Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Tây Tạng du ký


Những hình ảnh từ Mêkông ký sự đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tôi về một vùng đất thần tiên vẫn còn đó giữa thế kỷ 21 sôi động. Miền đất huyền ảo của dân tộc tạng sống tự tin và kiêu hãnh, nơi có dãy Mai Lý Tuyết Sơn thần diệu với đỉnh Kawa Karpo 6740 mét vẫn chưa từng có dấu chân người. Vùng đất này là nơi khởi nguồn của 3 dòng sông lớn: Dương Tử, Mê Kông và Nộ Giang.

Ấn tượng mạnh mẽ đầu tiên đối với khách lữ hành trên con đường đến thiên đàng Shangri-La đó là vực sâu mang cái tên rùng mình – “Khe Hổ Nhảy”.

Lạnh mình Khe Hổ Nhảy

Sông Kim Sa hay còn gọi là Dương Tử sau khi chảy êm đềm qua “Trường Giang Đệ Nhất vịnh” bỗng chốc chuyển mình lao thẳng xuống khe sâu. Đây là hẻm núi cao và hẹp nhất thế giới với độ cao từ đỉnh đến mặt nước là 3800 mét và khoảng cách hai bờ vực sâu thu hẹp một bước hổ nhảy.

Một cảm giác lành lạnh khi chúng tôi phóng tầm mắt dọc Khe Hổ Nhảy

Cái tên Tiger Leaping Gorge được những người trong nhóm tôi nhắc đến nhiều nhất. Chúng tôi mất 3 ngày để trekking (đi bộ) dọc suốt chiều dài 25km của Khe Hổ Nhảy, bước qua những khúc ngoặt cheo leo trên sườn dốc cao 3000m luồn mình qua những hốc đá chênh vênh để tận mắt ngắm nhìn kỳ quan thiên nhiên.
Vùng vực sâu của sông KimSa (đầu nguồn Dương Từ) trên đường lên Đức Khâm là cả một vùng bán sơn địa sâu hun hút.

Chỉ có những mảng màu xanh hiếm hoi dưới vực sâu hàng nghìn mét của những thửa ruộng lúa mỳ mới chứng tỏ dấu hiệu của sự sống. Dòng sông Dương Tử ẩn mình trong vực thẳm hun hút. Chỉ có những toà bạch tháp trắng xoá và những dãy phướn kinh phất phơ trong gió là niềm tin của chúng tôi trước thiên nhiên.

Dòng sông Dương Tử hùng vĩ, ẩn mình trong các vực sâu thăm thẳm

Trung Điện nằm giữa một vùng thảo nguyên bao la, xa ngút mắt, bao quanh là những rặng núi tuyết vĩnh cửu. Cảm nhận vùng trời đất bao la của Shangri-La mở ra trên thảo nguyên mùa hè. Những đàn trâu lùn đang ung dung gặm cỏ; những khối nhà vững chãi của người Tạng trải đều thể hiện ý chí trước thiên nhiên khắc nghiệt nơi này.


Bao quanh thảo nguyên bao la là những dáy núi vĩnh cửu

Khác hẳn với những quy tắc kiến trúc thông thường, những khối nhà của người Tạng không theo quy tắc thẳng đứng mà thu nhỏ dần lên trên theo khối tháp hình thang cân vững chắc với những dàn cột gỗ thông mà bất kỳ ai cũng phải ghen tỵ, vì giá trị của nó. Nơi đây gỗ là nguyên liệu chính; gỗ từ những cánh rừng thông bạt ngàn ở độ cao 3000m.


Hoàng hôn trên Mai Lý Tuyết Sơn

Dòng sông Lan Thương vẫn còn 4000km mới đổ ra chín cửa sông ở hạ nguồn,  người Tạng nơi đây thật hiền hoà, dễ mến và càng thân thiện với những du khách Việt  khi biết rằng dòng sông Lan Thương hứng nguồn nước dưới chân dãy núi tuyết Mai Lý linh thiêng của họ sẽ xuôi về Việt Nam ra nhánh  sông Mê Kông.

Ngây ngất ngắm đỉnh Mai Tuyết Sơn

Cuối buổi chiều, nhóm chúng tôi, những người bạn vừa mới gặp nhau trên đường lên Đức Khâm đã trở nên thân quen dù không cùng ngôn ngữ, trên đoạn đường đèo đến FeiLaiSi để một lần nữa chiêm ngưỡng núi tuyết Mai Lý trước khi chinh phục Ming Jung Glacier ở độ cao 5000 mét nơi lưng chừng đỉnh Kawa Karpo huyền thoại.
Con đường dẫn đến King Jung là nơi mà nhóm chúng tôi tiếp xúc với Lan Thương Giang để tiếp tục chinh phục vùng núi tuyết Minh Jung, một địa danh khá nổi tiếng trong dãy Mai Lý Tuyết Sơn.

Cảm giác ngây ngất, lâng lâng trước cảnh bao la của thảo nguyên

Lần đầu tiên leo dốc trên độ cao 4000 mét thật không dễ dàng. Cảm giác choáng ngợp  khó thở trong tình trạng thiếu oxy đã nhiều lúc khiến chúng tôi phải dừng bước để đi từng chặng 300 ngắn, một vài thành viên đã phải leo lên mình ngựa để kịp lên đến đích và băng rừng đi xuống trước khi trời tối.
Trong buổi hoàng hôn giữa núi tuyết lại thâm ánh trăng soi sáng đỉnh Kawa Karpo nơi chưa từng có dấu chân người, ấn tượng về Minh Jung và Mai Lý Tuyết Sơn thật diệu kỳ.


Man điệu văn hóa Shangri La … 

Dân tộc Tạng là người can đảm và yêu đời. Chúng tôi cảm nhận ý nghĩa này khi cùng hoà mình theo những điệu múa Tạng trong hoàng hôn Shangri La, trong tách trà bơ sánh nóng, trong những quán cà phê Tây Tạng  ấm cúng.

Người Tây Tạng trong sáng, khỏe khoắn và kiêu hãnh 
Đi giữa vùng văn hoá dân tộc Tạng, chúng tôi cảm nhận được sự trong sáng, khoẻ khoắn, tự tin trước những đồng cỏ bao la, những đỉnh núi tuyết kỳ bí và ngạo nghễ.
Sức mạnh của thiên nhiên và con người, những cánh chim đại bàng dang rộng, những gã trâu lùn đuôi trắng đứng trầm ngâm trong suối nước đang tan băng, những chú chó ngao lực lưỡng mang dáng dấp sư tử, những cô gái dang cao dong dỏng bế trên tay chú cừu non với bộ lông trắng mịn, bỗng nhiên lữ khách  cảm thấy mình nhỏ bé.

Sức sống ấy chỉ có thể nảy sinh nơi đây, nơi trời và đất gặp nhau ở độ cao 4000 mét.

Tôi không còn cảm thấy mình đang sống giữa thế kỷ 21

Đêm ở FeiLaSi, dải ngân hà như sa xuống giữa tầm tay với, nơi thị trấn heo hút nhỏ bé chỉ có dãy bạch tháp và vài nóc nhà; không gian và thời gian như dừng lại và không còn cảm nhận mảy may rằng mình đang sống giữa Thế kỷ XXI  sôi động.
Những cô gái Tạng có nước da rám nắng những lại có giọng hát cao hút như những cánh chim đại bàng chao lượn quanh những toà bạch tháp. Giai điệu của những bài hát ấy thường cao vút như thế và vang xa như thế giữa thảo nguyên mênh mông.

Những câu hát ấy được phát ra từ những lồng ngực chắc khoẻ và tâm hồn trong sáng như thế để rồi đọng mãi trong tâm trí chúng tôi khi rời xa nơi này.
Câu hát ấy làm ấm lòng những du khách xa xôi như chúng tôi, vốn chưa quen với với cái lạnh gần nhiệt độ đóng tuyết. Tất cả đã làm xoá đi khoảng văn hoá và ngôn ngữ làm du khách bốn phương đủ mọi quốc tịch bỗng chốc trở thành bạn bè. Có lẽ đây là điều ý nghĩa nhất mà ShangriLa đã để lại trong tôi, một kẻ lữ hành đơn độc từ phương Nam bốn mùa nắng ấm.
(Theo Datviet)

Tây Tạng - chữ 'Duyên' đã thành

Cách đây 4 năm, tôi đã bị Tây Tạng mê hoặc khi đọc một bài viết về mảnh đất thần thánh này và tự nhủ nhất định sẽ phải đến nơi đây.


Trong các điểm du lịch ở Trung Quốc, có ba nơi mà tôi muốn đến nhất: Shangrila, Cửu Trại Câu và Tây Tạng. Hai nơi đầu tiên tôi đã đến được lần lượt vào các năm 2010, 2011. Năm 2012 tôi đặt mục tiêu sẽ đến Tây Tạng và giấc mơ đến mảnh đất này đã được hoàn thành trong tháng 9 vừa qua.
Tây Tạng là một trong những điểm mà anh Thành muốn đến du lịch nhất ở Trung Quốc.
Cũng có nhiều khó khăn liên tiếp ngay trước ngày đi làm quân số thay đổi, có lúc tưởng chừng không đi được nhưng nhờ quyết tâm, và như có "duyên", chúng tôi cuối cùng cũng đặt chân được vào Tây Tạng. Sau nhiều ngày hì hục nghiên cứu bài viết của các phượt tử khắp nơi, tôi cũng lên cho mình một lộ trình tạm ổn.
Trước khi thực hiện hành trình, tôi đã lên kế hoạch tập luyện thể lực để chống lại hội chứng sốc độ cao mà đa số người đều gặp phải khi đến Tây Tạng. Đây là nỗi lo sợ của nhiều người khi đi lên những vùng cao trên 3.000 m so với mực nước biển. Dù từng là dân thể thao chuyên nghiệp nhưng tôi không chủ quan. Hằng ngày khi đến công ty làm việc, tôi đều đặn leo cầu thang bộ để rèn luyện sức bền và sau giờ làm việc tôi đều đặn tập gym để rèn luyện nhịp thở. Kết quả sau những ngày tập luyện là tôi đã có một chuyến đi đầy tận hưởng. Nhìn chị trong đoàn mặt tái nhợt phải đi truyền nước vì đuối sức tôi mới thấy mình thật khỏe khi không hề bị sốc độ cao trong suốt những ngày ở Tây Tạng.
Để có được sức khỏe đi Tây Tạng, ngày nào anh Thành cũng tập luyện thể thao và leo cầu thang bộ.
Sau 2 tiếng trên chuyến bay từ Thành Đô, chúng tôi đã đến Lhasa. Lhasa đầu thu chào đón chúng tôi bằng cái nắng nhẹ dịu, không khí lành lạnh, từng cơn gió tựa như gió mùa đông bắc của ta thổi qua. Phía ngoài sân bay, lái xe và hướng dẫn viên tên Tenzin đã chờ sẵn đón đoàn.
Chúng tôi lên xe về khách sạn nghỉ ngơi để chuẩn bị cho cuộc hành trình 14 ngày trên Tây Tạng. Đường xá ở Tây Tạng được đầu tư khá tốt. Thủ phủ Lhasa là một thành phố sôi động. Ngoài khu trung tâm quanh Bakor Square vẫn còn giữ được nét hoang dã bản địa, phần lớn thành phố đã bị Hán hóa.
Độ cao của Lhasa là 3.700 m, chưa quá cao nhưng đủ làm cho những người bay lên đấy như tôi có bài học đầu tiên về việc thiếu oxy. Bài tập leo cầu thang, tập gym, tập thở mỗi ngày ở nhà bắt đầu có tác dụng. Tôi chỉ cần đi chậm lại, thở sâu, chậm rãi một chút là có thể thích nghi.
Potala Palace là nơi quan trọng và đáng xem nhất trong một chuyến đi Tây Tạng. Cung Potala gồm ba khu: Cung thành phía trước núi, cung thất trên đỉnh núi và hồ phía sau núi.Khu cung thành có 3 cửa Đông, Nam, Tây và hai gác lầu. Trong thành có các cơ quan quản lý phục vụ cung như viện in kinh, nơi ở của các quan viên, tăng ni và có cả nhà giam, chuồng ngựa. Leo lên con đường bằng đá rộng rãi là tới khu cung thất. Khu này là một quần thể kiến trúc lớn mà chủ thể của nó là Bạch Cung và Hồng Cung. Bạch Cung là cung thất chuyên phục vụ cho sinh hoạt chính trị và tôn giáo của Đạt-lai Lạt-ma. Hồng Cung là quần thể kiến trúc mang tính chất tôn giáo gồm các điện Phật có linh tháp đặt thi thể các Đạt-lai Lạt-ma đã viên tịch và một số sảnh điện khác.
Cung Potala Palace là nơi quan trọng và đáng xem nhất trong một chuyến đi Tây Tạng.
Khó có thể tìm thấy một tộc người nào trên thế giới lại có niềm tin tín ngưỡng mạnh mẽ như ở Tây Tạng. Niềm tin mãnh liệt vào đạo Phật này có thể khiến những người dân Tây Tạng bình thường làm được những điều phi thường, đó là Kora và Ngũ thể nhập địa hay còn gọi là "Tam Bộ Nhất Bái".
Kora là động tác đi trọn một vòng quanh điểm linh thiêng để thể hiện sự thành kính. Một số người đi một vòng quanh bửu tháp. Số khác đi vòng quanh lâu đài. Số khác đi vòng quanh hồ chu vi gần 100km. Vài người đi liên tục 13 vòng quanh núi Kailash, mỗi vòng 52 km ở độ cao trung bình 5.000 m.
Ngũ thể nhập địa hay còn gọi là "Tam Bộ Nhất Bái". Người Tạng tin rằng sự thành kính của họ sẽ được chứng giám hơn nhiều lần nếu họ đi Kora kiểu "Ngũ thể nhập địa". Tức là cứ ba bước lại nằm rạp xuống đất và vái một cái sao cho cả tứ chi và đầu đều chạm đất.
Một số người Tạng nói rằng trong cuộc đời họ phải thực hiện Ngũ thể nhập địa đủ 100.000 lần mới làm tròn trách nhiệm của họ với đạo pháp. Lịch sử Tây Tạng viết về vị Thánh tăng Hư Sơn đã thi triển Ngũ thể nhập địa từ Phổ Đà Sơn về Ngũ Đài Sơn với quãng đường 2.500 km.
Nhiều người đã đi hàng trăm cây số để đến “Ngũ thể nhập địa” trước cửa đền Đại Chiêu, dưới chân cung điện Potala. Họ không nhìn nhau, cũng chẳng nhìn du khách, chỉ chăm chăm hướng lên bầu trời và về phía bạt ngàn thành quách của niềm tin vào đấng tối cao. Đi ba bước (tam bộ) là ngũ thể (gồm chân, tay, ngực, trán...) của họ lại một lần chạm xuống đất (nhập địa). Các nhà nghiên cứu nói, đây là cách vái lạy khổ sở, đau đớn nhất thế giới. Họ cứ “hành xác” như thế hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn cây số, có khi đứng một chỗ ngoài cửa đền, trong một đêm họ vái như vậy hàng nghìn hoặc cả vạn lượt. Có khi, suốt cả một đời người, đi từ quê hương mình đến miền đất thánh, người ta phải vượt qua bão tuyết, cát vùi, thiên nhiên khắc nghiệt và trước đây là cả kẻ cướp giết chóc. Nhưng họ quyết tâm, tự nguyện đi. Sử sách từng chép lại rất nhiều người vĩnh viễn không bao giờ đến được miền đất tâm linh, bởi họ bị gió rét, bão tuyết hoặc kẻ xấu giết chết dọc đường.
Cảnh thiên nhiên hùng vỹ đắm say lòng người ở Tây Tạng.
Tây Tạng có nhiều hồ thiêng, trong số đó phải kể đến Namtso Lake, Yamdrok Lake và Manasarovar Lake mà trong cuộc đời của mỗi người dân Tạng đều mong được đặt chân tới.
Namtso Lake nằm ở độ cao 4.700m cách thủ phủ Lhasa khoảng 110km về phía Tây Bắc. Từ thời nữ oa vá trời nào đó các lục địa biến động và nâng lên. Namtso là một vùng trũng nên mang theo cả nước biển lên trên núi. Ngày nay nó được coi là hồ nước mặn cao nhất thế giới. Có rất nhiều hồ nước mặn nhỏ khác ở Tây Tạng và trên dãy Andes cao hơn Namtso nhiều, có khi tới 5.500 m. Nhưng không hồ nào có diện tích tới hơn 500 km2 như Namtso cả.
Đường lên Namtso phải đi qua một con đèo tới 5.190 m, dù chỉ dừng lại ngắm cảnh chốc lát nhưng cảm giác thiếu oxy đã thấy rõ theo từng bước chân khó nhọc. Hồ Yamdrok rộng hơn 700 m2 dài hơn 72 km, được coi là hồ lớn nhất phía Nam Tây Tạng và thường đóng băng vào mùa đông.
Người ta nói ngày Yamdrok cạn nước là ngày đất Tạng không còn là nơi con người có thể sinh sống được. Hồ cho con người những thảm cỏ để chăn thả gia súc, cho cá từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm và là nguồn nước. Từ năm 1996 người ta còn xây một đập nước ở phía cuối hồ để chạy nhà máy thủy điện lớn nhất Tây Tạng hiện nay. Hồ còn nổi tiếng với tu viện Samding nằm trên một bán đảo hướng ra hồ. Đây được coi là nữ tu viện duy nhất tại Tây Tạng.
Với tôi, màu xanh tựa một tảng ngọc bích khổng lồ của nước hồ chính là một trong những cảnh đẹp ấn tượng nhất của đất Tạng.
Tác giả chụp ảnh kỷ niệm lưu dấu ấn khi đến Tây Tạng.
Mansarovar là một trong những hồ nước ngọt cao nhất thế giới. Nó có chu vi 80 km2 và người ta tin rằng các vị thần đến tắm trong hồ vào ban đêm. Ngâm mình trong hồ rửa tất cả các tội lỗi và giải thoát các linh hồn.
Trong các tu viện đã đi trong suốt hành trình, có một nơi làm tôi ấn tượng: Sera Monastery. Kiến trúc Sera Monastery được chia ra làm 5 khu chính: Chính Điện (Great Assembly Hall), ba đại viện dành cho việc tu học là: Me College(Mai Ba), Je College (A Ba), Ngagpa College (Kết Ba) và hạ viện Homdong Khangtsang (Hòa Kiết) là nơi Tăng chúng sinh sống. Nhìn vào bản đồ toàn đại tu viện Sera, điểm thu hút du khách nằm ở góc xa nhất, đó chính là Vườn Tranh Biện (Debating Courtyard), nơi các nhà sư áo đỏ đang say mê tranh luận kinh pháp trên nền sân vườn đá sỏi.
Mục đích của những cuộc tranh biện như thế này không ngoài tranh luận để đồng thuận, trau dồi hiểu biết về Phật điển và đào sâu suy nghĩ về những lời giáo huấn của Phật, cũng là để thăng tiến lên cấp cao hơn trên con đường tu học; vì thế các Tăng chúng trẻ tuổi tham gia rất nhiệt tình. Chúng tôi nhìn ngắm khu vườn với con mắt tò mò... Dưới những tán cây từng nhóm các nhà sư tụ tập truy bài, xung quanh vườn ở các góc tường là khách du lịch tứ phương đang ngắm nghía và không ngừng chụp ảnh, tất cả tạo nên bầu không khí sống động và độc đáo cho tu viện Sera; và có lẽ là buổi truy bài kỳ lạ nhất mà trong đời tôi từng thấy qua.
Hình ảnh những nhà sư trẻ tuổi đang hăng say "dạy dỗ" và "doạ nạt" đồng môn: Tư thế các nhà sư rất đa dạng, chủ yếu là kết hợp các động tác vung tay múa chân và ngả người vỗ tay dậm chân hay xoay tràng hạt nhằm gây "ấn tượng" với đối thủ và cả người xem.
Tây Tạng, mảnh đất thật kỳ lạ. Khi ở đó khổ cực chỉ muốn về ngay, khi về rồi lại nhớ da diết. Tôi cũng không rõ rồi mình sẽ có duyên quay trở lại những con đường đó hay không bởi đó là hành trình khổ cực, có khi nguy hiểm đến cả tính mạng. Nhưng có một điều tôi biết chắc là ngay cả sau này, trong mơ tôi lại thấy mình bồng bềnh trên những con đường mây trắng nơi xa.
Bài và ảnh: Đào Trọng Thành
.Tây Tạng - mảnh đất kỳ lạ

Tây Tạng là mảnh đất thật kỳ lạ. Khi ở đó khổ cực chỉ muốn về ngay, nhưng khi về rồi, bạn sẽ lại nhớ da diết.


Đường phố Lhasa.
Đường phố Lhasa.
Cung Potala.
Cung Potala.
Các stupa trong một tu viện.
Các stupa trong một tu viện.
Nhà tu hành ở tu viện Drepung.
Nhà tu hành ở tu viện Drepung.
Các phướn kinh tạng trên đường xuống hồ Yamdrok.
Các phướn kinh tạng trên đường xuống hồ Yamdrok.
Tu viện Sera.
Tu viện Sera.
Tường & hoa bên cửa sổ ở tu viện Ganden.
Tường & hoa bên cửa sổ ở tu viện Ganden.
Tu viện Ganden.
Tu viện Ganden.
Ngũ thể nhập địa trước đền Jokhang.
Ngũ thể nhập địa trước đền Jokhang.
Bên hồ Peiku.
Bên hồ Peiku.
Bên hồ Yamdrok.
Bên hồ Yamdrok.
Núi Kailash nhìn từ xa.
Núi Kailash nhìn từ xa.
Trọng Thành

Không có nhận xét nào: