố ổ chuột đó, tôi không quan tâm đến bản đồ nữa, cứ gặp Tây ba lô là nhập bọn đi chung rồi lân la hỏi đường về khu Khaosan ngay. Về tới Khaosan, tôi thấy đói, mua món súp ăn nhẹ cho buổi chiều. Tôi hỏi giá chỉ có 30 baht. Ăn xong, vì không có tiền lẻ nên tôi đưa tờ 1.000 baht. Thằng bán mất nết, nó thối tôi có 950 baht. Tôi hỏi lại, nó nói đủ rồi, giá là 50 baht/tô. Tôi trừng mắt nhìn nó, định bụng sẽ la làng lên cho thiên hạ biết. Tôi hỏi lại, giọng gằn: “Tô súp này giá bao nhiêu?”. Hình như nó thấy tôi không phải là loại yếu bóng vía, nên đưa thêm 20 baht nữa. Tôi cầm tiền, bỏ đi. Thằng ba trợn ấy còn nói với theo “Thank you”.
Một công viên nằm bên bờ sông Chao Phraya. Buổi chiều, nhiều người hay đến đây tập các động tác thể dục và trò chuyện.
Tôi ra công viên ngắm hoàng hôn, cảnh sống khá yên bình. Ghế đá kế bên tôi một cô gái Thái cũng đang ngồi một mình, tôi nhờ cô ấy chụp giùm tôi kiểu ảnh. Khoảng 8g tối, tôi về nhà trọ. Dọc đường, tôi ghé quán ăn một dĩa rau hải sản giá 50 baht rất ngon nữa. Tắm xong, tôi lên giường, đang thiu thiu thì nghe có tiếng gõ cửa. Tưởng là Leata về nhưng không phải. Đó là Gilles. Anh ta hỏi tôi đang làm gì đó, tôi bảo tôi đang ngủ, hắn nói “Xin lỗi, tôi không biết nên mới gõ cửa”. Tôi bảo không sao và hỏi hắn đi chơi vui không, hắn cười mãn nguyện: “Woa, hôm nay tôi đi mát xa, rất tuyệt”.
Thế anh có gặp Leata không? Tôi hỏi.
Leata nào? Hắn ngơ ngác.
Cô bạn cùng quốc tịch với anh ấy.
À, không, cả ngày nay tôi không gặp cô ấy. À này, tôi còn một ít tiền Campuchia, nghe nói mấy hôm nữa cô trở lại Campuchia, hay cô đổi tiền riel giùm tôi nhé. Tôi không định sang Campuchia nữa.
Trong khu công viên bờ sông có một ngôi đền nhỏ, kiến trúc đơn giản, thanh thoát.
Tôi hẹn ngày mai sẽ đổi, bây giờ hết đô lẻ rồi. Gilles chúc tôi ngủ ngon và về phòng.
"Tám" giữa đêm khuya
Khoảng 11g đêm, Leata trở về. Cô ấy xin lỗi vì đã đánh thức tôi dậy. Nhưng Leata nói chỉ về tắm xong rồi còn đi chợ đêm mua sắm nữa và rủ tôi đi. Tôi từ chối vì cần ngủ một giấc cho lại sức. Tầm 2 giờ sáng, Leata đi chợ đêm mới về. Cô ấy bảo tôi cứ tiếp tục ngủ, nhưng thức giấc lần này tôi thấy khó ngủ lại ngay nên tôi ngồi dậy "tám" với cô ấy luôn.
Leata hỏi ngày hôm nay của tôi thế nào, có thấy yêu thích Bangkok không? Tôi ậm ừ cho qua, nói cũng được.
Nhưng tao nghe trong giọng mày trả lời thì mày chẳng vui tí nào cả. Leata láu cá.
Uhm, cũng có chút chút. Tôi ngạc nhiên vì sự sắc sảo của cô bạn này.
Thế mày hôm nay thế nào, có đi thăm chùa chiền không? Tôi hỏi lại.
Không, hôm nay tao có chút việc nên chỉ đi được một chùa thôi. Tao không thích Bangkok lắm, từ lái xe tuk tuk, taxi đến những người bán hàng đều muốn làm tiền tao. Họ tưởng tao ngu ngốc và đều muốn "chém" tao.
Phố Tây Khaosan về đêm.
Tôi gật đầu vẻ thông cảm, và lấy bản đồ du lịch 3D tôi xin được hồi sáng, đưa cô ấy xem và hỏi cô ấy thăm chùa nào, ở đâu. Cô ấy nhìn tấm bản đồ, hỏi "Free hả?", tôi mỉm cười bảo đúng rồi, "Tôi lấy ở văn phòng du lịch". Leata giãy nảy lên, bảo sáng nay cô ấy phải tốn mất 3 đô la để mua bản đồ ở một nhà sách, nói rồi cô ấy đưa bản đồ cho tôi xem, chỉ là bản đồ 2D thôi. Tôi lấy 125 baht đưa cho cô ấy và nói cám ơn vì đã cho tôi mượn tiền tối hôm qua, khi vừa đến Bangkok.
Leata tốt nghiệp tại đại học Zurich, đang làm cho một tổ chức thiên nhiên hoang dã của Thụy Sĩ và đi bụi một mình vì vừa mới chia tay bạn trai. Leata lân la hỏi chuyện tình cảm của tôi. Tôi đưa hình "anh ấy" cho Leata xem, và bảo anh ấy chưa phải là bạn trai tôi, chỉ là tôi đang kẹt vào một thế khó gỡ, tôi đi bụi. Cô ấy hỏi tôi đã bị dính "chưởng" bao lâu rồi. Tôi nói khoảng một năm. Leata ngạc nhiên hỏi, sao lâu vậy mà tôi không tìm cách “kết liễu” anh ấy luôn. Tôi phá lên cười, nếu cuộc sống cái gì tôi cũng giỏi thì tôi đâu phải xách ba lô đi bụi như hôm nay.
Cô nàng lại hỏi tôi, sao có được tấm hình này? Tôi nói, một hôm tôi thấy tấm hình anh rớt xuống đất, định lượm lên bàn lại cho anh; nhưng anh không có ở đó nên tôi cất luôn. Tôi nghĩ, tấm ảnh chứ đâu phải tôi ăn cắp tài sản gì có giá trị đâu; anh có mất tấm hình ấy cũng đâu bị ảnh hưởng gì, nghĩ thế nên tôi không thèm trả lại. Cô ấy hỏi tên của anh, tôi trả lời và sau đó chúng tôi tám về anh, nhưng Leata không phát âm được tên anh, nên cô ấy đọc tên anh mà biến thành tên một… món ăn của người Việt. Tôi buồn cười chịu không nổi.
Rồi tôi ngủ trước, Leata mở chiếc đèn đội đầu và đọc sách, tối nào cô ấy cũng đọc sách rất khuya mới ngủ. Theo tôi, Leata là một cô gái thông minh, cá tính, thẳng thắn và vui vẻ.

Du lịch... lang thang










Bến phà và đò dọc trên sông Chao Phraya ở Bangkok.

 Buổi sáng thứ hai ở Bangkok, tôi thức dậy lúc 8 giờ, cô bạn cùng phòng đã đi rồi. Hôm nay tôi muốn đi thăm một số ngôi chùa ở Bangkok.
Nhưng tôi sẽ không vào những ngôi chùa có bán vé - ngoài việc tốn tiền, tôi thấy điều này kỳ cục, nơi thờ tự tôn nghiêm lại biến thành điểm kinh doanh du lịch - hoặc những nơi như Đại hoàng cung của hoàng gia Thái (Grand Palace) bán vé vào cổng tới 350 baht lận, còn cao hơn cả vé xe tôi Bangkok về Siem Reap (Campuchia) nên tôi nghĩ, mình chẳng việc gì vào đó.

Tôi đến viếng vài ngôi đền, chùa nhỏ, cũng có những thú vị. Đầu tiên tôi đến một ngôi đền nhỏ, người giữ đền đốt nhang đưa cho tôi, sau đó họ chỉ tay vào thùng bỏ tiền gần đó. Thắp nhang xong tôi bỏ 10 baht vào thùng. Ở các chùa còn lại tôi tới thì không tốn đồng nào, chỉ đi vòng quanh chụp ảnh. Có lúc mệt tôi ngồi nghỉ, uống nước. Mẹ bán nước hỏi tôi từ nước nào đến và trò chuyện vui vẻ. Bà hỏi tôi biết tiếng Thái không, tôi bảo chỉ một chút chút thôi. Đến Thái Lan rất thuận tiện, gần như ai cũng biết chút ít tiếng Anh, từ người lao công đến người bán hàng rong và cảnh sát đều nhiệt tình giúp du khách khi cần.
Chùa Intharawihan nằm trên đường Chak Kraphong.
Tôi đi về hướng văn phòng du lịch, qua một cây cầu vượt để sang bên kia sông, dự định ghé thăm một ngôi chùa nữa sẽ nghỉ, vì trời cũng đã trưa. Khu này đồ ăn có vẻ rẻ, chỉ 20 baht tôi có được một hộp cá viên to và nóng hổi. Khi mua thêm chai nước suối, người bán đòi 10 baht. Tôi trả giá bằng tiếng Thái, bà bán hàng ngập ngừng rồi nói lại 8 baht. Tôi phát hiện ra rằng người bán hay làm tròn số một cách vô tội vạ khi gặp khách du lịch nước ngoài.
Du lịch... lang thang
Ngôi chùa này vắng vẻ, mấy con chó dở hơi cứ bám theo tôi sủa miết, trong khi có người vẫn đi bình thường nó không theo mà cứ nhè tôi mà sủa. Tôi quay ra ngoài, đứng ăn hết hộp cá viên rồi mới quay vào chùa, gặp lại tôi, chúng không sủa nữa. Chẳng lẽ chúng sủa để "phản đối" việc tôi vừa đi vừa ăn trông mất lịch sự hay vì thức ăn mặn thì không được đem vào khuôn viên nhà chùa; chó gì mà khôn thế?!
Chụp mấy tấm ảnh xong, tôi định ngồi một lát cho đôi chân nghỉ mệt rồi về nhà trọ ngủ trưa. Chợt thấy cái bến phà, tôi lân la lại gần xem thì biết có phà đưa khách qua sông, vé chỉ 3 baht/người. Nhìn thuyền bè tấp nập trên sông, tôi lại hỏi thăm, ý muốn đi đò dọc chạy trên đoạn sông này để ngắm cảnh. Người bán vé bảo tôi qua trạm bên kia đợi thuyền tới, lên thuyền rồi mới mua vé, giá 15 baht. Tôi nhẩm tính đi-về cũng chỉ tốn một đô la, tại sao không đi cho biết nhỉ?
Trong lúc chờ thuyền, tôi nói chuyện với một anh chàng người Thái cũng đang chờ thuyền. Anh ta hỏi tôi muốn đi đâu, tôi nói không biết, chỉ muốn lên thuyền đi chơi rồi vòng về lại bến này, chứ không biết đâu mà đến.
Đi thuyền dọc trên sông Chao Pharaya ngắm cảnh khá thú vị.
Wat Arun, một trong những ngôi chùa lớn ở Bangkok.
Ngôi chùa nhỏ gần nơi tôi ở trọ, có vẻ giống một ngôi đền hơn là chùa.
Cảnh trí hai bên bờ sông rất đẹp, tôi chụp khá nhiều ảnh trên chuyến đò dọc này. Lúc đi ngang một ngôi chùa lớn gần bờ sông, anh chàng Thái bảo đó là wat Arun và hỏi tôi có lên bờ ở đó không? Tôi lưỡng lự một chút rồi trả lời là chỉ muốn đi thuyền ngắm cảnh thôi.
Tới bến cuối, anh người Thái lên bờ. Người soát vé tôi bảo tôi phải lên bờ và chờ thuyền khác đến để quay về. Thấy có quầy bán vé ở trên bến, tôi nhảy vào định mua, nhưng bà bán vé bảo nếu đi một chiều như tôi lên thuyền mới mua vé, ở đây chỉ bán vé hai chiều.
Tôi ra băng ghế ngồi chờ. Thấy còn chỗ trống cạnh một nhà sư, tôi nhảy vào ngồi luôn. Một bố người Thái ngồi bên cạnh tôi đeo mắt kiếng đen nhìn tôi có vẻ quan sát hơi lộ liễu, thoạt trông ông ta cứ như dân "xã hội đen" vậy nhưng tôi không hề có cảm giác nguy hiểm. Ông ôn tồn nói với tôi: “Này cô gái, ở Thái Lan, nữ giới không được ngồi cạnh nhà sư như vậy”. Tôi giật mình, biết mình đã sai. Tôi đã từng nghe nói đến điều này nhưng lại quên mất! Tôi xin lỗi và đổi chỗ ngồi với ông ta.
Lên thuyền trở về, tôi hỏi một bà người Thái dáng quý tộc là có biết bến thuyền mà tôi cần xuống hay không, bà bảo là không biết rồi bà quay sang hỏi người này người kia giúp tôi xem bến tôi cần xuống ở đâu. Bà ta nói, bà sẽ xuống wat Pho, còn tôi còn phải đi thêm một đoạn nữa mới tới. Lúc xuống thuyền, bà chào tạm biệt và chúc tôi kỳ nghỉ vui vẻ trên đất Thái, không quên dặn người soát vé nhớ chỉ chỗ cho tôi xuống bến.
Nhà nghỉ Apple Guest House II, nằm trên đường Phra Sumen, ngõ Trok Kai Chaee.
Ngày hôm đó, tôi mới bắt đầu yêu người Thái, chứ ngày đầu, cũng như Leata, tôi phát bệnh với họ. Tới bến, tôi chạy qua trạm lúc nãy mua vé qua sông luôn. Tôi quay về khu KhaoSan ăn tối, vào siêu thị mua ít đồ rồi về nhà trọ sớm, chuẩn bị hành lý để ngày mai đi Siem Reap, Campuchia.
Một đêm ngủ ít, "tám" nhiều
Về đến nhà trọ, tôi gặp bà chủ nhà, tôi nói với mama rằng ngày mai tôi sẽ đi sớm, vậy nên tối nay tôi làm thủ tục check out trước. Tôi thanh toán tiền trọ 3 đêm (300 baht), phần còn lại, cô bạn người Thụy Sĩ sẽ thanh toán sau. Bà đã 72 tuổi, có thể nói được một chút tiếng Anh, khá cởi mở, mỗi lần đi ra ngoài hoặc đi đâu về tôi cũng chào bà và bà cũng rất thân thiện.
Trả tiền xong, tôi chợt nhớ còn chưa thanh toán 6 baht tiền mua một chai nước lạnh tôi mang lên phòng hôm trước. Tôi móc tiền ra trả, nhưng bà không nhận, bảo là tặng tôi và còn bảo tôi tới tủ lạnh lấy thêm một chai nước nữa để mai mang theo uống dọc đường. Tôi thật sự cảm động và suy nghĩ nhiều về sự thân thiện và tình cảm của bà chủ nhà dành cho khách trọ. Lúc tôi định đi lên phòng, bà lại bảo tôi lấy thêm một chai nữa cho cô bạn cùng phòng với tôi luôn. Bà bảo, con bé Thụy Sĩ cũng rất dễ thương.
Tôi về phòng thu dọn hành lý và lấy kim chỉ ra khâu các túi để nhét tiền vào. Nghe tiếng gõ cửa, tôi nghĩ Leata hôm nay cũng về sớm để chuẩn bị mai lên đường. Nhưng một lần nữa, lại là anh chàng Gilles. Vẫn màn cũ, hắn hỏi ngày hôm nay của tôi thế nào, có xem được gì nhiều không. Tôi không thèm trả lời mà bảo anh ta đưa tiền Campuchia đây, tôi đổi đô la Mỹ cho. Gilles giơ ngón tay cái lên tỏ ra thích thú.
Nhưng tôi chỉ còn 4 đô lẻ đưa cho Gilles nên tôi nói "Số tiền Campuchia còn lại, anh nên cất làm kỷ niệm". Gilles móc ví ra, lấy hết số tiền riel đưa cho tôi và cười, bảo phần còn lại (4.000 riel, tôi không có tiền đổi) tôi cứ lấy xài luôn, anh ta không cần nữa. Gilles nói, 3 giờ sáng là anh ta sẽ ra sân bay rời Thái đi Myanma và hỏi tôi khi nào đi. Tôi nói, xe sẽ khởi hành lúc 7 giờ 30, còn Leata sẽ đi lúc 6 giờ ra sân bay về Thụy Sĩ. Gilles gửi lời chào tạm biệt Leata, rồi anh ta về phòng chuẩn bị hành lý và đi ngủ. Tôi hứa sẽ chuyển lời.
Vậy là 2 ngày 3 đêm ở Bangkok trôi qua, trừ hôm đầu tiên mới tới đi ăn cơm chung, còn lại chúng tôi chẳng đi chung với nhau bao giờ, tôi thấy cũng hơi lạ lạ. 12 giờ đêm, Leata vẫn chưa về, tôi chưa muốn ngủ, chờ cô ấy về nói chuyện với nhau chút vì sáng mai chúng tôi mỗi đứa một nơi rồi. Nhưng tôi thiếp đi cho đến 1 giờ sáng, khi Leata về cùng một cô bạn Thụy Sĩ khác. Leata nói, dẫn cô bạn tới đây xem phòng, nếu ưng ý mai cô này dọn tới đây luôn.
Mara và tôi.
Cô ấy tên là Mara, sinh năm 1983, là dân đi bụi chuyên nghiệp, tức là đi từ ngày này sáng tháng khác mà không hề về nhà. Mara đã ở Bangkok được 10 ngày, sáng nay Leata đi ra ngoài, tình cờ gặp Mara. Hiện cô ấy đang ở dorm giá 250 baht/đêm. Vì Mara còn ở lâu tại Băng cốc nên muốn giảm chi phí nhà ở xuống, nghe Leata giới thiệu, cô ấy tới xem phòng luôn.
Tôi và Mara cũng trò chuyện một chút khi Leata sắp xếp hành lí. Mara hỏi thăm chuyện tình cảm của tôi, tôi định không nói nhưng cô ấy bảo Leata đã kể cho cô ấy nghe hết về cô bạn cùng phòng (là tôi đây) vào sáng nay rồi. Chán chưa, hóa ra phụ nữ bên Tây cũng "mê dưa lê" quá chứ đâu phải bên ta mới có các "bà tám".
Leata chụp ảnh chia tay với tôi.
Đang bận tay, nhưng Leata cũng nói với sang, bảo tôi cho Mara xem hình anh bạn của tôi. Mara khen anh ấy đẹp trai rồi cũng hỏi những câu như Leata và chú Ulf - người Thụy Sĩ tôi gặp ở Phnom Penh chuyến đi bụi đầu tiên. Và cũng ngạc nhiên khi nghe chuyện con gái Việt không bao giờ tỏ tình trước với nam giới. Hai cô gái Thụy Sĩ này thật vui tính và hài hước khi đùa, bày tôi cách tán tỉnh người mình yêu thế nào nữa.
Mara ra về, tôi chuyển lời Gilles chào tạm biệt Leala rồi nằm ngủ tiếp. Nhưng chỉ một lát, Mara quay lại, dẫn theo một người bạn khác cũng đến xem phòng. Thế là mất toi cả đêm không được ngủ lấy sức cho hành trình vất vả hôm sau, mấy "bà tám" lục đục suốt đêm trò chuyện.
Trời mờ sáng, Leata chuẩn bị đi, tôi đưa cô ấy chai nước của bà chủ nhà cho mang theo để uống, cô nàng cũng cảm động. Hành lý của Leata gồm một cái ba lô rất to và hai túi xách nữa. Khoảng 6 giờ, chủ nhà gõ cửa báo taxi đưa Leata ra sân bay đang chờ ở đầu ngõ. Tôi phụ mang hành lý ra xe giúp bạn. Cô ấy chào tạm biệt tôi và nói rằng rất hạnh phúc khi làm bạn với tôi.

Chuyến về hồi hộp










Tạm biệt đất nước Thái Lan.

 Tôi đến bến xe, văn phòng chưa mở cửa, chỉ có mấy quán bán đồ ăn sáng sửa soạn dọn ra. Nhìn quanh, khách chờ xe chỉ có một mình tôi. Trên vé ghi xe xuất bến lúc 7 giờ 30', nhưng đến 7 giờ 15 vẫn chỉ mình tôi ngồi lóc ngóc ở trước cửa cái văn phòng vẫn đóng cửa.

Tôi hơi lo, chưa biết hỏi ai thì một người đàn ông Thái dáng vẻ đại ca giang hồ chạy chiếc xe máy bốc khói mù mịt dừng trước cửa văn phòng hỏi tôi: “Đi Campuchia hả? Ngồi lên, tôi chở cô đến chỗ xe đậu đằng kia”. Hôm qua, người bán vé nói xe đậu trước cửa văn phòng để đón khách cơ mà. Tôi bán tín bán nghi, nhưng sao gã này biết mình đi Campuchia mà hỏi chứ?! Đang phân vân thì gã lại hối tôi lần nữa và bảo nhanh lên kẻo trễ xe, sau đó đòi tôi trả 10 baht. Tôi cuối cùng cũng leo lên xe.
Gã này hỏi tôi từ đâu đến, do người bán vé đã dặn trước, tôi nói China. Tôi hỏi gã chở tôi đi đâu? Gã bảo cứ yên tâm, sẽ tới chỗ xe bus đang đậu gần đây. Tôi thấy hơi lo, nghĩ là nếu gã chạy đi quá xa tôi sẽ rút dao ra khống chế lão; nhưng chưa đến 5 phút lão dừng trước một chiếc 17 chỗ, một cô gái Đức cũng đang đứng đó. Khi tôi đưa gã tờ 20 baht nhưng thấy gã không có vẻ gì muốn thối lại 10 baht cho tôi nên tôi giật lại và lấy 10 baht lẻ đưa gã. Gã hỏi tại sao? Tôi trừng mắt nhìn gã, nói rằng đáng lẽ tôi hỏi gã tại sao mới đúng. Gã nhăn răng cười với ông tài xế cũng đang đứng đó, nói rằng hôm nay tôi đi Campuchia rồi, gã tưởng tôi cho luôn tiền tip, không cần lấy tiền thối.
Tôi gặp cô gái Đức cũng đang đứng chờ xe chạy và nói tôi mất 10 baht để đi từ văn phòng bán vé đến đây, tôi hỏi cô ấy có mất tiền không? Cô này bảo không, lão pick up hồi nãy cũng chở cô ta từ khách sạn đến đây và đòi tiền nhưng cô ta không chịu trả, vì đã tính trong vé xe rồi. Thấy mình bị hớ 10 baht, tôi điên tiết chỉ muốn vặn cổ lão xe ôm kia, nhưng lão chạy mất tiêu rồi.
Cô bạn Indo dễ thương
Yeyen Hasriani, cô gái Indonesia tôi gặp trên chuyến xe Bangkok đi Siem Reap.
Trước khi lên xe, tôi thấy một cô gái dáng người nhỏ nhắn trùm khăn kín đầu, xách hai cái túi lỉnh kỉnh đồ đạc đến. Tài xế giúp cô gái xách hành lí bỏ lên xe. Tôi chạy đến làm quen và biết cô này đến từ  Indonesia. Sau đó có hai cô gái người Anh nữa cũng vừa đến. Khi lên xe, tôi chọn chỗ ngồi cạnh cô gái Indonesia.
Yeyen Hasriani - tên cô gái người Indonesia, là một người khá dễ gần. Cô ấy hỏi tôi từ đâu đến, vì sợ tài xế nghe được, tôi trả lời từ Trung Quốc. Cô ấy lại hỏi tôi ở tỉnh nào, tôi nói tỉnh Quảng Đông. Nói xong, tôi thấy khó chịu vì chuyện phải nói dối nên kề tai Yeyen nói nhỏ: “Thực ra tao người Việt, nhưng hôm qua người bán vé dặn tao nói vậy, mày dùng hộ chiếu Indonesia cũng nên cẩn thận, vì lát qua cửa khẩu, tụi cò visa nó không ăn tiền được tao với mày có thể sẽ tìm cách xin đểu đấy, cẩn thận vẫn hơn”. Yeyen gật đầu.
Trên xe có 5 khách, toàn là nữ giới; gồm tôi và Yeyen là 2 người châu Á ra thì còn một cô gái Đức và 2 cô gái Anh. Điều đó làm tôi không yên tâm, nhưng đi được một đoạn đường, xe dừng lại rước thêm 2 thằng Nhật ngố lên xe, vậy là chuyến xe ngày hôm đó vỏn vẹn chỉ có 7 hành khách.
Tôi thắc mắc vì sao Yeyen cứ trùm cái khăn trên đầu mà không gỡ ra, cô ấy lại không dùng từ giải thích được với tôi, cứ ấp úng mãi và ra hiệu, khiến tôi đoán cô ấy nói là trên đầu không có tóc. Tôi hỏi: “Có phải mày là ni cô không?”. Yeyen lại không hiểu từ "ni cô" có nghĩa là gì, tôi không biết giải thích thế nào, bảo ni cô là người sống trong đền chùa, cô ấy gật đầu, bảo đúng. Nhưng tôi vẫn có linh cảm cô ấy không hiểu ý tôi mà gật đầu đại, không biết làm sao giải thích, tôi chợt nhớ đến chiếc máy ảnh, tôi lấy ra và chỉ vào hình nhà sư Thái tôi chụp được, tôi chỉ cô ấy biết đây là “monk”, tôi chế ra từ sư cô có nghĩa là “female monk”. Bây giờ cô ấy có vẻ hiểu từ “nun” mà tôi nói rồi nên lắc đầu bảo không phải, nhưng Yeyen vẫn không giải thích được chiếc khăn trên đầu cô ấy. Tôi thì cứ thắc mắc hoài!
Tôi mời cô ấy ăn chiếc bánh mua trên đường từ nhà trọ ra bến xe, cô ấy ăn và khen ngon. Dọc đường xe dừng lại đổ xăng, tôi mua dưa hấu ướp lạnh và xoài mời cô ấy ăn, Yeyen ăn hết bịch dưa hấu rồi hỏi giá bao nhiêu, tôi nói chỉ 10 baht, thế là cô nàng chạy đi mua thêm bịch nữa và mời lại tôi, hai đứa tôi vừa nói chuyện vừa chén hết hai bịch dưa hấu! Câu chuyện trên xe khiến chúng tôi có vẻ gần gũi với nhau hơn, dù gì, chúng tôi cũng là dân châu Á, lại là nữ nhi!
Cò visa lộng hành trên đất Thái
Xe đến gần cửa khẩu thì dừng lại, hai người đàn ông yêu cầu tất cả chúng tôi xuống xe để làm hồ sơ nhập cảnh Campuchia. Thái độ hai người này khá thân thiện, họ hỏi từng người từ đâu đến. Tôi đoán đó là bọn cò visa và dặn Yeyen phải thận trọng. Một người hỏi chúng tôi từ đâu đến, tôi không trả lời, còn Yeyen nhanh nhảu bảo đến từ Indonesia. Gã kia nhìn tôi có vẻ dò xét (chắc tưởng tôi và Yeyen cùng là người Indo như nhau).
Đến gần cửa khẩu sang Campuchia thì "cò visa" bắt đầu ra tay dụ khách giao cho họ làm thủ tục nhập cảnh hộ.
Tôi và Yeyen ngồi chung một bàn, bàn bên kia là cô gái Đức và hai cô người Anh, còn hai chú người Nhật thì chạy long nhong chụp hình. Hai thanh niên Nhật đã xin visa từ trước nên không phải làm thủ tục này ở cửa khẩu.
Họ phát phiếu điền thông tin nhập cảnh Campuchia cho tôi và Yeyen. Tôi nghĩ thầm, nếu chỉ vì tờ phiếu này mà họ đòi tiền, tôi sẽ trả lại và tới hải quan cửa khẩu xin tờ phiếu khác. Nhưng tôi vẫn điền vào phiếu, sau đó tôi đi vệ sinh, dặn Yeyen ở lại đó đừng đưa passport cho họ với bất cứ lý do gì. Nếu xảy ra sự cố, chúng không đưa tôi qua cửa khẩu chẳng hạn, tôi nghĩ tôi và Yeyen vẫn có thể tự làm thủ tục xuất/ nhập cảnh như thường.
Tôi đi vệ sinh xong trở về thì nghe tiếng cô gái Đức đang cãi nhau với hai thằng cò visa. Cô ta ném tiền vào mặt thằng cò với vẻ mặt giận dữ và gào lên: “Tiền visa thì tao trả, chứ tao không việc gì phải trả tiền cho tụi mày, tao ghét phải làm việc đó”. Thằng cò cũng chẳng vừa, bảo rằng hắn và cô ấy chỉ là giúp đỡ lẫn nhau, hắn giúp cô ấy làm visa, cô ấy giúp hắn chút tiền nước, còn nếu không đồng ý, cô ấy cứ tự cầm tiền và tự đi mà làm. Cô gái Đức mặc dù cũng là một tay chẳng vừa nhưng cuối cùng cũng phải dịu giọng và đưa tiền cho tay cò, lúc đó hắn mới chịu lấy. Hai cô gái Anh và Yeyen có vẻ cũng đang khiếp sợ.
Tôi bình tĩnh quan sát, thử xem một lát chúng sang bàn của tôi và Yeyen đối xử thế nào, nhưng sau khi kiếm chác được từ 3 cô gái Tây, chúng chỉ nói với tôi và Yeyen là kẹp tờ phiếu đăng kí vừa ghi vào hộ chiếu chứ tuyệt nhiên không dám đòi tiền. Tôi thấy hai thằng cò cứ nhìn tôi quan sát miết, có lẽ tôi ít nói chúng không biết tôi thuộc lọai người nào nên chưa tiện ra tay đòi tiền.
Chúng tôi lại lên xe cùng hai tên cò visa đi tới cửa khẩu, nhưng chúng lại dừng xe một chỗ khác bắt chúng tôi chờ, nói rằng hải quan đang bận nên giờ có tới đó cũng chưa làm việc. Một gã cò ngồi thuyết một tràng tiếng Anh âm hưởng Khmer: “Chào mừng các bạn chuẩn bị đến với đất nước Campuchia của tôi, xin các bạn vui lòng nghe hướng dẫn trước khi qua cửa khẩu. Xin lưu ý, trông giữ hành lý, tiền bạc, máy ảnh cẩn thận,… các bạn có thể đổi đô la Mỹ sang tiền riel với tỉ giá…”.
Đến cửa khẩu vào giữa trưa, nắng nóng lại còn bị "cò" neo lại để kiếm ăn khiến mọi người càng mệt mỏi hơn.
Tôi chẳng quan tâm những thứ vớ vẩn ấy, ngó lơ sang chỗ khác. Những người còn lại có lẽ lần đầu đến Campuchia nên chăm chú nghe hắn thuyết giảng. Tôi ghét sẵn, trong lúc hắn đang nói tôi chụp hình luôn. Thấy hắn nói lâu quá mà vẫn chưa có dấu hiệu gì sẽ chấm dứt, tôi cắt ngang: “Eh, khi nào mới làm thủ tục thế?”. Hắn nhìn tôi, bảo sẽ làm sau khi hắn nói xong; nếu tôi muốn, tôi có thể tự đi làm trước. Tôi thấy bực mình, nhưng lúc ấy hắn cũng dừng lại không nói nữa và dẫn chúng tôi tiến về phía cửa khẩu, dọc đường chỉ cho mấy cô gái Tây chỗ đổi tiền riel. Tôi và Yeyen đứng chờ phía ngoài.
Sau đó, chúng tôi tới hải quan Thái Lan đóng dấu xuất cảnh và nhận ra thiếu hai anh chàng người Nhật, không ai biết họ đi đâu. Tôi và Yeyen  đóng dấu xong cùng ba cô gái Tây tiếp tục sang phía hải quan Campuchia xin nhập cảnh. Hai tên cò dẫn chúng tôi đi chậm như rùa. Tôi rất bực mình, nói thật, nếu tôi biết chuyến xe nào sẽ rước tôi, tôi tự đi làm thủ tục chứ không mắc mớ gì phải đi theo chúng làm gì cho mệt. Tiếc là hồi nãy chúng đã thu cùi vé xe của chúng tôi hết, bây giờ qua phía Campuchia không có cùi vé thì tôi cũng không thể đi tiếp được mà  mất tiền mua vé nữa nên tôi kiên nhẫn đứng chờ.
Cuối cùng cũng hoàn tất thủ tục nhập cảnh vào Campuchia, nhưng hai gã cò lại bắt chúng tôi ngồi chờ ở một quán nước rất lâu. Đúng lúc ấy, hai anh chàng người Nhật hớt hơ hớt hải chạy đến. Vẻ mặt của 2 thằng này vẫn còn xanh như tàu lá chuối, chắc là vẫn chưa hoàn hồn.
Đi xe giá rẻ, vừa khổ vừa lo
Xe trung chuyển đưa khách từ cửa khẩu đến bến xe.
Qua cửa khẩu Thái Lan - Campuchia rồi, chúng tôi phải chờ hơn nửa giờ mới thấy một chiếc Shuttle bus đến. Chiếc xe này trung chuyển khách từ cửa khẩu đến bến xe khách. Đến bến lại... ngồi chờ xe khách đi Siem Reap. Một người cho biết phải chờ cả tiếng đồng hồ nữa mới có xe.
Cả đoàn trên xe có 7 người, tự nhiên chia thành ba nhóm. Ba du khách nữ người Âu ngồi thành một cụm; hai chàng trai Nhật cặp kè bên nhau. Còn tôi và cô gái Indonesia ngồi "tám" chán rồi Yeyen lấy máy ra chụp hình.
Chừng nửa tiếng sau, ba cô Tây lên xe taxi rồi tiếp theo là hai anh chàng Nhật cũng lên một chiếc taxi khác, đi mất. Có lẽ họ sốt ruột, hay nghe bọn cò nói sao đó nên chi tiền nhờ cò gọi taxi đi Siem Reap, không chờ xe khách đến đón nữa. Thấy vậy, tôi cũng hơi lo, không biết bọn cò đang mưu tính chuyện gì đây?!
Tôi hỏi một gã cò, sao chúng tôi không được đi còn 5 người kia lại được. Hắn trả lời rằng 5 người khách kia không muốn chờ nên tự thuê taxi về Siem Reap, còn tôi phải chờ xe bus. Nếu tôi muốn đi taxi thì phải tự trả tiền. Xem chừng hắn nói thật, tôi đành cùng Yeyen ngồi chờ... Để giết thì giờ, tôi lôi sách ra bày cho Yeyen học tiếng Khmer.
Yeyen nói cô ấy đã đặt khách sạn trước rồi, lát tới trạm người của khách sạn sẽ đến rước cô ấy. Tôi chưa đặt phòng trước, nhưng có chuẩn bị sẵn một vài địa chỉ giá rẻ, lát tới Siem Reap tôi sẽ đi tìm sau. Hai thằng cò cứ lượn qua lượn lại chỗ chúng tôi như muốn nói gì đó, nhưng thấy tôi chẳng lo lắng, nôn nóng gì nên bỏ đi.
Mãi đến gần 4 giờ, sau gần hai tiếng đồng hồ chờ đợi, chúng tôi lên xe bus, cũng là xe của hãng Capitol. Rồi cũng phải chờ một lúc lâu nữa xe mới lăn bánh. Người nhà xe yêu cầu tôi và Yeyen gỡ miếng dán màu tím trên áo ra đưa cho họ, giống như thu vé xe vậy. Anh lơ xe nói được tiếng Anh, khá thân thiện. Trước khi lăn bánh còn chào hỏi khách rất tử tế, thôi thì cũng là chút an ủi sau một ngày bị hành xác, mệt mỏi kinh khủng. Lát sau, tôi ngủ gục trên vai Yeyen lúc nào không biết.

Những người bạn đường dễ mến'










Siem Reap về đêm.

Khoảng 6 giờ chiều, xe dừng tại trạm cho khách ăn cơm, tôi mệt nên không thấy đói. Giá cả trong quán khá mắc, Yeyen rủ tôi đi rửa mặt cho tỉnh rồi ra ngoài sân ngồi đợi, chúng tôi chụp hình lẫn nhau, thấy bên kia đường có bán đồ ăn khô và trái dừa, tôi rủ Yeyen qua đó xem thử nếu rẻ thì mua ăn.

Hai chúng tôi tới một quán, tôi hỏi giá trái dừa thì bà bán bảo 4.000 riel, biết bà này đang "mài dao", tôi trả 2.000 thôi, bà ta không chịu bảo 3.000, tôi bỏ đi qua một quán bên cạnh, cũng chỉ vào trái dừa hỏi giá và trả 2.000 riel, bà bán đồng ý và chặt cho tôi một trái dừa to rất nhiều nước, chúng tôi chụp hình và nói chuyện vui vẻ với nhau.
Hai vợ chồng người Đài Loan - lúc trên xe ngồi ở băng ghế đối diện với chúng tôi - thấy hai đứa tôi cầm trái dừa chụp ảnh cũng lân la làm quen và hỏi giá trái dừa. Hình như bà vợ muốn uống nước dừa, bảo chồng đi mua, tôi bày họ cách nói để trả giá bằng tiếng Khmer. Một trái dừa, hai vợ chồng vui vẻ... tranh nhau uống, trông rất hạnh phúc.
Sau đó, ông chồng (tên gì tôi quên mất rồi) hỏi tôi là người Campuchia hả? Tôi nói tôi người Việt, mẹ tôi là người gốc Hoa, ai nói xấu tôi, tôi vẫn nghe được, nhưng bắt tôi nói tiếng Hoa thì tôi chịu. Bà vợ tên là Monica, không nói được nhiều tiếng Anh lắm, chủ yếu là chồng Monica nói với chúng tôi thôi.
Yeyen đã đặt phòng trước nhưng không có người ra đón như đã hẹn nên về cùng ở nhà trọ với tôi.
Hai vợ chồng Monica hỏi chúng tôi có chỗ ở tại Siem Reap chưa? Tôi nói chưa có, tới Siem Reap sẽ kiếm, còn cô bạn tôi đã đặt khách sạn trước rồi. Ông chồng liền bảo lát tới bến sẽ đi cùng tôi kiếm chỗ ở luôn cho vui, nghĩ có người đi chung cũng đỡ sợ vì trời đã tối, tôi đồng ý.
Ông chồng bảo ngày mai là tết Đoan Ngọ rồi, phong tục người Việt và người Hoa khá giống nhau; rồi hỏi tôi ngày mai gia đình có cúng kiến gì không? Tôi nói, ở nhà mẹ tôi vẫn cúng, còn tôi đi giang hồ thì không có khái niệm tết nhất gì ráo.
Chúng tôi đến bến ở Siem Reap trời đã bắt đầu tối. Hỏi chuyện, anh chàng lơ xe cho biết, ngay bến xe cũng có khách sạn giá mềm, còn chỗ cái khách sạn tôi muốn đến thì hơi xa. Sau một ngày vất vả, tôi nghĩ nếu phòng ốc sạch sẽ thì giá cao một chút cũng được. Tôi nói đùa, "giới thiệu phòng trọ cho tôi có đòi tiền cò không đấy", nhóc lơ xe cười lớn, bảo hắn là chỉ muốn giúp tôi chứ không phải cò kiếc gì ở đây cả.
Tôi nói với hai vợ chồng người Đài Loan là đi xem phòng thằng lơ xe giới thiệu trước, không được mới đến chỗ tôi nói sau. Yeyen đang đứng một mình lo lắng, không thấy người của khách sạn ra đón như đã hẹn nên tôi rủ Yeyen đi coi phòng với tôi luôn. Xe của hãng Capitol dừng trước cổng khách sạn Tasom. Giá phòng ở đây từ 8 đô la trở lên. Tôi kỳ kèo, bảo có mình tôi mà tính 8 đô mắc quá. Người phục vụ bảo nếu ở một mình thì trả 6 đô cũng được.
Chợ đêm Siem Reap.
Chợt, Yeyen bảo cô ấy đặt khách sạn trước nhưng chưa trả đồng nào cả, chỉ là đặt chỗ qua mạng thôi. Tôi nghe thế, hỏi phục vụ hai người ở chung được không, vì tôi thấy phòng có tới hai giường; hắn bảo được. Thế là ổn rồi, mỗi đứa 3 đô la/đêm, cũng không mắc, được cái phòng đẹp, sạch. Yeyen cũng rất vui khi tôi rủ cô ấy ở chung phòng này.
Cất đồ xong, hai đứa đi ra sảnh, gặp vợ chồng Monica, họ chưa muốn mướn phòng ở đây và chờ xem tôi tính sao. Khi nghe tôi và Yeyen đã lấy phòng rồi, thế là hai vợ chồng te te đòi mướn luôn; họ hỏi chúng tôi ở tầng nào để mướn phòng cùng tầng. Cuối cùng, họ lấy một phòng tầng trệt, giá 8 đô la (có suất ăn sáng).
Buổi tối ở Siem Reap
Tôi biết một nhà hàng buffet hải sản giá rẻ, hỏi vợ chồng Monica có muốn đi ăn tối chung với chúng tôi không, họ đồng ý. Thế là hẹn nửa tiếng sau sẽ gặp nhau tại sảnh. Tôi và Yeyen về phòng, Yeyen nhường tôi tắm trước, sau đó 2 đứa ra sảnh khoảng hơn 8 giờ tối. Chúng tôi thuê xe tuk tuk đi ăn buffet, giá thuê xe 4 đô la, bao gồm chở đi ăn, chở về và đi chợ đêm, tính ra mỗi người chỉ tốn 1 đô la. Buổi tối ở Siem Reap thật đẹp, đi đông người nên tôi không có gì sợ, cứ vui vẻ ngắm cảnh.
Buffet Hanxa nằm ở một nơi không nhộn nhịp lắm trên đường WatBoo. Giá đã lên 3,5 đô la cho một suất chứ không phải là 3 đô như tôi tham khảo trước đây. Hầu hết thực khách là người địa phương, chỉ thấy có một bàn là khách Tây ba lô.
Chúng tôi tự đi chọn món ăn, nhân viên phục vụ mang ra một cái nồi đa năng (vừa luộc vừa nướng được), ai muốn ăn kiểu gì thì tự làm. Tôi vốn ham thích hải sản, tôi lấy 2 cái dĩa, một dĩa tôi đựng bắp bò, mực, tôm sống để nướng, dĩa kia tôi đựng sò huyết đã xào chín và một số món khác. Trong lúc chờ nướng, tôi ăn món chín trước, nướng xong tôi ăn món nướng, hết lại đi lấy, tự do ăn bao nhiêu cũng được.
Các mặt hàng lưu niệm ở Siem Reap khá đa dạng và đẹp mắt.
Chợ đêm Siem Reap bày bán hàng hóa đủ loại. Rượu được bày bán chung với hàng lưu niệm và ... tượng Phật.
Sau một chặng đường dài, tôi mạnh tay chi 3,5 đô la để ăn là bạn biết là tôi "sang" cỡ nào rồi đấy. Yeyen ăn ít hơn tôi, chỉ ăn chút ít là no. Vợ chồng Monica thích món gỏi cuốn, mỗi người xơi liền hai cuốn (còn bụng đâu mà ăn hản sản nữa); hôm đó chỉ mình tôi là chén nhiều hải sản nhất. Tuy nhiên, tiền nước hơi mắc, tôi và Yeyen uống Coca là 1 đô la/lon. Hai vợ chồng người Đài Loan uống chung một chai bia Angkor lớn, giá nhiêu tôi không rõ. Giờ nghĩ lại tới bữa buffet đó, tôi vẫn còn... thèm.
Đánh chén no nê, xe tuk tuk chở chúng tôi đi dạo chợ đêm. Tới chợ, tôi và Yeyen đi chung, vợ chồng Monica không biết đi đâu mất tiêu. Tôi tìm mua ít đồ lưu niệm, Yeyen đi chụp hình. Đồ chợ đêm bán khá nhiều thứ, chói cả mắt, cái gì tôi cũng muốn mua nhưng gần hết tiền rồi nên tôi chỉ xem hàng là chủ yếu.
Vũ khúc Apsara phục vụ trong chợ đêm Siem Reap.
Ở một góc chợ đang có biểu diễn điệu múa Apsara, một vũ điệu truyền thống của người Khmer. Những tiết mục này nhằm phục vụ khách đang mát-xa giải trí. Tôi và Yeyen chạy đến coi ké rồi chụp hình cho nhau. Ra khỏi chợ, người lái xe tuk tuk thấy hai đứa tôi thì gọi lại và phải chờ một lát mới thấy hai vợ chồng Monica lọt tọt chạy ra, cùng về khách sạn.
Tôi hỏi mọi người kế hoạch ngày mai thế nào, cả ba người kia đều muốn tham quan khu di tích Angkor. Tôi lại muốn dạo chơi quanh Siem Reap thôi chứ không đi xem đền vì nghĩ là sẽ có lần khác sau này đi cùng "người yêu". Và cũng phải nói thật lý do khác nữa là chi phí tối thiểu cho một ngày tham quan Angkor cũng mất 30 đô la. Vé vào cửa: 20 đô và tiền xe tuk tuk 10 đô/người (đi chung). Nhưng túi tôi hơi cạn rồi!
Vậy là tôi nói ngày mai, ba người cứ đi chung, tôi một mình thuê xe đạp đi riêng. Tôi và Yeyen về phòng, tám với nhau một lúc lâu mới ngủ. Yeyen bảo rất hạnh phúc vì hôm nay được gặp tôi, tôi bảo tôi cũng thế. Tôi và Yeyen có nhiều điểm tương đồng, cùng tuổi, cùng là giáo viên (Yeyen là giáo viên tiếng Đức, dạy ở một trường cấp 3 tại Jakarta, thủ đô Indonesia).
Chợt, Yeyen nói là cô ấy phải cầu kinh, tôi hỏi cô ấy đạo gì, Yeyen nói đạo Hồi. Trời!... Vậy là tôi biết cái khăn trùm đầu của cô ấy rồi, vậy mà từ sáng tới giờ cô ấy cứ làm tôi thắc mắc. Cô ấy quay mặt về hướng tây và yên lặng cầu nguyện.

Như tìm lại tuổi thơ










Cảnh trí thiên nhiên hữu tình đưa tôi lạc vào Angkor mà không hay biết.

 Sáng tôi dậy sớm, thuê xe đạp và lên đường. Thong thả đạp xe, nhưng tôi chưa có chủ định sẽ đi đâu vì mới lần đầu đến Siem Reap. Khi nhìn thấy tấm bảng chỉ dẫn trên đường, tôi chợt nghĩ: “Mình không vào tham quan Angkor, nhưng cũng nên tìm đường đến khu vực đó cho biết”. Nghĩ vậy tôi đạp xe về hướng Angkor.

Phong cảnh hai bên đường rất đẹp, tôi chạy khoảng 6 km thì nhận ra mình đã đến khu vực xung quanh đền. Thật ra, tôi đã đi qua một trạm kiểm soát nhưng chắc nhìn tôi giống người Khmer nên không thấy ai kiểm tra vé.
Lạc vào Angkor
Không có bản đồ, du khách vẫn có thể tự tìm đường đến Angkor nhờ bảng chỉ dẫn được gắn khắp nơi.
Nhìn xa xa, đền đài Angkor mọc lên giữa một vùng sông nước bao quanh. Người ra vào cổng tấp nập, tôi chỉ đứng ngoài chụp hình. Sau này tôi mới biết, để vào được chỗ tôi đứng, du khách cũng phải mua vé rồi. Chụp hình xong tôi chạy vòng vòng dạo chơi. Xa khu đền một chút có những xóm Khmer nghèo, trẻ em cũng khá nhiều, nhìn rất tội nghiệp. Tôi liền sinh lòng thương cảm, nghĩ đến tuổi thơ của mình.
Ghé vào một quán nhỏ, tôi mua hết số kẹo mút còn lại của quán, rồi đạp xe chạy vòng vòng, thấy nhà nào nghèo có mấy em bé đang ngồi ở ngoài sân chơi là tôi ngoắc lại cho kẹo. Các em bé Khmer rất dễ thương, hễ tôi cho kẹo là chắp hai bàn tay lại cám ơn, chứ không xin thêm hoặc giành giật nhau. Điều đó càng làm tôi thương quý các em hơn. Nhiều em ở trần, chỉ mặc mỗi chiếc quần cộc thôi; nghĩ mà tội, lần sau đi đến nơi này nữa, có lẽ tôi nên chuẩn bị một ít quần áo cũ còn tốt cho những em bé nhà nghèo. Tôi còn gặp cả một gia đình em bé không nhà không cửa đang đốt lửa sưởi ấm trên đường, bé gái gầy còm này không mặc áo, chiếc quần thì tả tơi, cha mẹ em cũng không khá gì hơn.
Đạp xe lòng vòng, tôi lọt vào khu vực du khách phải có vé nhưng mãi sau tôi mới biết vì thấy còn xa khu đền đài của Angkor.
Tôi định móc tiền ra cho, nhưng nhớ lại là không nên cho tiền, vì như thế người ta sẽ coi ăn xin là một nghề hái ra tiền và không chịu lao động. Nghĩ thế tôi lại thôi. Xung quanh chỗ đó lại không có bán hàng quán, nếu có chắc tôi sẽ ghé vào mua đồ ăn cho em bé này, vì tôi nghĩ em chưa có gì để ăn sáng (có thể chưa bao giờ biết ăn sáng là gì!). Bỗng dưng, tôi cảm giác gắn bó với đất nước này, như vừa tìm lại được tuổi thơ của mình.
Dọc đường tôi mua cơm lam, là loại cơm nếp nấu trong ống tre ấy. Tôi dừng lại ở một khu rừng thưa định ăn. Có hai em bé đang nhặt củi, tôi chỉ còn đúng một viên kẹo thôi, tôi ngoắc nhóc nhỏ lại cho kẹo. Hai chị em này đi dọc khu rừng lượm củi rồi chặt thành từng bó, có một chiếc xe đạp dựng ở đó, tôi đoán chúng sẽ dùng xe đạp chở củi về. Có một con khỉ chạy đến gần chỗ đứa em, nhóc nhỏ mếu máo, cô chị chạy lại dùng cây xua bọn khỉ đi. Bất chợt con khỉ chạy lại phía tôi, rồi thêm hai, ba con khỉ khác ở đâu kéo nhau tới khiến hai cô bé và tôi cũng hoảng sợ. Một cô lao công đứng gần đó xua bọn khỉ lên cây rồi chỉ tay vào ống cơm lam của tôi, cô ấy nói là bọn khỉ định giành ăn với tôi.
Tôi đi về, nhưng không theo đường cũ mà muốn đi một đường khác để khám phá cái mới (với tôi). Đi qua một trạm soát vé nhưng không ai hỏi tôi. Đoạn đường này hơi vắng vẻ nên tôi thấy sợ và quay đầu xe đạp ngược trở lại. Một người chạy xe máy chở một bà lão chạy phía sau, chắc tưởng tôi là người Khmer, lên tiếng hỏi tôi "Angkor wat ở đâu?". Tôi liền chỉ: “Phlu chiết, bos sadam” (đi thẳng, quẹo phải). Họ liền ngớ ra khi biết tôi là người nước ngoài, bà già ngồi trên xe còn cám ơn tôi nữa. Ái dà, vậy là tôi còn chỉ đường cho dân Khmer đi Angkor wat nữa đấy nhé!
Những kiến trúc của Angkor Wat có thể nhìn thấy ở vòng ngoài.
Cổng vào Angkor.
Một tháp nhỏ, đi thông qua như cổng chào, nằm chơ vơ giữa khu cây cối rậm rạp.
Quay lại chỗ trạm soát vé hồi nãy, lần này họ yêu cầu tôi dừng lại và xuất trình vé. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao, bảo vệ giải thích là xung quanh trong đó là khu vực đền đài rồi, phải mua vé. Lúc này đây tôi mới biết là hồi sáng tôi lọt vào khu vực đền mà không mất tiền. Bây giờ không được vào trở lại bên trong sao tôi về được, hồi sáng tôi đi đường đó mà. Tôi liền láu cá nói rằng tôi không có ý định vô coi đền, tôi bị lạc đường chỉ muốn tìm đường về thôi, hồi sáng tôi đi dạo và bị lạc theo đường trong kia, bây giờ tôi chỉ biết về đường cũ.
Họ bảo nếu không mua vé tôi phải quay ngược trở ra, sẽ có đường về khách sạn. Tôi bảo tôi không biết đường. Một xe tuk tuk gần đó bảo hắn sẽ đưa tôi về, hắn lấy rẻ thôi. Tôi từ chối, rồi hỏi thật kỹ đường đi và quay xe trở lại. Lúc này đường đã đỡ vắng hơn, chứ không như lúc nãy. Tới khu dân cư đông đúc, tôi tìm được con đường quen thuộc luôn mà không phải hỏi bất cứ ai. Về gặp một ngôi chùa đang có lễ hội, tôi ghé vào lạy. Hôm đó là mùng 5 tháng 5 âm lịch, tết Đoan ngọ năm Nhâm Thìn.
Về đến nhà nghỉ, tôi ngủ một giấc đến chiều mới dậy đi chợ, định mua một ít đường thốt nốt, đặc sản Campuchia. Tôi gần hết sạch tiền, nhẩm tính tiền khách sạn, vé xe, tiền ăn tối xong, tôi chỉ còn một ít. Biết vậy tôi đừng mua đồ lưu niệm bên Thái thì may ra giờ tôi còn tiền, nhưng tôi vẫn cố gắng tha 4 bịch đường về.
Một ngôi chùa ở gần chợ Siem Reap.
Tôi kiếm chút đồ ăn rồi chạy vào ngôi chùa ở gần chợ, một ngôi chùa có khuôn viên rất đẹp. Một cậu nhóc học sinh 12, đang sống trong chùa nói chuyện với tôi, tiện thể tôi nhờ chụp hình. Cậu bé này sắp thi tốt nghiệp, có ước mơ sẽ đậu vào ngành du lịch tại một đại học ở Phnom Penh. Nó nói, muốn phát triển du lịch tại Siem Reap, giúp người nghèo Khmer có cuộc sống khá hơn. Cậu bé này sống trong chùa cùng với một số bạn học sinh khác, những người như vậy gọi là “pagoda boy” tức là sống trong chùa nhưng không phải đi tu. Nhà những em này thường nghèo, không có tiền thuê phòng trọ ăn học, một số chùa có điều kiện giúp các em miếng ăn, chỗ ở để tiếp tục việc học.
Tôi mua đồ về khách sạn ăn tối. Yeyen đã về, hỏi tôi đi dạo vui không, tôi kể lại chuyện "đột nhập" Angkor cho cô ấy nghe, cô ấy thích lắm. Yeyen bảo hôm nay cô ấy tốn mất khoảng 40 đô la. Tôi hỏi sao nhiều thế, Yeyen nói tiền vào Angkor là 20 đô rồi, xe tuk tuk 10 đô, trưa ăn cơm trong khu vực đền mất 5 đô, mua nước hết 3 đô nữa. Tôi nghe xong... mém xỉu!
Mai tôi về rồi, Yeyen có vẻ rất lưu luyến. Chúng tôi tâm sự rất nhiều, Yeyen cũng đi vòng vòng châu Á được gần chục nước rồi, hộ chiếu của cô ấy dấu mộc tùm lum. Cô nàng cũng vừa chia tay bạn trai, khi anh này sang Pháp du học và bỏ cô lại Indonesia. Trước đây, đi bụi cô ấy thường đi chung với bạn trai, giờ chỉ còn lại một mình. Tôi hỏi cô ấy buồn không, Yeyen nói không sao. Nhưng có vẻ là cô ấy đang... rất... rất "có sao" đấy!
Chia tay Siem Reap - hẹn sẽ trở lại
Sáng sớm, phục vụ phòng gõ cửa đánh thức tôi dậy. Lát sau, ra sảnh đã thấy ba anh chàng người Nga đã có mặt, xe tuk tuk sẽ đưa bốn người chúng tôi ra bến xe, nơi Capitol sẽ đưa chúng tôi đi Phom Penh và nối chuyến về Việt Nam. Yeyen tiễn tôi và nói vài ngày nữa cô ấy sẽ đến TPHCM, hẹn sẽ gặp lại tôi. Ba anh người Nga cũng đi TPHCM, nhưng tôi cũng ít nói chuyện với họ.
Yeyen cũng dậy sớm để chia tay tôi, hẹn sẽ gặp lại nhau tại TPHCM.
Một bố Khmer lớn tuổi ngồi ở băng đối diện nói được tiếng Anh. Ông ấy là kỹ sư cơ khí làm việc ở Phom Penh, cuối tuần ông về thăm nhà ở Siem Reap. Bà vợ ngồi cạnh ông cũng biết nói chút chút. Trong lúc nói chuyện, tôi học thêm được một từ: Lãn (có nghĩa là đợi).
Đến nơi, tôi chạy thẳng đến văn phòng xe Capitol, bác tài chạy chuyến Phnom Penh - TPHCM đang đứng đó, tôi đưa hộ chiếu cho tài xế và lên xe đi luôn.
Bỗng dưng tôi thấy đói bụng, nhưng trong túi chỉ còn 500 riel (2.500 đồng) không thể mua được gì, đành cố nhịn đói tới cửa khẩu, xe sẽ dừng lại quán cho khách ăn bữa chiều mới làm thủ tục. Tôi còn 100 ngàn tiền Việt, hỏi bà bán bắp có xài tiền Việt không (vẫn đang bên cửa khẩu phía Campuchia). Bà bán bắp đáp, có. Hóa ra, bà ta là người Việt. Tôi mua hai trái bắp hết 10 ngàn và yêu cầu thối tiền Việt cho tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấm thía câu tục ngữ "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Tôi ăn một hơi hết sạch hai trái bắp và thấy mình tỉnh táo trở lại.
Dư âm - thay lời kết
Vừa tới cửa khẩu, điện thoại có sóng, mẹ tôi gọi, giọng mệt mỏi: “Con đi đâu cả tuần nay làm má lo lắng”. Lúc đi, tôi không cho mẹ biết, chỉ nói với thằng em tôi và dặn nó ém kỹ dùm, nếu mẹ tôi biết đời nào tôi đi ra được khỏi cửa! Nhưng đến khi tôi về nhà cho mẹ tôi coi hình, thì bà lại cười cười: “Má đi làm hộ chiếu, con dẫn má đi Thái một lần cho biết nhá, má không bị say xe đâu”. Trời, tôi có nghe nhầm không vậy?
Thằng em út tôi: “Em đi Campuchia chỉ tốn có 700 ngàn thôi, chị xài tới 1 triệu rưỡi, mắc hơn em rồi”. Thằng nhóc nó tính chi phí được ngon lành vậy là do nó có bạn bên Campuchia, người ta sẵn sàng nuôi cơm nó cả tuần. Nó còn có một người bạn bên Trung Quốc, chỉ cần vài triệu tiền xe đi về, nó có thể vi vu qua đó chơi hàng tuần. Tôi đi bụi, đâu có quen ai, nhờ vả ai đâu mà chi phí rẻ được như nó.
Ba tôi thì phán: “Ba đi Campuchia chỉ cần 200 ngàn, tới cửa khẩu đóng mộc xong rồi quay về vì… sợ”. Còn "sếp" tôi úp mở: “Sao? Em đi một mình hả? Có cần anh cho người đi theo bảo vệ em không?”.
Bangkok, Phnom Penh, Siem Reap ơi! Tôi sẽ trở lại cùng với một người nữa. Một "đôi" đấy nhé!


Bài và ảnh: Vy Vân

Không có nhận xét nào: