Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Những địa danh nhuốm màu thần thoại


Theo thần thoại Hy Lạp, Corfu là đảo tình yêu của thần biển Poseidon và con gái thần sông Korkya.
Corfu là một hòn đảo thuộc Hy Lạp, nằm giữa biển khơi Ionia. Đây là hòn đảo lớn thứ hai thuộc quần đảo Ionia ở rìa Tây Bắc của Hy Lạp. 

Cái tên Corfu có nguồn gốc từ thời kỳ Byzantine (Đông La Mã), có nghĩa là “thành phố của các đỉnh núi” và chỉ riêng cái tên ấy cũng đã nói lên địa thế trùng điệp của hòn đảo. 


Ban đầu, đảo có tên là Korkya, cái tên thể hiện rõ ràng hơn mối liên hệ mật thiết của hòn đảo với thần thoại Hy Lạp. Tương truyền Poseidon, vị thần quyền lực của biển cả, phải lòng nữ thần xinh đẹp Korkya, con gái nữ thần sông Metope và đã bắt cóc cô. Poseidon mang Korkya đến một hòn đảo hoang, lấy tên bà đặt theo tên hòn đảo và hai người có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Korkya và Poseidon có một người con là Phaiax. Đó là lý do vì sao các cư dân trên đảo còn được gọi là Phaiakes. 

Tượng thần biển Poseidon trên đảo Corfu.

Hòn đảo chứa một lịch sử lâu dài của những trận chiến và chinh phục. Chính vì vậy, du khách đến Corfu dễ dàng tìm thấy những lâu đài nằm ở khắp mọi vị trí chiến lược. Chính vì vậy, có một thời, Corfu được mệnh danh là “thành phố của các lâu đài”. 



Đến với hòn đảo thần thánh này, du khách có rất nhiều lựa chọn cho một chuyến du lịch hoàn hảo. Điểm đến đầu tiên là khu phố cổ Corfu, một trong những di sản thế giới của UNESCO. Đường phố hẹp nhưng sạch sẽ, rải rác đó đây những pháo đài, lâu đài kiểu cổ điển và xen kẽ các quán ăn, nhà hàng. 



Du khách yêu thích nghệ thuật còn có thể lựa chọn một trong rất nhiều bảo tàng đa dạng phủ khắp đảo, từ bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng khảo cổ tới bảo tàng Byzantine…

Là một hòn đảo, xung quanh Corfu có rất nhiều bãi tắm đẹp, nước xanh trong vắt, vẫy gọi khách du lịch ghé chân. Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, với những vách đá dựng đứng phủ cây xanh, những thác, ghềnh, hang động rải rác khắp nơi trên đảo. 



Ngoài truyền thuyết về thần biển Poseidon, theo thần thoại Hy Lạp, Corfu chính là nơi người anh hùng Hercules nghỉ chân và bị nàng tiên sông Naiad quyến rũ. Đây cũng được coi là nơi vị anh hùng trong sử thi Homer: Odyssey dừng chân trong hành trình chinh phục thành Troy. 


Ngọn lửa khủng khiếp của núi Etna được coi là từ chiếc lò của thần thợ rèn Hephaestus.


Trong những tấm bưu thiếp đẹp nhất về thành phố Sicily, không ai có thể quên được hình ảnh của đỉnh núi lửa Etna huyền thoại. Có người gọi nó là kỳ quan của tạo hóa bởi vẻ đẹp khôn lường. Có người lại cho rằng Etna là một con quái vật bởi mỗi đợt phun trào của nó đều kinh thiên động địa, vô cùng đáng sợ. 


Etna là ngọn núi lửa cao nhất Châu Âu, và cũng là ngọn núi lửa được nhắc đến nhiều nhất trong thần thoại Hy Lạp. Theo truyền thuyết, con quái vật khủng khiếp Typhon đã bị bắt giam dưới chân ngọn núi lửa bởi Zeus, vị thần tối cao nhất của đỉnh Olympia. Có lẽ chính từ truyền thuyết này, người ta lại càng hay gán cho Etna cái tên “Quái vật”. 


Một truyền thuyết khác lại cho rằng thần thợ rèn Hephaestus sống dưới chân núi, thường xuyên thổi lửa để rèn kim loại, gây ra những cú phun trào kinh khủng của ngọn núi. 



Chẳng biết câu chuyện huyền thoại nào là đúng, chỉ biết rằng dù Etna có hung dữ đến thế nào, hàng năm, vẫn có những người yêu thích phiêu lưu mạo hiểm tìm đến với nó. Du khách đến đây để cảm nhận sự rung chuyển âm thầm của dòng nham thạch ngay dưới chân họ, và những người can đảm hơn, áp sát ngọn núi, để chiêm ngưỡng những vụ phun trào nhỏ, một trong những cảnh tượng ấn tượng nhất hành tinh. 


Lúc Etna đẹp nhất, hoành tráng nhất là buổi bình minh khi mặt trời đỏ rực chiếu lên ngọn núi đá. Etna có sức phá hủy bạo tàn, nhưng chính nham thạch Etna cũng khiến vùng đồi núi xung quanh chân núi vô cùng màu mỡ, tạo nên nhiều vườn ô liu, vườn nho xanh bạt ngàn mãn nhãn du khách. 




Người dân Sicily luôn thể hiện sự tôn thờ, kính ngưỡng đối với Etna. Họ coi đỉnh núi này như một người mẹ khắc nghiệt bởi Etna cho họ rất nhiều: ruộng đồng, cảnh đẹp…nhưng cũng sẵn sàng tước đi mọi thứ khi nổi giận. 



Hiền Trang (TH)

Không có nhận xét nào: