Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Auschwitz giữa những bóng ma


SGTT.VN - Tôi tin rằng, nếu những nhà làm phim muốn giảm bớt mức độ nặng nề của những cái chết - không chỉ vài cái chết, mà hàng triệu - bằng các thủ pháp nghệ thuật như Roberto Benigni đã làm trong bộ phim Cuộc sống tươi đẹp, với chỉ một tiếng súng và nhân vật chính ngã xuống trong bóng tối, chắc chắn họ có lý. Sự tàn bạo của chiến tranh đôi khi không cần phải mô tả bằng máu và những xác chết, bởi chiến tranh bản thân nó đã vô cùng tàn khốc.
Một đoạn đường ray còn lại từ thời Thế chiến 2 ở trại Auschwitz – Birkenau. Người Do Thái được đưa đến và ngay lập tức được phân loại thành hai hàng, một hàng là những người có khả năng lao động (chủ yếu là đàn ông), hàng kia là những người ốm yếu, phụ nữ và trẻ em. Những người này ngay lập tức bị đưa đến phòng hơi ngạt.
Nhưng đôi khi, chỉ cần nhìn những tấm ảnh về những người lúc chụp vẫn còn sống, đi đến những vùng đất đã có biết bao người ngã xuống đôi khi không vì một lý do nào hết, lại tạo ra những cảm giác hơn cả rùng mình ớn lạnh xương sống. Sau khi bị một nỗi sợ hãi mơ hồ về cái chết xâm chiếm, ta mới hiểu rằng cuộc sống quý giá đến ngần nào. Những bài học về lịch sử, về chiến tranh, về cuộc sống và cái chết không bao giờ được quên lãng. Như bài học về Auschwitz và những cuộc thảm sát hàng loạt trong Thế chiến 2.
Viết về những cái chết thật nặng nề, dù chỉ được chứng kiến nạn nhân qua những tấm ảnh. Nhưng sự thật là thế và tôi đã trải qua cảm giác ấy khi viết những dòng này, khi những ấn tượng mạnh mẽ và day dứt sau một chuyến thăm trại tập trung Auschwitz ở phía nam Ba Lan vẫn còn tồn tại mãi, khiến tôi rùng mình.
Ngay cả khi ngắm lại những tấm ảnh đã chụp về một đường tàu hoả chạy qua chốt gác đầu tiên của trại Auschwitz II - Birkenau mà phim Cuộc sống tươi đẹp đã tái hiện trong những cảnh đắt giá nhất – đường tàu đã đưa cả triệu người Do Thái đi từ khắp các nước bị Đức phát xít chiếm đóng ở châu Âu tập trung về đây và rồi hướng họ nhanh chóng đến cái chết. Ngay cả khi đã nghĩ rằng, bây giờ, khu trại ấy thực ra không còn như trước nữa, và những gì mà mỗi năm hơn 1 triệu du khách viếng thăm trong câm lặng và sau đó, sốc, thực chất đã được co hẹp đến mức tối đa từ hai khu trại chính và 45 trại vệ tinh trải dài trên một diện tích 40km2 cách cố đô Krakow của Ba Lan 50km.
Và nữa, ngay cả khi đã tin rằng, những toà nhà (được gọi là “block”) đã chứng kiến cái chết của 1,1 triệu người đưa đến đây để bị giam cầm, tra tấn, bỏ đói, vắt kiệt sức lực trong những điều kiện sống ngặt nghèo và kinh hãi nhất, đã được dựng lại trên nền móng của những toà nhà cũ. Những bốt gác vẫn còn đó. Những dây thép gai nhọn hoắt vẫn căng ra giữa những khu ở tồi tàn và chật chội của tù nhân. Nhưng chúng không hề cũ. Chúng có vẻ như được làm lại, gần như là những ví dụ mang tính biểu tượng. Nhưng nỗi sợ hãi về những cái chết và rồi kinh tởm về tội ác của phát xít Đức trong những năm tháng Thế chiến 2 ngắn ngủi đó là thật và ám ảnh vô cùng.
Tôi sinh ra rất lâu sau cuộc Thế chiến đó, không có một chút ký ức nào về sự tàn bạo mà những con người đã cho là thượng đẳng để nô dịch và giết chóc những chủng tộc họ cho là thấp kém hơn. Tôi không sống trong thời đại đó. Nhưng tôi vẫn đi tìm kiếm những câu trả lời về những gì đã xảy ra cách đây gần một thế kỷ.
Hoa nở trên những gì còn lại của Auschwitz ngày xưa.
Ngay cả khi đã giải thích được lý do hình thành những tư tưởng giết người ấy của nước Đức quốc xã, người ta cũng rùng mình khi biết những trại tập trung đã trở thành những “nhà máy giết người hàng loạt” bởi như sử gia người Anh Laurence Rees đã viết trong cuốn Auschwitz: Quốc xã và giải pháp cuối cùng, rằng từ cuối năm 1941, chúng muốn đẩy nhanh quá trình giết chóc, ở mức nhanh nhất, nhiều nhất, “êm ả” nhất, biến những trại tập trung thành những nhà máy giết người, với những phòng hơi ngạt công suất lớn dần dần thay thế những đội hành quyết lưu động. 6 triệu người Do Thái và 5 triệu người không phải Do Thái đã chết theo cách ấy. Cái chết choán hết tất cả, phủ một bầu không khí ngột ngạt lên những căn phòng lạnh lẽo của Auschwitz ngay cả khi chiến tranh đã lùi xa 70 năm và vùng đất này giờ là một vùng công nghiệp lớn của Ba Lan.
Tồn tại qua chiến tranh ở Auschwitz là một điều thần kỳ, và nếu tình yêu có thể nảy nở trong hoàn cảnh tàn khốc ấy thì còn hơn là những phép màu. Tình yêu của cha con và vợ chồng nhân vật chính Guido Orefice trong Cuộc sống tươi đẹp là phim ảnh và đã được hư cấu. Nhưng không thiếu những câu chuyện không tên như thế đã xảy ra mà chúng ta không biết đến vì hầu hết trong số họ đã chết vì đói, rét, tra tấn, cầm tù hoặc lò hơi ngạt.
Những ai còn sống đều có thể kể những câu chuyện hiếm hoi của riêng mình. Như câu chuyện tình nảy nở giữa cô gái Do Thái quốc tịch Slovakia Helena Citronova với sĩ quan SS Franz Wunsch. Tình yêu ấy đã giúp cô sống qua cuộc chiến nhưng cuộc chiến cuối cùng lại giết chết Wunsch khi ông ta bị điều ra mặt trận. Ở Auschwitz, không có dấu hiệu hay biểu tượng nào ghi lại những câu chuyện tình như của Citronova ấy. Chúng quá ít hoặc có thể đơn giản là không thể đếm được, vì đi kèm với cái chết rình rập là tình yêu cuộc sống và ý chí khát khao tự do mãnh liệt, mà chỉ súng đạn và Zyklon B (chất hoá học được ném vào các lò hơi ngạt để nạn nhân chết nhanh chóng) mới tiêu diệt được họ về mặt thể xác.
Cổng chào có dòng chữ “Lao động giải phóng con người” của trại Auschwitz.
Bao nhiêu năm rồi, hàng triệu người đến Ba Lan và thăm những chứng tích về sự diệt chủng Do Thái nói chung và sự tàn bạo của chủ nghĩa phát xít như Auschwitz vẫn cảm thấy rùng mình ghê rợn trước những gì họ đã chứng kiến. Phải, người ta không đến Auschwitz, đi qua cổng có dòng chữ “Arbeit macht frei” (Lao động giải phóng con người) để tham quan. Không ai hứng thú với việc đến xem nơi của người đã chết để giải trí. Họ đến Auschwitz để học những bài học của lịch sử được thể hiện một cách sống động và không hề tô vẽ, lãng mạn hoá hay bi kịch hoá về những số phận con người như trên phim ảnh. Đơn giản, bởi bi kịch ở đây đã quá nặng nề rồi, trên từng mét vuông đất, từng tấm ảnh tù nhân lúc mới nhập trại (lúc đầu, họ còn được chụp. Những năm sau đó, việc đó được cho là không cần thiết nữa. Đến trại bằng tàu hoả trên những toa tàu chở súc vật, họ xuống ga, và hầu hết ngay tức khắc đưa đến phòng hơi ngạt).
Những gương mặt trong các tấm ảnh đen trắng với những dòng tên bên dưới mà ta đọc một lần rồi quên ngay đang nhìn chúng ta hoặc vô cảm, hoặc sợ hãi, hoặc chấp nhận số phận, hoặc lo lắng vì không biết điều gì sẽ đến với họ sau khoảnh khắc cô đọng ấy của nhiếp ảnh. Tất cả đều đã chết. Ngay cả xương cốt của họ cũng không còn lại. Nhưng những mớ tóc của họ chất đầy những căn phòng được ngăn với thế giới bên ngoài bởi một tấm kính lớn. Hàng vạn chiếc kính còn nguyên đó. Những đôi giày của người lớn và trẻ em chất cao như núi. Những bàn cạo râu, những chiếc xe nôi câm lặng và cả chân giả vẫn như mới vừa được lấy ra ngày hôm qua.
Auschwitz là một bản trường ca ghê rợn về những số phận con người đã tan biến thành tro bụi trong chốc lát để rồi sống mãi ngàn thu trong những trang sách sử, những tư liệu cũ kỹ, những con số ước lượng không thống nhất giữa các nhà sử học và rồi qua năm tháng, tồn tại như một cái tên gây nhức nhối với lương tri và trái tim của cả nhân loại.
Trong những năm tháng lang thang ở châu Âu, xe tôi đã ghé qua Braunau-am-Inn, thành phố nhỏ nằm trên con sông Inn ngăn cách Đức và Áo bằng một cây cầu. Ở cái nơi nhỏ bé giáp ranh hai quốc gia ấy, Adolf Hitler đã được sinh ra trong một ngôi nhà màu trắng ngay gần trung tâm của thành phố. Cha đẻ của chủ nghĩa phát xít đã sống ở đấy ba năm đầu đời, trước khi theo cha mẹ đến sống ở Linz và sau đó không bao giờ quay trở lại.
Một trong những khu trại của Auschwitz.
Bây giờ, bao năm đã qua kể từ ngày ấy, cũng như kể từ khi những tiếng súng cuối cùng của Thế chiến 2 ngừng vang, không ai ở đây còn muốn nhắc đến cái họ ấy nữa, coi như đấy là một vết nhơ trong lịch sử của cả vùng đất. Nhưng phía dưới cửa sổ căn nhà ấy, có một tấm bia đá lớn được lấy từ chính những bức tường trại giam của trại tập trung Mauthausen, vốn cách Linz không xa, luôn nhắc nhở những người còn sống về những gì đã qua dưới thời phát xít và hiểm hoạ của chúng. Tảng đá khắc dòng chữ: “Hàng triệu người đã chết nhắc nhở chúng ta: Vì hoà bình, tự do và dân chủ, đừng bao giờ để chủ nghĩa phát xít sống lại”.
Bây giờ, Auschwitz chỉ còn là cái tên ghi ở phía bên ngoài khu trại tập trung 1 và 2, những tấm biển chỉ đường đến bảo tàng chứng tích tội ác của phát xít Đức, những cuốn sách và cuốn phim tư liệu về một thời đau đớn nhất của nhân loại và trong ký ức của những người còn sống sót từ thời kỳ ấy, nay ngày càng già và rồi dần chết đi.
Vùng đất ấy giờ đã trở lại tên vốn có của nó bằng tiếng Ba Lan, Oswiecim, đã sống và sống lại mạnh mẽ trên tro tàn của chiến tranh và tro than của hàng triệu người đã chết tại đó, với những linh hồn vẫn chưa ngủ yên và đòi công lý. Mỗi thế hệ qua đi sẽ lại học được một bài học nào đó từ những bi kịch nặng nề ấy. Dù bài học là thế nào đi chăng nữa, thì Auschwitz và những số phận con người đã ngã xuống vì chiến tranh ngày đó sẽ không bao giờ được phép bị lãng quên.
Chân tay giả, tóc, kính và giày của người Do Thái bị tháo ra trước khi đưa vào phòng hơi ngạt, nơi họ sẽ chết rất nhanh sau đó. Hầu hết những người đến đây đều nghe nói rằng, họ sẽ được tắm tẩy trùng sau chuyến đi dài đến trại bằng tàu hoả.
Phòng hơi ngạt và lò thiêu người số 1 ở trại Auschwitz. Trong các năm 1943 và 1944, các phòng hơi ngạt và lò thiêu người ở Auschwitz hoạt động với công suất kinh khủng: tính đến mùa xuân 1944, trung bình mỗi ngày, có 8.000 người bị giết theo cách này.
Một khu trại ở của tù nhân. Trong diện tích nhỏ hẹp chưa đầy 40m2 và điều kiện vệ sinh cực kỳ nghèo nàn này, phát
xít Đức "nhồi" 400 tù nhân.
BÀI VÀ ẢNH: ANH NGỌC
Nước Đức phát xít phát triển một ý thức hệ lệch lạc và siêu phân biệt giống nòi trên cơ sở coi họ là “thượng đẳng” để từ đó xây dựng những học thuyết “Giải pháp cuối cùng cho vấn đề người Do Thái”, bằng cách giết chết họ càng nhiều càng tốt, dẫn đến thảm hoạ diệt chủng người Do Thái làm 6 triệu người chết, chiếm 2/3 tổng số dân chủng tộc này ở châu Âu, chỉ trong mấy năm chiến tranh.
Sự phát triển ý thức hệ từ việc coi mình là thượng đẳng buộc phải đồng nghĩa với việc cùng lúc đưa ra những quyết định bệnh hoạn và không còn tính người: cùng với tàn sát người Do Thái là việc tiêu diệt không thương xót những người tàn tật, người Digan, người đồng tính luyến ái… trong những chiến dịch bắn giết trải dài khắp những vùng đất mà chúng đi qua.
Sự phát triển của một ý thức hệ bắt nguồn từ những lý thuyết về người Aryan bài Do Thái từ cuối thế kỷ 19 đã dẫn đến những cuộc chém giết ấy, và Auschwitz, nơi 1,3 triệu người được đưa đến trong những năm 1940 (trong đó có 1,1 triệu người Do Thái) thì 1,1 triệu người vĩnh viễn không bao giờ trở lại (200.000 trong số đó là trẻ em), chính là biểu tượng mạnh mẽ nhất của những gì con người có thể làm với chính con người trong thời chiến, hành hạ, giết chóc và chà đạp lên các dân tộc và chủng tộc.

Không có nhận xét nào: