Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Nơi cầu nguyện dưới nòng súng


SGTT.VN - Nói đến hợp tác kinh tế với Palestine, các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt kinh doanh hải sản, biết đến thành phố Hebron vì đây là đầu mối nhập hàng duy nhất tính tới nay từ Việt Nam.
Nhưng ngoài danh tiếng là nơi sản sinh ra những doanh nhân thành đạt của Palestine, thành phố nằm ở phía nam bờ Tây của Palestine còn được biết đến nhờ thánh đường Abraham – hay còn gọi là mộ của các Giáo trưởng.
Thánh đường này là điểm hiếm hoi trên thế giới, vì cần đến hàng rào an ninh nghiêm ngặt.
Hàng rào an ninh vào thánh đường
Với người Hồi giáo, đây là địa điểm thiêng liêng thứ tư trên trái đất này. Và với người Do Thái, đây là điểm thiêng liêng thứ hai sau Jerusalem. Cũng như Jerusalem, người Hồi giáo đến cầu nguyện nơi đây phải đi qua những nòng súng của lực lượng an ninh Israel.
Con đường đến với thánh đường Abraham ngàn năm lịch sử dốc lên dốc xuống. Hai bên đường là những cửa tiệm sơ sài của người Palestine, bán những đồ lưu niệm nho nhỏ. Kinh tế ở Palestine chưa phát triển, còn phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ bên ngoài do chưa có nền độc lập và quyền tự quyết mà họ mong ước bây lâu. Khi đặt chân tới cánh cửa sắt xoay ở lối ra vào thánh đường. Tiếng lích kích của cửa sắt, từng người một qua dưới sự theo dõi chặt chẽ của một lính Israel.
Hầu hết các trạm kiểm soát theo dõi và can thiệp sự di chuyển của người Palestine mà người Israel dựng lên đều có những cánh cổng xoay như vậy. Ai cũng phải đi qua đó trước khi đến máy quét an ninh và trải qua bước kiểm tra an ninh bằng tay cuối cùng do lính Israel thực hiện. Có thể nói thánh đường này là điểm hiếm hoi trên thế giới mà nơi cầu nguyện cần đến các hàng rào an ninh nghiêm ngặt đến mức như vậy. Nam đứng một bên, nữ một bên, đồ cá nhân để qua một ô cửa hẹp, rồi bước qua hai chiếc cổng từ để vào bên trong trước khi thu dọn đồ đạc của mình lại. Không kém gì an ninh sân bay.
Nhưng sân bay Tel Aviv của Israel – một trong những sân bay có các bước kiểm tra an ninh “khủng khiếp” nhất thế giới cũng không có hai người lính đeo những khẩu súng dài quá vai như ở thánh đường.
Hàng ngày, người Hồi giáo Palestine phải vào lễ trong thánh đường của mình theo những cách như vậy. Cả người Hồi giáo và người Do Thái đều khẳng định họ có quyền đến cầu nguyện nơi đây. Trong thánh đường là nơi đặt mộ của nhà tiên tri Abraham và những người vợ Sarah, Rebecca, và Leah, cùng mộ của Joseph... Người ta tin rằng nhà tiên tri Mohammad đã thăm nơi đây trong chuyến “bay đêm” từ Mecca tới Jerusalem. Quyền kiểm soát thánh đường về tay người Do Thái một cách bất hợp pháp sau cuộc chiến năm 1967, khi Israel mở rộng lãnh thổ vào sâu các vùng đất được chia cho người Palestine trước đó.
Hebron là thành phố 6.000 năm tuổi trong lịch sử Palestine. Hebron cũng là nơi có nhiều di tích, di sản, và là nơi có cộng đồng Do Thái sống lâu đời nhất, trải qua rất nhiều đế chế, từ Byzantine, Arab, Mameluke, và Ottoman. Theo như người Do Thái giải thích, Hebron xuất phát từ từ “haver” – tức là “bạn”, chỉ Giáo trưởng Abraham, người được xem như bạn của Chúa. “Thành phố bạn của Chúa”.
Chân lý thuộc về kẻ mạnh?
Thánh đường từng chứng kiến những vụ xung đột giữa người Do Thái và người Arập khiến nhiều người thiệt mạng. Năm 1994, vào tháng thiêng Ramadan, một người định cư Do Thái cực đoan đã dùng súng bắn vào người Hồi giáo đang cầu nguyện, làm 29 người thiệt mạng và 135 người bị thương. Sau đó, thánh đường bị Israel chuyển thành điểm quân sự, chia làm đôi và biến một phần thành giáo đường Do Thái.
Ở Palestine, mọi con đường đều hướng tới Jerusalem, theo cả nghĩa vật chất lẫn tình cảm. Bạn sẽ thường xuyên bắt gặp những tấm biển ghi rõ khoảng cách từ đó đến Jerusalem. Với Hebron là 30km. Trái tim người Palestine đều hướng về Jerusalem, nơi họ gọi là “thủ đô tương lai của nhà nước tương lai”. Chỉ có điều, bây giờ, ở Hebron cũng như Jerusalem, người ta dễ dàng nhìn thấy những khẩu súng của lính Israel. Chỉ thành phố nơi Chúa giáng sinh Bethelehem hay nơi Chúa sống thời thơ ấu Nazareth hiện dưới sự kiểm soát của chính quyền Palestine mới không thấy súng ống và khá yên bình.
Đến Israel hay vào Palestine, người ở bên ngoài cũng thật khó để phân định rõ đâu là khu vực thuộc về Palestine đang bị Israel chiếm đóng, đâu là nơi người Palestine từng sống và rồi bị đuổi đi, đâu là nơi Israel được Liên hiệp quốc trao quyền kiểm soát và sinh sống, và đâu là vùng Israel tự mở rộng. Rồi đâu là khu A (do Palestine toàn quyền kiểm soát an ninh và vấn đề dân sự), B (Israel phụ trách an ninh, Palestine phụ trách dân sự), C (Israel toàn quyền kiểm soát tất cả). Đơn giản vì ở đó không có trắng đen rõ ràng, các khu vực cứ đan xen vào nhau theo thế gài răng lược. Chỉ một khu vực định cư nhỏ của người Do Thái có thể khiến rất nhiều người Arập phải bị cách ly đi lại theo con đường khác, bị đi qua điểm kiểm soát, bị mất đất đai sinh sống. Bởi vậy, trong khi người Israel khẳng định họ đang sống trên vùng đất lịch sử thuộc về tổ tiên họ, người Palestine cũng cho rằng họ đang sống nơi tổ tiên, ông cố ông sơ của họ từng sống. Và đến nay, họ bị người có vũ khí mạnh đuổi đi.
Không ai được sống yên ổn, hoà bình, và ở Trung Đông chân lý đang thuộc về kẻ mạnh như bất kỳ vùng đất nào khác. Từ một mái nhà cách thánh đường không xa, một người Palestine nói với tôi rằng, “Tất cả các hoạt động ở đây của chúng tôi đều bị Israel theo dõi”. Ông đứng thẳng lên, nhìn thẳng về phía trước và nói dứt khoát: “Các người là quân xâm lược. Hãy biến đi. Rồi các người sẽ bị đánh bại”. Ông ấy hy vọng người Israel nghe thấy điều đó. Và như một người bạn nước ngoài đã nói, xung đột ở Trung Đông không bao giờ kết thúc. Vì nếu nó kết thúc, có nghĩa là thế giới kết thúc (?).
BÀI VÀ ẢNH: SƠN CA

Không có nhận xét nào: