Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Rong ruổi xe máy qua vùng Bắc Lào

Bài và ảnh: Lê San


.
Từ cửa khẩu Pahang đến Sầm Nưa phải qua 150km đường đèo dốc xuyên rừng, thỉnh thoảng mới gặp vài nếp nhà ven đường.

(TBKTSG Online) - Lên đường bằng 8 chiếc xe máy, nhóm chúng tôi 16 người chia đều quân số nam nữ, xuất phát từ Hà Nội lúc 6 giờ sáng, đến gần 2 giờ trưa thì tới cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Trước tiên phải làm thủ tục ở cửa khẩu Việt Nam. Thủ tục xuất cảnh tương đối đơn giản, chỉ cần trình hộ chiếu và giấy tờ xe. Phí xuất nhập cảnh tại cửa khẩu là 10.000 đồng/người và 50.000 đồng/xe.
Làm thủ tục xong, cả đoàn dong xe chạy sang đất Lào, cách không đầy 1 cây số thì đến trạm cửa khẩu Pahang. Trước khi đi trưởng đoàn đã nhắc nhở thấy cái biển stop thì phải xuống xe dắt bộ, vi phạm điều này sẽ bị phạt tới 100 đô la Mỹ. Trạm cửa khẩu Pahang của phía Lào có hai căn phòng, trên bảng đề là Custom và Police. Trước tiên trưởng đoàn đưa giấy tờ cho anh công an ở phòng Police (Công an). Anh này có thể nghe hiểu tiếng Việt nhưng nói lại không sõi lắm. Anh hỏi chúng tôi đi đâu, chúng tôi bảo đi Lào chơi. Anh bảo: “Đi lào chơi té nước à?” Chúng tôi gật đầu. Anh làm thủ tục luôn cho chúng tôi. Mỗi người mất 10.000 kíp (đơn vị tiền Lào, thường viết tắt là LAK). Xong thủ tục trưởng đoàn qua bên Custom (Hải quan) để trình giấy tờ xe.
Cửa khẩu Lào ở Pahang (phía Việt Nam là cửa khẩu Lóng Sập), phải dừng xe dắt qua cách đó 5 mét, nếu không sẽ bị phạt 100 đô la Mỹ.
Lúc này chúng tôi mới phát hiện ra là trạm cửa khẩu này chỉ cấp được giấy phép quá cảnh đi đến Sầm Nưa, vì Pahang chỉ là cửa khẩu liên tỉnh chứ không phải cửa khẩu quốc tế. Muốn đi đến Luang Prabang, chúng tôi phải quay về cửa khẩu quốc tế Nậm Mèo ở Thanh Hóa. Cả nhóm bàn nhau đánh liều đi tới, vì nếu quay lại thì coi như chúng tôi mất hẳn một ngày trời. Vậy cứ đi, tới đâu sẽ xin giấy tới đó. Do không tìm hiểu kỹ trước khi thiết kế lộ trình, đây là sai lầm đầu tiên mà sau này chúng tôi phải gặp không ít phiền toái.
Xong mọi giấy tờ, chúng tôi chụp ảnh chung với các anh công an Lào. Các anh rất nhiệt tình, còn cho chúng tôi số điện thoại để có việc gì thì liên lạc. Chúng tôi cũng được nghe và nói theo từ tiếng Lào đầu tiên: “Sabaidee Bunbimay” (Chúc mừng năm mới).
Có đi mới biết đèo Lào
Để đến được thị xã Sầm Nưa (Xamneua, tỉnh lỵ của Huaphanh), phải vượt qua 150 cây số toàn đèo dốc và đường xấu. May trời nắng chói chang, chứ trời mưa thì lầy phải biết. Những cây số đầu tiên trên đất Lào, đường cũng đèo và dốc như miền núi Việt Nam, nhà cửa thưa thớt. Đường xóc và bụi làm giảm tốc độ của đoàn. Đang đi thì gặp cơn mưa bóng mây, dừng lại lụi cụi mặc áo mưa chạy một đoạn qua bên kia đèo trời lại hửng nắng. Cứ thế đến hai, ba lần chúng tôi phải mặc vào rồi cởi áo mưa. Thời tiết thay đổi một cách chóng mặt.
Chiếc bè ghép từ hai con thuyền nhỏ chở xe máy qua sông.
Đi được khoảng 30 cây số, chúng tôi đến thị trấn huyện Sop Bao. Lúc này trời đã về chiều, để đi tiếp phải qua phà. Nhưng muộn rồi nên phà cũng nghỉ, chỉ còn một chiếc đò bé tí. Sau một hồi mặc cả dùng cả tiếng Việt và … hai tay thì anh lái đò nhận chở cả đoàn với giá 300.000 đồng. Đây cũng là lần cuối cùng chúng tôi dùng tiền Việt. Đò bé tí nên mỗi chuyến cũng chỉ có ba xe và sáu người qua được. Thực ra, đó là hai chiếc xuồng nhỏ ghép lại bằng một tấm phên tre như cái vạc giường lớn, làm thành bè. Khó nhất là đoạn phóng xe lên cái bè, chỉ lỡ tay lên ga mạnh quá có thể lao thẳng xuống sông. Đứng trên chiếc bè tròng trành, cảm giác sợ hãi mới bắt đầu. Cả bọn thở phào khi cả 8 con xe và người đều qua được bình yên.
Qua sông rồi chúng tôi dừng lại đổ xăng lần đầu tiên tại Lào. Ở đây có xăng Regular (màu đỏ) tương đương với xăng A92 và dầu Diesel (màu xanh). Chúng tôi đổ đầy bình xăng Regular với giá 12.000 kíp/ lít rồi tiếp tục lên đường đi qua thị trấn huyện Viang Xay (Viengxay). Trời tối sập xuống rất nhanh và tiếp tục là đường đèo dốc rải đá. Xe liên tục xóc nảy lên xuống. Qua một đoạn đường đá lớm chởm và phóng nhanh, xe của tôi bị thủng lốp. Xung quanh hai bên chỉ có rừng cây, trời lại tối đen như mực.
Sự cố đầu tiên trong chuyến đi. Vá xăm trong đêm tối.
Mấy bạn con trai trong đoàn vật con xe ra, chiếu đèn pin hì hục thay xăm. Còn con gái ngồi bệt luôn sang vệ đường, lôi đồ hộp, bánh mì mang theo ăn luôn bữa tối. Người mỏi nhừ vì ngồi xe lâu nhưng ai cũng ăn rất ngon miệng. Bầu trời đầy sao rất đẹp. Thỉnh thoảng có vài xe bán tải của các bạn Lào đi qua. Lúc nào họ cũng dừng lại hỏi chúng tôi có vấn đề gì. Chúng tôi không nói được tiếng Lào, nên cũng chỉ đành ra hiệu. Thấy không giúp được gì họ mới lên xe đi tiếp. Sửa xong xe thì cũng đã gần 9 giờ tối. Chúng tôi quyết định chạy cố đến Sầm Nưa vì cũng chỉ cách đấy gần 30 cây số.
Quãng đường ngắn ngủi nhưng tưởng như dài vô tận vì hai bên chỉ thấy rừng núi, hết đèo này lại đèo khác cho đến khi đi vào đoạn đường bằng phẳng trải nhựa chúng tôi mới an tâm là đã tới Sầm Nưa. Lúc ấy gần 11 giờ đêm rồi nhưng đường sá vẫn nhộn nhịp, nhiều thanh niên phóng xe chạy vù vù trên đường. Lúc này chúng tôi mới thấy vài anh cảnh sát đi tuần tra dọc đường. 
Hai bên đường có rất nhiều quán ăn ghi bảng tiếng Việt. Chúng tôi vào một quán ăn bữa khuya, đổi tiền Lào và mua sim điện thoại. Chủ quán là người Nghệ An cho chúng tôi đổi tiền Việt sang tiền Lào với tỉ giá 1000 kíp = 265.000 đồng. Chúng tôi đổi hết sang tiền Lào chỉ giữ lại 3 triệu tiền Việt để dùng cho lúc về. Mỗi xe mua một cái sim điện thoại. Ở Lào có thể dùng sinh Unitel của Viettel nhà mình. Sóng ổn ngay cả ở vùng sâu vùng xa.
Vào một khách sạn ngay trung tâm thị xã Sầm Nưa, sau một hồi dùng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Lào và cả… tay chân, chúng tôi cũng làm cho cậu bé phụ việc ở đó hiểu được là chúng tôi muốn thuê 4 phòng. Bởi lẽ ra, mỗi phòng đôi chỉ cho 2 người ngủ nhưng chúng tôi ra sức thuyết phục để cậu ta cho 4 người vào một phòng. Giá phòng là 125.000 kíp, tính ra mỗi người chỉ mất 100.000 đồng tiền chỗ ngủ. Phòng hơi nhỏ nhưng bù lại có nước nóng. Sau khi tắm rửa, bao nhiêu mệt nhọc của chuyến đi dài hơn 150 cây số dường như biến mất. Cả nhóm tranh thủ đi ngủ để sáng mai dậy sớm tiếp tục lên đường.

Hành xác ngày đêm vượt đèo


..
Cả đoàn chụp ảnh lưu niệm với anh công an thị xã Sầm Nưa, tỉnh lỵ của Huaphanh.

.Sáng hôm sau, lúc chúng tôi trả phòng lại gặp chuyện không vui. Thanh toán tiền xong, chuẩn bị xuất phát thì ông chủ khách sạn cầm một chiếc khăn tắm đã bị lau cho đen thui ra than phiền với trưởng đoàn. Ông bảo, đã có rất nhiều đoàn khách Việt Nam sang nghỉ lại khách sạn này nhưng lần đầu tiên ông mới thấy sự việc không hay này. Hóa ra, một thành viên trong nhóm chúng tôi đã lấy khăn tắm để lau… giày!
Chúng tôi xin lỗi và trả tiền chiếc khăn cho khách sạn. Đây cũng là điều đáng tiếc đầu tiên xảy ra trong đoàn chúng tôi. Sau khi kiểm điểm cả đoàn đi ăn sáng. Có rất nhiều hàng quán, nhưng chúng tôi chọn một cái quán đông khách nhất. Cả đoàn 16 người kéo vào ồn ào cả quán.
Một dãy nhà nghỉ ngay trung tâm thị xã Sầm Nưa.
Chủ quán không hiểu tiếng Việt, cũng không biết tiếng Anh và cũng chỉ bán duy nhất là món phở. Khách vào quán cứ tìm chỗ ngồi, sẽ có người bê phở ra và mỗi người một đĩa rau; trên bàn có sẵn nhiều thứ gia vị khác như tương ớt, muối, đường, ớt tươi, chanh… có thêm một chén tương như tương đậu dành để chấm rau. Vị đồ ăn Lào có vẻ hơi ngọt giống ở miền Nam. Giá một tô phở 10.000 kíp.
.
Ăn xong, bọn con trai tranh thủ xem lại xe cộ. Sau khi chạy vài trăm cây số, vài chiếc xe đã bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng, một con xe to đùng bị rỉ xăng.
Đến Sầm Nưa (Xamneua, thị trấn huyện lỵ của huyện Xamneua và cũng là tỉnh lỵ của Huaphanh) là hết phạm vi chúng tôi được phép đến, chúng tôi lay phải xin giấy đi tiếp đến Luang Prabang. Trụ sở công an tỉnh Huaphanh bé tẹo, chỉ thấy lác đác vài anh công an. Các anh công an ở đây rất trẻ và hiểu bập bõm tiếng Việt. Sau một hồi giải thích, chúng tôi bị phạt mỗi xe 50.000 kíp vì đi không đúng tuyến.
Sau khi thu tiền phạt và đóng dấu giấy tờ xong, các anh công an lấy bia Lào ra mời chúng tôi. Mỗi người uống một cốc bia chúc mừng năm mới. Bia Lào có vẻ nhạt hơn bia Việt Nam, uống không thấy đắng lắm. Uống xong, các anh lấy ca nước dội một ít nước vào lưng từng người chúng tôi theo phong tục để tẩy đi những cái không may. Chúng tôi cũng rẩy nước để chúc phúc cho các anh. Quả thật chúng tôi cũng bất ngờ vì sự nhiệt tình của các anh công an Lào, trong bụng cứ phập phồng lo, nghĩ đến tình huống tệ nhất là chúng tôi không làm được giấy tờ và phải quay về. Các anh còn gọi cho công an ở Luang Prabang để không phạt đoàn chúng tôi nữa.
Trụ sở công an thị xã Sầm Nưa, nơi chúng tôi xin đóng dấu để tiếp tục hành trình.
Từ Sầm Nưa đến Luang Prabang toàn đường đèo. Đường đèo của Lào đẹp hơn nhiều so với đường đèo ở Việt Nam nhưng độ dốc và những khúc cua thì không thể tưởng tượng được. Xe liên tục phải ngả bên trái, chao bên phải. Có những đoạn ôm cua liên tục, người ngồi đằng sau xe có cảm giác “say đèo”. Các đoạn cua gấp cứ nối tiếp nhau liên tù tì cả quãng đường. Ở Lào cũng không có nhiều biển báo, giả sử nếu có biển báo ở từng khúc cua một chắc đủ để làm một cái hàng rào bên sườn núi. Có một điều đáng nói là xe ô tô, xe tải ôm cua rất gọn và khi thấy xe chúng tôi muốn vượt lên, các bác tài người Lào tự giảm tốc độ nhường đường. Nhờ đường tốt nên chúng tôi vượt qua quãng đường một cách an toàn dù trên đường đi, thỉnh thoảng gặp những cơn mưa bóng mây. Sau một ngày đi trên đất Lào mới thấy ở đây rất hay có kiểu mưa như thế này.
Làng bản Lào toàn nhà tranh tre thưa thớt, nằm dọc hai bên đường quốc lộ. Chạy mãi nhưng chẳng thấy hàng quán nào, vì dân Lào ở rất thưa thớt. Đến hơn 2 giờ, chúng tôi mới tìm được một ngôi nhà sàn có gầm sàn tráng xi măng sạch sẽ để dừng lại nấu mì ăn. Chúng tôi cứ dừng lại và vào xin phép chủ nhà cho ngồi nhờ. Thấy đoàn chúng tôi, tất cả người dân trong bản đều đổ ra xem. Vì không ai nói được tiếng Lào nên chúng tôi chỉ biết ra hiệu rồi cười cười. Bà chủ nhà đi vào trong bản lấy nước cho chúng tôi nấu mì.
Cả bản dùng chung một vòi nước ở giữa bản chứ không có hệ thống riêng. Ai muốn dùng phải mang can đi hứng. Không riêng gì bản này, trên rất nhiều bản làng chúng tôi đi qua, thấy phụ nữ, đàn ông, trẻ con Lào đều ra tắm táp ở các vòi nước dọc đường quốc lộ. Khi xe chúng tôi đi qua, các cô gái Lào bẽn lẽn che người lại (mặc dù đã che kín người chỉ thấy hở vai trần). Chúng tôi xin đi nhờ nhà vệ sinh. Điều hay là mặc dù ở vùng sâu vùng xa, nhưng nhà vệ sinh của các bạn Lào rất sạch sẽ. Sau này đi nhiều nơi khác mới thấy đây là chuyện thường ở Lào, rất khác xa so với vùng cao ở Việt Nam.
Dừng chân nghỉ nhờ dưới gầm nhà sàn trên đường đi Luang Prabang.
Ăn xong chúng tôi dọn dẹp và biếu bác chủ nhà mấy trái táo mua ở Việt Nam. Cả đoàn thống nhất là chạy thẳng thâu đêm tới Luang Prabang mới nghỉ. Từ đây đi được mấy chục cây đến gần Pakxeng thì xe hết xăng. Chạy cố đến trung tâm thị trấn, đến cây xăng thì họ đã đóng cửa. Hết xăng, cả đoàn méo mặt vì đến Luang Prabang còn hơn trăm cây số. Trưởng đoàn xông vào cây xăng gọi ầm ỹ. Sau một hồi gõ cửa thì có một cậu người Lào chạy ra, thấy chúng tôi bí quá, cậu mới móc điện thoại ra gọi cho ai đó. Gọi xong thấy mặt cậu hớn hở ra hiệu cho chúng tôi đi theo.
Hóa ra là cậu gọi cho mấy người bán xăng lẻ ở mấy cái cửa hiệu ven đường. Tối mịt rồi nên mấy cửa hàng này đều đã đóng cửa. Thấy cậu gọi, người ta mới mang xăng ra. Chúng tôi lấy tất tần tật xăng lẻ ở cả hai cửa hàng mặc dù giá cao hơn ở cây xăng. Rút kinh nghiệm cho những ai đi cung đường này phải mang theo can để dự trữ xăng vì đây là khu vực miền núi rất thưa dân cư và trạm xăng hầu như không có. Mới đi có hai ngày mà thấy các bạn Lào thật là dễ thương, nhờ có các bạn ý không thì chúng tôi chả biết làm thế nào.
Sau khi nạp nhiên liệu, cả đoàn chạy tiếp. Càng đi thấy quãng đường càng xa. Một số xe rớt lại phía sau. Trời tối mịt mà vẫn lửng lơ giữa núi và rừng nguyên sinh, không biết mình đang ở đâu, chỉ biết quãng đường phía trước còn khoảng hơn mấy chục cây số nữa. Thỉnh thoảng đi qua những bản làng của người Lào, không một ánh đèn, tối om, mọi người đều đã đi ngủ hết. Dò dẫm đi trong đêm với ánh đèn tù mù bám theo mép đường. Đôi lần xe tôi suýt lao vào bụi rậm hay xuống vực mới phanh đứng lại. Buồn ngủ díp mắt. Thỉnh thoảng thấy tôi ngủ gật, anh bạn lái xe vỗ một phát thật mạnh vào đùi. Mặc dù rất đau nhưng không dám cáu vì thà đau còn hơn là loạng choạng lăn xuống đường.
Đến gần 5 giờ sáng, mệt không thể chịu đựng nổi nữa. Nhóm ba chiếc xe chúng tôi tấp đại vào một nhà dân có cái sân rất rộng trải ni lông ra nằm nghỉ nhờ. Sàn xi măng lạnh cóng cùng với ngồi xe cả ngày khiến mấy người chúng tôi mệt lử, đầu đau như búa bổ. Mấy xe đi sau chúng tôi may mắn hơn, tấp vào nhà dân, được họ tử tế mang chăn mền ra cho ngủ nhờ. Đói đến hoa cả mắt, chúng tôi lục tất cả cốp xe chỉ còn ba hộp thịt, mấy gói mì tôm, đành ăn tạm mì sống và thịt hộp. Tranh thủ chợp mắt được một chút.
Khoảng 6 giờ sáng, không hẹn mà gặp, cả đoàn chúng tôi lại gặp nhau trên đường đến Luang Prabang. Ai nấy đều trông bẩn thỉu, bơ phờ vì một đêm không ngủ và không được tắm táp. Kết thúc một ngày, một đêm hành xác mệt mỏi để chào đón cố đô Luangprabang với hai ngày dạo phố và tham gia lễ hội té nước với các bạn Lào.

Luang Prabang: “Sabaidee Bunpimay”

.
.
Mua chim phóng sinh nhân lễ năm mới.

.Đến Luang Prabang, chúng tôi dễ dàng tìm được nhà nghỉ nằm ở khu trung tâm nhưng giá cả cũng rất phải chăng. Tết Bunpimay năm nay được nhà nước Lào đưa vào chương trình hoạt động của “Năm du lịch Lào 2012” nên rất đông du khách. Dòng người cùng xe cộ đổ ra đường phố rất náo nhiệt.
.
Tắm xong, tôi rủ một chị bạn ra phố xem cảnh té nước trong khi các bạn khác còn nghỉ ngơi. Vừa bước chân ra khỏi nhà nghỉ đã thấy các nhân viên của nhà nghỉ tụ tập ở trước sân. Họ đặt cả mấy thùng nước to và dẫn vòi nước ra sân, đem loa thùng và mang theo cả một két bia Lào. Nhạc được bật to hết cỡ, giữa cái nắng trưa trên đỉnh đầu và cái nóng hừng hực của gió Lào, nhưng các bạn vẫn rất nhiệt tình ra giữa đường té nước mọi người đi qua.
Chuẩn bị thùng, thau chứa nước để tạt người đi đường.
Thấy chúng tôi bước ra, một bạn chạy lại kéo chúng tôi ra giữa sân rồi lần lượt từng bạn tưới nước từ trên cổ xuống. Sau đó các bạn bảo chúng tôi tưới nước lại cho họ. Khi hai bên đã ướt như chuột lột, một bạn mang bia ra mời chúng tôi. Mỗi người làm một cốc bia mát lạnh và mọi người cùng nhảy nhót một lúc. Trước khi đi, chị quản lý ân cần dặn dò chúng tôi rằng buổi chiều trở lại để theo xe của nhà nghỉ đi té nước trên đường phố. Chúng tôi hứa là sẽ về sớm để tham gia.
Dọc theo khu phố chính Sisavangvong và những con phố nhỏ hơn quanh đó, người dân đã đứng đầy ngoài vỉa hè chờ người đi qua để tạt nước. Chủ yếu là thanh niên và trẻ con tham gia, chứ không thấy người già. Những chiếc xe bán tải chở đầy người và chất thêm thùng nước chạy nối đuôi nhau trên những ngã đường. Ở Lào hầu như nhà nào cũng có xe bán tải. Không khí tưng từng trên tất cả các con phố. Chỉ đi qua có hai con phố, người chúng tôi đã ướt sũng. Thỉnh thoảng một vài nơi, sau khi tạt nước họ còn mời chúng tôi uống bia.
Khách du lịch nước ngoài cũng tham gia hội té nước. Trong ảnh, một anh công an bị nữ du khách xịt nước trên đường phố.
Trên khu phố chính, nhiều du khách châu Âu cũng sắm súng bắn nước để xịt lại. Họ rất thích thú tham gia trò vui này. Chị bạn tôi cũng cầm lấy một gáo nước tưới lên người bọn trẻ con làm cho mấy đứa cứ ngẩn hết cả người. Ngoài bắn nước, lũ trẻ con còn trét các loại bột lên mặt, lên người. Người ta bảo bôi các loại bột lên để chúc phúc, chúc may mắn. Thỉnh thoảng vài xe tuk tuk chở đầy người đi qua bị tạt nước cho ướt hết. Không ai cáu giận khi bị té nước, họ chỉ bật cười và nói “Sabaidee Bunpimay”.
Nhạc từ loa thùng được bật to quá cỡ và mọi người nhảy múa ngoài đường. Tất cả mọi người đều có thể tham gia từ người dân cho tới du khách. Chị bạn bảo đây là lễ hội vui nhất mà chị được tham gia. Cứ thế vừa khô được một lúc lại bị dội cho ướt sũng, chúng tôi về đến nhà nghỉ trong tình trạng ướt từ trên xuống dưới. Thừa thắng xông lên, chúng tôi tham gia cùng với những nhân viên nhà nghỉ tạt nước người đi đường.
Ra phố, đi một đoạn là người ướt sũng.
Sau khi xin lỗi chị quản lý vì không lên xe đi tạt nước được, chúng tôi tranh thủ lên đường thăm thác Tat Khuangsi. Đây là địa điểm nhất định phải đến khi thăm cố đô. Nằm cách Luang Prabang 32 km, con đường vòng vèo qua những rừng cây gỗ trụi lá, thân trắng khẳng khiu. Cứ tưởng như những cây này đã chết nhưng sau này hỏi người dân mới biết đó là rừng cây gỗ tếch. Trời xanh ngắt, rừng cây trắng trải dài, đường vắng xe cộ và im ắng. Cứ như chúng tôi đang đi ở một vùng nào đấy của nước Nga, như trên các chương trình tivi hay giới thiệu. Thỉnh thoảng đi qua những ngôi nhà nằm ngay đường quốc lộ, người dân vẫy tay ra hiệu dừng xe lại để nhận những gáo nước chúc may mắn.
Rong ruổi một hồi, chúng tôi cũng tới được thác. Thác Tat Khuangsi là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Luang Prabang. Mỗi người mất 20.000 kíp tiền vé để vào cổng. Trên đường đi lên thác có khu bảo tồn động vật hoang dã. Tiền vé thu được một phần sẽ dùng cho việc bảo tồn những con gấu ở đây. Thác nhỏ đổ từ trên cao xuống tạo thành tầng tầng lớp lớp những chiếc hồ nhỏ có màu nước trong xanh như ngọc bích. Thấy du khách đu mình nhảy xuống từ dây treo trên cây, một cô bạn trong nhóm cũng bắt chước leo lên cây đu mình nhảy ùm xuống nước. Cả đoàn hò reo cổ vũ, nhưng mãi không thấy cô bạn nổi lên mới phát hoảng, mấy anh chàng tức tốc nhảy xuống vớt bạn lên. Cô nàng thấy người xuống cứu, tay túm, chân đạp… mãi mới lôi được lên. Hóa ra là cô này không biết bơi nhưng thấy người ta nhảy hay quá cũng liều mình làm một cú nhớ đời!
Từ thác về chúng tôi đi ăn tối. So với Việt Nam, cách thức phục vụ của các bạn Lào khá chậm. Chúng tôi ăn từ 6 giờ đến 9 giờ tối mới nếm xong tất cả các món gọi ra. Danh sách các món ăn cũng giống như ở Việt Nam nhưng chế biến theo cách của người Lào. Món nào cũng rất nhiều tiêu, nhưng ăn lại thấy vị đậm đậm rất ngon.
Khu hàng giải khát trong chợ đêm.
Hàng thổ cẩm và đồ lưu niệm, mỹ nghệ trong chợ đêm.
Sau bữa tối, chúng tôi vào phố ngắm chợ đêm. Chợ đêm Luang Prabang họp trên phố Sisavanvong, từ ngã tư Chao FaNgum cho đến chân dãy núi Phousi, cạnh Bảo tàng cung điện hoàng gia. Chủ yếu bán các hàng thổ cẩm, hàng lưu niệm. Du khách đi chợ tấp nập. Đi chợ ở đây không có cảm giác bỡ ngỡ như thường thấy khi đi nước ngoài. Người bán hàng chủ yếu là phụ nữ, mặc trang phục như người Mông bên mình. Họ ngồi thêu thùa, khâu vá, tiếp khách rất niềm nở nhưng không có kiểu mồi chài. Mỗi quầy đều có một có một bàn tính. Khi cần mua gì, khách chỉ cần lựa chọn và người bán sẽ bấm trên cái bàn tính số tiền. Không cần mặc cả vì người bán không nói thách nhiều.
Khu phố ẩm thực nằm ở một ngõ nhỏ gần chùa Wat Mai. Tôi và chị bạn tranh thủ thưởng thức buffet rau giá chỉ có 8.000 kíp. Phía trong là các quầy hàng bán rất nhiều đồ ăn chế biến theo kiểu địa phương, đặc biệt là xôi và cá sông Mekong. Bánh mì kiểu Lào là đồ ăn thu hút nhiều người nhất vì nó tiện mang theo. Một ổ bánh mì giá 15.000 kíp phải to gấp ba lần ổ bánh mì ở Việt Nam, đầy ắp chả, thịt, đu đủ chua và tương ớt cay cay ngọt ngọt. Mua một ổ mà đến ba người chúng tôi mới ăn hết. Ngày lễ tết nhưng chợ cũng không mở khuya hơn. Mới 10 giờ đêm, một vài hàng đã dọn dẹp nghỉ ngơi.
Những con ngõ nhỏ trong khu trung tâm vắng vẻ về đêm.
Người ta bảo người Lào không làm nhiều, chỉ làm vừa đủ ăn. Quá 11 giờ, con phố dài dần vắng vẻ. Thành phố ban ngày nhộn nhịp là vậy, nhưng đêm đến nó trở lại với nhịp sống hằng ngày. Thả bộ dọc theo các con đường dọc bờ sông, ánh đèn dọc đường đẹp lung linh. Những quán bar vẫn còn sáng đèn, những vị khách Tây ngồi thong thả nhâm nhi vài cốc bia Lào.
Không khí đêm êm đềm, tĩnh lặng. Dọc theo phố Sakkarin và Sisavangvong, những ngôi chùa chùa nối liền kề nhau, Wat Saen, Wat Sop, Vat Souvannakhiri, Wat Sirimungkhun, Vat Sensoukharam. Wat Xiêng Thông, là ngôi chùa nổi tiếng nhất. Người ta bảo đứng trên đỉnh Phousi có thể ngắm thấy cả thành phố nhưng tối rồi nên chúng tôi đành bỏ qua. Dạo một vài vòng là hết thành phố. Chúng tôi tranh thủ về ngủ sớm để sáng mai dậy sớm đi xem khất thực. Hoạt động đáng xem nhất khi đến cố đô Luang Prabang.

Cố đô êm ả

.
.
Hàng bán hoa cho Phật tử dâng cúng ở các chùa.

. Thành phố buổi ban mai tĩnh lặng và trong trẻo. Chị quản lý khách sạn đã dậy từ lúc nào, đang quét dọn trước sân. Có lẽ đó là thói quen của người Lào vì khi đi qua các bản làng ở vùng sâu, vùng xa tôi cũng thấy người dân ở đó dọn dẹp, quét dọn nhà cửa sạch sẽ mỗi sáng.
.
Chúng tôi hỏi đường đến khu khất thực, chị chỉ về phía con phố chính cách đó không xa. Chúng tôi quyết định đi bộ. Trên con phố chính Sisavangvong và những con phố nhỏ hơn quanh đó, người dân đang trải chiếu quỳ gối trên vỉa hè, sắp xếp đồ lễ để chuẩn bị dâng cúng cho các nhà sư đi khất thực. Mỗi người cầm một chõ cơm nếp được làm bằng mây tre, cả trái cây, bánh kẹo nữa. Những phụ nữ lớn tuổi khoác thêm tấm vải chéo qua người, thêu hoa văn rất đẹp và đi chân trần để tỏ lòng thành kính của mình.
Các nhà sư khất thực lặng lẽ đi thành hàng dài.
Đi qua con phố chính đã thấy các nhà sư xếp hàng dài, đi chân trần, tay bưng chiếc bình bát bằng nhôm, có dây đeo và nắp phủ bằng vải. Dẫn đầu là nhà sư cao niên nhất trong đoàn, theo sau là các sư còn trẻ. Khi đi đến chỗ những người dân đang chờ đợi, lần lượt từng nhà sư mở nắp bình nhôm và người dân thả một nắm cơm nếp vào. Những người già khuôn mặt đầy thành kính, run run kiễng chân đặt đồ ăn vào bình bát. Đó là hình ảnh xúc động nhất của nghi lễ khất thực. Khi người dân cuối cùng thả nắm cơm nếp cho nhà sư ở cuối hàng, cả đoàn sư dừng lại, đứng đối diện và bắt đầu đọc kinh cầu chúc phúc cho những người cúng dường.
Nhiều du khách nước ngoài cũng cúng dường. Họ mua một chõ xôi của người dân và ngồi quỳ gối chờ đợi. Khi đoàn sư đi qua, họ kính cẩn đặt đồ ăn vào bình bát của các nhà sư. Khoảng 7 giờ, sau khi đi đủ một vòng quanh phố, các sư tập trung về chùa dùng bữa ăn sáng. Những vật phẩm khất thực thường chia ra làm bốn phần: Phần nhường cho các sư đồng tu nếu họ không có hay có ít; phần dành cho người nghèo; phần dành cho những con vật sống chung như chó, mèo và phần còn lại dành cho người khất thực dùng.
Khi cúng dường, các nữ Phật tử quỳ dâng đồ cúng, nhưng nam giới lại đứng.
Tranh thủ thời gian chúng tôi đón bình minh ở phía ngã ba sông, nơi con sông Nậm Khan hòa vào dòng sông Mekong để tiếp tục chảy về phía biển Đông. Ở đây có bản chỉ dẫn ngắm bình minh và trưng bày hình ảnh làng nghề thổ cẩm ở bên kia cầu bắc qua sông. Chúng tôi gặp một bác người Việt đang tập thể dục ở đây. Mới đầu bác ấy cứ nghĩ chúng tôi là người Nhật. Mãi cho đến khi nghe chúng tôi nói tiếng Việt, bác mới bắt chuyện làm quen.
Qua câu chuyện, chúng tôi được biết ở cố đô Luang Prabang có khoảng 1.800 người Việt. Ngoài ra, số người biết tiếng Việt rất nhiều. Bác cho hay, buổi chiều sẽ có nghi thức rước lễ rất lớn, nếu chúng tôi đã đến Luang thì nên tham dự cho biết. Nhưng rất tiếc tới trưa là chúng tôi phải “nhổ neo”. Ban đầu, chúng tôi có dự định qua cầu đi thăm một bản làng của người địa phương nhưng sẽ không còn thời gian để đi ngắm các chùa chiền nên đành để dịp khác.
Du khách nước ngoài chuẩn bị vật phẩm cúng dường cho các nhà sư khất thực.
Hai đứa ngược trở lại chùa Wat Xieng Thong và tìm chỗ ăn sáng. Vào một cái tiệm sạch sẽ và khá đông khách, tôi đang đực mặt ra nghĩ xem tiếng Anh phở và bánh canh nói thế nào. Thì chị chủ quán người Lào đã chỉ vào hai tô và bảo: “Đây là phở, đây là bánh canh. Ăn cái nào?”. Cả hai đứa buồn cười quá. Hóa ra chị chủ quán có một thời gian đi học ở Việt Nam. Sau này rút kinh nghiệm, lúc nào muốn hỏi cái gì chúng tôi toàn dùng tiếng Việt trước và số lần được trả lời lại bằng tiếng Việt cũng rất nhiều.
Cả buổi sáng còn lại cả hai chúng tôi dành cho cho việc viếng các ngôi chùa ở cố đô Lào. Ở Luang Prabang có khoảng ngôi 40 chùa, các chùa lại nối liền với nhau nằm dọc con phố. Chúng tôi không thể nhớ được tên của từng ngôi chùa vì phiên âm ra đọc rất dài. Từ chùa này đi xuyên qua chùa khác. Đang là ngày lễ chính nên có rất nhiều người dân đến cúng dường. Không có kiểu thắp nhang như ở Việt Nam, họ dâng đồ cúng và chắp tay cầu nguyện. Người này xếp sau người kia rất trật tự.
Một con đường ở Luang Prabang.
Toàn cảnh thành phố nhìn từ núi Phousi.
Có lúc chúng tôi lang thang ra cả sau phía hậu điện, nơi các sư ở. Họ đang dọn dẹp, tưới cây. Mấy vị sư trẻ nhìn thấy chúng tôi cũng không tỏ vẻ ngạc nhiên. Các vị sư này nói tiếng Anh rất tốt. Chúng tôi tranh thủ hỏi về cuộc sống của họ. Họ cũng rất nhiệt tình trả lời. Trong số các ngôi chùa ở Luang, Wat Xieng Thông là ngôi chùa quan trọng bậc nhất. Chúng tôi vào chùa bằng cổng chính nằm bên bờ sông Mekong và phải mua vé tham quan mất 20.000 kíp.
Chùa Xiêng Thông, xây dựng từ năm 1560.
Chùa Xieng Thông được xây dựng năm 1560 dưới thời vua Setthathirat, gồm một chùa chính và các chùa phụ. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ tác phẩm nghệ thuật; trong đó, có bức tranh tường Cây đời (Tree of Life) - kể lại tích Phật bằng nghệ thuật Mosaic - được công nhận là di sản thế giới. Ở đây, chiều nay sẽ diễn ra lễ rước, người ta đang trang hoàng một cái xe hoa rất to dùng để rước lễ. Ngoài rước lễ còn có lễ tắm Phật bằng nước thơm và nước hoa. Không được tham gia những sự kiện này chúng tôi tiếc hùi hụi.
Hai đứa chúng tôi tiếp tục vào tham quan cung điện hoàng gia nay đã trở thành Bảo tàng hoàng gia Lào. Vé vào tham quan mất 30.000 kíp. Hai đứa ngơ ngơ đi vào không để ý đến cái cổng bán vé nên không mua vé. Tham quan các công trình phụ như đền chùa, nhà hát, nhà để xe thì không mất tiền nên vẫn được vào thoải mái. Đến lúc vào thăm cung điện vì không mua vé nên chúng tôi không được vào. Nghe cô bạn đi sau nói vào phải gửi đồ mất 100.000 kíp nữa, chúng tôi lại thấy thật may vì mình không mua vé, mua xong cũng phí vì không có đủ tiền để …gởi đồ!
Cung điện hoàng gia Lào ở cố đô Luang Prabang.
Đi lòng vòng một hồi, chúng tôi quyết định về nhà nghỉ dọn dẹp đồ đạc chuẩn bị lên đường. Lúc này những người khác trong đoàn cũng đã tụ tập trước cửa. Đang tham gia té nước với mọi người. Trông ai cũng rất nhiệt tình và tập trung cao độ. Nhiệt độ ở Luang cao hơn ở Việt Nam. Khô và nóng. Sau có một ngày trời lang thang, mặt mũi ai cũng đen sạm. Vậy mà ai cũng muốn nán lại một lúc nữa.
Hơn một ngày ở Luang Prabang không thể nào khám phá hết được vẻ đẹp của cố đô này. Chúng tôi dặn lòng năm sau nhất định sẽ đến đây lần nữa và ở lại lâu hơn một chút. Trước khi rời đi tôi thắc mắc với chị quản lý là ở Lào có cần phải đội mũ bảo hiểm không? Vì chẳng thấy mấy ai đội. Câu trả lời là “có”, người Lào thì không sao nhưng mà người nước ngoài thì dễ bị phạt lắm. Tốt nhất một khi đã ra nước ngoài thì cứ phải tuân thủ luật thật nghiêm nếu không muốn phiền phức và bị phạt tiền

Chặng đường về thót tim



Cánh đồng chum ở tỉnh Xiengkhuang, Lào.

. Khi tất cả 8 xe đã buộc đồ đạc xong xuôi để xuất phát đi Xiêngkhuang thì một chiếc xe máy lại dở chứng. Đám con trai hì hục vào sửa chữa, nhưng rốt cuộc không thể đi thêm một cây số nào nữa, đành cho nó lên ô tô từ Luang Prabang để về Việt Nam. Đồng thời hai người cỡi “em nó” cũng phải đi xe khách về theo.
.
Mỗi ngày có một tuyến xe từ Luang Prabang về Việt Nam qua cửa khẩu Nậm Cắn ở Nghệ An. Mất thêm 1 triệu tiền cước xe và 700.000 kíp/2 người. Có lẽ đây là điềm báo cho một chặng đường trầy trật phía trước. Đoàn còn lại 7 xe máy lên đường về nước. Rời Luang Prabang, xuôi theo quốc lộ 7 đến thị xã Phonsavan, tỉnh Xiengkhuang, nơi có địa danh Cánh đồng chum nổi tiếng.
Thêm một xe máy phải gửi ô tô quay về trước khi đến được Cánh đồng chum.
Cung đường gần 500 km toàn bộ là đèo dốc. Những khúc cua gấp liên tục làm cho cả người nhộn nhạo. Đang đổ đèo ngon trớn thì một xe mất lái lao vào vách đá. May mắn là đâm vào vách đá chứ trượt chút nữa là rơi xuống vực. Do tốc độ đi chậm nên anh chàng lái xe chỉ bị trầy môi, người đằng sau không bị làm sao. Chiếc xe không chạy được nữa. Cả đoàn dừng lại, vạ vật giữa trưa nắng chang chang để nghĩ ra biện pháp.
Cuối cùng trưởng đoàn quyết định ra đường vẫy nhờ xe đưa trở lại Luang Prabang rồi cho theo xe khách về Việt Nam. Có rất nhiều xe bán tải chạy ngang qua đường và một xe dừng lại chở cả người lẫn xe với giá 300.000 kíp. Đoàn lại bị rơi rụng thêm một xe và hai người. Cả quãng đường còn lại về thị xã Phonsavan, tay lái nào cũng tập trung cao độ. May mắn thay dọc đường không xảy ra sự cố nào nữa. Chúng tôi đến được Phonsavan lúc 10 giờ tối.
Cả thị xã chỉ có một cột đèn đỏ duy nhất, chỗ ngã tư đường dẫn đến Cánh đồng chum. Cả đoàn hò hét như thấy chuyện lạ. Đây cũng đèn dỏ duy nhất chúng tôi thấy trong suốt chuyến đi trên đất Lào. Dân Lào đi xe rất chậm và có quy củ.
Những chiếc chum đá nặng khoảng 500kg đến 1 tấn, có niên đại 15 - 20 thế kỷ.
Chúng tôi nghỉ trọ lại chờ sáng mai đi thăm Cánh đồng chum. Thị xã nhỏ bé này từng bị tàn phá nặng nề trong thời chiến tranh trước đây gần nửa thế kỷ; ngày nay thì toàn bộ Cánh đồng chum chịu thêm thảm họa đốt rừng của cư dân. Cánh đồng chum là tên gọi cả một khu vực văn hóa lịch sử gần thị xã Phonsavan (tỉnh Xiengkhuang), nơi có hàng ngàn chum bằng đá (có niên đại khoảng 1.500 - 2.000 năm) nằm rải rác dọc theo cánh đồng thuộc cao nguyên Xiengkhuang, ở vị trí đầu phía bắc của dãy núi Trường Sơn. Có 3 khu vực được tham quan trong khoảng 2.000 khu vực. Theo người quản lý khách sạn, nơi này còn sót lại rất nhiều bom mìn từ hồi chiến tranh. Đi lang thang bậy bạ rất có khả năng “tạch”.
Chúng tôi tham quan khu vực 1 cách thị xã khoảng 15km. Các chum đá được làm từ đá vôi, đá ong và đá cẩm thạch nặng từ 500kg đến 1 tấn. Làm thế nào những cái chum cổ này xuất hiện và tác dụng của nó vẫn là một bí ẩn. Nhiều người đồn rằng mỗi cái chum là một ngôi mộ. Nghe thế, cả đoàn chúng tôi chẳng ai dám ngồi lên một cái chum nào. Vì cánh đồng nào cũng giống nhau nên chúng tôi tranh thủ thời gian tham quan rồi lên đường về cửa khẩu Nậm Cắn ở Nghệ An để xuôi về Hà Nội.
Mới có mấy ngày ở trên đất Lào nhưng chúng tôi ai cũng cảm thấy mình đã đi một thời gian rất lâu. Cảm giác nhớ nhà nôn nao. Đường về tiếp tục đi qua những đoạn đèo dốc. Thỉnh thoảng đi qua những bản làng, người dân Lào vẫn đang ăn mừng năm mới, nhảy múa tưng bừng. Đang đi ngon trớn, trời bỗng dưng tối sầm, mưa đổ xuống như trút. Đường đã khó đi lại càng khó hơn. Liên tục vào thắng và cài số. Qua một đoạn đèo cua gấp, một xe bẻ cua không kịp lại bị “xòe”, may nhờ mặc áo mưa nên người lái xe chỉ bị xước củi chỏ chảy máu. Người ngồi sau và xe không việc gì.
Qua cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An), còn cách Hà Nội 300km nhưng đã thấy gần như đã về nhà.
Đi được một đoạn lại có một xe khác bị “xòe”, cả người lăn lông lốc làm cả đoàn hoảng hồn. May sao người cũng chỉ bị xây xát nhẹ. Phía trước một chiếc xe máy của các bạn Lào cũng bị ngã, cả đoàn lại giúp. Anh lái xe bị gãy mất hai cái răng cửa, còn bạn ngồi sau thì bị trầy đầu gối. Anh bạn đỡ cái xe dậy hoảng hồn, vì xe của bạn Lào này không có thắng trước. Xe cứ trượt về phía trước. Lúc này mới biết các bạn Lào đi xe "điêu luyện" như thế nào.
Mưa to vẫn không dứt, gió thổi phần phật, chúng tôi vẫn cố đi tiếp. Vì 4 giờ là cửa khẩu ở nước bạn đóng cửa. Trầy trật rốt cuộc cũng đến được cửa khẩu kịp giờ. Chúng tôi vào làm thủ tục rất nhanh nhưng lại tiếp tục bị phạt mỗi xe 50.000 kíp. Lý do các anh đưa ra là chúng tôi đi sai cửa khẩu. Nhập cảnh ở cửa khẩu nào thì phải xuất lại ở cửa khẩu đó. Nộp phạt xong các anh vui vẻ tiễn đoàn chúng tôi đi. Cũng không quên một câu “Sabaidee Bunpimay”. Về tới cửa khẩu bên Việt Nam, mặc dù còn quãng đường hơn 300km nữa mới tới Hà Nội nhưng ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Cuối cùng cũng đã về tới Việt Nam, chuyến đi ngắn ngủi nhưng đầy bất trắc và cả những kỷ niệm tuyệt vời về một đất nước Lào thân thiện và hiếu khách.

Không có nhận xét nào: